Phương pháp Kangaroo trong chăm sóc trẻ sinh non
Nội dung bài viết
Ở những trẻ sơ sinh bị sinh non, nhẹ cân có rất nhiều vấn đề có thể xuất hiện. Một tháng đầu là cực kỳ quan trọng để trẻ làm quen với cuộc sống xung quanh. Trẻ sơ sinh nhẹ cân/sinh non có tỉ lệ tử vong và bệnh nặng sau sinh cao hơn những trẻ đủ tháng/đủ cân. Do đó, vấn đề chăm sóc những trẻ sinh non/nhẹ ký được vẫn luôn được các nhà khoa học, bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng. Trong bối cảnh đó, có nhiều phương pháp được đề ra để cải thiện sức khoẻ cho trẻ. Và phương pháp Kangaroo, phương pháp mang tên một loài động vật đã ra đời.
1. Phương pháp Kangaroo là gì?
Năm 1978, Rey Sanabria và Martínez-Gómez (Colombia) đã đề ra một phương pháp điều trị hỗ trợ đơn giản, ít tốn kém cho những khu vực có nguồn lực y tế còn hạn chế. Với sự chấp thuận của WHO, đây trở thành một phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn giúp cứu sống rất nhiều những trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Phương pháp của họ bao gồm tiếp xúc da kề da giữa ngực của mẹ và con. Trẻ sẽ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc lấy cho con bú làm phương pháp chính để nuôi trẻ sơ sinh và giúp trẻ được xuất viện sớm.
Phương pháp này được gọi là “Mẹ Kangaroo chăm con” (Kangaroo mother care) vì sự tiếp xúc da kề da liên tục được lấy cảm hứng từ kangaroo, loài động vật mang con của nó trong một cái túi ở phía trước cơ thể.
2. Tại sao phương pháp Kangaroo lại quan trọng với trẻ sơ sinh nhẹ cân?
Những vấn đề trẻ sinh non, nhẹ cân có thể gặp phải:
- Không thể duy trì nhiệt độ cơ thể.
- Khó thở.
- Chậm tăng cân.
- Dễ nhiễm trùng.
- Các vấn đề dài hạn với chức năng não.
- Đôi khi tử vong do các biến chứng vừa kể.
Trước khi phương pháp Kangaroo ra đời thì việc chăm sóc những trẻ non tháng, nhẹ cân như thế này lệ thuộc chủ yếu vào lồng ấp. Lồng ấp là một bộ phận của phòng hồi sức cơ sinh (NICU) dành riêng cho trẻ sơ sinh.
Trong lồng sẽ đảm bảo:
- Độ ấm thích hợp cho cơ thể trẻ.
- Điều kiện vô trùng tối ưu.
- Theo dõi chăm sóc tích cực, thường xuyên.
- Tạo một môi trường yên tĩnh, tránh làm bé giật mình.
- Cung cấp đầy đủ oxy.
Phương pháp Kangaroo đã chứng minh được vai trò của nó ít nhất sẽ không thua kém lồng ấp:
- Hiệu quả để kiểm soát nhiệt độ cho trẻ.
- Dễ dàng để mẹ cho con bú, cung cấp dinh dưỡng.
- Liên kết 2 mẹ con với nhau.
Ngoài ra, các nghiên cứu hiện nay đã chứng minh dự hậu có lợi khi dùng phương pháp Kangaroo:
- Phương pháp này ít nhất tương đương với chăm sóc thông thường (máy ấp trứng) về mặt an toàn và nhiệt bảo vệ (dựa trên tỉ lệ tử vong).
- Tạo điều kiện cho con bú, cung cấp những lợi thế đáng chú ý trong các trường hợp rất nhẹ cân, non tháng.
- Kangaroo góp phần nhân tính hóa việc chăm sóc trẻ sơ sinh so với lồng ấp. Nó tạo gắn kết tốt hơn giữa mẹ và em bé ở cả các nước bất kể thu nhập thấp hay cao. Về mặt này, Kangaroo hơn hẳn các phương pháp chăm sóc hiện đại tại bất kỳ quốc gia nào, ngay cả khi so với các công nghệ đắt tiền và chăm sóc đầy đủ.
Kangaroo chưa bao giờ được đánh giá khi chăm sóc tại nhà. Do đó, phương pháp này chỉ có lợi ích rõ ràng khi thực hiện ở bệnh viện.
3. Điều kiện thực hiện phương pháp Kangaroo là gì?
Trẻ sơ sinh
Trẻ có cân nặng 1.800g trở lên lúc sinh (tuổi thai khoảng 30 – 34 tuần)
Những trẻ sơ sinh này có thể có một số vấn đề liên quan đến sinh non. Thường gặp là thở nhanh, suy hô hấp. Bác sĩ sẽ đánh giá từng trẻ và đưa những trẻ có khả năng cao bị bệnh nặng vào phòng chăm sóc đặc biệt. Trong hầu hết trường hợp còn lại, Kangaroo có thể được thực hiện càng sớm càng tốt sau sinh.
