Nguyên nhân bị thủy đậu và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Bệnh thủy đậu (hay dân gian còn gọi là bệnh trái rạ), là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nguyên nhân bị thủy đậu là do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Căn bệnh này từng rất phổ biến ở Hoa Kỳ. Vào đầu những năm 1990, trung bình có 4 triệu người mắc bệnh thủy đậu, 10.500 đến 13.000 người phải nhập viện và 100 đến 150 người tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, sau đó nhờ vắc-xin ngừa thủy đậu mà bệnh bắt đầu giảm mạnh. Cùng Bác sĩ Huỳnh Phạm Nhật tìm hiểu bệnh thủy đậu qua bài viết sau.
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do vi rút varicella-zoster (VZV) gây ra. Nó có thể gây ngứa và phát ban dạng bóng nước. Phát ban đầu tiên xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó lan rộng ra toàn bộ cơ thể, khoảng từ 250 đến 500 mụn nước và gây ngứa. Bệnh thủy đậu có thể nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có cơ thể kém khả năng chống lại vi sinh vật và bệnh tật (ví dụ như hệ thống miễn dịch suy yếu). Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thủy đậu là tiêm chủng vắc-xin ngừa thủy đậu.1
Vắc-xin ngừa thủy đậu trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ vào năm 1995. Theo số liệu thống kê mỗi năm, hơn 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 9.000 trường hợp nhập viện và 100 ca tử vong được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng vắc-xin ngừa thủy đậu ở Hoa Kỳ.1
Những nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Như đã trình bày ở trên, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus varicella-zoster (VZV). Virus này có thể lây gián tiếp qua đường hô hấp như ho khan, hắt hơi và lây trực tiếp khi tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết, chất lỏng từ bóng nước vỡ.2 3
Hầu hết các trường hợp xảy ra khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Virus này có thể lây cho những người xung quanh người bệnh trong một đến hai ngày trước khi bóng nước xuất hiện. VZV vẫn lây cho đến khi tất cả các bóng nước đóng vảy.2 3
Thủy đậu rất dễ lây cho người chưa từng mắc bệnh hay chưa tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Theo CDC Mỹ, những người tiếp xúc gần với người bệnh thủy đậu mà không có miễn dịch thì có khả năng 90 % là mắc bệnh.2
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh thủy đậu
Trẻ em dưới 2 tuổi là yếu tố nguy cơ của bệnh thủy đậu. Thực tế, 90 % các trường hợp thủy đậu, xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nhưng trẻ lớn hoặc người lớn cũng có thể mắc bệnh.4
Khi bạn là người lớn, chưa từng mắc thủy đậu khi còn nhỏ hoặc chưa tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu, bạn có thể mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:5
- Sống với trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng.
- Làm việc trong trường học hoặc nhà giữ trẻ.
- Tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh.
- Chạm vào phát ban của người bị nhiễm thủy đậu hoặc bệnh zona.
- Chạm vào thứ gì đó mà người bị nhiễm bệnh đã sử dụng gần đây như quần áo hoặc ga trải giường.
Bạn có nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh ở mức độ nặng hơn nếu bạn là:5
- Phụ nữ mang thai chưa từng mắc thủy đậu trước đây.
- Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị liệu.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm bởi một bệnh khác, chẳng hạn như HIV/AIDS.
- Người đang sử dụng thuốc steroid, chẳng hạn như trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do cấy ghép nội tạng hoặc ghép tủy xương trước đó.
