YouMed

Nhiễm Lậu cầu: Bệnh lây qua đường tình dục và những điều cần biết

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Bệnh lây qua đường tình dục (STDs) – hay nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) – là những bệnh xảy ra sau những tiếp xúc tình dục. Nhiễm lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) là một trong những tác nhân gây ra bệnh lây qua đường tình dục thường gặp thứ nhì, ở cả nam và nữ. Bệnh có thể gây những biến chứng cấp nghiêm trọng và nặng nề hơn là để lại di chứng vĩnh viễn ở cơ quan sinh dục của phụ nữ.

1. Vi khuẩn lậu – Neisseria Gonorrhoeae

Neisseria gonorrhoeae – hay lậu cầu – là song cầu gram âm sống trong tế bào. Như những tác nhân lây qua đường tình dục khác, lậu cầu được lây từ hoạt động quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh hoặc người mang vi khuẩn lậu dù không có triệu chứng.
Lậu cầu không chỉ gây bệnh ở cơ quan sinh dục mà còn gây nên tình trạng nhiễm lậu cầu hầu họng, đặc biệt ở những người có khẩu giao (quan hệ tình dục đường miệng).

Cùng với nhiễm Chlamydia, nhiễm Neisseria gonorrhoeae là nguyên nhân gây viêm vùng chậu cấp và mạn, để lại những di chứng nặng nề cho cơ quan sinh sản của phụ nữ. Nhiễm lậu cầu liên quan với nguy cơ hiếm muộn – vô sinh bởi sự hình thành viêm dính vòi trứng, tổn thương tai vòi và ứ nước tai vòi.

Nhiễm lậu cầu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân STDs khác xâm nhập như Chlamydia, HIV, giang mai.

Phụ nữ mang thai nhiễm lậu có thể lây truyền dọc mẹ – con trong lúc sanh gây ra viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh gây mù lòa. Nặng nề hơn, lậu cầu gây viêm khớp hay nhiễm trùng huyết sơ sinh, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng trẻ.

Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh
Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh. Nguồn ảnh: guwikipedia.org

2. Triệu chứng bệnh lây qua đường tình dục – lậu

Triệu chứng nhiễm lậu cầu rất đa dạng. Tương tự như các tác nhân lây qua đường tình dục, nhiễm lậu cầu đa số không có triệu chứng, triệu chứng mơ hồ và không đặc hiệu.

Triệu chứng sớm có thể xảy ra trong vòng 2 tuần (trung bình 3 – 5 ngày) sau khi bạn tiếp xúc với tác nhân. Tuy nhiên nhiễm lậu cầu không triệu chứng vẫn có thể dẫn đến viêm vùng chậu đi kèm với các nguy cơ vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới. Và đương nhiên, nhiễm lậu cầu dù không triệu chứng vẫn có thể lây vi khuẩn cho (những) bạn tình.

Ở nam giới, nhiễm lậu cầu biểu hiện bởi viêm niệu đạo với tiểu mủ. Triệu chứng điển hình được mô tả là giọt mủ buổi sáng ở đầu niệu đạo, giọt mủ này có màu trắng, vàng hoặc xanh và có mùi khác thường. Các triệu chứng khác ít gặp hơn là tiểu khó, tiểu đau hay sưng đau bìu và tinh hoàn.

Ở nữ giới, các biểu hiện thường nhẹ và không đáng chú ý khiến các triệu chứng dễ bị bỏ qua ở giai đoạn này. Các triệu chứng thường gặp ở những phụ nữ nhiễm lậu cầu bao gồm tiểu khó, tiết dịch hay mủ từ âm đạo hay tử cung, chảy máu âm đạo giữa chu kì. Huyết trắng vàng hay xanh và có mùi hôi là dấu hiệu gợi ý viêm cổ tử cung do lậu cầu hay Chlamydia. Lậu cầu cũng có thể gây ra nhiễm trùng tái phát hay áp xe ở các nang tuyến Bartholin – những tuyến tiết dịch ở âm đạo. Trường hợp nặng, những nang tuyến này sưng, đau và phải rạch mủ.

Chảy mủ ở cổ tử cung
Chảy mủ ở cổ tử cung. Nguồn ảnh: healthline.com

Nhiễm lậu cầu ở hậu môn- trực tràng ở cả nam và nữ xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường này. Triệu chứng bao gồm sưng, đau, ngứa ngáy hay chảy dịch và chảy máu hậu môn.

Nhiễm lậu cầu hầu họng do lây truyền vi khuẩn qua khẩu giao thường không triệu chứng tuy nhiên lại rất khó điều trị. Triệu chứng bao gồm sưng đau vùng họng, viêm họng đỏ, sốt và nổi hạch cổ. Cần phải trao đổi với bác sĩ nếu có khẩu giao để chọn liệu pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất.

Triệu chứng và biến chứng của nhiễm lậu cầu
Triệu chứng và biến chứng của nhiễm lậu cầu. Nguồn ảnh: HealthandMedicine.net

3. Biến chứng – Di chứng

Nhiễm lậu cầu không được điều trị đúng cách có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ.

