Những điều cần biết về Tổn thương dây thần kinh ngoại biên
Nội dung bài viết
Hệ thần kinh của con người bao gồm hệ thần kinh trung ương (gồm não và tuỷ sống) và hệ thần kinh ngoại biên. Chúng chi phối các hoạt động chức năng về cảm giác, vận động, thực vật. Khi hệ thần kinh bị tổn thương sẽ gây ra các bệnh lý mà hệ thần kinh đó chi phối. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu những điều cần biết về tổn thương dây thần kinh ngoại biên thông qua bài viết sau.
Thông tin chung về hệ thần kinh ngoại biên:
Hệ thần kinh ngoại biên (tiếng anh là: Peripheral Nervous System) là một phần của hệ thần kinh. Chúng bao gồm các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tuỷ sống. Chức năng của hệ thần kinh ngoại biên là liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và cơ quan. Không giống như hệ thần kinh ương, hệ thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi xương sống và hộp sọ hoặc bởi hàng rào máu não. Chính vì thế nên nó dễ bị tác động của các độc tố và tổn thương do tác động từ bên ngoài. Hệ thần kinh ngoại biên được chia ra thành hệ thần kinh bản thể và hệ thần kinh tự chủ. Ngoài ra, một số giáo trình còn cho rằng bao gồm cả hệ giác quan.
Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên là bệnh lý xảy ra do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Các dây thần kinh giúp truyền các tín hiệu từ não và tuỷ sống đến các cơ quan đích. Chúng rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Do đó, khi bị tổn thương nó sẽ làm rối loạn khả năng trao đổi thông tin của não với cơ và các cơ quan khác. Hiện đã có hơn 100 loại bệnh thần kinh ngoại biên được xác định. Tất cả đều có đặc trưng về triệu chứng, mô hình phát triển và tiên lượng bệnh riêng.
- Bệnh lý thần kinh xảy ra là do hậu quả của các chấn thương, nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hoá, di truyền hay tiếp xúc với hoá chất độc hại. Các nguyên nhân này gây phá huỷ các dây thần kinh ngoại biên. Tuỳ từng dây thần kinh bị phá huỷ mà sẽ có biểu hiện rối loạn về cảm giác, vận động hay thực vật.
- Biểu hiện chính thường gặp trên lâm sàng là các rối loạn về cảm giác như tê và đau ở tay và chân. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào dây thần kinh bị tổn thương sẽ có biểu hiện bệnh lý khác nhau.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh ngoại biên:
Có khoảng 1,6% đến 8,2% dân số chung từng mắc phải bệnh thần kinh ngoại biên. Nó thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân đái tháo đường. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:
- Đái tháo đường, đặt biệt là đường huyết được kiểm soát kém.
- Dùng các chất kích thích như rượu, bia…
- Thiếu vitamin đặt biệt là các vitamin B.
- Nhiễm trùng như bệnh thuỷ đậu, viêm gan B, viêm gan C, HIV…
- Bệnh lý gan, thận hay tuyến giáp.
- Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp….
- Tiếp xúc với các độc chất.
- Tiền sử gia đình bị bệnh thần kinh.
Các nguyên nhân gây tổn thương thần kinh ngoại biên:
Bệnh lý thần kinh ngoại biên là sự phá huỷ các dây thần kinh gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Chấn thương hoặc chèn ép lên dây thần kinh. Các chấn thương cơ học như tai nạn giao thông, té ngã, chấn thương do hoạt động thể thao đều có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở các mức độ khác nhau hoặc các chấn thương nhẹ được lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có thể gây tổn thương các dây thần kinh như tư thế ngồi lâu, ngồi gõ máy tính trong thời gian dài….
- Tiểu đường là bệnh lý nội tiết hay gặp các biến chứng về viêm đa dây thần kinh. Bệnh thường biểu hiện thầm lặng khó phát hiện.
- Các bệnh tự miễn như: viêm khớp dạng thấp…
- Nhiễm trùng: bao gồm cả nhiễm khuẩn hay siêu vi như viêm gan C, HIV…
- Thuốc: một số loại thuốc, đặt biệt là các thuốc điều trị ung thư có thể gây bệnh lý thần kinh.
- Nghiện rượu.
- Tiếp xúc thường xuyên với các chất độc hại.
- Di truyền: trong gia đình nếu có người bị bệnh lý thần kinh thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý thần kinh nhiều hơn so với người bình thường.
- Thiếu vitamin. Thiếu các vitamin B như B1, B6, B12 có thể gây bệnh lý thần kinh.
- Các bệnh lý khác có thể gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên như: các bệnh lý về tuỷ xương, khối u gây chèn ép các dây thần kinh, các bệnh lý gan, thận hay suy giảm chức năng tuyến giáp.
- Ngoài ra còn một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý tổn thương dây thần kinh ngoại biên:
Mỗi dây thần kinh sẽ đảm nhiệm một chức năng khác nhau. Tuỳ thuộc vào dây thần kinh nào bị tổn thương mà trên lâm sàng sẽ có biểu hiện của dây thần kinh đó. Các triệu chứng thường gặp là:
Triệu chứng về cảm giác (đau và tê):
Một trong những dấu hiệu hay được bệnh nhân kể lại là tê bì, đau rát, ngứa ran ở cánh tay và chân. Đó là một trong những dấu hiệu sớm của tổn thương thần kinh. Những cảm giác này thường bắt đầu ở ngón chân và bàn chân của bạn. Bạn có thể bị đau, thường xảy ra ở bàn chân và cẳng chân. Bên cạnh đó bạn có thể mất cảm giác ở chân và cánh tay của bạn, khiến cho bạn không cảm nhận được cảm giác nóng, lạnh khi tiếp xúc với đồ vật. Hoặc bạn sẽ không cảm nhận được cảm giác đau khi dẫm lên vật sắc nhọn. Tình trạng tê có thể làm cho bạn khó khăn hơn trong việc nhận biết chuyển động của chân mình, từ đó có thể bạn mất thăng bằng.