Dấu hiệu bệnh thủy đậu
Dấu hiệu theo từng giai đoạn
Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong vòng 10 ngày đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Triệu chứng đầu tiên thường đơn giản là người bệnh cảm giác không khỏe, khó chịu. Điều này thường xảy ra sau các triệu chứng sau:6
Trong vòng 1 ngày hoặc 2 ngày sau đó, người bệnh sẽ có triệu chứng phát ban của bệnh thủy đậu. Khi phát ban thủy đậu xuất hiện, nó sẽ trải qua ba giai đoạn.6
Trong giai đoạn đầu tiên, người bệnh có thể xuất hiện những nốt sưng, ngứa, màu hồng hoặc đỏ, có thể đậm hơn hoặc cùng màu với vùng da xung quanh tùy thuộc vào màu da của người bệnh. Bác sĩ thường gọi những nốt này là nốt “đậu”. Số lượng các nốt này có thể từ 250 đến 500 nốt, xuất hiện khắp cơ thể, đôi khi có thể chỉ khu trú ở một vùng nào đó. Trong một số trường hợp nặng, những nốt này có thể xuất hiện cả bên trong miệng, mắt, bộ phận sinh dục.6
Những ngày tiếp theo đó, những nốt “đậu” này trở thành mụn nước. Mụn nước là những nốt nhỏ chứa đầy dịch, thường rất ngứa và có thể vỡ ra. Các mụn nước thường chỉ tồn tại khoảng một ngày trước khi vỡ.6
Cuối cùng, những vết thương hở này đóng vảy. Khi chúng lành lại, các nốt khác có thể xuất hiện. Người bệnh có thể vừa có nốt “đậu”, mụn nước và đóng vảy cùng một lúc.6
Người bệnh có thể lây virus cho người khác trong vòng 48 giờ trước khi phát ban xuất hiện và virus vẫn lây cho đến khi tất cả các mụn nước đã đóng vảy.
Bệnh thủy đậu rất ngứa và có thể khiến trẻ cảm thấy khổ sở, cáu gắt, ngay cả khi chúng không nổi nhiều nốt.
Những đặc điểm chung của bệnh thủy đậu
Các nốt “đậu” trông giống nhau ở cả trẻ em và người lớn. Nhưng người lớn thường sốt ở nhiệt độ cao kéo dài hơn và nhiều bóng nước hơn trẻ em. Một người có thể mắc bệnh thủy đậu nhiều lần. Song đây là một dấu hiệu nguy hiểm, người thường xuyên tái phát bệnh thủy đậu cần đi khám và tìm ra nguyên nhân của sự bất thường này.
Bệnh thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Trong trường hợp nghiêm trọng, phát ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, và các tổn thương có thể hình thành ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo (đường tiểu ngoài), hậu môn và âm đạo.7
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm chủng vắc-xin ngừa thủy đậu sau 1 tuổi và tiêm thêm liều thứ 2, thường trong khoảng 4 hoặc 5 tuổi để được miễn dịch hoàn toàn. Vắc-xin cũng là biện pháp bảo vệ cho những phụ nữ dự định mang thai. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn.8
Cách điều trị thủy đậu
Theo Bộ Y tế, thủy đậu là một trong chín bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế. Có thể điều trị ngoại trú những trường hợp bệnh không có biến chứng nặng, xảy ra ở người có cơ địa bình thường và bệnh nhân được đảm bảo cách ly tại nhà. Những trường hợp khác nên đưa bệnh nhân nhập viện.
Nghỉ ngơi tại nhà: Bạn hay con bạn mắc bệnh nên tránh việc đi học, nhà trẻ hay cơ quan làm việc cho đến khi tất cả các nốt “đậu” đóng vảy, thường xảy ra sau 5 ngày các nốt “đậu” xuất hiện.
Những điều nên làm khi mắc thủy đậu:9 10
- Tránh mất nước bằng việc uống nhiều nước.
- Dùng Acetaminophen (Paracetamol, Tylenol) để giảm đau, hạ sốt và giảm khó chịu.
- Cắt ngắn móng tay của bạn và con bạn, nên đeo bao tay vào ban đêm để hạn chế việc gãi, gây vỡ các nốt “đậu”.
- Sử dụng kem hoặc gel làm mát tại các tiệm thuốc tây.
- Trao đổi với bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa về việc sử dụng thuốc kháng Histamin để giảm ngứa.
