YouMed

Nghẹt mũi: Nguyên nhân do đâu? Khi nào cần đi khám?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Nghẹt mũi là một triệu chứng rất thường gặp mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Tùy vào mức độ nghẹt mũi nhẹ hay nặng mà nó ảnh hưởng ít hay nhiều tới sinh hoạt hàng ngày. Khi nghẹt mũi nhẹ chúng ta có thể chịu được và bỏ qua. Nhưng khi tình trạng nghẹt nặng hơn khiến chúng ta luôn cảm thấy khó chịu, có thể ảnh hưởng đến cả công việc lẫn giấc ngủ.

Nghẹt mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và một vài nguyên nhân phải điều trị phù hợp thì mới có thể làm giảm nghẹt mũi.

1. Tại sao chúng ta cảm thấy nghẹt mũi?

Nghẹt mũi được dùng để chỉ sự tắc nghẽn dòng không khí hít vào qua mũi, gây ra cảm giác thiếu lượng không khí cần thiết để hô hấp. Nghẹt mũi có thể là sinh lý (bình thường) hay là biểu hiện của một bệnh lý ở mũi, ví dụ như viêm xoang.

Mũi chúng ta được lót bởi niêm mạc chứa các mạch máu và hệ thống xương, sụn nâng đỡ. Khi lớp niêm mạc này bị viêm do dị ứng hoặc nhiễm trùng, chúng sưng lên làm hẹp đường vào của dòng không khí. Đây là lý do thường gặp nhất gây ra nghẹt mũi. Lý do ít gặp hơn là bất thường về cấu trúc của phần xương và sụn cản trở việc hít vào. Nhóm nguyên nhân này thường gặp nhất là vẹo vách ngăn mũi.

>> Xem thêm: Nghẹt mũi: Nguyên nhân và 7 cách chữa tại nhà nhanh nhất

Vì những lý do trên nên mức độ nghẹt mũi có thể khác nhau tùy từng người. Nghẹt mũi đôi khi đi kèm với những bệnh lý khác như hen suyễn hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Nghẹt mũi là triệu chứng rất thường gặp

2. Khi nào cần đi khám?

Nghẹt mũi có thể ở mức độ nhẹ và thoáng qua. Những trường hợp này có thể do sinh lý của mũi hoặc viêm nhiễm nhẹ niêm mạc mũi. Ngược lại, nếu nghẹt mũi kéo dài và dai dẳng thì bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân.

Nghẹt mũi nếu do bất thường cấu trúc thì cần phải phẫu thuật mới có thể cải thiện. Đôi khi nghẹt mũi có thể là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm như khối u trong mũi.

Cơ thể vốn thích nghi với việc thở qua mũi. Khi con đường này bị tắc nghẽn, chúng ta phải thở qua miệng. Điều này tạo nên một áp lực âm phía sau khẩu cái mềm và lưỡi gà, gây nên tình trạng ngủ ngáy. Ngoài ra việc hít thở không hiệu quả ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Khi kéo dài sẽ dẫn tới thiếu ngủ, mệt mỏi, giảm năng suất lao động và ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống.

Đặc biệt ở trẻ em, nghẹt mũi ảnh hưởng tới giấc ngủ, khả năng ăn uống, khả năng tập trung học tập. Nặng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Hình 2: Nghẹt mũi nặng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em
Hình 2: Nghẹt mũi nặng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em

3. Nghẹt mũi được chẩn đoán như thế nào?

Đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi bạn về đặc điểm của nghẹt mũi. Do đó chúng ta nên chú ý tới những điều như nghẹt mũi bắt đầu từ từ hay đột ngột, một bên hay hai bên, liên tục hay từng đợt…

Các bệnh lý di truyền hay dị ứng của bản thân và gia đình cũng được chú ý, đặc biệt về vấn đề dị ứng.

Bác sĩ sẽ khám bằng banh mũi hoặc nội soi mũi xoang để đánh giá nghẹt mũi và tìm nguyên nhân.

Các xét nghiệm khác được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân nào đó. Chụp CT-scan vùng mũi xoang thường được thực hiện .

4. Các nguyên nhân gây nghẹt mũi thường gặp

Nghẹt mũi có thể gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân nào làm kích thích hoặc gây viêm ở mũi. Các nguyên nhân thường gặp nhất là viêm nhiễm (ví dụ như cảm cúm hay viêm xoang) và dị ứng.

