Nhiễm Salmonella: triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Nhiễm Salmonella là một tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, hay được biết đến như một dạng ngộ độc thực phẩm. Đây là tình trạng thường gặp ở Việt Nam và có thể lây lan thành dịch. Triệu chứng của nó rất đa dạng và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy vi khuẩn Salmonella là gì? Nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây ra triệu chứng gì? Cách điều trị bệnh như thế nào? Có biện pháp nào phòng ngừa nhiễm Salmonella? Tất cả sẽ được Bác sĩ Phan Văn Giáo giải đáp qua bài viết sau. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Vi khuẩn Salmonella là gì?
1. Đặc điểm của vi khuẩn Salmonella
Salmonella là một nhóm các vi khuẩn sống trong đường ruột hay phân (được thải ra ngoài) của nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm cả người.1
Salmonella nói chung có khả năng tồn tại khá lâu trong môi trường nước (từ 2 đến 3 tuần). Chúng sống lâu hơn hẳn trong nước đá và phân (2 đến 3 tháng). Vi khuẩn này sẽ bị hủy bởi nhiệt độ: 50°C trong vòng 1 giờ hoặc 100°C trong vòng 5 phút. Rất may là chúng dễ dàng bị tiêu diệt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
2. Vi khuẩn Salmonella gây bệnh gì?
Hầu hết các loại Salmonella gây ra bệnh nhiễm khuẩn Salmonella (hay còn gọi là Salmonellosis).2
Các loại vi khuẩn như Salmonella Typhi và Salmonella paratyphi A, B, hay còn được gọi là vi khuẩn thương hàn, có thể gây ra bệnh thương hàn ở người. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa có nhiều biến chứng nguy hiểm.2 3
Các loại vi khuẩn Salmonella khác có thể gây nhiễm trùng đường ruột thoáng qua trên người và động vật. Ví dụ như: S. Dublin (gia súc), S. Arizonae (bò sát), và S. Choleraesuis (heo) cũng gây ra bệnh ở người.3
3. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn Salmonella
Salmonella có nhiều loại với khả năng gây bệnh khác nhau. Vậy nên các bệnh cảnh của chúng khá đa dạng.
Vi khuẩn gây bệnh thương hàn vào cơ thể qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào ruột non. Sau đó chúng bắt đầu sinh sôi và giải phóng các độc tố. Chính các độc tố này sẽ gây ra những triệu chứng tại đường tiêu hóa, hệ tim mạch và hệ thần kinh. Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể theo máu di chuyển khắp cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm.4
Bên cạnh đó, một số chủng Salmonella có thể chỉ gây nhiễm trùng tại đường tiêu hóa. Đây được gọi là tình trạng nhiễm độc thức ăn do Salmonella. Tình trạng này có thể tự khỏi mà không để lại nhiều hậu quả.1 2
Nhiễm khuẩn Salmonella là bệnh gì?
Nhiễm khuẩn Salmonella (Salmonellosis) là tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn Salmonella gây ra.5
Hầu hết người nhiễm Salmonella có triệu chứng tiêu chảy, sốt và đau bụng trong vòng 8 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc vi khuẩn. Trong khi đó, một số người bệnh sẽ không xuất hiện triệu chứng nào. Hầu hết những người có thể trạng khỏe mạnh sẽ hồi phục trong vòng vài ngày đến một tuần, mà không cần điều trị cụ thể.1
Trong một số trường hợp khẩn cấp người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức; vì tiêu chảy có thể làm người bệnh mất nước nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu việc nhiễm khuẩn lây lan ra ngoài ruột (vào máu và các nơi khác trong cơ thể) có thể phát triển các biến chứng gây đe dọa tính mạng.1
Bạn sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn Salmonella khi du lịch đến các quốc gia không có nước uống sạch và hệ thống xử lý nước thải phù hợp.1
Nhiễm Salmonella được xem là một dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. CDC ước tính có khoảng 1,35 triệu ca bệnh nhiễm Salmonella, trong đó có 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm.2
Cách thức lây truyền Salmonella
Có 2 đường lây nhiễm vi khuẩn Salmonella:2 5
- Lây nhiễm qua đường ăn, uống các thực phẩm, nguồn nước bẩn có chứa vi khuẩn. Đặc biệt là khi chưa chế biến kỹ, nấu chưa chín, hay thói quen sử dụng đồ sống. Theo CDC, khoảng 94% các trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella là do lây nhiễm qua thức ăn.2 Vì thế, đây được xem là đường lây quan trọng nhất, thường gây nên dịch lớn.
