Những vấn đề thường gặp khi mang thai
Nội dung bài viết
Mang thai là một quá trình quan trọng đối với tất cả mọi người mẹ. Khi mang thai, phụ nữ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khó chịu. Mọi thứ sẽ trở nên rất mệt mỏi, căng thẳng khi có một bất thường nào đó xảy ra. Đau bụng? Hay mơ hồ hơn là cảm giác khó chịu ở bụng? Chân bạn sưng to? Bạn cảm thấy mệt mỏi, thở không ra hơi? Hay chân bạn bị chuột rút? Những khó chịu này liệu có liên quan đến thai kỳ của bạn? Liệu nó có ảnh hưởng đến em bé hay không? 4 nhóm triệu chứng vừa kể sẽ được giải đáp phần nào ở bài viết này.
Đau bụng
Những từ như khó chịu ở bụng, căng tức bụng, tất cả cảm giác trên đều có thể ám chỉ đến một từ đó là đau bụng.
Bác sĩ sẽ quan tâm những gì?
- Thứ nhất: Bạn có thật sự đau bụng hay không?
- Thứ hai: Nguyên nhân gây ra khó chịu này ở bạn là gì? Và cũng là điều mà bạn quan tâm, phải không nào!?
Để dễ dàng hình dung với người đọc, đau bụng có 2 nhóm nguyên nhân gây ra:
- Sinh lý.
- Bệnh lý: Bao gồm cả bệnh liên quan đến thai kỳ và không liên quan thai kỳ.
Đau bụng sinh lý
- Do tử cung to dần ra:
Trong 2 tam cá nguyệt đầu (tuần 3, tuần 4 đến tuần 28 thai kỳ) đau sinh lý có thể xuất hiện ở bụng dưới (dưới rốn). Nguyên chủ yếu là do các biến đổi của tử cung người phụ nữ. Tử cung và những cấu trúc liên quan (dây chằng, cơ) giãn ra. Sự giãn này tạo cảm giác bị vặn xoắn, bị kéo ở 1 hoặc cả 2 bên bụng. Người phụ nữ có thể cảm thấy đau khi ho, hắt xì hơi hoặc đổi tư thế.
Đặc biệt khi bạn đã có đường mổ ở bụng, tạo ra các xơ dính với tử cung. Khi thai to ra, tử cung to ra, kéo căng các xơ dính này có thể làm bạn đau rất nhiều.
Thông thường, các cơn đau như thế này thường ngắn, không có quy luật xuất hiện. Nói cách khác là đau lúc nào cũng được, và không gây khó chịu nhiều. Bản chất cơn đau là do sinh lý, do đó thường không cần điều trị.
- Do đè ép các cấu trúc xung quanh:
Ở tam cá nguyệt 2 – 3 (tuần 28 tới tuần 38 – 40), thai to ra nhanh chóng, tử cung trở nên rất lớn. Lúc này, việc đè ép sang các cấu trúc xung quanh là thường gặp, bạn có thể cảm thấy nặng trằn ở bụng dưới.
- Đau do giãn cân cơ bụng:
Thường gặp ở tam cá nguyệt thứ 2 và đau nhiều hơn ở tam cá nguyệt thứ 3. Việc giãn cân cơ ít khi gây đau. Và cơn đau này sẽ hết khi sinh em bé ra ngoài. Ở những thai kỳ tiếp theo, có thể gây đau nhiều hơn.
- Đau bụng chuyển dạ:
Hay nói với tên dân gian là đau bụng đẻ. Tính chất của những cơn đau này là đau trằn bụng. Lúc đầu đau ít, cơn đau thưa, không đều. Càng ngày càng đau nhiều hơn, bắt đầu đều, dồn dập dần. Sau đó có thể xuất hiện tình trạng vỡ ối.
Cơn đau này có thể gặp ở trường hợp bé sinh rất non (tam cá nguyệt 2), đủ tháng hoặc do bác sĩ giục sanh.
Đau bụng bệnh lý
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng bệnh lý:
- Nguyên nhân có thể điều trị bằng thuốc như viêm ruột non, viêm dạ dày, nhiễm trùng đường ruột…
- Nguyên nhân cần phẩu thuật như viêm ruột thừa, thủng dạ dày,…
- Đến các nguyên nhân sản bệnh lý như doạ sảy thai, sảy thai, hội chứng HELLP, nhau bong non, vỡ tử cung…
Vậy bạn cần đến bệnh viện khi nào?
- Cơn đau bụng nhiều, kéo dài liên tục (> 6 tiếng), gây sốt.