- Tắm bằng nước mát và lau thật nhẹ cho da khô (không chà xát).
- Mặc quần áo sạch, rộng rãi và thoáng mát.
Thông thường, thủy đậu thường diễn tiến trong vòng 5 đến 10 ngày. Trong quá trình bệnh, bạn nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và có thể thực hiện những điều sau:
Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt
Sử dụng Acetaminophen (Tylenol) (Paracetamol) để giảm đau và hạ sốt.11
Nếu người bệnh bị sốt cao hoặc đau nhức do bệnh thủy đậu, có thể sử dụng Paracetamol uống. Acetaminophen có thể giúp giảm đau liên quan đến vết loét phát triển trên da hoặc trong miệng. Việc sử dụng thuốc này an toàn cho hầu hết mọi người, kể cả phụ nữ mang thai và trẻ em trên 2 tháng tuổi.
Tránh dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, như ibuprofen. Nếu người bệnh bị thủy đậu, nó có thể khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn. Không bao giờ cho trẻ dưới 16 tuổi uống aspirin. Nó có thể dẫn đến một biến chứng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye (bệnh lý não cấp và rối loạn chức năng gan).
Lưu ý khi sử dụng Paracetamol
Liều theo tuổi11
- < 6 tuổi: Cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
- 6 – 12 tuổi: 325 -650 mg uống mỗi 4 – 6 giờ. Không quá 1625 mg/ngày trong quá 5 ngày trừ khi có sự chỉ dẫn, theo dõi của bác sĩ.
- > 12 tuổi: 325 -650 mg uống mỗi 4 – 6 giờ, không quá 3.25 g/ngày, nếu có sự theo dõi của bác sĩ điều trị có thể sử dụng liều lượng lên đến 4 g mỗi ngày.
Liều theo cân nặng11
- Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi: cần có sự tư vấn và theo dõi sát của bác sĩ.
- > 1 tuổi: 10 – 15 mg/kg/ liều mỗi 4 – 6 giờ, không dùng quá 15 mg/kg/liều hoặc quá 1000 mg/liều. Không dùng quá 75 mg/kg/ngày hay quá 4000 mg/ngày
Nên lưu ý tất cả các thuốc có chứa Acetaminophen, bao gồm cả các thuốc không được kê đơn và các đường dùng thuốc (uống, nhét hậu môn, tĩnh mạch…) không vượt quá liều lượng tối đa.
Lưu ý khi dùng Paracatamol đối với phụ nữ đang mang thai: phụ nữ có thai cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng
Hạn chế gãi những chỗ ngứa10
Ngứa là triệu chứng gặp hầu hết ở bệnh nhân thủy đậu, đặc biệt ngứa nhiều hơn ở những bệnh nhân nổi nhiều bóng nước.
Đừng gãi những chỗ ngứa bởi vì khi gãi vùng phát ban có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng da do vi sinh vật. Gãi cũng có thể gây ra sẹo.
Những cách làm dịu da ngứa
Có thể thử các mẹo sau để làm dịu làn da bị ngứa của người bệnh:
- Nhấn, xoa hoặc vỗ nhẹ – không gãi vết ngứa.
- Tắm nước làm mát bằng bột yến mạch (người bệnh có thể mua ở hiệu thuốc tây). Nhấn hoặc vỗ nhẹ (không chà xát) để da khô.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu cotton để da có thể “thở”.
- Chấm kem dưỡng da calamine lên các nốt ngứa của người bệnh (Lưu ý: đọc kỹ và làm theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc và bao bì. Đồng thời, bạn cần nói với bác sĩ về tất cả các tình trạng sức khỏe, dị ứng và tất cả các loại thuốc đang sử dụng).
Bôi kem dưỡng da theo chỉ dẫn của bác sĩ để làm dịu chỗ ngứa của trẻ.
