Ngấy hương: Khám phá lợi ích tiềm năng từ thực vật
Nội dung bài viết
Dù đã được sử dụng trong điều trị bệnh từ lâu trong phạm vi nhân dân. Nhưng ngấy hương vẫn còn là vị thuốc mới lạ đối với nhiều người. Với tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, bổ ngũ tạng, ích tinh khí, giảm tình trạng phù thũng… Vị thuốc mang đến nhiều tiềm năng lợi ích cho sức khỏe. Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai khám phá những lợi ích bất ngờ và cách sử dụng dược liệu ngấy hương nhé.
Tổng quan về thực vật Ngấy hương
Thông tin chung
Ngấy hương (danh pháp khoa học: Rubus cochinchinensis Tratt.) là thực vật thuộc chi Rubus L., họ Hoa hồng (Rosaceae). Theo tài liệu, Rubus là chi lớn, gồm đa dạng loài phân bố khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Đây được xem là loài đặc hữu của vùng Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), có thể có ở Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, nguồn Ngấy hương khá dồi dào với khoảng 50 loài, phân bố hầu hết ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du, đôi khi ở đồng bằng.1 Với các tên gọi khác nhau như ngấy, ngấy hương, đùm đũm, đũm hương, ngũ gia bì hương…1 2
Cần phân biệt Ngấy hương (Rubus cochinchinensis) với một số thực vật cùng chi khác. Có thể kể đến như mâm xôi (Rubus alceaefolius Poir.)…2
Đặc điểm sinh trưởng1
Loài cây này thuộc thực vật có thể thích nghi trên đa dạng loại đất, mọc ở ven rừng, nương rẫy.
Sinh trưởng và phát triển gần như quanh năm, ra hoa quả nhiều (mùa hoa quả tháng 5-7).
Dù bị chặt phá, nhưng vẫn có thể tái sinh bằng chồi mạnh mẽ.
Quả chín thường là thức ăn của các loài động vật gặm nhấm, chim. Sau đó, chúng sẽ theo phân của các động vật này mà phát tán khắp nơi.
Mô tả thực vật1
Cây nhỏ, dạng bụi, thường sống dựa vào thực vật khác hay bờ rào…Cả phần thân, cành non đều có lông và gai cong.
Lá dạng kép, chân vịt, mọc so le với nhau, gồm 5 lá chét. Phiến lá gần ngọn thường có 3 lá chét, hình mác với gốc thuôn và đầu nhọn, mép khía răng. Mặt dưới lá phủ lông mịn màu trắng ngà hoặc vàng xỉn. Cuống lá dài 3-6cm, có lông và gai nhỏ còn lá kèm đã rụng từ sớm.
Cụm hoa mọc ở chỗ kẽ lá gần ngọn, tạo thành từng chùm và chùy. Sắc hoa màu trắng, đài có 5 răng nhỏ, phủ lông ở mép và mặt trong. Tràng hoa có 5 cánh mỏng, ngắn hơn đài, nhị xếp thành nhiều lớp và chỉ nhị dẹt.
Quả có dạng kép, hình trứng hoặc hình cầu, có đài tồn tại. Gồm nhiều quả hạch con bên trong, khi chín màu đỏ hay đen nhạt, ăn được.
Bộ phận dùng làm thuốc
Hầu hết các bộ phận của Ngấy hương đều được ứng dụng trong trị liệu như thân lá thu hái quanh năm hoặc quả.1 (Thân, lá, quả – Caulis, Folium et Fructus Rubus Cochinchinensis.)
Thành phần hóa học
Nghiên cứu về thành phần hóa học của Ngấy hương còn khá hạn chế, sơ bộ có thành phần tannin.2
Lợi ích của Ngấy hương đối với sức khỏe
Tác động đến protein huyết1
Trong thí nghiệm dùng cao nước quả Ngấy hương cho chuột nhắt trắng uống trong nhiều ngày, kết hợp với chế độ ăn thiếu protein. Cho kết quả thu được: Hàm lượng protein toàn phần và albumin tăng so với nhóm đối chứng (không dùng thuốc). Điều này được lý giải có thể bởi Ngấy hương làm giảm quá trình dị hóa hoặc làm tăng sự đồng hóa protein. Tuy nhiên, nghiên cứu thực nghiệm về tác động này trên người của Ngấy hương vẫn còn khá hạn chế.
