YouMed

Những triệu chứng thiếu vitamin B cần lưu ý!

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC SƠN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn
Chuyên khoa: Dược

Vitamin B là một nhóm gồm tám chất dinh dưỡng, mỗi chất có vai trò riêng biệt trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Chúng đặc biệt quan trọng để duy trì sức khỏe và giúp bạn tràn đầy năng lượng. Do đó, thiếu vitamin B có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của cơ thể. Hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn tìm hiểu về các triệu chứng thiếu loại vitamin này bạn nhé!

Triệu chứng và đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin B

Tùy vào loại vitamin B mà bạn thiếu mà cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng, những bệnh khác nhau:

1. Vitamin B1

Một người bị thiếu hụt vitamin B1 (Thiamin) có thể gặp phải tình trạng:

  • Sụt cân.
  • Ít hoặc không có cảm giác thèm ăn.
  • Có vấn đề trí nhớ hoặc nhầm lẫn.
  • Có vấn đề về tim.
  • Ngứa, tê ở bàn tay và bàn chân.
  • Giảm khối lượng cơ bắp.
  • Phản xạ kém.

Một số nhóm người có thể không nhận đủ Thiamin, bao gồm:

  • Người nghiện rượu.
  • Người cao tuổi.
  • Người nhiễm HIV/AIDS.
  • Người bị bệnh đái tháo đường.
  • Những người bị suy tim.
  • Những người đã phẫu thuật tầng sinh môn.

Đa số thiếu vitamin B1 là do nghiện rượu. Điều này có thể gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff (WKS – một dạng rối loạn não do thiếu vitamin B1). Hội chứng này dẫn đến ngứa và tê ở bàn tay và bàn chân, mất trí nhớ và lú lẫn. WKS cũng có thể gây ra bệnh não Wernicke (WE) – một bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

2. Vitamin B2

Thiếu vitamin B2 (Riboflavin) rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra khi bị rối loạn nội tiết như các vấn đề về tuyến giáp hoặc một số bệnh lý khác.

Một người thiếu Riboflavin có thể gặp phải:

  • Các bệnh về da.
  • Loét ở khóe miệng.
  • Sưng miệng và cổ họng.
  • Môi sưng và nứt nẻ.
  • Rụng tóc.
  • Đỏ và ngứa mắt.

Thiếu vitamin B2 nghiêm trọng có thể dẫn đến thiếu máu và đục thủy tinh thể. Thiếu vitamin B2 trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Những người có nguy cơ thiếu vitamin B2 gồm:

  • Người ăn chay.
  • Người không sử dụng các sản phẩm từ sữa.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú.

3. Vitamin B3

Bổ sung quá ít vitamin B3 (Niacin) có thể gây ra thiếu hụt Niacin. Thiếu Niacin nghiêm trọng dẫn đến bệnh Pellagra (bệnh thiếu niacin hoặc tryptophan hoặc thiếu cả hai và gây mất cân bằng acid amin), có thể gây ra:

  • Da bị đổi màu thành đỏ hoặc nâu khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Các mảng da sần sùi.
  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Đau đầu, mệt mỏi, phiền muộn.
  • Lưỡi đỏ tươi.

Nếu Pellagra không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ và hành vi. Nó cũng có thể dẫn đến tử vong.

Những người có nguy cơ thiếu Niacin bao gồm những người:

  • Suy dinh dưỡng.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Rối loạn sử dụng rượu.
  • AIDS.
  • Bệnh viêm ruột (IBD).
  • Bệnh Hartnup (bệnh khiến cơ thể khó hấp thụ vitamin B3 từ ruột và tái hấp thu chúng từ thận).
  • Hội chứng Carcinoid, bệnh gây ra các khối u phát triển trong đường tiêu hóa.

4. Vitamin B5

Các triệu chứng thiếu hụt vitamin B5 (Acid pantothenic) bao gồm:

  • Tê và bỏng bàn tay và bàn chân.
  • Đau đầu và cáu gắt.
  • Bồn chồn và khó ngủ.
  • Chán ăn.

Những người có gen đột biến thoái hóa thần kinh II liên quan đến pantothenate kinase có nguy cơ bị thiếu hụt cao.