Giữ cơ thể sạch sẽ và thông thoáng10
Nhiệt độ cơ thể tăng và ra nhiều mồ hôi khiến người bệnh ngứa nhiều hơn. Dùng khăn ướt và mát thoa lên vùng da bị ngứa để làm dịu da. Giữ cơ thể sạch sẽ để hạn chế việc nhiễm vi sinh vật từ các vết đậu vỡ.
Uống đủ nước10
Uống nhiều nước để giúp cơ thể tự đào thải virus nhanh hơn. Và như đã đề cập ở trên uống đủ nước cũng sẽ giúp cơ thể không bị mất nước.
Chọn nước chín thay vì đồ uống có đường hoặc nước ngọt, đặc biệt nếu người bệnh bị thủy đậu ở miệng.
Tránh thức ăn quá nóng, cứng, cay hoặc mặn có thể làm đau miệng.
Phòng ngừa bội nhiễm trùng10
Giữ da sạch và làm sạch bằng vệ sinh thân thể là quan trọng nhất. Bao gồm tắm rửa bằng xà phòng và bôi thuốc xanh Methylene vào “nốt” đậu, cắt ngắn và vệ sinh móng tay (tránh gãi ngứa). Không gãi làm bóng nước bị vỡ. Khi có dấu hiệu bội nhiễm vi trùng người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kê toa kháng sinh thích hợp.
Uống thuốc theo toa10
Nếu bạn đã tiếp xúc với người bị thủy đậu nhưng chưa có triệu chứng, bác sĩ có thể tiêm cho bạn một loại thuốc điều trị gọi là immunoglobulin. Điều này có thể ngăn ngừa bệnh thủy đậu nặng. Bác sĩ chuyên khoa cũng có thể xem xét dùng liệu pháp này nếu bạn:
- Mang thai.
- Hút thuốc lá nhiều.
- Nhiễm HIV/AIDS.
- Đang hóa trị hoặc dùng thuốc steroid liều cao.
Trẻ sơ sinh dưới 4 tuần tuổi cũng có nhiều nguy cơ bị các biến chứng do bệnh thủy đậu
Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nặng và đã có các triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc kháng virus có tên là acyclovir (Sitavig, Zovirax). Thuốc này có thể giúp giảm triệu chứng và nguy cơ diễn tiến nặng của bạn. Bạn sẽ dùng liều đầu tiên sau khi phát ban. Sau đó bạn sẽ dùng thuốc tiếp tục 5 lần/ngày trong 5 – 7 ngày.12
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân thủy đậu, yếu tố nguy cơ, dấu hiệu cũng như cách phòng ngừa và điều trị thủy đậu đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, khi bạn nghi ngờ bệnh diễn tiến nặng hơn như phát ban rất đỏ, nóng hoặc sưng, chóng mặt, mất định hướng, khó thở,… bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được kịp thời tư vấn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chickenpox (Varicella) - About Chickenpoxhttps://www.cdc.gov/chickenpox/about/index.html
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Chickenpox (Varicella)https://www.cdc.gov/chickenpox/about/transmission.html
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Chickenpoxhttps://www.healthline.com/health/chickenpox#causes
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
What is Chickenpox?https://www.webmd.com/children/what-is-chickenpox
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Chickenpox in Adultshttps://www.healthline.com/health/chickenpox-in-adults
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
What Are the Symptoms of Chickenpox?https://www.webmd.com/children/understanding-chickenpox-symptoms
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Understanding Chickenpox -- Preventionhttps://www.webmd.com/children/vaccines/understanding-chickenpox-prevention
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Chickenpoxhttps://www.nhs.uk/conditions/chickenpox/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
What’s the Treatment for Chickenpox?https://www.webmd.com/children/understanding-chickenpox-treatment
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
acetaminophen (OTC)https://reference.medscape.com/drug/tylenol-acetaminophen-343346
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
What Are the Symptoms of Chickenpox?https://www.webmd.com/children/understanding-chickenpox-symptoms
Ngày tham khảo: 15/10/2022