Những điều cần biết về sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
Nội dung bài viết
Tháng thứ 3 sẽ là một cột mốc thú vị dành cho bé yêu của bạn. Em bé sẽ có một diện mạo mới và đạt được nhiều kỹ năng thú vị trong thời điểm này. Trẻ sẽ bắt đầu tìm bàn tay và mỉm cười nhiều hơn. 3 tháng tuổi cũng là giai đoạn mà trẻ có sự ổn định hơn về giấc ngủ. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm qua bài viết sau của bác sĩ Uyên Tâm nhé!
1. Sự phát triển toàn diện
1.1. Cơ thể
Khi được 3 tháng tuổi, con của bạn đã tăng hơn 30% trọng lượng cơ thể và 20% về chiều dài. Với những sự phát triển đó, trẻ bắt đầu có nhiều thay đổi hơn:
- Thói quen mút ngón tay: Khi được 3 tháng tuổi, trẻ có thể đưa tay gần miệng hơn và bắt đầu thấy thích thú với hành động này. Nhiều trẻ cảm thấy thoải mái khi mút các ngón tay.
- Bắt đầu cầm nắm: Bé có thể dùng cả hai tay để nắm chặt một đồ vật. Ví dụ như đồ chơi hoặc bàn tay của cha mẹ.
- Hình thành sở thích: Con bạn sẽ phản ứng mạnh mẽ với những cái ôm ấp đầy yêu thương. Trẻ có thể cảm thấy thích thú hoặc khó chịu với bất cứ sự việc nào.
- Nhận biết mùi quen thuộc: Trẻ dần nhận ra mùi thơm yêu thích hoặc mùi của người thường xuyên chăm sóc trẻ. Bằng cách mỉm cười hoặc cử động tay chân nhiều hơn.
- Ngẩng đầu nhiều hơn: Em bé của bạn có thể ngẩng cao đầu ở một góc 90 độ. Đây cũng là cột mốc quan trọng từ sau sinh để đánh giá sự phát triển tâm vận của trẻ. Nếu phát triển bình thường, khi đặt nằm sấp, trẻ có thể tự ngẩng đầu lên bằng tay.
- Ngồi với sự trợ giúp: khi bạn ôm con vào lòng, trẻ có thể ngồi dậy và giữ đầu cố định khá ổn định.
- Chân có thể bắt đầu chịu được sức nặng: Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách bế trẻ ở tư thế “đứng”.
1.2. Não bộ
- Tăng thị lực: Mặc dù trẻ vẫn chưa thể đánh giá khoảng cách xa hay gần. Nhưng có thể nhận biết các vật thể cách xa từ 20 đến 38 cm rất rõ ràng. Trước đó, con bạn chỉ có thể theo dõi đồ vật bằng cách liếc mắt qua lại. Bây giờ, trẻ có thể theo dõi đồ vật với một góc quay 180 độ.
- Tăng khả năng nghe: Em bé của bạn dễ bị thu hút bởi những tiếng ồn lớn. Từ đó trẻ bắt đầu bắt chước âm thanh để tạo ra lời nói.
- Tập trung quan sát: Khi cố gắng tập trung nhìn một vật ở gần phía trước mặt, bạn có thể nhận thấy có vẻ như “mắt trẻ bị lé”. Nhưng bây giờ, con bạn sẽ có thể nhìn xung quanh mà không cần phải nhìn đảo mắt qua lại.
Xem thêm bài viết: Trẻ sơ sinh: Nguồn dinh dưỡng nào tốt nhất?
1.3. Học ngôn ngữ
Ở độ tuổi này, em bé vẫn chưa nói được nhiều. Tuy nhiên bạn có thể hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ. Các chuyên gia đề xuất rằng cha mẹ nên nói chuyện, hát và đọc sách cho bé nghe ngay từ nhỏ. Nếu bạn không biết phải nói gì, bạn có thể lặp lại nội dung hay hành động bạn đang làm vào bất kỳ thời điểm nào. Chẳng hạn như khi bạn thay tã, mặc quần áo cho con hoặc đi tắm. Bạn có thể cho con mình nghe các chương trình truyền hình học ngôn ngữ. Nhưng trẻ dưới 18 tháng nên tránh các phương tiện kỹ thuật số.
Các phương pháp sau có thể giúp con bạn học ngôn ngữ bằng cách:
- Bắt chước một số âm thanh và tiếng động mà em bé của bạn sẽ tạo ra sau đó.