>> Tuần thứ 30 mang thai, mẹ cần biết những gì? Tìm hiểu thêm: Mang thai tuần thứ 30: Những thay đổi của mẹ và bé.
Trẻ có cân nặng 1.200 – 1.799g lúc sinh (tuổi thai 28 – 32 tuần)
Những trẻ này thường yếu ớt hơn những trẻ khác. Các vấn đề liên quan sinh non thường gặp hơn, nặng nề hơn. Ngoài ra, các bệnh lý cơ quan khác của trẻ cũng dễ dàng gặp phải. Vì vậy, với đa số trường hợp, bác sĩ cần thực hiện một số can thiệp điều trị trong thời gian đầu. Những trẻ thế này sẽ được đưa vào khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) và nuôi trong lồng ấp.
>> Bé sinh non sẽ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe. Bạn có thể đọc thêm: Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề nào sau khi sinh?
Nếu trong trường hợp nơi bạn sinh con không đủ điều kiện chăm sóc tích cực
Bác sĩ sẽ chuyển bạn và con mình cùng đi đến bệnh viện phù hợp. Phương pháp vận chuyển thích hợp là bạn sẽ vừa thực hiện “da kề da” vừa vận chuyển.
Thông thường, ở các trường hợp như thế này cần phải mất trên 1 tuần chăm sóc ở NICU. Sau đó, trẻ mới có thể được thực hiện Kangaroo ở phòng chăm sóc bình thường.
Trẻ < 1.200g lúc sinh (tuổi thai < 30 tuần)
Tỉ lệ tử vong của trẻ là rất cao và chỉ một bộ phận nhỏ trẻ sơ sinh có thể sống được. Nguyên nhân chủ yếu là do các biến chứng về phổi và vấn đề do sinh non khác.
Tất nhiên, trẻ sẽ cần vài tuần, thậm chí hàng tháng trời chăm sóc ở khoa NICU trước khi về với mẹ để thực hiện Kangaroo.
Ngoài ra, bạn không nên thực hiện Kangaroo khi bác sĩ đánh giá trẻ đang bệnh nặng.
Trong thời gian trẻ hồi phục bệnh, phương pháp Kangaroo có thể bắt đầu từng đợt ngắt quãng, kể cả khi trẻ đang:
- Được nuôi ăn qua ống.
- Đang truyền dịch.
- Thở oxy.
- Chỉ nên thực hiện phương pháp Kangaroo liên tục khi trẻ đã ổn định sức khoẻ, đặc biệt là không thở oxy nữa.
Mẹ
Tất cả các bà mẹ đều có thể thực hiện phương pháp Kangaroo, không có sự phân biệt.
- Tuổi tác nào cũng được.
- Tôn giáo nào cũng được.
- Trình độ giáo dục, văn hóa thế nào cũng được.
- Phương pháp Kangaroo có thể đặc biệt có lợi cho các bà mẹ vị thành niên trong việc tăng cường gắn bó giữa mẹ và con.
Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần chú ý:
- Tư thế thực hiện Kangaroo.
- Cách cho bú.
- Chăm sóc trẻ trong bệnh viện và ở nhà như thế nào. Mẹ cũng cần biết những gì mình có thể làm cho em bé và đặc biệt là những gì nên tránh.
Người mẹ không được hút thuốc lá, đặc biệt là trong thời gian đang thực hiện Kangaroo. Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn cho những người hít phải khói thuốc xung quanh.
4. Sơ lược về phương pháp Kangaroo
Vì đây là một thao tác cụ thể, do đó bạn cần được sự hướng dẫn trực tiếp từ nhân viên y tế.
Bắt đầu thực hiện phương pháp Kangaroo
- Lần thực hiện ban đầu bao giờ cũng quan trọng nhất và bà mẹ không nên phân tâm. Đa số các bà mẹ sẽ không quen.
- Các bà mẹ cần mặt quần áo rộng rãi, không bó sát.
- Giữ nhiệt độ phòng đủ ấm cho trẻ.
- Các ông bố có thể vào ở cùng hoặc không tuỳ điều kiện mỗi bệnh viện.
Điều chủ yếu quan trọng nhất cần nhớ đó chính là “da kề da”. Việc này sẽ giúp giữ ấm cho trẻ vừa phải và giúp trẻ tránh bị nhiễm trùng.
Tư thế Kangaroo
- Giữ đầu của trẻ nằm giữa 2 bầu vú của mẹ.
