Bác sĩ giải thích về nguyên nhân trẻ bị ho
Nội dung bài viết
Ho là một trong những triệu chứng bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Để giúp con bạn đối phó với cơn ho, hãy đọc ngay bài viết này để biết những nguyên nhân phổ biến và các mẹo chăm sóc trẻ bị ho tại nhà nhé. Cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu ngay!
Nguyên nhân trẻ bị ho
Tiếng ho nghe có vẻ lớn, nhưng thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng. Trên thực tế, ho là một phản xạ lành mạnh và quan trọng giúp bảo vệ đường thở. Nó giúp cơ thể con bạn loại bỏ những tác nhân lạ xâm nhập đường thở. Các nguyên nhân trẻ bị ho phổ biến gồm:
Nhiễm trùng
Những bệnh nhiễm trùng do vi-rút như: cảm lạnh, cảm cúm và viêm thanh khí phế quản đều có thể khiến trẻ bị ho kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân trẻ bị ho phổ biến. Cảm lạnh có xu hướng gây ho khan từ nhẹ đến trung bình; trẻ bị cảm cúm thường ho khan dữ dội hơn. Còn bệnh viêm thanh khí phế quản đặc trưng bởi tiếng ho “ông ổng”, kèm theo âm thanh lạ khi thở, chủ yếu vào ban đêm.
Những bệnh nhiễm trùng do vi-rút này không được dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, nó có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc khác.
Hen suyễn
Hen có thể khó chẩn đoán, vì triệu chứng thường khác nhau ở mỗi trẻ em. Nhưng ho khò khè, có thể nặng hơn vào ban đêm, là một trong nhiều triệu chứng của bệnh hen suyễn. Ngoài ra, trẻ có thể ho khi hoạt động thể chất mạnh hoặc trong khi chơi.
Việc điều trị bệnh hen suyễn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nó có thể bao gồm việc tránh các tác nhân gây ra, như: ô nhiễm, khói thuốc, phấn hoa hoặc nước hoa. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng con mình có các triệu chứng hen suyễn nhé.
Dị ứng
Dị ứng có thể gây ho kéo dài, cũng như ngứa, đau cổ họng, chảy nước mắt, nước mũi hoặc phát ban. Hãy đến gặp bác sĩ để được tiến hành các xét nghiệm, giúp tìm ra tác nhân gây dị ứng. Sau đó, con bạn có thể sẽ được hướng dẫn cách tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng đó. Chúng có thể bao gồm: thức ăn, phấn hoa, lông thú cưng và bụi..
Điều trị cho trẻ bị ho
Hầu hết nguyên nhân trẻ bị ho là do vi rút gây ra và sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần. Do đó, các bác sĩ thường không kê đơn thuốc kháng sinh vì chúng chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn.
Trừ khi cơn ho làm cho con bạn không ngủ được, thông thường bạn không cần dùng đến thuốc ho. Thuốc có thể giúp trẻ hết ho, nhưng không điều trị được nguyên nhân gây ho. Nếu bạn tự mua thuốc ho cho trẻ, hãy tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để dùng đúng liều và đảm bảo an toàn cho con bạn.
Đối với những cơn ho kéo dài trong bệnh hen suyễn, trẻ có thể cần uống các thuốc steroid hoặc các loại thuốc khác do bác sĩ kê đơn.
Hãy lưu ý rằng, không cho trẻ em dưới 4 tuổi uống thuốc ho. Bởi vì chúng không được chấp thuận để trị ho ở độ tuổi này. Và hiện nay cũng không có bằng chứng nào cho thấy chúng có lợi cho trẻ.
Không sử dụng các thuốc ho loại kết hợp nhiều hoạt chất. Bởi vì trẻ em có thể có khả năng gặp nhiều tác dụng phụ và dễ bị quá liều hơn người lớn.
Bên cạnh đó, đừng bao giờ cho trẻ em dưới 16 tuổi dùng aspirin. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye cho trẻ. Đây là một bệnh về não dù hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng.
Ho, nghẹt mũi là các tình trạng thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt khi thời tiết giao mùa. Vậy bạn đã biết các chữa khi trẻ bị ho nghẹt mũi hay chưa?
Mẹo chăm sóc trẻ bị ho tại nhà
Bạn đã biết, thuốc ho chỉ giúp trẻ bớt ho chứ không trị được tận gốc nguyên nhân trẻ bị ho. Chính vì vậy, thay vì sử dụng thuốc, dưới đây là những mẹo chăm sóc giúp trẻ bớt ho tại nhà:
- Đối với trường hợp trẻ bị ho ông ổng, ho như “tiếng chó sủa” hãy mở vòi sen nước ấm và đóng cửa phòng tắm để phòng bốc hơi. Sau đó, vào ngồi cùng với con bạn khoảng 20 phút trong phòng. Hơi nước sẽ giúp con bạn thở dễ dàng hơn. Hãy thử đọc một cuốn sách, hoặc kể một câu chuyện trong khoảng thời gian đó bạn nhé.
- Máy phun sương tạo độ ẩm đặt trong phòng ngủ có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn.
- Đôi khi, đi dạo ngoài trời mát có thể làm dịu cơn ho. Hãy thử cách này trong 10 – 15 phút, và nhớ mặc quần áo phù hợp với thời tiết cho trẻ.
- Trẻ bị ho nên ăn gì? Câu trả lời là đồ uống mát như nước trái cây có thể giảm ho. Điều quan trọng là phải bổ sung đủ nước. Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ uống soda hoặc nước cam, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho.
Khi nào đưa trẻ đến bác sĩ
Cơn ho thường sẽ hết sau từ 1 đến 2 tuần và bạn có thể áp dụng các mẹo giảm ho tại nhà như hướng dẫn. Tuy nhiên, hãy dẫn trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ bị ho kèm theo:
- Khó thở;
- Thở nhanh hơn bình thường;
- Môi hoặc lưỡi sẫm màu hoặc có màu xanh lam;
- Bị sốt cao, không cải thiện trong hai giờ sau khi dùng thuốc hạ sốt (đặc biệt nếu con bạn ho nhưng không sổ mũi hoặc nghẹt mũi);
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt hoặc đã bị ho hơn vài giờ;
- Có âm thanh lạ khi hít vào hoặc thở ra;
- Ho ra máu;
- Có các triệu chứng của mất nước như: chóng mặt, buồn ngủ, miệng khô, mắt trũng sâu, khóc ít hoặc không có nước mắt, đi tiểu ít thường xuyên hơn;
- Có hệ thống miễn dịch kém hoặc không được chủng ngừa đầy đủ.
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin về các nguyên nhân trẻ bị ho và cách chữa trẻ bị ho tại nhà. Nếu cơn ho kéo dài không khỏi, hãy dẫn trẻ đến các bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng Nhi TPHCM uy tín để được chẩn đoán và điều trị hợp lý, an toàn. Hạn chế việc tự mua thuốc và tự điều trị tại nhà bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.