5. Vitamin B6

Thiếu vitamin B6 có thể gây ra:

  • Thiếu máu.
  • Đóng vảy trên môi.
  • Vết nứt ở khóe miệng.
  • Sưng lưỡi.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch.
  • Lo lắng, hoang mang và phiền muộn.

Những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin B6 gồm người:

  • Bệnh thận.
  • Đã được ghép thận.
  • Bệnh Celiac.
  • Bệnh Crohn.
  • Viêm đại tràng.
  • Các bệnh rối loạn tự miễn trong cơ thể như viêm khớp dạng thấp.
  • Nghiện rượu.

6. Vitamin B7

Các dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B7 (biotin) bao gồm:

  • Tóc mỏng.
  • Phát ban có vảy quanh miệng, mắt và mũi.
  • Móng tay dễ gãy.
  • Phiền muộn và mệt mỏi.

Những nhóm sau đây có thể có nhiều nguy cơ thiếu hụt vitamin B7:

  • Rối loạn chuyển hóa hay thiếu hụt biotinidase.
  • Rối loạn sử dụng rượu.
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.

7. Vitamin B9

Các triệu chứng có thể xảy ra khi thiếu vitamin B9 (folate) có thể bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Tim đập nhanh.
  • Cáu gắt.
  • Vết loét trong miệng hoặc trên lưỡi.
  • Thay đổi da, tóc hoặc móng.

FDA khuyến cáo phụ nữ nên tăng cường bổ sung vitamin B9 (folate) và bổ sung acid folic (dạng tổng hợp của folate) mỗi ngày trước và trong khi mang thai.1 Những nhóm khác có thể cần thêm folate bao gồm những người:

  • Rối loạn sử dụng rượu.
  • Bệnh Celiac.
  • Các bệnh ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Viêm loét đại tràng.

Mọi người không nên dùng nhiều hơn 1.000 mcg acid folic mỗi ngày. Uống nhiều hơn mức này có thể che dấu các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12. Điều này có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn.2

8. Vitamin B12

Thiếu vitamin B12 thường gây ra tình trạng thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Các triệu chứng thiếu vitamin B12 bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Ăn không ngon.
  • Sụt cân.
  • Táo bón.
  • Tê và ngứa ở bàn tay và bàn chân.
  • Các vấn đề về trí nhớ.

Những người có nguy cơ thiếu hụt B12 gồm:

  • Người cao tuổi.
  • Người mắc bệnh Crohn và bệnh Celiac.
  • Người đã phẫu thuật dạ dày hoặc phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.
  • Người mắc các bệnh cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Người ăn thuần chay.
  • Những người đang mang thai hoặc cho con bú.

Cách phòng tránh thiếu vitamin B

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin thông qua chế độ ăn uống với đầy đủ các loại thịt, hạt, trái cây và rau xanh.

Bổ sung thực phẩm chức năng chỉ là biện pháp cuối cùng nếu bạn không thể có đủ vitamin B thông qua chế độ ăn uống hoặc nếu bạn có một số tình trạng sức khỏe cần sử dụng thực phẩm bổ sung. Do đó, tốt nhất bạn nên đến bác sĩ kiểm tra trước khi bổ sung vitamin.

Nguy cơ quá liều vitamin B thấp hơn các chất dinh dưỡng khác vì vitamin B hòa tan trong nước. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B vẫn có thể gây ra:

  • Phản ứng phụ.
  • Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
  • Tương tác với thuốc bạn sử dụng.

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị thiếu vitamin B, hãy liên hệ với bác sĩ để có lời khuyên hữu ích nhất.

Mỗi loại vitamin B có những chức năng riêng biệt, nhưng chúng phụ thuộc vào nhau để mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất. Mọi người đều có thể điều trị và ngăn ngừa sự thiếu vitamin B bằng cách bổ sung vào chế độ ăn uống của họ các loại thực phẩm giàu vitamin hoặc thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thực phẩm chức năng nào để chắc chắn rằng chúng sẽ không tương tác với thuốc, bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Adding Folic Acid to Corn Masa Flour May Prevent Birth Defectshttps://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/adding-folic-acid-corn-masa-flour-may-prevent-birth-defects

    Ngày tham khảo: 05/02/2021

  2. Folate (Folic Acid) – Vitamin B9https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/folic-acid/

    Ngày tham khảo: 05/02/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người