Triệu chứng về vận động (các hoạt động về cơ bắp):
- Các thiếu sót vận động. Suy giảm vận động xảy ra với tổn thương dây thần kinh ngoại biên bao gồm sự yếu của các cơ được dây thần kinh chi phối. Tổn thương dây thần kinh nặng kéo dài nhiều tháng sẽ làm teo cơ.
- Bệnh tổn thương dây thần kinh ngoại biên thường các ngọn chi bị ảnh hưởng trước tiên. Có thể khó khăn trong thực hiện các công việc vận động tinh tế như cài nút áo.
- Hầu hết các bệnh đa dây thần kinh ảnh hưởng đến các sợi cảm giác sớm hơn và ở một mức độ lớn hơn các sợi vận động. Yếu vận động tiến triển mà không có suy giảm cảm giác thì hiếm gặp trong bệnh đa dây thần kinh.
Triệu chứng chi phối bởi hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự chủ):
Rối loạn hệ thần kinh thực vật có thể gây ra các triệu chứng như:
- Triệu chứng tim mạch: nếu các dây thần kinh ở tim bị tổn thương. Bạn có thể cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu khi đứng lên. Đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim và cơn đau tim. Tổn thương thần kinh ở tim có thể không có dấu hiệu cảnh báo này.
- Vấn đề khi tiêu hoá thức ăn: bạn có thể cảm thấy no và ợ nóng dù mới chỉ ăn một ít thức ăn. Đôi khi bạn có thể nôn ra thức ăn chưa được tiêu hoá.
Các triệu chứng khác:
- Vấn đề tình dục: đàn ông có thể bị rối loạn cương dương. Còn phụ nữ có thể gặp rắc rối với chứng khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái
- Bàng quang: bạn có thể bị rỉ nước tiểu. Bạn có thể mất cảm giác mắc tiểu.
- Bạn có thể đổ mồ hôi quá ít hoặc quá nhiều. điều này có thể gây rối loạn kiểm soát nhiệt dộ cơ thể.
=> Bệnh có thể gây tổn thương một, hai hoặc nhiều dây thần kinh nên bạn có thể gặp nhiều triệu chứng trên cùng một lúc. Hoặc bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập bên trên. Chính vì thế bạn phải gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng trên hoặc có vấn đề thắc mắc nào về bệnh.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng bên trên, xuất hiện các triệu chứng mới hay các triệu chứng của bạn nặng hơn hoặc không khá lên sau thời gian điều trị. Tình trạng bệnh lý sẽ khác nhau ở mỗi người. hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị và xử lí tốt nhất dành cho bạn.
Chẩn đoán bệnh lý tổn thương dây thần kinh ngoại biên:
- Hỏi bệnh kĩ: về lối sống, tiếp xúc chất độc hại, thói quen sử dụng rượu bia và bệnh lý thần kinh của người trong gia đình.
- Đánh giá chức năng hệ vận động, hệ cảm giác, hay hệ thần kinh thực vật.
- Các xét nghiệm hỗ trợ như: xét nghiệm máu, chụp hình CT – Scan hay MRI…
Điều trị bệnh tổn thương dây thần kinh ngoại biên:
Mục tiêu điều trị là điều trị các nguyên nhân nền gây ra bệnh thần kinh ngoại biên và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Có nhiều loại thuốc được dùng để làm giảm cơn đau của bệnh thần kinh ngoại biên.
Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc giảm đau: để làm giảm các cơn đau. Nó cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ để đảm bảo không bị lạm dụng gây tác dụng phụ trên bệnh nhân.
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Hay miếng dán giảm đau dán vào da.
Phẫu thuật:
Được sử dụng để giải phóng sự chèn ép ở bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại biên do chèn ép. Tuy nhiên việc phẫu thuật cần được cân nhắc kĩ lưỡng và được đánh giá của bác sĩ chuyên môn.
=> Điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên rất phức tạp. Do vậy bệnh nhân cần tuân thủ phát đồ điều trị của thầy thuốc nếu mong đạt được hiệu quả.
Các biến chứng của bệnh
Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể gây nên các biến chứng sau:
- Tổn thương da: do mất cảm giác.
- Nhiễm trùng: nhất là những vùng da bị mất cảm giác nặng.
- Té ngã: yếu cơ và mất cảm giác có thể gây mất thăng bằng dẫn đến té ngã.
Phòng ngừa bệnh tổn thương dây thần kinh ngoại biên:
Kiểm soát tốt bệnh lý nền và thay đổi lối sống là hai cách phòng ngừa tiên quyết nhất.
- Kiểm soát tốt đường huyết. Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần chăm sóc tốt bàn chân để tránh biến chứng.
- Ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng.
- Tập thể dục thường xuyên.
Trên đây là tổng quan về bệnh Rối loạn thần kinh ngoại biên. Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh xuất hiện, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm. Hy vọng thông tin Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn đã cung cấp sẽ có ích cho bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.