YouMed

Những sự thật bạn cần biết khi con tập đi

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Ba mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện. Các bậc phụ huynh luôn luôn dõi theo sự thay đổi ngày qua ngày của con. Có thể nói, giai đoạn con tập đi không những mang lại niềm vui cho chính bé mà còn là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Vậy thì khi nào bé yêu bắt đầu tập đi? Khi nào bé yêu có thể đi vững được? Ba mẹ phải làm gì để giúp con tập đi tốt hơn? Chắc hẳn đây là những câu hỏi mà bạn đọc rất thắc mắc. Vì vậy, hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Khi nào bé yêu bắt đầu biết đi?

Một năm đầu tiên của một đứa trẻ đầy những cột mốc, nhưng điều được mong đợi nhất có lẽ là bé yêu bắt đầu tập đi. Rõ ràng, tự mình đi lại cho phép con bạn tương tác và khám phá thế giới theo một cách hoàn toàn mới.

Bạn có biết rằng, để bắt đầu đi độc lập, bé cần trải qua các cột mốc phát triển vận động khác trước? Hãy cùng tìm hiểu những cột mốc vận động chung của một đứa trẻ là như thế nào nhé!

3 tháng tuổi

Khi đặt trẻ nằm sấp, trẻ đã chống được hai tay và giữ được đầu, vai thẳng. Tuy nhiên, cơ lưng còn yếu, nếu đặt trẻ ngồi, lưng trẻ còn cong. Trẻ bắt đầu phát triển thị giác tốt hơn, biết nhìn theo một vật di động theo mọi hướng.

6 tháng tuổi

Lúc này, trẻ có thể tự ngóc đầu và giữ thẳng ở mọi phía. Cột sống trẻ đã khá vững, vì vậy trẻ có thể ngồi tựa. Trẻ có thể đứng được trong chốc lát nếu được ba mẹ xóc nách. Khi đặt trẻ nằm sấp, trẻ biết xoay tròn và trườn lật.

9 tháng tuổi

Minh họa sự phát triển vận động theo thời gian của trẻ
Minh họa sự phát triển vận động theo thời gian của trẻ

Bé yêu của bạn lúc 9 tháng tuổi đã tự ngồi vững, không cần tựa nữa. Bé biết trườn, bò giỏi và nhanh. Lúc này, bé có thể tự vịn vào bàn ghế, tự đứng dậy và lần đi. Bởi vì bé luôn tò mò với thế giới xung quanh, nên ba mẹ hãy chú ý các thiết bị, đồ dùng trong nhà. Hãy để bé yêu tập đi trong một môi trường an toàn nhé.

12 tháng tuổi

Hầu hết các bé sẽ cất những bước đi đầu tiên khi khoảng độ 1 tuổi. Vào độ tuổi này, trẻ bắt đầu tập đi lần theo ghế hay cạnh bàn, hoặc nếu được ba mẹ dắt một tay. Nếu bạn để ý, cột sống của trẻ vào giai đoạn này bắt đầu có chiều cong ở vùng thắt lưng.

Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu như con mình đi chậm hơn những đứa bé khác. Mỗi trẻ đều có những cột mốc thời gian riêng của mình. Quan trọng là kỹ năng của bé phát triển như thế nào thôi. Nếu con học lật, học bò chậm hơn những bé khác thì con sẽ cần thêm vài tuần hay vài tháng để tập đi. Miễn là bạn giúp bé liên tục học được những điều mới.

15 tháng tuổi

Vào thời điểm này, trẻ đã đi vững. Tuy nhiên, khi trẻ chạy còn vấp ngã nhiều. Trẻ bắt đầu bò lên được cầu thang, trèo được lên ghế.

18 tháng tuổi

Bé yêu của bạn lúc này đã đi nhanh, chạy vững. Nếu được dắt một tay, trẻ có thể đi lên được cầu thang.

21 tháng tuổi

Trẻ tự lên cầu thang một mình, lần theo tay vịn cầu thang. Nếu được vịn một tay, trẻ đã có thẻ xuống được cầu thang. Lúc này, ba mẹ hãy đảm bảo bé có một chiếc cầu thang an toàn để khám phá nhé.