- Nói về những thứ mà bé đang nhìn thấy hoặc có vẻ thích thú.
- Quan tâm lại trẻ khi bé phát ra âm thanh và cố gắng nói hoặc đáp lại những gì bạn nói.
Xem thêm: Giúp trẻ an toàn với nước nóng
1.4. Những điều cần lưu ý
Nếu lần đầu làm cha mẹ, bạn có thể cảm thấy rất thú vị khi theo dõi cẩn thận các mốc phát triển của trẻ. Nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng các cột mốc quan trọng có thể khác nhau ở mỗi em bé. Chỉ vì em bé của bạn chưa đạt được một cột mốc cụ thể nào đó không nhất thiết là có điều gì đó bất ổn. Nhưng nếu bạn có lo lắng hoặc nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây, hãy nói chuyện với bác sĩ.
- Bú giảm hoặc không tăng cân: Khi được 2 tháng tuổi, trẻ có thể đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc. Nhưng bạn khó có thể tự đánh giá được. Biểu đồ tăng trưởng của bé tại phòng khám bác sĩ có thể giúp bạn biết thêm thông tin này.
- Không tập trung quan sát hoặc vẫn liếc mắt qua lại thường xuyên.
2. Kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ
2.1. Dinh dưỡng
Khi trẻ được 3 tháng tuổi, hơn một nửa số bà mẹ vẫn sẽ tiếp tục cho con bú. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, sẽ có nhiều thách thức hơn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Có thể là do bạn bắt đầu đi làm trở lại hay nguồn sữa mẹ đang giảm dần. Bạn cũng có thể gặp vấn đề về các bệnh lí cần phải dùng thuốc nhưng không thích hợp với việc cho con bú.
Đối với các trường hợp phải dùng thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để chọn các loại thuốc an toàn. Trường hợp khác, bác sĩ có thể đề nghị các giải pháp thay thế cho đến khi trẻ không còn bú mẹ nữa. Và nếu việc nuôi con bằng sữa mẹ phải dừng lại thì hãy yên tâm rằng sữa công thức cũng là một lựa chọn hoàn toàn lành mạnh cho con bạn.
Bạn có thể nghe từ một người bạn hoặc thành viên trong gia đình rằng việc bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc ngay bây giờ sẽ giúp trẻ ngủ suốt đêm. Nhưng bạn cần đợi ít nhất một tháng nữa. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì không khuyến cáo cho trẻ ăn thêm bất cứ gì ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thời điểm ăn dặm có thể bắt đầu từ 4 tháng đến 6 tháng tuổi.
2.2. Giấc ngủ
Khoảng 3 tháng tuổi, con bạn có thể ngủ suốt đêm. Kéo dài khoảng 7 đến 9 tiếng liên tục. Nghĩa là nếu trẻ đi ngủ lúc 7 giờ tối sẽ có thể thức dậy lúc 2 giờ sáng. Nhưng đó vẫn là một giấc ngủ ổn định hơn so với những ngày ở gia đoạn sơ sinh. Bé còn có thể ngủ thêm 4 đến 5 tiếng vào ban ngày. Có thể chia thành 2 đến 4 giấc ngủ ngắn. Bạn cần chú ý đến những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng đi ngủ. Và dừng mọi hoạt động trước khi bé quá mệt. Những dấu hiệu buồn ngủ này bao gồm:
- Dụi mắt liên tục.
- Không còn muốn tiếp tục chơi.
- Muốn bú ngay cả khi chúng không thực sự đói.
Nếu bạn cho rằng để trẻ thức khuya hơn vào ban đêm sẽ giúp trẻ ngủ lâu hơn vào buổi sáng. Không may đây là một quan niệm sai lầm. Các hoạt động làm bé quá mệt mỏi sẽ làm gián đoạn lịch trình ngủ khiến trẻ ngủ ít hơn. Hãy cố gắng để trẻ đi ngủ như một thói quen nhất quán. Và cho con bạn đi ngủ vào cùng một thời điểm vào ban đêm hay cả những giấc ngủ ngắn ban ngày. Điều này hữu ích cho trẻ lẫn cả bạn. Bạn cũng sẽ được nghỉ ngơi lúc trẻ ngủ.
