YouMed

Những cách chữa ngộ độc thực phẩm bạn nên biết

Bác sĩ TRỊNH NGỌC QUỲNH
Tác giả: Bác sĩ Trịnh Ngọc Quỳnh
Chuyên khoa: Đa khoa

Ngộ độc thực phẩm từ lâu đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam chúng ta. Hằng năm có khá nhiều vụ ngộ độc từ lẻ tẻ đến quy mô lớn tại các bếp ăn tập thể. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà là như thế nào? Khi nào thì cần nhập viện? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây cùng Youmed nhé!

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm còn được gọi là trúng thực. Tình trạng này xảy ra khi thực phẩm, thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn.

Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề sức khỏe phổ biến trên toàn thế giới. Đặc biệt thường gặp ở các nước đang phát triển, dân cư đông, nguồn nước không đạt chuẩn,.. Vào mùa nóng, vi sinh vật sinh sôi, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra thành dịch.

Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về tình trạng này và cách chữa ngộ độc thực phẩm vẫn còn chưa cao. Hậu quả là xử lý có thể chậm trễ hoặc sai cách, khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng trầm trọng.

Ở nước ta, ngộ độc thức ăn vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Nhiều vụ trúng thực tập thể xảy ra xung quanh mùa nắng nóng, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể. Theo thống kê của Bộ y tế, mỗi năm nhà nước tốn 0.22% GDP chỉ để giải quyết 6 bệnh ung thư phổ biến. Mà thực phẩm bẩn là một trong số những nguyên nhân chính. (Số liệu tổng hợp cho đến năm 2018).

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm. Những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Thức ăn nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm các kim loại nặng, hóa chất độc hại. Có thể là dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ, hải sản và thịt nhiễm ký sinh trùng…
  • Thực phẩm nhiễm khuẩn trong quá trình sơ chế, chế biến hay bảo quản. Ví dụ như đồ hộp  không đúng quy cách, thực phẩm quá hạn sử dụng, thức ăn cũ ôi thiu, nấm mốc… Đầu bếp không vệ sinh tay kỹ lưỡng. Quy tắc vệ sinh trong bếp ăn không được tuân thủ. Thức ăn không được nấu chín.
  • Bản thân thực phẩm có chứa độc tố: nấm độc, cá nóc, khoai tây mọc mầm…
  • Hy hữu hơn là các trường hợp bị đầu độc có chủ ý.
Ăn thức ăn cũ, ôi thiu làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Ăn thức ăn cũ, ôi thiu làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Cách chữa ngộ độc thực phẩm

Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà

Giảm nôn ói

Nôn ói là một triệu chứng gây cho người bệnh cảm giác rất khó chịu và mệt mỏi. Nôn ói nhiều và liên tục sẽ khiến bệnh nhân không ăn được, mất sức. Nhịn đói lâu còn gây nguy cơ hạ đường huyết nguy hiểm cho bệnh nhân. Các dấu hiệu nguy hiểm đi kèm với ói cần lưu ý là:

  • Ói ra máu tươi hoặc lấm tấm đen.
  • Ói ra bọt li ti có tơ máu màu hồng.
  • Nôn ói liên tục và kéo dài không giảm, ói ra dịch xanh vàng màu gần giống phân.
  • Ói quá nhiều khiến bệnh nhân khát nước, mắt trũng…

Nếu tình trạng nôn ói mới xuất hiện, chưa kèm các dấu hiệu trên, người bệnh có thể tự xử trí tại nhà trước.

Cách chữa ngộ độc thực phẩm trong trường hợp này là ăn những thức ăn lỏng, nguội, không quá nhiều gia vị, dầu mỡ. Ăn từng muỗng nhỏ trong tư thế ngồi thẳng. Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn hay uống. Mục đích của những thao tác này là giảm bớt trào ngược dịch vị, hạn chế kích thích nôn.

Tuy nhiên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi:

  • Tình trạng nôn ói không thuyên giảm.
  • Không ăn uống gì được khiến người bệnh mệt mỏi, vã mồ hôi, xây xẩm chóng mặt… Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hạ đường máu.

Bệnh nhân và người nhà không nên tự ý mua các thuốc chống nôn hoặc cầm tiêu chảy. Liều dùng các thuốc chống nôn cần được tính toán và kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ. Ngoài ra, việc cầm tiêu chảy khi chưa cần thiết có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị do độc tố không được thải hết.

