Nghẹt mũi ở trẻ nhỏ
Nội dung bài viết
Nghẹt mũi là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Nghẹt mũi ở trẻ nhỏ thường không có gì nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể gây ra nhiều khó chịu, khiến cho trẻ thở ồn ào hay thở nhanh. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về vấn đề nghẹt mũi ở trẻ nhỏ qua bài viết sau đây nhé!
Trẻ nhỏ có thể bị nghẹt mũi, tạo ra các âm thanh ồn ào đôi khi khó phân biệt là do tắc nghẽn ở mũi hay ở ngực. Tắc nghẽn ở mũi được nghĩ đến nhiều hơn nếu trẻ vẫn chơi giỡn và ăn uống bình thường. Ba mẹ có thể giúp trẻ giảm nghẹt mũi bằng cách sử dụng loại bóng cao su hút mũi để loại bỏ nhầy nhớt trong mũi. Một số cách khác như sử dụng máy tạo độ ẩm và nhỏ nước muối sinh lý cũng có thể giúp làm dịu khó chịu cho trẻ.
Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về nghẹt mũi ở trẻ nhỏ. Bạn sẽ biết được nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và khi nào cần gặp bác sĩ.
1. Nguyên nhân nghẹt mũi ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ có thể bị nghẹt mũi nếu hít phải khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, vi-rút và các tác nhân kích thích khác. Cơ thể của trẻ sẽ tiết ra nhiều chất nhầy trong mũi và đường thở để bắt giữ và loại bỏ các tác nhân này.
Tiếp xúc với không khí khô và một số điều kiện thời tiết cũng có thể kích thích tiết ra nhiều chất nhầy và gây nghẹt mũi.
Trẻ nhỏ dễ bị nghẹt mũi hơn trẻ lớn vì lỗ mũi và đường thở nhỏ và chưa phát triển. Ngoài ra, việc nghẹt mũi có thể xảy ra trong lúc ngủ gây nhiều khó chịu, xem thêm tại: Nghẹt mũi khi ngủ và những điều cần biết
Các nguyên nhân có thể gây nghẹt mũi ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Hít thở không khí khô hoặc bị ô nhiễm.
- Do thay đổi thời tiết
- Trẻ bị nhiễm virus, chẳng hạn như bị cảm lạnh
- Vẹo vách ngăn
- Dị ứng với một số thành phần như phấn, mùi hương,…
Chú ý rằng tiếng nghẹt mũi có thể nhầm lẫn với khò khè do tắc nghẽn ở ngực. Tình trạng này thường do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Hen suyễn
- Cúm
- Viêm phổi
- Viêm tiểu phế quản
- Thở nhanh thoáng qua, thường xảy ra ở ngày thứ nhất hoặc thứ hai sau khi sinh
2. Nghẹt mũi ở trẻ nhỏ biểu hiện như thế nào?
Ở trẻ nhỏ, tắc nghẽn ở mũi có thể khó phân biệt với tắc nghẽn ở ngực. Lí do là vì trẻ còn nhỏ và các vị trí trên đường thở không quá xa nhau.
Nếu trẻ chảy nước mũi và có nhầy nhớt trong mũi thì nhiều khả năng là trẻ thực sự bị nghẹt mũi. Trẻ nhỏ có khi phát ra âm thanh như bị nghẹt mũi, chẳng hạn như khi hít không khí khô, mà không phải đang bị bệnh.
Cần phân biệt với tình trạng tắc nghẽn ở ngực. Tình trạng này thường xuất hiện khi có một bệnh lý hô hấp nào đó. Nếu trẻ vẫn còn chơi giỡn, ăn uống và ngủ tốt, và không có sốt – thì nhiều khả năng là tình trạng chưa nghiêm trọng. Dưới đây là bảng so sánh các triệu chứng giữa 2 bệnh lý trên:
Nghẹt mũi | Tắc nghẽn ở ngực |
Thở ồn ào | Thở nhanh, khò khè |
Ngủ ngáy | Thở mệt |
Gặp khó khăn khi cho ăn | Ho |
Ho | Kén ăn |
Chảy nước mũi, sụt sịt |
3. Bạn có thể làm gì để giúp trẻ nhỏ bị nghẹt mũi?
Ba mẹ có thể giúp trẻ giảm nghẹt mũi bằng cách sử dụng bóng hút mũi hay các dụng cụ hút mũi. Đó là các bóng cao su mềm có thể hút nhầy nhớt ra khỏi mũi.
Mọi người có thể tìm thấy các bóng hút mũi ở các nhà thuốc hoặc có thể mua online.
Ba mẹ có thể thực hiện các bước sau để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn:
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm có thể giúp mũi thở thông hơn và làm cho trẻ ít chú ý đến nghẹt mũi hơn.
- Nhỏ một hay hai giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi của trẻ.
- Cung cấp độ ẩm cho không khí, chẳng hạn như dùng máy tạo ẩm.
- Xoa bóp nhẹ nhàng sống mũi, trán, thái dương và gò má của trẻ.
- Loại bỏ các tác nhân có thể gây dị ứng hay ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách hút bụi, hút lông thú sạch sẽ, không hút thuốc lá, tránh đốt nến.
- Dùng dụng cụ hút mũi hút nhẹ nhàng để làm thông mũi, đặc biệt là trước khi ăn.
- Lau sạch nhầy nhớt bằng khăn giấy hay vải khô, mềm.
Ba mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc cảm cúm. Nếu tình trạng nghẹt mũi nặng hay có các dấu hiệu nghi ngờ khác thì ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Phần lớn trường hợp nghẹt mũi ở trẻ nhỏ là nhẹ và sẽ tự hết trong vài ngày. Ba mẹ nên đi tư vấn bác sĩ nếu nghẹt mũi của trẻ là nặng và kéo dài, đặc biệt nếu nó ảnh hưởng đến khả năng hít thở của trẻ.
Cần đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh lý hô hấp như:
- Nhịp thở nhanh trên 60 lần một phút, ảnh hưởng đến ăn uống và giấc ngủ
- thở nhanh hay khó thở khiến cho trẻ ăn kém.
- Cánh mũi phập phồng, đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp khó khăn để hít không khí vào.
- Lồng ngực trẻ bị co kéo khi thở.
- Rên rỉ sau mỗi nhịp thở.
- Màu sắc da tím tái, đặc biệt ở quanh môi hay lỗ mũi.
Nghẹt mũi là thường gặp ở trẻ nhỏ và phần lớn chỉ kéo dài vài ngày. Nếu ba mẹ lo lắng, nghi ngờ về khả năng hít thở của trẻ thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể chẩn đoán được vấn đề và đưa ra điều trị hợp lý cho trẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Long.
Xem thêm bài viết liên quan:
>>> Nghẹt mũi: Nguyên nhân do đâu? Khi nào cần đi khám?
>>> Nghẹt mũi: Nguyên nhân và 7 cách chữa tại nhà nhanh nhất
>>> Thuốc Otrivin® (xylometazoline): Cách sử dụng giúp giảm nghẹt mũi nhanh chóng
>>>> Thuốc chống nghẹt mũi, lạm dụng thuốc và những tác dụng phụ nguy hiểm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.medicalnewstoday.com/articles/325561#summary
https://www.webmd.com/children/features/help-child-stuffy-nose#1
https://medlineplus.gov/ency/article/003051.htm