Ở nữ, vi khuẩn lậu có thể lan tràn đến tử cung và vòi trứng gây viêm vùng chậu. Triệu chứng này đôi khi nhẹ nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng. Viêm vùng chậu cấp biểu hiện qua các triệu chứng sốt, đau vùng bụng dưới dữ dội, chảy mủ từ tử cung, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ói hay đau khi bác sĩ làm các nghiệm pháp khám vùng tử cung và phần phụ (vòi trứng, buồng trứng). Viêm vùng chậu có thể chỉ khu trú như viêm nội mạc tử cung, viêm tai vòi nhưng cũng có thể lan tràn ở vùng chậu gây áp-xe tai vòi buồng trứng hay viêm phúc mạc chậu. Những thể bệnh nặng nề có thể diễn tiến nhanh gây sốc nhiễm trùng và tử vong.

Di chứng thường gặp ở tai vòi như ứ nước, viêm dính tai vòi đủ để gây vô sinh – hiếm muộn hay tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

Ở nam, nhiễm lậu cầu có thể biến chứng viêm mào tinh hoàn. Ở vài trường hợp tuy hiếm hoi nhưng rất nghiêm trọng; viêm tinh hoàn, viêm mào tinh có thể dẫn đến vô sinh.

Nếu không được điều trị đúng và đủ, vi khuẩn lậu có thể lan tràn qua đường máu gây viêm khớp, sưng đau khớp và viêm da. Tình trạng nặng nề này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

4. Gặp bác sĩ

Gặp bác sĩ để được tư vấn, tầm soát và điều trị khi:

  • Bạn có bất kì triệu chứng của bệnh hay của biến chứng như huyết trắng âm đạo bất thường, chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, đau khi giao hợp, rối loạn đi tiểu như tiểu khó, tiểu đau, tiểu nhiều lần hay chảy mủ, chảy dịch ở dương vật.
  • Bạn có quan hệ tình dục không an toàn và có thể bị nhiễm các tác nhân gây STDs.
  • Bạn tình của bạn có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán lậu hay bất kì STDs nào.
  • Bạn có bạn tình mới hay có nhiều bạn tình.
  • Bạn mang thai và cần được xét nghiệm kiểm tra.
  • Sẩy thai hay hiếm muộn.

Khi gặp bác sĩ, bạn sẽ được khám phụ khoa và làm xét nghiệm NAATs để xác định xem mình có nhiễm lậu cầu không. (NAATs: nucleic acid amplication test – xét nghiệm khuếch đại acid nucleic của vi khuẩn). Mẫu bệnh phẩm gởi đi xét nghiệm có thể là dịch âm đạo lấy từ tử cung hay nước tiểu (đối với nam). Đây là xét nghiệm có độ chính xác cao, nhẹ nhàng và không gây đau.
Vì nhiễm lậu rất thường đi kèm với nhiễm lậu cầu và các tác nhân lây qua đường tình dục khác nên bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm tìm Chlamydia, HIV, giang mai và các tác nhân nghi ngờ.

5. Cách điều trị

Nếu triệu chứng không quá nặng nề, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh diệt lậu cầu. Nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 1 tuần, đến khi điều trị xong liệu trình kháng sinh và hết các triệu chứng.

Điểm mấu chốt của điều trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát lậu và các STDs khác là điều trị bạn tình. Thông báo, cùng bạn tình của mình đi khám để được điều trị đúng cách. Không quan hệ tình dục cho đến khi xác nhận cả hai người đều đã điều trị khỏi. Nếu triệu chứng nặng và rầm rộ, bạn có thể phải nhập viện để truyền kháng sinh và theo dõi.

Phụ nữ có thai nên được xét nghiệm và điều trị nhiễm lậu để ngăn ngừa lây nhiễm cho trẻ sơ sinh qua đường sanh.

6. Phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục

Phòng ngừa bệnh lậu hay phòng ngừa STDs nói chung với những biện pháp sau:

  • Chung thủy với một bạn tình không nhiễm bệnh.
  • Tầm soát STDs. Tránh quan hệ tình dục đường âm đạo hay đường hậu môn với đối tác mới cho đến khi cả hai cùng được kiểm tra về tình trạng nhiễm STDs.
  • Sử dụng bao cao su và màng chắn răng miệng (dental dam) thường xuyên và đúng cách. Sử dụng đúng cách bao cao su không chỉ giảm nguy cơ nhiễm STDs mà còn giúp tranh thai. Không sử dụng bao cao su chung với các gel bôi trơn hay gel diệt tinh trùng.

Mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức về an toàn tình dục để phòng tránh bệnh STDs, bảo vệ cho chính mình và người mình yêu thương.

Nhiễm lậu cầu cũng như các tác nhân lây qua đường tình dục khác như Chlamydia, giang mai, HIV gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nguyễn Hồng Hoa (2017), “Nhiễm Neisseria gonorrhoeae”, Bài giảng Phụ Khoa, Đại học Y dược TP.HCM. 

  2. Gonorrhea – CDC Fact Sheet (Detailed Version)https://www.cdc.gov/std/gonorrhea/stdfact-gonorrhea-detailed.htm

    Ngày tham khảo: 03/09/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người