Đôi khi nghẹt mũi và sổ mũi có thể gây ra bởi các chất trong môi trường như khói thuốc lá hay khói bụi xe cộ. Tình trạng này được gọi là viêm mũi không do dị ứng. Nguyên nhân ít phổ biến hơn có thể gây nghẹt mũi là khối u.

Nghẹt mũi có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Thường là trong 3 tháng đầu thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất). Nguyên nhân gây ra điều này là do sự thay đổi hóc môn và tăng lượng máu cung cấp của cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai. Những thay đổi này còn có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, khiến nó viêm phù nề và dễ gây chảy máu mũi (chảy máu cam).

Nghẹt mũi thường gặp trong cảm lạnh
Nghẹt mũi thường gặp trong cảm lạnh

Các nguyên nhân gây nghẹt mũi liên quan tới niêm mạc như:

  • Viêm mũi xoang.
  • Viêm mũi dị ứng.
  • Kích thích từ môi trường như bụi, khói thuốc lá, không khí hanh khô.
  • Cảm cúm.
  • Thuốc, ví dụ như những thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, rối loạn cương dương, trầm cảm, co giật hay những tình trạng bệnh lý khác.
  • Thai kỳ gây thay đổi hormone.

Các nguyên nhân gây nghẹt mũi liên quan tới cấu trúc như:

  • Vẹo vách ngăn.
  • Cuốn mũi phì đại.
  • Polyp mũi.
  • VA lớn (thường gặp ở trẻ em).
  • Khối u hoặc nang hốc mũi.
  • Hẹp mũi sau.
  • Dị vật mũi bỏ quên (thường gặp ở trẻ em)

Vẹo vách ngăn

Vách ngăn của mũi là một cấu trúc ngăn giữa hai lỗ mũi. Cấu tạo vách ngăn gồm sụn và xương được phủ bởi niêm mạc. Vẹo vách ngăn là tình trạng vách này bị lệch qua một bên. Nguyên nhân thường là bẩm sinh và chấn thương.

Điều thú vị là phần lớn chúng ta đều có hiện tượng này, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu ở mức độ nặng, nó có thể gây tắc nghẽn một bên mũi, ngăn cản dòng khí đi vào gây nghẹt mũi. Ngoài ra người bệnh cũng có thể chảy máu mũi, đau đầu, ngủ ngáy.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn. Phẫu thuật có thể được thực hiện quan nội soi hoặc mổ mở. Nguy cơ sau mổ bao gồm chảy máu, biến đổi hình dạng mũi như sụp mũi, thủng vách ngăn. Tuy nhiên với các bác sĩ có kinh nghiệm thì những nguy cơ này tương đối thấp.

Vẹo vách ngăn mũi

Phì đại cuốn mũi

Cuốn mũi là những cấu trúc dạng xương có niêm mạc phủ lên nằm về phía mặt bên hốc mũi. Mỗi người có ba cuốn mũi trên, giữa, dưới ở mỗi bên mũi. Một số người có thêm cuốn mũi trên cùng. Cuốn mũi là một cấu trúc quan trọng vì nó giúp làm ấm, làm ẩm không khí và góp phần lọc bụi.

Tuy nhiên cuốn mũi có thể lớn bất thường, cản trở hô hấp. Lúc đó chúng được gọi là phì đại cuốn mũi. Tình trạng này phần lớn do niêm mạc cuốn mũi bị viêm bởi dị ứng hoặc các chất kích thích. Bên cạnh đó có thể gặp bất thường về cấu trúc phần xương. Cuốn mũi dưới và giữa là vị trí thường bị phì đại. Bên cạnh nghẹt mũi người bệnh còn có thể thấy thay đổi khứu giác, cảm giác nặng đầu, đau ở mặt, chảy mũi hay ngủ ngáy.

Việc điều trị sẽ bắt đầu với các thuốc kháng viêm và chống dị ứng. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn có thể cần phẫu thuật để thu nhỏ kích thước cuốn mũi.

Hình 6: Phì đại cuốn mũi dưới
Phì đại cuốn mũi dưới

Viêm mũi xoang

Đây là tình trạng viêm niêm mạc của mũi và các xoang cạnh mũi. Dựa vào thời gian các triệu chứng tồn tại mà bệnh được chia thành nhiều loại. Phân loại thường dùng là cấp tính (dưới 4 tuần), bán cấp (từ 4 tới 12 tuần), mạn tính (trên 12 tuần) hay thể tái phát (hơn 4 đợt trong 1 năm).

