YouMed

Nguyên nhân của hội chứng Cushing và những biến chứng của bệnh

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Đa phần nguyên nhân của hội chứng Cushing là do lớp giữa tuyến vỏ thượng thận gia tăng sản xuất glucocorticoid trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra còn nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing nào khác? Biến chứng của hội chứng Cushing có nguy hiểm không? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hội chứng Cushing là gì?

Hội chứng Cushing là một chứng rối loạn hormone trong cơ thể cụ thể là cơ thể tự sản sinh ra lượng cortisol quá mức. Cortisol là một loại hormone được sản xuất ở tuyến thượng thận. Ở nồng độ bình thường cortisol giúp cơ thể phản ứng lại với những căng thẳng. Nó điều chỉnh phản ứng của cơ thể đối với các hiện tượng viêm.

Đồng thời cortisol kích thích gan tăng lượng đường trong máu và giúp kiểm soát lượng nước trong cơ thể. Có thể thấy rằng cortisol ảnh hưởng đến tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể, vì vậy khi có sự thay đổi nồng độ của chất này, cơ thể sẽ có những thay đổi như:

  • Mặt tròn bất thường.
  • Xuất hiện lớp mỡ giữa vai (gù trâu)
  • Da dễ bị bầm tím, xuất hiện vết rạn da màu tía ở vùng bụng hoặc nách.
  • Tích tụ mỡ ở ngực và bụng nhưng tay chân gầy.
  • Rậm lông ở mặt, cổ, ngực, bụng và đùi.
  • Hói ở nữ.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Yếu cơ.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Giảm khả năng sinh sản và ham muốn tình dục.
  • Tâm trạng thất thường.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Vết thương lâu lành.
Xuất hiện các vết rạn màu tía trên da có thể là triệu chứng của hội chứng Cushing
Xuất hiện các vết rạn màu tía trên da có thể là triệu chứng của hội chứng Cushing

Nguyên nhân của hội chứng Cushing

U tuyến yên

U tuyến yên là nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing khi là khối u lành tính, tiết quá mức lượng ACTH dẫn đến sản xuất quá mức cortisol.

U thượng thận

Sự bất thường của tuyến thượng thận điển hình là xuất hiện khối u có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing. Các khối u này giải phóng cortisol dư thừa vào máu và dẫn đến hội chứng Cushing.

Ngoài ra ung thư vỏ thượng thận cũng là một yếu tố nguy cơ của hội chứng Cushing. Tế bào ung thư tiết ra nồng độ hormone vượt quá mức cần thiết cho cơ thể bao gồm cả cortisol và nội tiết tố androgen.

Hội chứng tăng tiết ACTH ngoại sinh

Một khối u ác tính hoặc lành tính phát sinh bất kỳ ở vùng nào của cơ thể ngoài tuyến yên có thể làm tăng tiết ACTH. Tình trạng này được gọi là hội chứng ACTH ngoại sinh. Thông thường các khối u có thể xuất hiện ở phổi, tuyến tụy, tuyến ức hoặc tuyến giáp.

Cushing ngoại sinh

Đây là hậu quả của tình trạng lạm dụng corticosteroid trong thời gian dài. Thường gặp ở những người bị hen suyễn, viêm xương khớp, … Ngoài ra corticosteroid còn có hàm lượng không được kiểm soát ở các thuốc đông y, kem bôi trị mụn và trong các dạng thực phẩm chức năng. Điều này dẫn đến việc vô tình lạm dụng loại chất này.

Biến chứng của hội chứng Cushing

Trường hợp người bệnh không điều trị hoặc chậm trễ thời gian điều trị, hội chứng Cushing có thể gây ra một số biến chứng sau

  • Loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương bất thường. Đặc biệt là gãy xương sườn và xương bàn chân.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường type 2.
  • Nhiễm trùng thường xuyên và bất thường.
  • Thường xuyên mệt mỏi.
  • Mất khối lượng cơ nhanh chóng.

Đây là những biến chứng của hội chứng Cushing gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, việc thăm khám và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Hội chứng Cushing được chẩn đoán như thế nào?

Xét nghiệm nước tiểu

Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy mẫu nước tiểu của người bệnh trong khoảng thời gian là 24 giờ. Sau đó mẫu nước tiểu sẽ được kiểm tra để xác định nồng độ cortisol cơ thể sản xuất ra trong một ngày. Mức độ cortisol cao hơn 50-100 microgam mỗi ngày ở bệnh nhân cho thấy sự hiện diện của hội chứng Cushing.

Kiểm tra nước bọt

Mẫu nước bọt của bệnh nhân được nhân viên y tế thu thập vào lúc 23 giờ đêm. Việc này để kiểm tra nồng độ cortisol của bệnh nhân. Thông thường nồng độ cortisol sẽ thấp nhất vào ban đêm. Trường hợp kiểm tra nhận thấy nồng độ này cao bất thường nghĩa là bệnh nhân đang mắc phải hội chứng Cushing

Các xét nghiệm hình ảnh

Chụp CT hoặc MRI có thể cung cấp hình ảnh về tuyến yên và tuyến thượng thận để phát hiện các bất thường ví dụ như khối u.

Test DST qua đêm

Bệnh nhân được uống 1 mg dexamethasone lúc 23 giờ đêm. 8 giờ – 9 giờ sáng hôm sau bác sĩ sẽ đo nồng độ Cortisol trong máu. Đây là phương pháp thường dùng nhất hiện nay.

Phương pháp test DST qua đêm được sử dụng để kiểm tra nồng độ cortisol trong máu
Phương pháp test DST qua đêm được sử dụng để kiểm tra nồng độ cortisol trong máu

Các phương pháp điều trị hội chứng Cushing

Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị cho người bệnh thường dựa vào nguyên nhân hội chứng Cushing. Một số phương pháp điều trị phổ biến như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân Cushing với tỷ lệ chữa khỏi 80-90%. Phẫu thuật thường được sử dụng phương pháp tiếp cận transsphenoidal qua mũi. Phương pháp này không để lại sẹo.
  • Xạ tri: Trường hợp bệnh nhân đã thất bại trong các thủ thuật phẫu thuật hoặc tiên lượng rủi ro cao khi phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Tỷ lệ thành công ở phương pháp này là từ 40-85% tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân,
  • Sử dụng thuốc điều trị: Thuốc điều trị được bổ sung trong trường hợp bệnh nhân không thuyên giảm sau phẫu thuật. Thông thường các nhóm thuốc ức chế sản xuất cortisol và ức chế phóng thích ACTH  sẽ được chỉ định để điều trị hội chứng này.

Trên đây là những nguyên nhân hội chứng Cushing và các biến chứng của nó. YouMed hy vọng rằng bài viết đem lại những thông tin quan trọng của bệnh Cushing đến với bạn đọc. Từ đó giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng này,

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cushing disease/ Cushing syndromehttps://www.ohsu.edu/brain-institute/cushing-disease-cushing-syndrome#:~:text=Cushing%20disease%20is%20a%20specific,70%25%20of%20Cushing%20syndrome%20cases.

    Ngày tham khảo: 11/06/2021

  2. Cushing syndromehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cushing-syndrome/diagnosis-treatment/drc-20351314

    Ngày tham khảo: 11/06/2021

  3. Cushing’s diseasehttp://pituitary.ucla.edu/cushings-disease

    Ngày tham khảo: 11/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người