Ngấy hương trong y học cổ truyền1
Theo đông y, Ngấy hương là vị thuốc có vị chua, hơi ngọt, tính bình, mùi thơm nhẹ, quy kinh Tỳ và Thận. Công dụng đa dạng như hỗ trợ tiêu hóa (ăn không tiêu, đầy bụng, buồn nôn, vàng da,…), bổ ngũ tạng, ích tinh khí, tiêu phù thũng, giải độc,…
- Phần quả: Ăn ngon và bổ dưỡng.
- Phần thân lá: Phơi khô, thái nhỏ, sao thơm, sắc uống như uống chè. Ngoài ra, nếu đem phần thân lá không sao thơm đi sắc uống có thể giải nhiệt và phối hợp với các vị thuốc khác trong điều trị tiểu buốt, tiểu vàng…
Xem thêm: Cây Hàm ếch: Công dụng, cách dùng và một số bài thuốc Đông y
Lưu ý khi sử dụng dược liệu Ngấy hương
Vị thuốc mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân với liều dùng hằng ngày:
- 6-12g quả.1
- Hoặc 15-30g thân lá phơi khô chia làm 2-3 lần uống trước bữa cơm chính.1 2
Bên cạnh đó, một số đối tượng có cơ địa nhạy cảm cũng cần nên cân nhắc trước khi sử dụng. Bởi các báo cáo dữ liệu về tác động của Ngấy hương trên các trường hợp này vẫn chưa đầy đủ. Một số đối tượng có thể kể đến như phụ nữ có thai, người có tiền sử dị ứng, trẻ nhỏ, người suy kiệt nặng, tình trạng cấp cứu…
Một số bài thuốc sử dụng Ngấy hương
Các bài thuốc dưới đây tham khảo từ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”. Trong thực tế, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên môn đối với tình trạng bệnh lý.
Hỗ trợ giảm tình trạng phù thũng
Chuẩn bị:
- Ngấy hương 20g.
- Rễ cỏ tranh 10g.
- Cỏ mần trầu 10g.
Thực hiện: Đem tất cả vị thuốc thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày.1
Giảm nôn, gai lạnh, cảm, ăn không tiêu
Chuẩn bị lá Ngấy hương phơi khô 40-50g sắc uống, có thể thêm 3g gừng sống và 20g lá sả.1
Giảm tóc khô, gãy rụng
Sử dụng phần quả Ngấy hương tươi, đem ép lấy chất dịch, rồi bôi vào chân tóc hàng ngày.1
Hỗ trợ trị vàng da
Chuẩn bị
- Ngấy hương 20g.
- Lá vằng 10g.
Thực hiện: Đem 2 vị thuốc phơi khô rồi tán nhỏ, sắc uống trong 7-10 ngày.1
Hỗ trợ vấn đề viêm gan, đau gan
Chuẩn bị:
- Ngấy hương 30g.
- Khúc khắc 20g.
- Đảng sâm 20g.
- Rau má 20g.
- Râu ngô 20g.
- Vỏ Núc nác 15g.
- Lá chanh 5g.
- Nếu có triệu chứng sốt kèm theo thì thêm 20g Kim ngân.
Thực hiện: Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Đối với trường hợp là trẻ em nên được hướng dẫn kỹ càng từ thầy thuốc, với liều dùng bằng 1/3 – 2/3 người lớn, tùy vào độ tuổi.1
Xem thêm: Cỏ may: Thực hư vị thuốc chữa viêm gan
Dù hiện nay, các nghiên cứu khoa học về lợi ích của thực vật Ngấy hương còn chưa đa dạng. Nhưng đa số ý kiến đều đồng tình về những tiềm năng tích cực của chúng đối với sức khỏe. Hi vọng trong tương lai, vị thuốc này sẽ được nghiên cứu, khai thác và ứng dụng sâu rộng hơn trong điều trị bệnh cũng như trong cuộc sống. Vì thế, để phát huy hết các giá trị và hạn chế rủi ro, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Phần 1, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, trang 375-376.
- Đỗ Tất Lợi (2006), Phần 2, Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam, Nhà xuất bản Y học, trang 395.