YouMed

Những điều cần biết về vị thuốc Qua lâu nhân

Bác sĩ TRẦN KIM ANH
Tác giả: Bác sĩ Trần Kim Anh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Qua lâu nhân là hạt của cây Qua lâu. Trong hạt chứa nhiều hợp chất có tác dụng chữa bệnh. Từ lâu, vị thuốc này đã được Y học cổ truyền sử dụng để giảm sốt, ho, táo bón, hỗ trợ tiêu hóa… Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh thêm nhiều tác dụng của loại hạt này. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn thêm nhiều thông tin hữu ích về vị thuốc này.

1. Sơ lược về Qua lâu nhân

Qua lâu nhân còn gọi là hạt thảo ca, quát lâu nhân. Tên khoa học là Semen Trichosanthis. Thuộc họ Bí Cucurbitaceae.

Đây là hạt phơi hay sấy khô của nhiều loài Trichosanthes như Trichosanthes kirilowii Maxim., Trichosanthes multiloba Miq. v.v… Loại trái giống như quả bầu được tìm thấy ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Tất cả các bộ phận của cây Qua lâu đều được sử dụng làm thuốc.

  • Quả – Fructus Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu.
  • Vỏ quả – Pericarpium Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu bì.
  • Hạt – Semen Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu nhân.
  • Rễ củ – Radix Trichosanthis, thường gọi là Thiên hoa phấn.

Tuy nhiên, các phần khác nhau của cây được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau.

2. Mô tả dược liệu

Hiện nay, cây mới được phát hiện và thu mua ở Cao Bằng. Mùa thu hoạch hạt từ tháng 6 đến tháng 9. Sau đó, hạt được đem phơi hoặc sấy khô.

Hạt Qua lâu được bao bởi thịt quả. Hạt hình elip dẹt, dài 12-15mm, rộng 6-10mm, dày khoảng 3,5mm. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu thẫm, trơn nhẵn. Xung quanh mép hạt có rãnh tròn. Đỉnh hạt tương đối nhọn, có rốn hình điểm, lõm xuống. Đáy hạt tròn tù. Vỏ hạt ngoài cứng, vỏ hạt trong là màng mỏng, màu lục xám, bọc lấy 2 lá mầm dày, màu trắng vàng, chứa nhiều dầu.

Mùi nhẹ, vị hơi ngọt diu, hơi đắng.

Qua lâu nhân
Qua lâu nhân

3. Thành phần chứa trong Qua lâu nhân

Hạt Qua lâu chứa 16,8% axit béo không bão hòa, 5,46% protein và 17 loại axit amin, saponin, nhiều vitamin và 16 loại nguyên tố vi lượng, như canxi, sắt, kẽm, selen.

4. Công dụng của Qua lâu nhân

4.1. Theo Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, Qua lâu nhân có vị ngọt, tính hàn (lạnh).

Từ lâu, y học cổ truyền Trung Quốc dùng vị thuốc này để giảm sốt, hạ nhiệt, tăng bài tiết, hỗ trợ tiêu hóa, trị ho, giảm viêm.

Theo y học cổ truyền Hàn Quốc, loại hạt này có khả năng làm giảm bài tiết đờm, giảm sưng viêm và giải độc cơ thể.

Vị thuốc còn có tính nhuận tràng nhẹ, do đó, thường được sử dụng để điều trị các trường hợp táo bón nhẹ hoặc phân khô.

Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng bên trong hoặc bên ngoài để giúp chữa lành vết thương và các bệnh liên quan ký sinh trùng, kiết lỵ, giảm tiểu máu và bệnh bạch đới ở phụ nữ.

4.2. Theo Y học hiện đại

Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tốt của Qua lâu nhân đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:

  • Kháng ung thư
  • Kháng viêm và chống oxy hóa;
  • Cải thiện và điều hòa hệ miễn dịch;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường;
  • Dãn vành, tăng lưu lượng máu đến động mạch vành, giảm nguy cơ bị thiếu máu cơ tim cấp;
  • Ức chế mạnh sự tăng sinh của virus HIV trong nghiên cứu in vitro;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp;
  • Giảm lipid máu;
  • Giúp giảm cân, cải thiện vóc dáng.

5. Cách dùng – Liều dùng 

Liều dùng: Qua lâu nhân 12 – 16g/ngày; dưới dạng thuốc sắc.

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều vị thuốc này có thể dẫn đến các phản ứng bất lợi, chẳng hạn như đau dạ dày, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.

6. Các bài thuốc có Qua lâu nhân

6.1. Chữa táo tón

Qua lâu nhân 15g, Cam thảo 3g, đem sắc lấy nước dùng. Cho một ít mật nếu cảm thấy khó uống.

>> Xem thêm: Táo bón ở người lớn!

Táo bón ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử trí

Những điều cần biết về thuốc điều trị táo bón Sorbitol

6.2. Chữa thấp khớp mạn tính

Qua lâu nhân, Thạch cao, Thổ phục linh, Sinh địa, Rau má, Kê huyết đằng, Cốt toái bổ, Đơn sâm, Uy linh tiên, Khương hoạt, Hy thiêm, Độc hoạt mỗi vị 12g; Bạch chỉ 8g và Cam thảo 4g. Đem sắc lấy nước, ngày uống 1 thang.

6.3. Chữa viêm tuyến vú cấp tính, vú sưng nóng nổi mẩn đỏ gây đau và sốt

Qua lâu nhân, Bồ công anh và Kim ngân hoa mỗi vị 15g đem sắc cùng với nước đến khi cô đặc để dùng.

6.4. Chữa viêm họng, tắt tiếng

Qua lâu nhân, Bạch cương tằm, Cam thảo mỗi vị 10g; Gừng tươi 4g. Đem tất cả sắc cùng với 5 phần nước còn 2 phần nước để dùng. Chia làm 2 lần nhỏ dùng sau mỗi bữa ăn.

6.5. Chữa viêm phế quản, đau thắt ngực do đàm vàng hoặc áp xe phổi

Qua lâu nhân và Bồ công anh mỗi vị 12g; Toàn qua lâu và Ý dĩ nhân mỗi vị 15g; Kim ngân hoa, Bán hạ và Cát cánh mỗi vị 10g; Hoàng liên 4g. Đem sắc cùng với nước, có thể chia thành các phần nhỏ cho dễ dùng.

Bài viết đã tóm tắt một số thông tin về vị thuốc Qua lâu nhân. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ Trần Kim Anh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  • Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  • Park SM et al. (2019), “Anti-tumor effects of the ethanolic extract of Trichosanthes kirilowii seeds in colorectal cancer”, Chin Med.
  • Ng TB et al. (1992), “Proteins with abortifacient, ribosome inactivating, immunomodulatory, antitumor and anti-AIDS activities from Cucurbitaceae plants”, Gen Pharmacol, 23(4): 579-90.
  • Huang Y et al (2000), “Seeds of Trichosanthes kirilowii, an energy‑rich diet”, Z Naturforsch C, 55(3–4):189–94.
  • Ahn SW et al. (2011), “Bonchojeong‑ hwa. Daejeon: Korea Institute of Oriental Medicine (KIOM)”.
  • Lo HY et al. (2017), “Hypoglycemic effects of Trichosanthes kirilowii and its protein constituent in diabetic mice: the involvement of insulin receptor pathway”. BMC Complement Altern Med, 17(1):53.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người