- Đầu trẻ nghiêng một bên, hơi ngửa. Điều này giúp trẻ thở dễ dàng và mẹ có thể quan sát trẻ mọi lúc. Cho trẻ đội mũ. Chỉ che mũ vừa hết phần lỗ tai của trẻ.
- Ngực trẻ áp vào ngực mẹ.
- Đùi và gối của trẻ hơi dạng ra. Tay trẻ cũng vậy. Người ta gọi đây là tư thế con ếch.
- Tránh ngã về trước, cổ trẻ sẽ bị ngửa ra phía sau.
- Mặc áo nên siết vừa đủ chặt để khi mẹ đứng bé sẽ không bị rơi xuống.
- Đảm bảo phần áo của mẹ nằm vượt quá ngực (tới mức cổ, cằm của trẻ).
- Bụng của trẻ nằm ở phần bụng trên của mẹ trở lên.
- Phương pháp này có thể giúp trẻ thở bằng bụng dễ dàng. Việc mẹ hô hấp cũng sẽ kích thích trẻ thở.
Cách đưa trẻ vào và ra khỏi áo của mẹ
- Giữ trẻ bằng 2 tay.
- 1 tay ở phần cổ sau, sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ (hoặc ngón giữa) của mẹ giữ nhẹ lấy phần cằm dưới của trẻ. Điều này nhằm giữ cho cổ trẻ không gập lại đột ngột, làm cản trở đường thở.
- Tay còn lại giữ ở phần mông.
- Tư thế này sẽ giúp trẻ ra vào áo của mẹ dễ dàng và không cản trở đường thở của bé.
Chăm sóc trẻ
Kể cả khi bú mẹ, trẻ cũng không cần phải rời khỏi tư thế Kangaroo.
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau thì ngược lại:
- Thay tã, vệ sinh trẻ.
- Để bác sĩ thăm khám (theo quy định khoa phòng, bệnh viện).
Tắm trẻ hằng ngày là không cần thiết. Nếu thật sự cần thiết, việc tắm rửa nên được thực hiện nhanh chóng ở nhiệt độ 37°C. Trẻ sơ sinh sau khi tắm nên được lau khô toàn bộ cơ thể thật nhanh, mặc đồ ấm và quay lại tư thế Kangaroo ngay.
Ngủ và nghỉ ngơi
Bà mẹ nên nằm ở tư thế gối cao (đầu và cổ nằm trên nhiều gối) – như hình. Thông thường, các bệnh viện có thể chỉnh độ cao của đầu giường cho phù hợp. Cụ thể hơn, đầu nằm cần ở 15° so với mặt đất.
Tư thế này được chứng minh giảm tần suất xuất hiện các cơn ngưng thở ở trẻ. Các cơn ngưng thở là những thời điểm trẻ không thở giữa 2 thời gian thở bình thường.
Tuy nhiên, nếu bà mẹ cảm thấy không thoải mái, không ngủ được với tư thế này thì nên để mẹ nằm tư thế mình cảm thấy thoải mái nhất.
Một cái ghế dựa có thể thay đổi tư thế đầu là lựa chọn phù hợp cho các bà mẹ khi nghỉ trưa.
Thời gian thực hiện
Phương pháp Kangaroo nên được thực hiện liên tục từ lúc ở bệnh viện đến ở nhà. Chỉ nên xem xét chấm dứt khi trẻ đạt 2.500g – tương đương tuần thai 40.
5. Các dấu hiệu nguy hiểm mà mẹ nên chú ý là gì?
- Trẻ thở nhanh, thở khó, rên.
- Thở rất chậm, tím tái.
- Có những cơn ngưng thở kéo dài (> 15 – 20 giây).
- Da trẻ trở nên lạnh (dù mẹ đã ủ ấm).
- Bú kém, không chịu bú.
- Trẻ bị co giật.
- Tiêu chảy.
- Da trẻ vàng hơn bình thường.
Lúc này, ngay lập tức, các bà mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
6. Kết luận
Phương pháp Kangaroo là một biện pháp điều trị. Tuy nhiên, việc các trẻ non tháng nhẹ cân phải nằm lồng ấp chăm sóc đặc biệt sẽ làm thời gian gặp bé mỗi ngày của các bậc phụ huynh trở nên rất ngắn ngủi.
Đây là một phương pháp đơn giản, ít tốn kém và mang lại lợi ích rất lớn cho trẻ. Đối với những trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nhưng tình trạng đang ổn định thì phương pháp này hoàn toàn không thua kém bất kỳ một phương pháp chăm sóc hiện đại nào.
Các bà mẹ nên hỏi kỹ nhân viên y tế về phương pháp thực hiện cụ thể. Bất kỳ bà mẹ nào cũng có thể thực hiện phương pháp Kangaroo.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.