Những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ!
Nội dung bài viết
Hầu như chúng ta đều biết những lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên sẽ có những vô vàn khó khăn mà các bà mẹ gặp phải trên thực tế khi nuôi con bằng sữa mẹ. Bài này sẽ tập trung bàn luận một số câu hỏi thường gặp. Nếu bạn có tình huống của riêng mình, hãy để lại câu hỏi phía dưới nhé!
1. Trẻ khó hoặc không thể ngậm bắt vú được những dạng vú nào?
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ nên lưu ý có rất nhiều kiểu hình dáng núm vú khác nhau, đa dạng về cả quầng vú lẫn núm vú. Các bà mẹ bỉm sữa thường nghĩ vú kích thước to sẽ nhiều sữa hơn.
Thật sự không phải như vậy. Số lượng tế bào tiết sữa gần như tương đương nhau. Kích thước to là hơn nhau về số lượng tế bào mỡ. Quan trọng nhất là trẻ có bú được để tiếp tục tạo ra sữa mới hay không.
Khả năng ngậm bắt vú của trẻ phụ thuộc vào cả hai yếu tố sau:
- Hình dạng, kích thước núm vú.
- Tương quan giữa miệng bé và núm vú.
Mặc dù núm vú đa dạng, đáng ngạc nhiên là những thiên thần nhỏ của chúng ta có thể ngậm bắt được hầu hết các dạng trên.
Thực tế, chỉ có chỉ có 2 dạng đầu vú trẻ khó hoặc ngậm được:
- Núm vú phẳng hoặc bị tụt vào trong.
- Núm vú to quá khổ đối với miệng trẻ.
Núm vú phẳng hoặc bị tụt vào trong
Tình trạng này rất thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ. Một số người có núm vú bị tụt vào trong từ khi sinh ra, một số khác lại xuất hiện núm vú bị tụt sau một thời gian bình thường. Tụt núm vú có thể một phần hoặc toàn phần, một hoặc hoặc hai bên vú, núm vú lún thường xuyên hoặc lúc bị lúc không. Nguyên nhân dẫn đến là do những thói quen không đúng cách như mặc áo ngực bó chặt,…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như ung thư, viêm vú hoặc áp xe dưới quầng vú,…
Trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến nhóm nguyên nhân lành tính. Núm vú bị đầy ngược vào trong mà không kèm theo bất cứ một bất thường nào về cấu trúc bên dưới. Khi vú tạo sữa, dự phát triển và phì đại của mô tuyến vú tiết sữa sẽ giúp đẩy ngược tuyến vú ra ngoài. Chỉ cần một sự hỗ trợ nhỏ từ bên ngoài là có thể giải quyết vấn đề này. Sự hỗ trợ đó có thể đến từ đứa trẻ của chúng ta.
Cách hỗ trợ kéo núm vú ra ngoài
Điều trị trước sinh có thể không có ích. Do hoạt động tiết sữa hầu như không xảy ra trong giai đoạn mang thai. Trái lại việc điều trị sớm sau sinh rất quan trọng. Giúp đỡ là việc hết sức cần thiết, ngay khi trẻ bắt đầu bú mẹ. Ban đầu sẽ có nhiều khó khăn. Vú sẽ trở nên mềm hơn sau 1-2 tuần, và việc cho con bú sẽ giúp kéo vú ra.
Ngoài ra còn một cách khác giải quyết là dùng bơm hút hoặc hoặc bơm tiêm để kéo vú ra. Nếu không có sẵn, có thể chế tạo dụng cụ kéo núm vú như hướng dẫn sau. Bạn lấy một bơm tiêm khoảng 10 ml. Rồi cắt bỏ đầu bơm tiêm. Sau đó đổi ngược vị trí của piston và đặt ngược vào đầu cắt. Thế là đã có một dụng cụ sẵn sàng cho việc hỗ trợ kéo núm vú trước khi cho trẻ bú. Nếu trẻ không đủ sức thì người có thể giúp là chồng.
Bà mẹ cũng có thể thay đổi tư thế cho phù hợp để giúp trẻ bắt vú tốt hơn. Bà mẹ ấn nhẹ nhàng vào phía trên hoặc phía dưới núm vú bằng ngón tay trỏ để núm vú có thể lộn ra phía ngoài.
Hình bên phải là cách đỡ vú sai. Ngón tay trỏ đặt quá gần núm vú, không đỡ được bầu vú, vì thế sẽ không hiệu quả. Sau một hai tuần đầu, trẻ vẫn không bú tốt, hãy vắt sữa ra và cho trẻ ăn sữa mẹ bằng cốc và muỗng.
Núm vú to quá khổ đối với miệng trẻ
Trường hợp này thì chỉ có 1 phương pháp duy nhất là vắt sữa mẹ bằng dụng cụ. Rồi cho trẻ ăn bằng cốc và muống. Hạn chế cho trẻ uống bằng núm vú giả. Núm vú giả sẽ làm cho trẻ từ chối bú mẹ. Trong một số trường hợp núm vú giả cứng sẽ làm thay đổi hàm của trẻ, có thể dẫn đến hàm hô về sau. Bà mẹ sẽ vắt sữa đến khi nào miệng trẻ có thể ngậm hết được quầng vú và bú một cách có hiệu quả.