Nhiều cha mẹ cho rằng nên chuyển trẻ sang phòng riêng nếu con ngủ suốt đêm. Tuy nhiên, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì (AAP) khuyến nghị rằng cha mẹ nên tiếp tục cho trẻ ngủ chung phòng. Nhưng không nên ngủ chung giường. Việc này có thể kéo dài cho đến khi bé được ít nhất 6 tháng tuổi.
2.3. Màu sắc của phân
Đối với nhiều cha mẹ, có thể dành rất nhiều thời gian để thay tã và quan sát kỹ phân của con mình. Những việc đó có thể cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về sức khỏe của bé. Dưới đây là một số màu phân bạn có thể thấy ở đứa con của mình:
- Màu xanh lá cây: Có nghĩa là thức ăn đang di chuyển nhanh chóng qua ruột của bé vì một lý do nào đó. Có thể là do tiêu chảy, nhưng cũng có thể là phân bình thường.
- Màu vàng: Hầu hết trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đi tiêu phân có màu vàng sệt, có dạng giống “hạt” như hoa cà hoa cải. Trẻ có thể đi nhiều lần trong ngày. Điều này hoàn toàn bình thường.
Mặc dù phân bình thường có thể thay đổi từ màu vàng sang màu xanh lá cây. Nhưng nếu con bạn có bất kỳ màu phân nào sau đây, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay:
- Màu đỏ tươi: Phân màu đỏ là dấu hiệu của việc chảy máu ở đâu đó trong đường ruột. Hoặc phổ biến hơn là do vết rách ở hậu mộn bởi tình trạng táo bón.
- Màu đen: Đây có thể là dấu hiệu chảy máu từ dạ dày hoặc ruột non và có mùi hôi.
- Màu xám hoặc trắng: Đây là dấu hiệu cho thấy không có mật trong phân. Ngoài ra, trẻ có thể có dấu hiệu vàng da hoặc vàng mắt. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết “Vàng da ứ mật : Những điều bạn cần biết ở trẻ“.
2.4. Răng miệng
Nếu bạn nhận thấy bé chảy nước miếng nhiều. Có 2 nguyên nhân chính để lý giải:
- Điều này là hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ.
- Trẻ có thể đang mọc răng. Mặc dù nếu xảy ra ở tháng thứ 3, có thể là giai đoạn mọc răng sớm. Nhưng đôi khi nó vẫn thấy ở một số trẻ sơ sinh. Những chiếc răng đầu tiên thường bắt đầu mọc khi trẻ đạt mốc 6 tháng tuổi.
Bạn có thể mặc cho bé một chiếc yếm để ngăn ngừa nhiễm trùng vùng da gần đó do chảy nước miếng nhiều.
2.5. An toàn cho trẻ
Khi bạn cần đi siêu thị và việc đặt con vào vị trí dành cho em bé trên xe đẩy rất tiện lợi. Nhưng đây là một mối nguy hiểm cho trẻ. Ngã từ xe đẩy hàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương đầu cho trẻ nhỏ.
Bạn có thể cố gắng buộc chặt ghế của trẻ sơ sinh vào tay cầm của xe đẩy hàng, nhưng đó là hành động có thể dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong cho con bạn. Đặt trẻ sơ sinh trên tay cầm của xe đẩy hàng tạp hóa có thể khiến xe bị lật và em bé của bạn bị thương.
Bạn có thể giữ an toàn cho em bé của mình khi đi mua sắm bằng cách:
- Đặt em bé của bạn trong một chiếc xe đẩy dành riêng cho trẻ nhỏ hoặc điệu con bạn vào người khi bạn mua sắm.
- Mua đồ dùng cần thiết trên những trang web trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng sẽ tiện ích hơn.
- Đảm bảo có người đi chung giữ trẻ để bạn có thể dễ dàng mua sắm hơn.
Ở tháng thứ ba trẻ đã bắt đầu biết học theo những lời nói của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ hãy tạo điều kiện và môi trường để trẻ có thể phát triển toàn diện. Những thay đổi ở trẻ sẽ làm cho bầu không khí gia đình trở nên vui vẻ hơn.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Verywellfamily: Your 3-month-old baby’s Development”, https://www.verywellfamily.com/your-3-month-old-baby-development-and-milestones-4172049, accessed on 20th September, 2020.
2. WebMD, “Baby Development: Your 3-month-old”, https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-development-3-months, accessed on 20th September, 2020.