YouMed

Những nguyên nhân sinh non ở mẹ bầu và cách phòng ngừa

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ em sinh non. Sinh non là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi. Vậy đâu là những nguyên nhân sinh non? Biến chứng của tình trạng sinh non gồm những gì? Làm thế nào để phòng ngừa sinh non cho thai phụ? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây của Bác sĩ Lê Dương Linh.

Nguyên nhân sinh non là gì?

Hiện nay, y khoa đã ghi nhận rất nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng sinh non. Trong số đó, những nguyên nhân với cơ chế gây sinh non rõ ràng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ. Có nhiều cách để phân loại các nguyên nhân sinh non tùy theo mục đích nghiên cứu hoặc áp dụng thực tế:

1. Nguyên nhân sinh non phân loại dựa trên chỉ định sản khoa

Sinh non tự phát – không liên quan đến chỉ định sản khoa

Sinh non tự phát chỉ những trường hợp sinh non xảy ra một cách tự nhiên. Tình trạng này không do chủ ý của người mẹ và gia đình. Ngoài ra cũng không liên quan đến các chỉ định sản khoa. Đa số các trường hợp sinh non tự phát này không tìm được nguyên nhân.

Sinh non liên quan đến các chỉ định sản khoa

Trong những trường hợp sức khỏe người mẹ và thai nhi không đảm bảo, bác sĩ có thể ra chỉ định gây chuyển dạ sớm để đảm bảo an toàn cho thai phụ. Thai sinh non trong trường hợp này được tính toán trước. Bác sĩ sẽ đảm bảo kế hoạch dưỡng thai trước và sau khi chuyển dạ.

Nguyên tắc vẫn là an toàn sức khỏe mẹ và tranh thủ khả năng lớn nhất có thể để dưỡng thai khỏe mạnh. Thường gặp ở các trường hợp sản giật – tiền sản giật ở thai phụ, hoặc cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung…

Thực tế tại bệnh viện, những nguyên nhân sinh non thường được phân loại như sau:

2. Nguyên nhân sinh non phân loại trên lâm sàng

Nguyên nhân sinh non từ thai:

  • Đa thai (từ 2 thai trở lên).
  • Thai dị dạng.
  • Đa ối.
  • Ối vỡ non.
  • Nhiễm trùng ối.

Nguyên nhân sinh non từ bệnh lí của người mẹ:

  • Tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật.
  • Đái tháo đường.
  • Các bệnh lí ngoại khoa (viêm ruột thừa,…).
  • Hở eo cổ tử cung.
  • Viêm nhiễm đường sinh dục.
  • Đã từng sinh non trong các lần sinh trước.
  • Thai phụ thiếu cân, thiếu dinh dưỡng, không được chăm sóc nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Thời gian nghỉ ngơi giữa các lần mang thai quá ngắn (dưới 6 tháng). Trường hợp này, niêm mạc tử cung của người phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn. Tử cung không đảm bảo cho một thai kì khỏe mạnh và suôn sẻ.
  • Thai phụ có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu bia hay các chất kích thích.
  • Có những biến cố tâm lí lớn đột ngột xảy đến với người mẹ. Hoặc tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài trong thời gian mang thai.
  • Tuổi của thai phụ: nhỏ hơn 17 tuổi hoặc lớn hơn 35 tuổi.
Nguyen-nhan-sinh-non-1
Nghiện rượu bia là một trong các yếu tố được cho là nguyên nhân của việc sinh non

Nguyên nhân sinh non từ bánh nhau:

Hai tình trạng thường gặp nhất là nhau tiền đạo và nhau bong non.

Trong nhau tiền đạo, nguy cơ sinh non, mất máu nặng ở mẹ dẫn đến tử vong gia tăng. Thai phụ cần lưu ý đi khám ngay với các trường hợp chảy máu âm đạo 3 tháng cuối thai kì, có hoặc không kèm đau bụng. Nếu được can thiệp sớm, mẹ và thai hoàn toàn có thể mẹ tròn con vuông.

  • Nhau bong non là tình trạng bánh nhau ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi sổ thai. Có thể do chấn thương hoặc bệnh lí.

Biến chứng của việc sinh non

Không phải tất cả các trẻ sinh non đều gặp phải các vấn đề sức khỏe trầm trọng. Tuy nhiên, cơ thể trẻ sinh non thường chưa đủ hoàn thiện để tự sống sót và phát triển bình thường. Một số vấn đề sức khỏe hiện diện khi mới sinh. Một số khác phải mất một thời gian mới biểu hiện rõ ràng. Nhìn chung, nguy cơ các vấn đề sức khỏe ở trẻ sinh non càng tăng cao khi trẻ càng non tháng.