Ngăn ngừa tình trạng mất nước

Khi ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường gặp là nôn ói, tiêu chảy và sốt. Nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều phối hợp với  sốt cao có thể khiến người bệnh mất nước. Mất nước, mất điện giải trầm trọng ảnh hưởng nặng nề đến nhiều hệ cơ quan. Mức độ nguy hiểm nhất có thể lên đến tử vong đột ngột.

Bệnh nhân có thể tự bổ sung nước tại nhà. Giống như thức ăn, hãy uống từng ngụm nhỏ bất cứ khi nào thấy khát và sau mỗi lần đi tiêu. Nếu được, có thể dùng nước trái cây như nước dừa hoặc nước đường để bổ sung năng lượng.

Bổ sung nước dừa hoặc nước trái cây sẽ giúp cải thiện triệu chứng khi ngộ độc thực phẩm
Bổ sung nước dừa hoặc nước trái cây sẽ giúp cải thiện triệu chứng khi ngộ độc thực phẩm

Các dung dịch bù nước chuyên biệt hoặc dịch truyền cần có sự chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là với trẻ nhỏ hay người lớn tuổi, người có các bệnh lý mạn tính.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Đa phần các trường hợp ngộ độc thực phẩm thường nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, những trường hợp nặng có thể diễn tiến cực kỳ khó lường. Hãy tìm đến cơ sở y tế ngay khi có những dấu hiệu nguy hiểm sau đây:

  • Nôn ói liên tục khiến bệnh nhân không thể ăn uống.
  • Nôn ra máu hoặc nghi ngờ nôn ra máu: Thấy dịch ói màu đỏ hoặc nâu, đen…
  • Đi đại tiện ra máu đỏ tươi hoặc thấy phân sệt màu đen.
  • Tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Sốt cao từ 390C trở lên. Dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm.
  • Khát quá nhiều hoặc không thể uống nước. Tiểu ít hay không đi tiểu được, chóng mặt choáng váng, mất sức nhiều.
  • Khi người bệnh kém tỉnh táo, lơ mơ hoặc lịm đi.
  • Hoặc khi người thân nghi ngờ bệnh nhân uống nhầm phải hóa chất không rõ, tự tử hoặc bị đầu độc. Những trường hợp này cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Ngộ độc thực phẩm có nên đến bệnh viện điều trị?
Ngộ độc thực phẩm có nên đến bệnh viện điều trị?

Một số biện pháp phục hồi sau ngộ độc thực phẩm

Nghỉ ngơi, bổ sung nước, khoáng chất và dinh dưỡng là nguyên tắc chính để người bệnh hồi phục. Người nhà nên cho bệnh nhân tập ăn lại dần dần. Bắt đầu từ thức ăn lỏng, dễ tiêu và nguội như cháo loãng. Sau đó thay bằng cháo đặc và cơm. Người bệnh nên ngồi thẳng lưng khi ăn và đừng nằm ngay sau khi ăn xong.

Nên tránh các thức ăn kích thích nôn ói, trào ngược như:

  • Ăn ngay khi còn quá nóng, quá lạnh.
  • Dùng nhiều dầu mỡ khi chế biến món ăn.
  • Nêm quá nhiều gia vị, đặc biệt là các loại cay nồng.

Nên bổ sung nước khoáng hay nước trái cây để bù lại lượng nước và khoáng chất đã mất. Có thể cho bệnh nhân ăn các loại trái cây không quá chua để bổ sung chất xơ và vitamin. Chuối là một loại trái cây dễ tìm dễ ăn và tốt cho tiêu hóa. Tập ăn sớm sẽ giúp đường ruột mau hoạt động tốt trở lại.

Một số người có quan niệm uống sữa khi không ăn được vì dễ uống và giàu năng lượng. Tuy nhiên, nhiều người đặc biệt là cơ địa người châu Á có thể khó hấp thu các loại sữa có chứa lactose. Vì thế, nên tránh uống sữa vào những ngày đầu sau trúng thực để giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn.

Như vậy, cách chữa ngộ độc thực phẩm tuỳ theo trường hợp sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu tình trạng nhẹ, đa phần có thể tự khỏi mà không cần quá nhiều can thiệp y tế chuyên sâu. Tuy nhiên, không thể lơ là trong việc theo dõi biểu hiện của người bệnh. Mất nước, mất khoáng chất quá nhiều hay độc tố trong thực phẩm có thể gây tử vong cho người bệnh. Vì thế điều quan trọng là biết được các dấu hiệu nguy hiểm để đi khám kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/understanding-food-poisoning-symptoms
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230
  3. https://atvstp.org.vn/tin-tuc/lieu-thong-ke-thuc-pham-ban-tren-thi-truong-hien-nay

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người