24 tháng tuổi

Lúc này, trẻ đã tự lên và xuống cầu thang một mình. Ba mẹ sẽ rất thích thú khi thấy bé nhảy được trên một chân và có thể tham giá đá bóng được.

3 tuổi

Lúc bấy giờ, việc đi lại với bé là điều rất bình thường rồi. Trẻ thích đi chơi một mình và khám phá thế giới. Một số hành động đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao của bé như giữ thăng bằng hay đứng trên một chân. Tay chân của trẻ bớt vụng về hơn. Các động tác trở nên khéo léo hơn.

Ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con trong quá trình con tập đi nhé
Ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con trong quá trình con tập đi nhé

2. Tại sao trẻ có những thời điểm tập đi khác nhau?

Rõ ràng, mỗi trẻ sẽ có những cột mốc của riêng mình. Ba mẹ không nên có những sự so sánh cho con mình. Có một số lý giải về việc tại sao mỗi trẻ lại có những thời điểm tập đi khác nhau.

Tính cách

Một số trẻ có những tính cách “Tôi có thể làm bất cứ điều gì”. Trẻ muốn đứng dậy và khám phá thế giói. Trẻ không lo lắng hay sợ hãi việc té ngã.

Song bên cạnh đó, một số trẻ lại thận trọng hơn. Chúng chỉ bắt đầu tập đi cho đến khi chắc chắn rằng mình có thể làm điều đó khá tốt.

Kích thước

Trẻ lớn hơn thường đi muộn hơn. Bởi vì chúng cần nhiều sức mạnh hơn để đứng thẳng hơn so với trẻ nhỏ hơn.

Nhiễm trùng tai tái phát

Nếu trẻ từ 16 tháng tuổi trở lên và không biết đi, có thể tiềm ẩn một tình trạng bệnh lý. Nhiễm trùng tai có thể làm mất thăng bằng của trẻ và khiến bé chậm đi lại.

Thứ tự sinh

Một em bé có anh chị lớn hơn có thể được thúc đẩy đi bộ sớm hơn. Vì trẻ muốn theo kịp và bắt chước những gì đứa trẻ lớn đang làm.

3. Những cách để khuyến khích bé tập đi

Nếu bé yêu của bạn có dấu hiệu sẵn sàng tập đi, hãy xem xét các hoạt động này để tăng cường hiệu quả và sức mạnh của chúng.

Cung cấp lời khen ngợi

Theo dõi các tín hiệu của bé cho thấy bé đã sẵn sàng để tập đi. Bạn hãy cố gắng ca ngợi mọi thành tích của trẻ. Giúp đỡ trẻ khi cần và ngồi xuống với trẻ cùng một nụ cười khi bạn nhìn thấy bé đang rất háo hức tập đi.

Thoải mái té ngã

Té ngã là không thể tránh khỏi trong giai đoạn trẻ tập đi. Vì vậy, hãy để cho trẻ được té ngã. Và bạn hãy ở đó để giúp đỡ bé yêu của mình đứng lên và an ủi, khích lệ nếu trẻ khóc.

Trẻ vốn rất hiếu động và tò mò. Vì vậy, việc tạo môi trường an toàn nhất có thể trong nhà là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bé khám phá.

Hãy để trẻ thoải mái té ngã khi con tập đi
Hãy để trẻ thoải mái té ngã khi con tập đi

Tạo thử thách

Hãy bắt đầu từ những vật có thể thu hút sự chú ý của bé bằng cách đặt đồ chơi mà bé thích gần đó nhưng ngoài tầm với. Điều này có thể kích thích, thu hút sự di chuyển của bé.

Nếu bé yêu của bạn đã thành thạo việc đi lại trên các bề mặt phẳng? Hãy thử thách chúng bằng cách đi lên và xuống một đoạn dốc hoặc trên một bề mặt không bằng phẳng, an toàn. Điều này giúp xây dựng sự cân bằng, phối hợp và sức mạnh cơ bắp.

Mở rộng vòng tay

Khuyến khích bé đi bộ đến chỗ bạn khi bạn đưa tay về phía chúng. Bạn cũng có thể yêu cầu bé theo bạn khi bạn bước vào một phòng khác.