- Qua tiếp xúc với tay chân và chất thải của người hay động vật nhiễm Salmonella. Hoặc tiếp xúc với đồ dùng, môi trường bị nhiễm khuẩn.
Nguồn lây Salmonella đến từ đâu?
Nhiều người thường thắc mắc về nguyên nhân gây nhiễm Salmonella, hay không biết nguồn lây vi khuẩn này từ đâu. Như đã đề cập ở trên, vi khuẩn Salmonella có thể sống trong ruột và phân của người, động vật và một số loài chim. Hầu hết người bị nhiễm khuẩn salmonella là do tiêu thụ các loại thực phẩm, hay tiếp xúc với người, động vật đã bị nhiễm bệnh hoặc nước đã bị ô nhiễm bởi phân.
Cụ thể, các nguồn lây nhiễm Salmonella đến từ:1 4 6
1. Từ người bệnh (người nhiễm Salmonella và có triệu chứng)
Salmonella có chủ yếu trong phân của bệnh nhân. Ngoài ra chúng còn tồn tại trong nước tiểu, đàm, chất nôn từ người bệnh.
2. Người đã khỏi bệnh nhưng còn mang vi khuẩn
Sau khi hết triệu chứng, Salmonella có thể tồn tại và thải ra theo phân của người vừa hết bệnh. Thời gian để vi khuẩn bài tiết ra hết từ một người vừa khỏi bệnh đa số từ 2 đến 3 tuần. Trong một số trường hợp, thời gian này có thể kéo dài vài tháng.
3. Người lành mang vi khuẩn (có nhiễm Salmonella nhưng không có triệu chứng)
Phân của nhóm này vẫn có Salmonella và có khả năng lây lan, gây bệnh cho người khác. Chính vì bản thân họ và người khác không hề hay biết tình trạng nhiễm khuẩn, nên khó kiểm soát sự lây lan ở nhóm này.
4. Các động vật khác
Ngoài 3 nhóm kể trên, một số loài động vật có thể lây Salmonella cho người, bao gồm:
- Bò sát (rùa, thằn lằn và rắn).
- Động vật lưỡng cư (ếch và cóc).
- Gia cầm (gà con, gà, vịt con, vịt, ngỗng và gà tây).
- Các loài chim khác (vẹt và chim hoang dã).
- Loài gặm nhấm (chuột đồng và chuột lang).
- Nhím.
- Heo, bò, dê, ngựa và cừu.
Nơi nào dễ xảy ra tình trạng nhiễm Salmonella?
Tình trạng nhiễm Salmonella thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Đặc biệt, khi một trong các vấn đề sau đây không đạt tiêu chuẩn vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan, có thể tạo thành dịch lớn:
- Vệ sinh nguồn nước.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nhà bếp, phòng ăn.
- Nhà tiêu, hố xí.
- Hệ thống thoát nước.
Ai có khả năng dễ bị nhiễm Salmonella?
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh từ Salmonella. Nhưng, có sự khác biệt trong khả năng mắc bệnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Những nhóm đối tượng sau đây có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng kém. Vì vậy, họ gặp nhiều nguy cơ nhiễm Salmonella hơn và độ nặng của bệnh có thể trầm trọng hơn:2 4
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 12 tháng tuổi).
- Người lớn trên 65 tuổi.
- Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân có hóa trị chữa ung thư hay đã ghép tạng. Bệnh nhân đái tháo đường hay suy giảm chức năng gan, thận.