Hãy kiên nhẫn tạo mọi điều kiện để trẻ ngậm bắt vú được. Mục đích của việc vắt sữa là làm trống bầu vú, loại bỏ chất ức chế tiết sữa mẹ nhằm duy trì nguồn sữa mẹ.
2. Mẹ ít sữa
Nhận biết tình trạng ít sữa
Muốn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng mẹ lại ít sữa. Đó là vấn đề đau đầu của không ít chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ. Trước khi tìm lời đáp cho câu hỏi “Mẹ ít sữa phải làm sao?”, hãy bắt đầu bằng việc cách nhận biết tình trạng ít sữa. Nhiều mẹ thắc mắc, tại sao mình lại thuộc nhóm ít sữa khi mà sữa vẫn về ướt áo? Thực ra, những dấu hiệu như cương sữa, xuống sữa khi bé bú, sữa thấm ướt áo không phải là dấu hiệu đáng tin cậy để khẳng định mẹ có đủ sữa cho con.
Sau đây sẽ là cách xác định mẹ đủ hay ít sữa:
- Dựa vào lượng phân bé thải ra: Nếu mỗi ngày bé đi tiêu ít nhất 5 lần/ ngày thì mới có thể tin tưởng bé bú đủ sữa.
- Dựa vào lượng nước tiểu của bé: Nếu mẹ thay 8 đến 10 lần tã ướt mỗi ngày, đó là cơ sở để biết mẹ có đủ sữa hay không. Ngoài ra, nếu bé bú đủ sữa thì nước tiểu thường trong suốt hoặc chỉ có màu vàng nhẹ.
- Cách bé mút và nuốt trong suốt quá trình bú mẹ: Nếu sữa mẹ về nhiều, bé sẽ mút và nuốt chậm rãi, không phát ra âm thanh.
- Dựa vào biểu hiện của bé sau khi bú: Bé tự động nhả vú, sau đó ngủ khoảng 3-4 tiếng. Nếu bé vẫn khóc và cáu kỉnh sau khi bú xong, có thể là do vẫn còn đói bụng.
- Cân nặng của bé: Không có chỉ báo nào đáng tin cậy hơn chỉ số tăng cân của bé. Trung bình, trong tháng đầu bé tăng khoảng 1-1,5 kg và tiếp tục tăng cân ở các tháng tiếp theo. Nếu mẹ thấy bé vẫn không lên cân, hoặc lên dưới 500 g thì cần kiểm tra lại nguồn sữa của mình.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chúng ta cần phải biết nguyên nhân thì mới giải quyết được.
Nguyên nhân thiếu sữa do mẹ:
- Vú phát triển không đầy đủ trong thời kì mang thai (phải đi khám mói phát hiện được).
- Mẹ đã từng phẫu thuật, xạ trị ở ngực: chẳng hạn như nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực.
- Mẹ đang mắc các bệnh lý khác như rối loạn nội tiết, thiếu máu,…
- Tinh thần căng thẳng, stress sau sinh ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.
- Ăn uống thiếu chất, kiêng khem quá mức trong thời gian ở cử hoặc giảm cân sau sinh quá sớm.
- Các bệnh lý về tuyến vú có thể gặp trong thời kì hậu sản.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh nhưng làm cản trở tiết sữa.
- Mẹ bị sót nhau nhưng không phát hiện ra: sót nhau là hiện tượng một phần nhau thai còn bám trong tử cung sau khi đã sinh em bé. Tình trạng này rất hiếm. Nhưng nó khiến người mẹ đau đớn vì những cơn co bóp tử cung. Bên cạnh đó lượng hóc-môn progesterone (có chức năng duy trì thai) không giảm xuống, là một chất ức chế tiết sữa.
- Mẹ sinh non, sinh mổ.
- Mẹ cho bé bú ít, bú trễ, bú không đúng tư thế và ngậm bắt vú không đúng cách.
Nguyên nhân thiếu sữa do bé:
- Bé bú lắt nhắt, bú ít trong mỗi cử sữa làm trống bầu vú không tốt.
- Uống kết hợp sữa mẹ và sữa công thức: Vì sữa công thức đã cung cấp năng lượng nhiều hơn sữa mẹ nên bé không cần bú sữa mẹ nhiều.
- Dùng núm vú giả: trẻ sơ sinh có nhu cầu mút rất nhiều. Khi dùng núm vú gải thường xuyên thì phản xạ mút của trẻ đã được núm vú giả thỏa mãn. Khi cho bú bằng sữa mẹ, trẻ sẽ mút rất ít.