- Có triệu chứng đi kèm như ra máu âm đạo, hoặc dịch tiết ở âm đạo, tiểu rát buốt, tiêu chảy, nôn ói, chóng mặt, mệt nhiều.
- Nếu bạn ở tam cá nguyệt thứ 2, 3 mà cảm giác nhiều cơn trằn bụng (như lúc hành kinh), đều, liên tục thì khả năng bạn đang chuyển dạ sanh.
Phù 2 chân
Một vấn đề vô cùng thường gặp ở các bà mẹ mang thai, hầu hết trường hợp là do sinh lý thai kỳ gây ra. Tuy nhiên, lúc nào cũng phải cảnh giác với các bệnh lý tiềm ẩn cũng gây ra phù chân tương tự.
Phù chân sinh lý
Ở 3 tháng cuối cùng trong thai kỳ của bạn (tuần 28, tuần 29 trở đi), hiện tượng 2 chân sưng phù tăng dần sẽ dễ dàng bắt gặp. Nguyên nhân là do tử cung của bạn to ra, đè ép vào mạch máu lớn ở bụng, tăng áp lực trong bụng. Do đó, máu từ 2 chân không trở về tim được, ứ đọng sẽ gây ra phù 2 chân.
Hiện tượng phù này còn gây ra bởi một số hiện tượng sinh lý, làm mạch máu giãn ra, bạn có nhiều máu hơn bình thường (kể cả máu của em bé). Do đó, ngoài 2 chân thì còn có thể phù mặt, mi mắt, ngón tay.
Phù 2 chân thường đều 2 bên, sẽ thấy rõ ràng hơn vào buổi chiều, còn phù mặt, mi mắt thường diễn ra vào buổi sáng trong ngày. Đôi khi phù nhiều quá làm bạn cảm thấy đau khi đi lại, phiền vì hơi vướng víu.
Nhưng hiện tượng này lành tính và không cần điều trị thuốc.
Mẹo:
Thông thường, chỉ cần chườm lạnh vùng phù, nằm nâng cao 2 chân hoặc mang vỡ chống giãn tĩnh mạch là có thể giảm sưng phù.
Phù chân bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân cũng gây ra phù 2 chân.
- Bệnh lý thận (hội chứng thận hư, tiền sản giật, suy thận mạn).
- Suy tim (bệnh cơ tim giãn nở chu sinh).
- Xơ gan (do viêm gan siêu vi B).
- Suy giãn tĩnh mạch chi dưới (thường gặp ở đối tượng làm nghề phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, ít vận động bắp chân).
Vậy khi nào cần đến bệnh viện?
Những bệnh lý trên đa số thường được tầm soát tiền sản (trước sanh).
Nếu bạn có triệu chứng đau đầu, tự đo huyết áp thấy cao.
Đột ngột phù nhiều hơn, rõ hơn.
Khó thở
“Tôi mệt quá!!!” Đây là câu nói thường gặp ở phụ nữ đang mang thai!!!.
Sự mệt mỏi này vô cùng mơ hồ, có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
Ở những tuần thai đầu tiên, sự thay đổi nội tiết tố, chế độ, nhu cầu ăn uống thay đổi. Tim của bạn phải đập nhanh hơn, bóp ra nhiều máu hơn để nuôi dưỡng thai nhi. Ở những tháng cuối, thai nhi quá to, nặng, bạn phải mang vác bé, nên mệt.
Sự thay đổi cảm xúc lúc mang thai, tăng nhạy cảm với những sự thờ ơ của chồng. Những lời nói của những người xung quanh. Mối lo toan khi một bất thường gì đó xảy ra. Lo âu về đứa trẻ sau này. Tất cả mọi điều này đều tạo ra một sự căng thẳng mà người ta hay gọi đó là stress. Stress làm bạn mệt.
Tất nhiên, mệt khác biệt với khó thở.
Bác sĩ cần tìm hiểu xem bạn có khó thở thật hay không
Khó thở là một cảm giác rất chủ quan. Nó có thể do bệnh lý, sinh lý hoặc như đã giải thích ở trên – tâm lý.
1. Về mặt sinh lý thai kỳ
Ở vào tam cá nguyệt 2 trở đi (tuần 13 – tuần 14) bạn có thể cảm thấy hơi khó thở. Điều này xảy ra vì thai bắt đầu to dần, bụng của bạn có giới hạn và khi tử cung to ra nó sẽ tăng áp lực trong bụng. Cơ hoành – một cơ nằm giữa ngực và bụng – sẽ bị ảnh hưởng.