- Người mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Bên cạnh đó, một số người thuộc nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:2 4
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Người sống hoặc làm việc xung quanh động vật có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
- Người uống thuốc kháng axit (ví dụ như thuốc giảm axit dạ dày), hoặc mới dùng thuốc kháng sinh. Những loại thuốc này có thể làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể và khiến bạn dễ bị bệnh hơn.
- Người mắc bệnh viêm ruột (IBD). Những tổn thương do IBD gây ra khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
Những triệu chứng nhiễm Salmonella thường gặp
Đa số các triệu chứng nổi bật khi nhiễm Salmonella là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bao gồm:1
- Tiêu chảy (đi tiêu ra phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 1 ngày).
- Đi tiêu có thể thấy máu trong phân.
- Buồn nôn, hay nôn ói.
- Sốt.
- Đau bụng.
- Cảm thấy ớn lạnh, đau đầu.
Các triệu chứng này thường bắt đầu sau thời gian ủ bệnh – khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến khi phát bệnh – có thể là 6 giờ đến 6 ngày.2
Ở bệnh thương hàn, triệu chứng có thể đa dạng hơn. Những chủng Salmonella gây bệnh thương hàn có thể xâm nhập vào hệ thần kinh, phổi và xương,… Các triệu chứng có thể gặp trong thương hàn bao gồm:7
- Sốt cao liên tục (từ 39°C trở lên).
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Bụng to căng trướng.
- Phát ban.
- Nhức đầu, ù tai.
- Mệt mỏi chán ăn.
- Ho khan.
- Li bì, hôn mê (ít gặp).
- Các triệu chứng sẽ nặng hơn ở những người chưa chủng ngừa Salmonella, chưa tạo được miễn dịch hoàn toàn chống lại vi khuẩn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết người nhiễm Salmonella không cần đến khám bác sĩ; vì bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày.1
Tuy nhiên, nếu người bị bệnh là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người có hệ thống miễn dịch yếu, hãy đến gặp bác sĩ nếu bệnh:1
- Kéo dài hơn một vài ngày.
- Có liên quan đến sốt cao hoặc phân có máu.
- Xuất hiện tình trạng mất nước, với các dấu hiệu như đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sẫm màu và khô miệng và lưỡi.
Trong bối cảnh nhiễm khuẩn có tính tập thể như ở trường học, cơ sở kinh doanh; học sinh hay công nhân viên đồng loạt nôn ói, đau bụng, tiêu chảy và sốt cao thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế và thông báo những đối tượng liên quan để hỗ trợ y tế kịp thời.8
Hậu quả khi không điều trị nhiễm khuẩn Salmonella kịp thời
Tình trạng nhiễm độc thức ăn do Salmonella thường thoáng qua và ít biến chứng ở người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ em, tình trạng có thể diễn tiến nặng nề hơn rất nhiều.
Vì vậy, ở một số đối tượng đặc biệt hay người bình thường, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể bị mất nước, nhiễm trùng máu, viêm não và viêm xương.
Với thương hàn, bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ở người lớn và trẻ nhỏ. Nguy hiểm nhất là chảy máu đường ruột, thủng ruột hay nhiễm trùng máu. Tỉ lệ xảy ra các biến chứng này khá thấp. Thủng ruột có thể gây nhiễm trùng toàn ổ bụng nặng nề, nhanh chóng và đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại di chứng. Chảy máu đường ruột quá nhiều sẽ dẫn đến sốc do mất máu, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, các cơ quan khác như phổi, tủy sống, thận,.. có thể bị ảnh hưởng do Salmonella.1 9
Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn Salmonella
Chẩn đoán nhiễm Salmonella như thế nào?
Tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của người bệnh. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm cũng có thể giúp phát hiện vi khuẩn Salmonella, bao gồm:4 6
1. Xét nghiệm cấy phân
Người bệnh có thể được bác sĩ yêu cầu lấy mẫu phân và gửi đến phòng thí nghiệm. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ tìm vi khuẩn bằng cách nuôi giữ vi khuẩn và kiểm tra xem có loại vi khuẩn nào là Salmonella hay không. Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong vài ngày. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh trước khi có kết quả xét nghiệm.