Biến chứng ngắn hạn: xuất hiện trong những tuần đầu tiên sau sinh

1. Vấn đề về tim mạch

Trẻ sinh non có nguy cơ tồn tại các dị tật về tim. Phổ biến nhất là còn ống động mạch. Dị tật này có thể tự mất. Nhiều trường hợp không may mắn cần can thiệp phẫu thuật để khôi phục sức khỏe cho bé.

2. Vấn đề về hô hấp

Lá phổi của trẻ sinh non chưa hoàn toàn trưởng thành. Điều này có thể dẫn đến suy hô hấp ở trẻ.

3. Vấn đề về não bộ

Nguy cơ xuất huyết não gia tăng ở các trẻ sinh non. Nguy cơ càng cao khi trẻ càng non tháng. Đa số các trường hợp thường nhẹ và không để lại hậu quả. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xuất huyết não nhiều để lại di chứng.

4. Vấn đề về kiểm soát thân nhiệt

Khả năng kiểm soát thân nhiệt ở trẻ thiếu tháng còn kém. Vì vậy mà các trẻ sinh non cần được sưởi ấm và theo dõi sát trong bệnh viện

5. Vấn đề về máu

Thiếu máu và vàng da sơ sinh là hai tình trạng rất thường gặp ở trẻ sinh non.

6. Vấn đề dạ dày ruột, trao đổi chất và hệ miễn dịch

Sự non nớt của các hệ cơ quan khiến cơ thể bé chưa có khả năng hoạt động hài hòa và hiệu quả. Đặc biệt, hệ miễn dịch suy yếu khiến bé gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng.

Những biến chứng lâu dài

1. Bại não

Bại não là một vấn đề về thần kinh để lại di chứng suốt đời và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trẻ bại não gặp phải hội chứng khuyết tật về vận động, khó điều khiển cơ thể và tư thế.

2. Giảm khả năng học tập – tư duy

Trẻ sinh non có nguy cơ phát triển chậm hơn các trẻ đồng lứa về khả năng nhận thức. Hậu quả là có thể thua sút bạn bè trong học tập.

3. Các vấn đề về hành vi, tâm lí

Cùng các vấn đề về thị giác, thính giác, răng miệng và các vấn đề sức khỏe mạn tính khác.

Phòng ngừa sinh non

Với những nguyên nhân sinh non khác nhau đã đề cập, chúng ta sẽ có các biện pháp phòng ngừa tương ứng.

Các biện pháp phòng ngừa trước khi mang thai

  • Lập kế hoạch mang thai từ sớm. Chuẩn bị đầy đủ nền tảng kinh tế và sức khỏe trước và trong thai kì. Lập kế hoạch trước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro các biến cố về tinh thần cho người phụ nữ. Kinh tế vững vàng sẽ giúp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và thai nhi.
  • Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Đảm bảo người mẹ có đủ thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 18 tháng để cơ thể hồi phục sau mỗi lần sanh.
  • Nên dừng hẳn các thói quen bất lợi như hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích khác.

Các biện pháp phòng ngừa trong khi mang thai

  • Khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện đủ các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe mẹ và thai nhi. Tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính trước và trong thai kì.
  • Thai phụ nên được tạo điều kiện để làm việc, vận động nhẹ nhàng vừa sức, nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Thai phụ và gia đình cần lưu ý các dấu hiệu báo động chuyển dạ như cơn gò tử cung, đau bụng, chảy máu âm đạo,… Không phải tất cả tình trạng chuyển dạ sớm đều dẫn đến sinh non. Vì vậy, việc đi khám và chẩn đoán sớm sẽ hỗ trợ rất lớn trong quá trình điều trị và dưỡng thai.
  • Trong những trường hợp bệnh lí đặc biệt, có nguy cơ cao sinh non, thai phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc hay thủ thuật thích hợp.
Nguyen-nhan-sinh-non-2
Khám thai định kỳ giúp tầm soát và phát hiện kịp thời các nguyên nhân sinh non

Kết luận

Có nhiều nguyên nhân sinh non khác nhau cần được lưu ý trước và trong quá trình mang thai. Lập kế hoạch mang thai, khám thai định kỳ và tuân thủ điều trị sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ sinh non và biến chứng. Gia đình nên đồng hành cùng thai phụ trong quá trình mang thai để theo dõi những dấu hiệu sinh non, hỗ trợ sức khỏe và tâm lí cho người mẹ một cách tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Preterm birthhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/preterm-birth

    Ngày tham khảo: 25/03/2021

  2. What are the risk factors for preterm birth?https://www.acog.org/womens-health/faqs/preterm-labor-and-birth

    Ngày tham khảo: 25/03/2021

  3. Premature birthhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730

    Ngày tham khảo: 25/03/2021

  4. Premature Birthhttps://www.cdc.gov/reproductivehealth/features/premature-birth/index.html

    Ngày tham khảo: 25/03/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người