Ta thấy khi cơ thể hít không khí vào, cơ hoành sẽ co. Làm phổi nở về phía bụng để chứa khí. Thai to sẽ làm tăng áp lực bụng, làm cơ này khó đi xuống, phổi giãn nở không đủ => Khó thở.
Hiện tượng này sẽ tăng nhiều hơn khi mà hệ nội tiết cơ thể, cũng như nhu cầu của thai làm người mẹ phải hít thở lấy nhiều không khí hơn. Thai nhi cũng sử dụng chung nguồn oxy này với mẹ… Do đó mẹ sẽ cảm thấy thiếu oxy nhiều hơn.
Tình trạng này sẽ ngày càng tăng nhiều hơn khi thai to dần. Để khắc phục mẹ cần hít sâu hơn, lâu hơn (5 – 7 giây là tối ưu) rồi mới thở ra. Sau khi sinh em bé thì mẹ sẽ thở dễ dàng trở lại. Đừng lo lắng về việc hít không đủ sẽ làm em bé thiếu oxy. Điều này gần như không thể nào xảy ra.
Mẹo
- Chỉnh tư thế khi ngồi, hoặc đứng dậy. Bạn cần đứng thẳng lưng.
- Vận động thường xuyên, vừa sức. Tốt nhất nên tập luyện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ sản phụ khoa.
- Nằm ngủ nghiêng một bên. Có thể kèm theo gối ôm dài.
2. Bệnh lý
Do các bệnh lý thần kinh cơ (nhược cơ, guillian barre), bệnh lý tim (suy tim, thiếu máu cơ tim, van tim, bệnh tim bẩm sinh), phổi (viêm phổi, hen)…
Khi nào cần đến bệnh viện?
- Khó thở tăng đột ngột, khó thở nhiều, vã mồ hôi.
- Kèm theo sốt, ho, ho có đàm, đau ngực, khò khè, tím tái, đánh trống ngực.
- Khó thở nhiều hơn khi hít thở sâu.
Chuột rút cẳng chân, đùi
Chuột rút cẳng chân ở sản phụ cũng được chia thành 2 nhóm nguyên nhân, sinh lý và bệnh lý.
Sinh lý
Triệu chứng này thường chủ yếu xảy ra vào ban đêm ở tam cá nguyệt thứ 2 và 3. Đôi khi cơn đau có thể làm bạn phải thức giấc. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Mẹo
- Kéo dãn cơ bắp chân, đùi trước khi đi ngủ và khi cơn đau xuất hiện. Khi cơn đau xuất hiện, kéo dãn cơ bị ảnh hưởng nhẹ nhàng, từ từ.
- Đi bộ. Lúc đầu có thể gây đau nhiều những sẽ giảm nhanh chóng sau đó.
- Mang vớ chân, đặc biệt khi bạn phải đứng nhiều vào ban ngày.
- Đổi tư thế thường xuyên khi bạn đã ngồi hoặc đứng lâu.
- Xoa bóp cơ bắp vùng đã bị đau.
- Uống nhiều nước.
Bệnh lý
Bệnh thần kinh (Hội chứng chân không yên, vận động cơ chu kỳ), bệnh lý mạch máu (xơ vữa mạch máu chi dưới), hạ calci máu, do thuốc…
Đi khám bệnh viện khi nào?
- Khi cơn đau kéo dài bất thường.
- Xuất hiện kèm các triệu chứng: Đỏ, nóng, sưng. Đặc biệt khi bạn đã biết mình có mệt lý mạch máu ở chân, hoặc các bệnh lý có nguy cơ hình thành cục máu đông.
Đau bụng, phù chân, khó thở hay chuột rút là triệu chứng thường gặp khi mang thai. Việc đầu tiên cần xác định rằng triệu chứng có phải là bệnh lý hay không vừa là nỗi lo của thân nhân, bệnh nhân cũng là mối quan tâm của bác sĩ. Kể cả khi đó là triệu chứng lành tính. Thì bệnh lý cũng có thể xuất hiện đồng thời. Do đó khi có một thay đổi đột ngột bất thường nào cũng cần đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Part 5: Symptoms guide, Mayo Clinic Guide to a Healthy Pregnancy 2nd EDTION 2018.
-
Differential Diagnoisishttps://www.uptodate.com/contents/nocturnal-leg-cramps#H7487632
Ngày tham khảo: 26/05/2020
-
Approach to acute abdominal/pelvic pain in pregnant and postpartum patientshttps://www.uptodate.com/contents/approach-to-acute-abdominal-pain-in-pregnant-and-postpartum-women
Ngày tham khảo: 26/05/2020