“Ngủ nhiều có tăng cân không?” và lời giải đáp từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Một giấc ngủ sâu và chất lượng có thể giúp bạn có được làn da đẹp, cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Giấc ngủ quan trọng đối với mọi hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ngủ quá nhiều sẽ dẫn đến có hại cho cơ thể. Vậy ngủ nhiều có tăng cân không? Mời bạn cùng Bác sĩ chuyên khoa Nội Tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Thế nào là ngủ nhiều?
Trước khi tìm hiểu vấn đề “Ngủ nhiều có tăng cân không?“, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tổng quan về giấc ngủ và chứng ngủ nhiều. Ngủ là một hoạt động thường ngày của cơ thể. Giấc ngủ đảm bảo cho sự sống và phục hồi sức khỏe sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Định nghĩa ngủ nhiều
Nhu cầu ngủ của mỗi người là khác nhau. Nhưng nhìn chung, theo quan điểm của các chuyên gia một người lớn trưởng thành nên ngủ trung bình từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Nếu bạn thường xuyên cần ngủ trên 9 tiếng mỗi đêm mới cảm thấy thoải mái vào ngày hôm sau thì đó có thể là một dấu hiệu của ngủ nhiều.
Ngủ quá nhiều có thể gây ra các bệnh như tiểu đường, tim mạch và các tình trạng bệnh lý khác. Chứng trầm cảm cũng là tình trạng hay gặp phải do ngủ quá nhiều. Giấc ngủ thường phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như tuổi tác và các hoạt động ban ngày.
Xem thêm: Chứng ngủ nhiều nguyên phát: chẩn đoán và điều trị!
Tổng quan về giấc ngủ
Giấc ngủ quan trọng đối với một số chức năng của não. Bao gồm cách các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau. Giấc ngủ ảnh hưởng đến hầu hết mọi loại mô và hệ thống trong cơ thể, não, tim và phổi. Các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ mãn tính hoặc ngủ kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm và béo phì.
Có hai loại giấc ngủ cơ bản. Bao gồm giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (non-REM) gồm 3 giai đoạn.1 Các chuyển động này đều liên kết với các sóng não cụ thể và hoạt động của tế bào thần kinh. Đặc điểm của các giai đoạn ngủ ở giấc ngủ non-REM là:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn chuyển từ trạng thái thức sang ngủ.
- Giai đoạn 2: Tiếp theo là giai đoạn ngủ nhẹ trước khi bạn bước vào giấc ngủ sâu hơn.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn này là giai đoạn ngủ sâu.
Ở giai đoạn ngủ REM xảy ra đầu tiên khoảng 90 phút sau khi chìm vào giấc ngủ. Chuyển động mắt di chuyển nhanh chóng sau khi mí mắt nhắm lại. Hầu hết các giấc mơ của bạn xảy ra ở giấc ngủ REM.
Ngủ nhiều có tăng cân không?
Giấc ngủ có quan hệ mật thiết tới cân nặng. Theo nhiều nghiên cứu việc ngủ quá nhiều cũng có thể khiến bạn bị tăng cân. Những người ngủ quá nhiều trong khoảng thời gian dài có tỷ lệ tăng cân đến 21% so với người có giấc ngủ vừa đủ.
Trong khi chúng ta ngủ, các hoạt động và trao đổi của cơ thể sẽ bị giảm xuống mức tối thiểu. Việc này có thể ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát cân nặng bị rối loạn. Bên cạnh đó, nếu dành nhiều thời gian cho việc ngủ thì các hoạt động khác như chơi thể thao, vui chơi bên ngoài sẽ bị hạn chế. Điều này dẫn đến việc tích trữ năng lượng nhiều gây béo phì. Ngoài ra, ngủ nhiều còn khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, stress và dễ đói hơn.
Giấc ngủ trưa là một giải pháp tuyệt vời để bổ sung lại nguồn năng lượng. Và nó cũng giúp bạn có thể tiếp tục với công việc của mình vào buổi chiều một cách hiệu quả. Ngủ trưa sẽ không khiến bạn tăng cân; song, giấc ngủ trưa nên kéo dài trong khoảng 90 phút.