Bệnh liên quan tới dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc bất trường các cấu trúc trong mũi. Ngoài nghẹt mũi, các triệu chứng khác có thể gặp như cảm giác sưng đau vùng mặt, giảm ngửi mùi, chảy mũi, đau tai, đau răng, hơi thở hôi…

Điều trị bắt đầu với các thuốc kháng sinh, kháng viêm, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Phẫu thuật qua nội soi được cân nhắc nếu tình trạng không cái thiện.

Polyp mũi

Là một bệnh lý của niêm mạc mũi và xoang cạnh mũi. Biểu hiện là một khối mềm, không đau do tình trạng viêm niêm mạc mũi kéo dài. Bệnh thường gặp ở người lớn độ tuổi 40-60. Nguyên nhân sinh bệnh chưa được hiểu đầy đủ. Mặc dù vậy một số người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh như hen suyễn, dị ứng aspirin, viêm mũi dị ứng, bệnh xơ nang, thiếu vitamin D

Một số nghiên cứu còn cho thấy bệnh liên quan tới bất thường miễn dịch di truyền. Biểu hiện điển hình của bệnh là tình trạng nghẹt mũi tăng dần hai bên, kèm theo mất mùi và chảy mũi kéo dài. CT scan nên được sử dụng để phân biệt với các u ác tính vùng mũi xoang.

Điều trị thường kết hợp cả nội khoa và ngoại khoa. Thuốc được sử dụng chủ yếu là kháng viêm steroid xịt hoặc nhỏ mũi. Sau đó có thể phẫu thuật cắt polyp qua nội soi, đồng thời giải quyết các bất thường cấu trúc nếu có.

Polyp mũi
Polyp mũi là một khối mềm, nhạt màu, không đau có thể thấy ngay ở cửa mũi

VA phì đại

VA là một cấu trúc mô lympho nằm ở vòm họng, ngay cửa mũi sau. Đây là một thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch của trẻ em. Viêm VA là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Khi có viêm nhiễm đường hô hấp, VA có thể lớn lên gây cho trẻ cảm giác nghẹt mũi. Việc nhận biết nghẹt mũi ở trẻ đôi khi không dễ do trẻ có thể không nói ra. Do đó chúng ta phải chú ý tới các triệu chứng như: trẻ thường xuyên thở bằng miệng, ngủ ngáy, chảy mũi, khó ngủ,…VA phì đại có thể dẫn tới các hậu quả khác. Thông thường là tạo điều kiện cho nhiễm trùng ở tai, cản trở sự phát triển bình thường của trẻ hoặc ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày của trẻ do việc thiếu ngủ gây ra. Do đó trẻ cần được chú ý để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

Phẫu thuật nạo VA được sử dụng để loại bỏ VA phì đại. Đây là một phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng, tiến hành nhanh gọn, ít tai biến.

VA phì đại
VA phì đại là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi

Tóm lại 

Nghẹt mũi là triệu chứng gây khó chịu thường gặp. Nghẹt mũi thường đi kèm với các triệu chứng khác như sưng đau mặt, chảy mũi, chảy máu mũi, giảm ngửi…Không chỉ ảnh hưởng hô hấp, nghẹt mũi nặng còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt khác trong cuộc sống.

Nguyên nhân nghẹt mũi phần lớn là lành tính. Trong đó viêm niêm mạc mũi do nhiễm trùng hay dị ứng thường gặp nhất. Ngoài ra còn có các nguyên nhân do bất thường cấu trúc như vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi. Tuy nhiên không loại trừ đây là biểu hiện của một khối u hốc mũi.

Việc chẩn đoán phần lớn dựa vào khám bệnh và CT scan. Điều trị là sự kết hợp giữa thuốc và phẫu thuật nội soi ít xâm lấn. Do đó nếu tình trạng này kéo dài, gây nhiều khó chịu thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều sớm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. ABC of Ear, Nose and Throat. Nasal Obstruction.

  2. Nasal Obstruction

    https://fortworthent.net/ear-nose-throat/snoring-obstructive-sleep-apnea-osa/nasal-obstruction/

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

  3. What Can Cause Nasal Obstruction and How is it treated?https://www.epainassist.com/face-mouth-throat/what-can-cause-nasal-obstruction-and-how-is-it-treated

    Ngày tham khảo: 23/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người