Những điều cần biết về giai đoạn Tiền mãn kinh
Nội dung bài viết
Tuổi mãn kinh đến với phụ nữ quanh độ tuổi 50. Đây là một hiện tượng tất yếu trong cuộc đời. Đi kèm theo tuổi mãn kinh là những thay đổi tâm lý, những vấn đề sức khỏe bao gồm: bệnh lý niệu sinh dục, loãng xương, bệnh lý tim mạch, giảm sút trí nhớ, khó ngủ… Điều đó làm chất lượng sống của phụ nữ mãn kinh giảm, hiệu quả lao động bị ảnh hưởng. Vì thế hiểu hơn về tiền mãn kinh, mãn kinh giúp biết được các biến đổi về mặt sức khỏe, có sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Đồng thời biết được các biện pháp điều trị nhằm giảm thiểu những vấn đề sức khỏe không mong muốn.
Tổng quan về tiền mãn kinh – Mãn kinh
Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà bất kỳ phụ nữ nào cũng sẽ trải qua. Theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS), mãn kinh được định nghĩa “là sự ngưng hành kinh vĩnh viễn do mất chức năng tạo nang noãn tại buồng trứng”.
Cơ thể được gọi là mãn kinh sau khi phụ nữ trải qua 12 tháng vô kinh mà không kèm theo bất kỳ nguyên nhân bệnh lý nào. Tuy nhiên mãn kinh còn được chẩn đoán qua các xét nghiệm đo nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể. Chúng chỉ áp dụng cho những trường hợp như phụ nữ tắt kinh sớm mà không rõ nguyên nhân hoặc đã cắt bỏ tử cung nhưng còn bảo tổn 2 buồng trứng. Trong trường hợp đó mặc dùng không có kinh nhưng vẫn chưa phải là mãn kinh.
Độ tuổi mãn kinh trung bình là 48 – 52 tuổi. Mãn kinh sớm khi tình trạng này xảy ra trước 40 tuổi, mãn kinh muộn khi sau 55 tuổi. Tuổi mãn kinh càng sớm thì tuổi thọ càng giảm. Các vấn đề sức khỏe của phụ nữ cũng xuất hiện sớm hơn.
Xem thêm: Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? Nó kéo dài bao lâu?
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh hay còn gọi là quanh mãn kinh. Đây là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh sản và không còn khả năng sinh sản trong cuộc đời phụ nữ. Hay nói cách khác, đây là khoảng thời gian ngay trước khi vào mãn kinh.
Nguyên nhân gây ra tiền mãn kinh là do sự giảm dần số nang buồng trứng có chức năng tiết nội tiết tố nữ, gồm có estrogen và progesteron. Trong đó estrogen là quan trọng nhất. Trong thời kì tiền mãn kinh, các nội tiết tố này giảm đi từ từ. Đây chính là nguyên nhân gây ra các thay đổi về mặt tâm lý và các vấn đề sức khỏe ở giới nữ.
Biểu hiện của giai đoạn tiền mãn kinh
Giai đoạn tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt: Đây là triệu chứng chính của thời kỳ tiền mãn kinh. Ban đầu chu kỳ kinh ngắn lại, không đều, sau đó lượng máu kinh ít dần ( thiểu kinh), và cuối cùng là vô kinh.
Căng đau vú: Thay đổi nội tiết tố nữ dẫn đến tăng phát triển các tuyến vú, vú căng to và gây đau.
Chất nhầy ở cổ tử cung trong và lỏng suốt chu kỳ.
Các hội chứng tiền mãn kinh khác: tăng cân, chướng bụng, trằn bụng; các rối loạn tâm tính khác như lo âu, căng thẳng, bất an,…
Giai đoạn sau mãn kinh
Những dấu hiện này có thể xuất ở tiền mãn kinh sau đó kéo dài đến cả sau mãn kinh.
1. Về mặt thể chất
Cơn bốc hỏa và khó ngủ: Tần suất xuất hiện khoảng 70% phụ nữ mãn kinh. Một cảm giác nóng bừng đột ngột, thường lan khắp vùng ngực và mặt. Cơn điển hình kéo dài 1 – 5 phút, thậm chí có thể lên đến 30 phút. Tần suất xảy ra cơn thay đổi tùy người, tùy thời điểm, cả ngày lẫn đêm. Đây là nguyên nhân chính gây mất ngủ. Bốc hỏa có thể xuất hiện một vài năm trước khi mãn kinh thực sự và có thể kéo dài 5 – 7 năm sau khi đã mãn kinh.