Giấc ngủ trưa quá dài sẽ khiến cơ thể tích trữ nhiều năng lượng mà giảm đi thời gian vận động dẫn đến thừa cân. Ngoài ra, việc ngủ trưa nhiều dẫn đến bạn bị nhức đầu, khó ngủ vào ban đêm.
Những lưu ý trước khi ngủ để giữ cân nặng hợp lý
Như đã biết ở trên, ngủ quá nhiều sẽ có thể dẫn đến tăng cân. Chính vì vậy, việc điều chỉnh các thói quen sinh hoạt hàng ngày và học cách để có được giấc ngủ sâu, chất lượng là điều vô cùng quan trọng. Một số lưu ý bạn cần thực hiện như sau:
- Hạn chế ăn quá gần với thời gian ngủ. Một bữa ăn nhiều calo trước khi ngủ sẽ tăng thêm tổng lượng calo trong ngày. Điều này diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến tăng cân. Đồng thời bữa khuya có thể làm tồi tệ hơn các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Tập thể dục sớm trong ngày. Tập thể dục thường xuyên chắc chắn giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Nhưng bạn nên tập sớm hơn trong ngày. Khi tập luyện ban đêm, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng đáng kể. Việc này ngăn chặn việc tiết ra melatonin – cản trở khả năng đi vào giấc ngủ. Ngoại trừ các động tác Yoga nhẹ nhàng trước khi ngủ là cần thiết.
- Nên kết hợp carbs với protein hoặc chất béo lành mạnh nếu thực sự cần ăn trước khi ngủ. Các loại carbs phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh cung cấp một nguồn năng lượng đủ khi bạn ngủ. Kết hợp thêm với protein hoặc một lượng nhỏ chất béo có thể giúp bạn no cả đêm và giữ cho lượng đường huyết ổn định.
Phải làm gì để giảm cân khi ngủ nhiều?
Một số thói quen sẽ giúp giảm cân khi bạn cần ngủ nhiều như sau:
- Tập luyện hàng ngày: Các hoạt động thể chất sẽ đốt cháy nhiều calo và giúp cho giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên cần lưu ý thời điểm tập thể dục tránh tập quá gần thời gian ngủ.
- Điều chỉnh giấc ngủ phù hợp: Giấc ngủ của mỗi giai đoạn trong đời là khác nhau. Thông thường người trưởng thành cần ngủ khoảng 9 tiếng mỗi ngày. Không gian ngủ cần được bảo đảm thông thoáng, tối và yên tĩnh.
- Thiết lập bữa ăn hợp lý: Chế độ ăn nhiều chất xơ luôn được khuyến cáo cho mọi đối tượng. Đây là chìa khóa để giảm cân cũng như ngăn ngừa hầu hết các bệnh lý khác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có bữa ăn nhiều đường, ít chất xơ trải nghiệm giấc ngủ kém chất lượng hơn.
Xem thêm: Giảm cân tại nhà: 34 mẹo giúp bạn giảm cân hiệu quả
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp một số thông tin giúp bạn trả lời cho câu hỏi ngủ nhiều có tăng cân không? Ngủ nhiều khiến đồng hồ sinh học và nhịp sinh học của cơ thể hoàn toàn chệch hướng. Hãy nhớ rằng, nhịp sinh học hàng ngày của chúng ta giúp điều chỉnh và kiểm soát gần như mọi khía cạnh hoạt động của cơ thể. Vì vậy, duy trì thói quen ngủ lành mạnh là điều quan trọng giữ cho nhịp sinh học của cơ thể đồng bộ và hoạt động bình thường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Brain Basics: Understanding Sleephttps://www.ninds.nih.gov/Disorders/Patient-Caregiver-Education/Understanding-Sleep
Ngày tham khảo: 10/10/2021