Cách xử trí khi mẹ bị thiếu sữa hiệu quả nhất hiện nay:
Thiếu sữa không phải là bệnh và không cần thiết phải dùng thuốc. Những loại thuốc lợi sữa hiện có trên thị trường chưa được chứng minh an toàn để sử dụng rộng rãi. Nếu vẫn muốn sử dụng thì nên dùng các sản phẩm lợi sữa có nguồn gốc thảo dược tự nhiên mà không phải là thuốc. Và tìm hiểu kĩ trước khi sử dụng nhé. Khi thiếu sữa, đừng nghĩ ngay đến việc dùng sữa công thức mà hãy tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết nó trước.
Một số giải pháp có thể thực hiện:
- Cho con bú càng nhiều càng tốt cho bé bú cả ngày lẫn đêm : Sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu, bé càng bú mẹ nhiều thì hormone prolactin sản xuất ra càng nhiều, kích thích sữa về nhiều hơn. Chú ý đến tư thế bú của con và hoạt động ngậm bắt núm vú. Hãy để bé bú chán chê bầu vú thứ nhất rồi mới chuyển sang bầu vú thứ hai. Nếu đã tuân thủ những điều này mà bé vẫn bú được ít thì nên hút sữa bằng máy hoặc vắt bằng tay sẽ đó tăng số lần cho bé bú.
- Nếu bé ngủ trên 4 tiếng, hãy đánh thức bé để bé bú mẹ.
- Hạn chế tối đa việc cho bé dùng sữa công thức. Chỉ dùng khi hoàn cảnh thật sự bắt buộc.
- Hạn chế dùng núm vú giả.
- Luôn giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng hay bị stress.
- Ngủ đủ giấc ít nhất 8 tiếng/ ngày.
- Ăn uống đủ chất, cần ăn đa dạng thực phẩm, tăng khẩu phần hơn so với bình thường, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, đường, vitamin và khoáng chất.
- Nước rất quan trọng đối với các mẹ đang nuôi con nhỏ, bao gồm sữa, nước quả, nước canh, đặc biệt là nước lọc. Lượng nước cần thiết từ 2,5-3 lít nước. Buổi tối trước khi đi ngủ bạn có thể uống một ly sữa, ban đêm sau khi cho con bú cần uống ngay một ly nước để sữa mau về.
- Khám và điều trị sớm những bệnh liên quan đến tuyến vú như viêm, áp xe,… hoặc các bệnh nội tiết khác.
3. Cương tức tuyến vú
Triệu chứng chính của cương tức tuyến vú là đau, phù nề, đầu vú bóng, có thể đỏ, có thể sốt trong vòng 24 giờ và không thấy sữa chảy ra.
Nguyên nhân của tình trạng này:
- Nhiều sữa.
- Bắt đầu cho bú muộn.
- Trẻ ngậm bắt vú kém.
- Trẻ bú không thường xuyên.
- Thời gian của bữa bú không đủ.
Điều trị cương tức vú phải được tiến hành sớm nhất có thể. Cương tức tuyến vú không phải là bệnh và không cần thiết phải dùng thuốc. Nếu không, cương tức tuyến vú sẽ chuyển thành viêm vú không nhiễm trùng rồi thành viêm vú nhiễm trùng. Viêm vú cũng có thể nặng lên, hình thành áp xe vú.
Điều trị chủ yếu của cương tức tuyến vú là làm trống bầu vú. Nhiều bà mẹ lo lắng vắt bỏ sữa vì lo sợ sữa không tốt ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên trẻ vẫn có thể bú sữa này được vì là sữa không nhiễm trùng, và là cách tốt nhất để làm trống bầu vú. Các bà mẹ chú ý quan sát bữa bú, cách đặt trẻ vào vú sao cho ngậm bắt vú hiệu tốt. Chỉ bắt buộc vắt sữa ra khi trẻ không làm được điều này. Sau đó cho trẻ ăn sữa bằng cốc và muỗng.
Ngoài ra, một số thao tác khác có thể hiệu quả hơn cho việc làm trống bầu vú như là:
- Giúp bà mẹ thư giãn.
- Kích thích vú và da vùng núm vú.
- Massage vú nhẹ nhàng theo hình vòng tròn.
- Đặt một miếng gạc lạnh lên vú sau bữa bú có thể làm giảm bớt những khó chịu do hiện tượng phù nè của tuyến vú.
- Nếu trẻ đã bú đủ no mà bầu vú chưa trống hoàn toàn thì hút sữa còn dư để tạo sữa cho cử bú sau.
Cuối cùng, nếu bà mẹ không chắc chắn về tình trạng của mình thì hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất khi trình trạng chưa diễn tiến nặng nhé.
Trên đây là ba vấn đề thường gặp nhất khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nếu mẹ có những vấn đề của riêng mình thì hãy gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ hơn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
6 breastfeeding problems in the first week – solvedhttps://www.medela.com/breastfeeding/mums-journey/problems-newborn
Ngày tham khảo: 31/08/2020
-
15 breastfeeding problems and how to solve themhttps://www.todaysparent.com/baby/breastfeeding/15-breastfeeding-problems-and-how-to-solve-them/
Ngày tham khảo: 31/08/2020