4. Trẻ có cần mang giày khi tập đi không?

Các bé học cách đi lại dễ dàng hơn nếu không mang giày. Bởi vì chân trần cho phép bé tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà. Hơn nữa, nó còn giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn. Tập đi với chân trần sẽ giúp trẻ phát triển cơ bắp ở vùng bàn chân. Đồng thời, nó còn giúp phát triển vòm bàn chân cho trẻ.

Khi bé yêu của bạn đi ra ngoài, tất nhiên bé cần mang giày. Hãy tìm một đôi có đế linh hoạt, có nghĩa là bạn có thể gập đôi giày lại.

Con tập đi bằng chân trần sẽ tốt hơn
Con tập đi bằng chân trần sẽ tốt hơn

5. Xe tập đi cho trẻ, nên hay không nên?

5.1.  Không nên dùng xe tập đi dạng tròn

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng xe tập đi dạng tròn cho bé. Nghiên cứu cho thấy, xe tập đi dạng tròn này có thể làm chậm sự phát triển vận động và gây các vấn đề về cột sống. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài ở vùng chậu. Lâu ngày, nó sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây ra một số dị tật ở chân như chân vòng kiềng, chân chữ X.

Ngoài ra, sử dụng loại xe này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương, tai nạn. Bởi vì trẻ có thể không kiểm soát được tốc độ đi của xe. Hơn nữa, phụ huynh thường nghĩ con sẽ an toàn khi được cho vào xe tập đi tròn này. Vì vậy, họ dễ lơ là việc đảm bảo an toàn cho con. Khi đứng trong xe tập đi, tầm với của con có thể tăng lên. Do đó, con sẽ có thể tiếp cận với những vật nguy hiểm vốn nằm ngoài tầm với.

5.2. Vậy giải pháp đặt ra là gì?

Đa số các bác sĩ nhi khoa đều khuyến khích ba mẹ nên đặt trẻ trên sàn để trẻ tự do khám phá và phát triển. Trẻ sẽ tự học cách lật, ngồi, bò và đứng dậy, tập đi. Điều này sẽ giúp các cơ bắp của trẻ được tăng cường sức mạnh, tạo tiền đề cho những bước chân vững chãi. Hãy luôn khuyến khích và động viên trẻ, bạn nhé!

Nên để trẻ trên sàn để trẻ tự do khám phá và phát triển
Nên để trẻ trên sàn để trẻ tự do khám phá và phát triển

Nếu con đã đến giai đoạn tập đi và bạn muốn bé dùng xe tập đi thì có thể cho bé sử dụng loại xe đằng sau đẩy tới.

5.3. Hãy đảm bảo an toàn cho trẻ

Hãy đảm bảo rằng xe được đặt trên một mặt phẳng. Xung quanh không có cầu thang hoặc hồ nước hay bất cứ thứ gì có thể khiến bé gặp nguy hiểm.

  • Kiểm tra đầy đủ các chi tiết của xe tập đi trước khi mua để đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Hãy đảm bảo rằng có một người lớn luôn bên cạnh và để mắt đến bé.
  • Chọn loại xe có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, thiết kế chắc chắn, không có góc sắc nhọn.
  • Luôn luôn làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi lắp ráp và sử dụng.

Tóm lại, bước đi đầu đời là cột mốc vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Chính các bậc cha mẹ là người luôn theo dõi con sát sao. Mỗi em bé phát triển khác nhau theo tốc độ của riêng mình. Vì vậy, đừng lo lắng nếu em bé của bạn không có những bước tập đi vào tháng thứ 10 hoặc bước đi đầu đời vào ngày sinh nhật đầu tiên. Đó không phải là một vấn đề đáng lo ngại.

Ba mẹ không thể làm gì nhiều để tăng tốc thời gian phát triển của bé. Vì vậy, ba mẹ hãy luôn bên con, tạo cho con môi trường an toàn, vui vẻ để con có được những bước đi đầu đời thành công nhất nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. First Stepshttps://www.whattoexpect.com/first-year/first-steps/

    Ngày tham khảo: 30/06/2020

  2. When Do Babies Start Walking?https://www.parents.com/baby/development/walking/when-do-babies-start-walking/

    Ngày tham khảo: 30/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người