Vấn đề về âm đạo và bàng quang: Khi nồng độ estrogen giảm, vùng âm đạo có thể mất dịch bôi trơn và độ đàn hồi, khiến việc giao hợp trở nên đau đớn. Estrogen thấp cũng có thể dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc âm đạo. Ngoài ra, còn có thể gây ra tiểu không tự chủ, són tiểu.
Thay đổi da, lông tóc, móng: Estrogen làm da dày chắc. Thiếu estrogen dẫn đến da mỏng, kém đàn hồi, dễ bào mòn và tổn thương. Tóc dễ rụng hơn. Móng trở nên mỏng, giòn, và dễ gãy.
Loãng xương: Giảm chất khoáng của xương là quá trình tự nhiên của tuổi tác. Tuy nhiên phụ nữ loãng xương sớm hơn nam giới 10 – 20 tuổi vì estrogen giảm sút. Chúng lại đóng vai trò trong quá trình tạo xương. Thiếu estrogen khả năng tạo xương bị sụt giảm, làm mất khoáng xương, xương trở nên xốp và dễ gãy.
Ngoài ra thiếu hụt estrogen còn làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành và các tai biến mạch máu khác.
2. Về mặt tinh thần
Rối loạn tâm lý: trầm cảm, kích thích, tính khí thất thường. rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tiền mãn kinh, mãn kinh?
Tuổi mãn kinh trung bình hiện nay là khoảng 48 – 52 tuổi. Tuy nhiên, có những yếu tố khác làm cho tuổi mãn kinh đến sớm hơn so với tuổi trung bình. Các yếu tố bao gồm:
- TÌnh trạng kinh tế, xã hội thấp.
- Hút thuốc lá làm mãn kinh sớm hơn 2 – 3 năm.
- Suy dinh dưỡng, chế độ ăn chay thường xuyên.
- Tia xạ, hóa chất.
- Di truyền, lối sống có thể ảnh hưởng đến tuổi mãn kinh.
- Phẫu thuật cắt tử cung và phần phụ gây mãn kinh sớm.
- Suy buồng trứng sớm.
Tuổi dậy thì, tình trạng sinh đẻ, cho con bú, uống thuốc ngừa thai cũng liên quan đến thời điểm mãn kinh. Nhưng các yếu tố này chưa có bằng chứng rõ ràng.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Ví dụ một tình huống khám tiền mãn kinh thường gặp:
“Một phụ nữ 53 tuổi đến khám ở phòng khám phụ khoa. Cô than phiền vì nhiều lần có cảm giác bốc hỏa, khô âm đạo và khó chịu. Cô nói rằng các dấu hiệu này bắt đầu 1 năm trước và càng ngày càng tệ hơn. Cô hay cáu gắt, khó ngủ và cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều”.
Theo thống kê của Hiệp hội mãn kinh Châu Á, khoảng 46% phụ nữ chịu ảnh hưởng từ việc này. Tuy nhiên, tại Việt Nam khá ít phụ nữ đi khám dù bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý và các vấn đề sức khỏe khác. Đa phần giới nữ chịu chấp nhận thay đổi dù có bị ảnh hưởng hay không. Hoặc đơn giản là các vấn đề sức khỏe đó không quá ảnh hưởng cuộc sống của họ.
Thực tế hiện nay đã có nhiều biện pháp điều trị nhằm giảm đi các biểu hiện do tiền mãn kinh và mãn kinh gây ra. Chẳng hạn như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng ( lo lắng quá mức, cáu gắt, hay quên,…) và các tình trạng sức khỏe đã được đề cập ở trên. Nếu chúng đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hoặc hạnh phúc của bạn và gia đình bạn. Hãy nên đến trung tâm y tế sản phụ khoa để được tư vấn.
Các biện pháp điều trị hiện tại?
Liệu pháp nội tiết tố thay thế
Đây vẫn là liệu pháp cực kỳ hiệu quả để làm giảm các biểu hiện nặng nề của tiền mãn kinh, mãn kinh. Thuốc có nhiều dạng như uống – thoa – dán – đặt âm đạo. Tùy thuộc vào tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, tuổi bắt đầu mãn kinh, các biểu hiện để chọn lựa dạng nội tiết tố nào nên sử dụng.
Bạn sẽ cần khám sức khỏe tổng quát trước khi dùng thuốc bổ sung nội tiết tố nữ. Và trong quá trình dùng thuốc, bạn cần tái khám để đánh giá tình trạng dùng thuốc này.