2. Xét nghiệm cấy máu
Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị nhiễm Salmonella trong máu, họ có thể được chỉ định lấy mẫu máu để thực hiện xét nghiệm cấy máu tìm vi khuẩn.
Bên cạnh hai xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn trong các chất dịch hoặc mô khác của cơ thể người bệnh; chẳng hạn như nước tiểu, hoặc mẫu lấy từ vết thương (áp-xe).
Điều trị nhiễm khuẩn Salmonella như thế nào?
Hầu hết người có thể trạng khỏe mạnh có thể khỏi bệnh trong vòng vài ngày đến một tuần mà không cần dùng thuốc. Phòng ngừa tình trạng mất nước, bù nước có thể giúp người bệnh sớm phục hồi.
1. Phòng ngừa và điều trị mất nước1
Như đã đề cập, nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy. Nếu người bệnh không bù lại lượng chất lỏng đã mất do tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước. Một số dấu hiệu cảnh báo người bệnh có thể đang mất nước bao gồm:
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc nước tiểu sẫm màu.
- Miệng và lưỡi khô.
- Đôi mắt trũng sâu.
- Không có nước mắt khi khóc.
- Mệt mỏi hơn bình thường.
- Khó chịu hoặc không tỉnh táo.
- Hoa mắt, chóng mặt.
Việc mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, điều trị sẽ tập trung vào việc thay thế chất lỏng và chất điện giải bị mất – những khoáng chất giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể.
Trong trường hợp người lớn hay trẻ em bị bệnh nhẹ, thì cần uống nhiều nước trong thời gian bị tiêu chảy, và theo dõi thường xuyên.
Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, người bệnh cần được chăm sóc tại phòng cấp cứu hoặc nhập viện để được truyền dịch trực tiếp vào tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch).
2. Điều trị bằng kháng sinh
Kháng sinh được chỉ định cho các trường hợp bệnh trở nặng. Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể được chỉ định kháng sinh bao gồm:2
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu (người nhiễm HIV, hoặc đang tiến hành hóa trị…).
- Người trên 50 tuổi đang mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tim.
- Người từ 65 tuổi trở lên.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 12 tháng).
Thuốc kháng sinh không hữu ích trong việc điều trị đối với đa số các trường hợp nhiễm Salmonella. Thực tế, việc dùng kháng sinh có thể làm vi khuẩn tồn tại trong cơ thể lâu hơn là không dùng kháng sinh. Từ đó tạo điều kiện lây nhiễm bệnh cho người khác. Chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ người bệnh bị nhiễm lại.1 6
Hiện nay, Salmonella đã xuất hiện các chủng kháng kháng sinh, nên cần cấy máu làm kháng sinh đồ để xác định chính xác chủng mắc. Từ đó có kháng sinh phù hợp.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được theo dõi và hỗ trợ các vấn đề tim mạch, dinh dưỡng với chế độ ăn phù hợp. Cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc, đúng liều đúng lượng để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm Salmonella
1. Phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
Bạn có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella bằng nhiều cách:
- Tiêm chủng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động với Salmonella.
- Rửa tay sạch với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc với động vật và bất cứ khi nào thấy tay bẩn.
- Chỉ sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn.
- Chỉ mua thực phẩm rõ nguồn gốc, đáng tin cậy, có điều kiện bảo quản tốt.
- Xử lý và chế biến thật kỹ thức ăn. Hạn chế ăn thức ăn chưa chín, đặc biệt là trứng gia cầm.
- Rửa sạch rau và trái cây dưới vòi nước chảy.
- Vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ chế biến thực phẩm để ngăn ngừa sự lây lan.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
Việc tiêm chủng vắc xin thương hàn có thể giúp tạo miễn dịch chủ động với vi khuẩn Salmonella. Trên thị trường hiện nay có vắc xin thương hàn Typhim VI. Vậy công dụng của vắc xin này là gì? Việc tiêm vắc xin này có tác dụng phụ gì hay không? Cần lưu ý gì khi tiêm? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết: Vắc-xin thương hàn Typhim VI: Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ. Bạn đọc có thể tìm hiểu và cập nhật thêm cho mình thông tin về loại vắc xin này nhé!
2. Thực hiện các biện pháp an toàn khi đang bị bệnh
Nếu đang bị bệnh, để tránh lây lan vi khuẩn sang người khác, bạn cần:
- Tránh tiếp xúc hay sử dụng các đồ dùng chung với người khác.
- Không nấu ăn cho người khác.
- Thường xuyên rửa tay.
3. Thực hiện các biện pháp an toàn khi tiếp xúc động vật
Hầu như bất kỳ loài vật nào cũng có thể nhiễm khuẩn Salmonella, hoặc mang theo vi khuẩn Salmonella trên lông, da hoặc vảy của chúng. Vì thế bạn nên thực hiện một số biện pháp an toàn đối với các động vật để phòng tránh lây nhiễm bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc động vật (kể cả vật nuôi) hoặc thức ăn, bát nước, khay vệ sinh, phân, lồng hoặc đồ chơi của chúng.
- Không chạm hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào động vật. Hạn chế hôn lông, lông vũ, vảy hoặc da của chúng.
- Nếu có hệ thống miễn dịch suy yếu, hoặc trên 65 tuổi, hoặc dưới 5 tuổi, bạn không nên tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao.
- Không ăn uống, sinh hoạt xung quanh động vật có nguy cơ cao hoặc ở môi trường sống của chúng.
- Làm sạch môi trường sống của thú cưng nhà bạn. Lưu ý không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để làm sạch môi trường sống, đồ chơi hoặc bát của thú cưng của bạn.
Nhiễm Salmonella có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng có nhiều nguy cơ hơn ở trẻ em, người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh mạn tính, suy giảm sức đề kháng. Thói quen ăn uống, sinh hoạt không vệ sinh là mầm mống nguy cơ lớn nhất của tình trạng này. Những người có miễn dịch hoàn toàn nhờ tiêm chủng khi nhiễm Salmonella sẽ có sức chống chịu tốt hơn, triệu chứng nhẹ nhàng hơn. Rửa tay sạch, chế biến kỹ thức ăn là chìa khóa quan trọng để ngăn ngừa bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Salmonella infectionhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/salmonella/symptoms-causes/syc-20355329
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Salmonella - Questions and Answershttps://www.cdc.gov/salmonella/general/index.html
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Overview of Salmonella Infectionshttps://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-negative-bacilli/overview-of-salmonella-infections
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Salmonellahttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15697-salmonella
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Thông tin về Salmonella (bệnh nhiễm khuẩn salmonella)https://kingcounty.gov/depts/health/communicable-diseases/disease-control/salmonellosis/vietnamese.aspx
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonellahttps://www.mass.gov/doc/vietnamese-benh-nhiem-khuan-salmonella/download#:~:text=Vi%20khu%E1%BA%A9n%20salmonella%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20c%C3%B3,s%E1%BA%BD%20gi%E1%BA%BFt%20ch%E1%BA%BFt%20vi%20khu%E1%BA%A9n.
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Typhoid Fever and Paratyphoid Fever - Symptoms and Treatment https://www.cdc.gov/typhoid-fever/symptoms.html
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Theo dõi và điều trị khi nhiễm khuẩn Salmonella ra sao?https://thanhnien.vn/theo-doi-va-dieu-tri-khi-nhiem-khuan-salmonella-ra-sao-post1524358.html
Ngày tham khảo: 22/11/2022
-
Salmonella Infection In Kids: Signs, Causes, And Treatmenthttps://www.momjunction.com/articles/salmonella-symptoms-in-kids-treatment-prevention_00724724/#complications
Ngày tham khảo: 22/11/2022