Bài đọc thêm: Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế: Những điều cần nên biết.
Các biện pháp khác
Liệu pháp không dùng thuốc bao gồm:
- Thay đổi lối sống.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: với ít hơn 30% chất béo, giàu canxi, …
- Tập luyện thể thao, không để tăng cân.
- Thiền, hít thở sâu cách quãng, thư giãn.
- Châm cứu và thôi miên giúp cải thiện biểu hiện bốc hỏa.
- Sử dụng các thực phẩm chức năng khác: Omega 3, bổ sung vitamin D3, …
- Khám sức khỏe định kỳ.
Bên cạnh đó, có thể phối hợp với các liệu pháp dùng thuốc khác để đạt kết quả tốt hơn.
Với phụ nữ Việt Nam, các triệu chứng mãn kinh không quá rầm rộ như tại các nước Châu Âu. Phụ nữ mãn kinh đến khám tư vấn không nhiều. Xu hướng vẫn là sử dụng các phương pháp điều trị không nội tiết phối hợp chế độ luyện tập. Bổ sung nội tiết tố nữ nên được sử dụng sớm ở thời kì tiền mãn kinh. Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và dưới 60 tuổi.
Lợi ích bổ sung nội tiết tố nữ và thời điểm dùng phù hợp?
Vào năm 2016, Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp – Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16 đưa ra các lợi ích khi sử dụng nội tiết tố nữ thay thế như:
- Điều trị rối loạn vận mạch: Nội tiết tố thay thế là lựa chọn đầu tay.
- Dự phòng loãng xương và gãy xương do loãng xương dù ở liều rất thấp.
- Dự phòng bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch nếu dùng sớm.
- Phòng ngừa đột quy. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào tuổi, loại nội tiết tố thay thế, đường sử dụng và yếu tố nguy cơ sẵn trước đó. Đặc biệt với phụ nữ mãn kinh sớm, nguy cơ đột quỵ tăng nếu không sử dụng liệu pháp bổ sung nội tiết tố.
- Tác dụng tốt bảo vệ não bộ & giảm nguy cơ bệnh Alzheimer đến 29 – 44%.
Tuy lợi ích nhiều nhưng thuốc chỉ khuyên dùng với phụ nữ trẻ dưới 60 tuổi, mới mãn kinh dưới 10 năm. Đồng thời không có bất kỳ bệnh lý nào mắc trước đó bị ảnh hưởng trong điều trị nội tiết tố như: các bệnh lý tim mạch, viêm tắc tĩnh mạch, ung thư,… Thời gian sử dụng thuốc 5 năm là an toàn. Ngoài ra, với phụ nữ mãn kinh sớm hơn với độ tuổi trung bình (48 – 52 tuổi), cần nên được sử dụng càng sớm càng tốt. Nhằm hạn chế các nguy cơ sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này.
Việc chọn bổ sung nội tiết tố nữ hay dùng các liệu pháp khác là tùy từng cá nhân. Chúng phụ thuộc vào điều kiện mong muốn của phụ nữ, độ tuổi, các bệnh nền trước đó và tình trạng sức khỏe ảnh hưởng nhẹ hay nặng lên cuộc sống phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống bị kém chất lượng do ảnh hưởng của thời kỳ này, hãy đến thăm khám các bác sỹ phụ khoa tại trung tâm y tế uy tín để nhận được lời khuyên và liệu pháp phù hợp nhất cho mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- ThS.BS CKII Nguyễn Thị Trúc Hà, ThS.BS Lê Thị Hồng Vân (2016). "Phụ khoa - Mãn kinh", Bài giảng sản phụ khoa tập 2. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 53-61.
- Stephen W. Sawin, M.D. (2015). "Phụ khoa tổng quát và vô sinh - Mãn kinh", Sản phụ khoa những điều cần biết. Nhà xuất bản y học Tp. Hồ Chí Minh, tr. 138-147.
- "Hormonal Disorders". STEP2 CK Lecture Notes 2018 Obstetrics and Gynecology, Published by Kaplan Medical, a division of Kaplan, Inc. 750 Third Avenue New York, P. 263-266.
-
Điều trị mãn kinh - Liệu pháp hormone & không hormonehttps://tudu.com.vn/cache/0737294_Ngoc%20Phuong.%20Dieu%20tri%20man%20kinh....pdf
Ngày tham khảo: 15/07/2020