Polyp đại tràng có phải là ung thư?
Nội dung bài viết
Polyp là một trong những bệnh lý thường gặp ở đại tràng, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh. Khi phát hiện ra mình có polyp, người bệnh sẽ có rất nhiều thắc mắc. Liệu polyp đại tràng có dẫn đến ung thư hay không? Polyp đại tràng có di truyền không? Làm sao để phòng ngừa polyp và ung thư đại tràng? Nếu bạn vẫn đang còn những băn khoăn, hãy để YouMed giúp bạn trả lời những câu hỏi nhé.
Polyp đại tràng là gì?
Đây là một khối tế bào hình thành từ lớp niêm mạc của đại tràng. Hầu hết polyp đại tràng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, qua thời gian, một vài khối polyp có thể phát triển thành ung thư đại tràng. Nếu phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn trễ thì khá nguy hiểm.
Có 2 loại polyp chính, loại polyp tân sinh (neoplasma polyp) và polyp không tân sinh (non-neoplasma polyp).
Polyp đại tràng có thể có cuống hoặc dính vào niêm mạc đại tràng. Số lượng và kích thước rất đa dạng. Có người chỉ có một polyp nhưng cũng có người có rất nhiều polyp.
Ai cũng có khả năng mắc bệnh. Nguy cơ mắc polyp này tăng lên sau 50 tuổi, ở những người thừa cân hay ở người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ cao hơn ở những người có tiền căn gia đình có polyp hay ung thư đại tràng.
Polyp đại tràng thường không có triệu chứng. Có những polyp ở giai đoạn sớm có thể được phát hiện qua nội soi đại tràng và có thể cắt bỏ an toàn. Cách ngăn ngừa ung thư đại tràng tốt nhất là tầm soát và điều trị polyp ở giai đoạn sớm (nếu có).
>> Bạn vẫn cần nội soi lại sau khi đã tiến hành cắt bỏ polyp để tránh những nguy cơ có thể xảy ra. Tìm hiểu kỹ hơn tại: Polyp đại tràng: Bao lâu cần nội soi lại?
Tại sao tôi bị polyp?
Những tế bào bình thường sẽ phân chia theo trật tự và được cơ thể kiểm soát. Đôi khi có một vài biến đổi ở gen làm các tế bào phát triển và phân chia bất thường, tạo nên các khối tế bào tân sinh bất thường. Ở đại tràng, những khối tế bào này có thể tạo thành polyp. Polyp có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trên đường tiêu hóa, nhưng thường gặp nhất là ở đại tràng.
Ngoài ra, những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp đại tràng hay ung thư đại tràng:
- Tuổi. Hầu hết polyp được phát hiện ở người độ tuổi 50 trở lên.
- Tình trạng viêm ở ruột, như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn’s.
- Tiền căn gia đình. Nguy cơ tăng khi trong gia đình có người mắc ung thư đại tràng hay polyp; đặc biệt là bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái. Nguy cơ tăng cao hơn khi có nhiều người trong gia đình mắc bệnh.
- Thực đơn. Ăn nhiều thịt đỏ. Ít ăn chất xơ.
- Hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Béo phì và ít vận động thể lực.
- Chủng tộc. May mắn là người châu Á không thuộc chủng tộc có tỷ lệ polyp cao. Những người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc polyp và ung thư đại tràng cao hơn.
Triệu chứng polyp đại tràng
Polyp đại tràng thường không gây triệu chứng. Nhiều người không hề biết mình có polyp cho đến khi vô tình phát hiện chúng qua nội soi. Nếu có, polyp thường biểu hiện những triệu chứng sau:
- Đi tiêu ra máu. Có thể là tiêu ra máu đỏ tươi hay đỏ sẫm, máu chảy thành giọt hay những vệt máu dính theo phân. Đôi khi, máu trộn lẫn vào phân nên bệnh nhân đi tiêu phân đen, sệt, dính như bã cà phê và có mùi tanh.
- Thay đổi thói quen đi tiêu. Táo bón hay tiêu chảy kéo dài hơn một tuần. Đôi khi, bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón.
- Đau bụng: Một khối polyp lớn có thể gây hẹp lòng ruột và đau bụng từng cơn. Nặng nề hơn, khi khối polyp đại tràng quá lớn gây tắc ruột, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, không đi tiêu hay xì hơi được, có thể kèm theo nôn ói. Đây là những triệu chứng nguy hiểm cần phải nhập cấp cứu ngay.
- Thiếu máu. Khối polyp chảy máu mà không được phát hiện sẽ khiến người bệnh mất máu rỉ rả, hậu quả là thiếu máu mạn. Triệu chứng thiếu máu mạn thường là xanh xao, mệt mỏi và giảm hoạt động cũng như trí nhớ.
Khi nào tôi cần gặp bác sĩ?
Những triệu chứng của polyp cũng tương tự như những bệnh lý khác ở đại tràng, trong đó có ung thư đại tràng. Do đó, khi gặp những triệu chứng sau, hãy đến khám bác sĩ:
- Đau bụng từng cơn, bí trung đại tiện (không đi tiêu được, không xì hơi được) và/hoặc nôn ói. Đây là những dấu hiệu cần nhập cấp cứu ngay.
- Đi tiêu ra máu. Đi tiêu phân đen.
- Thay đổi thói quen đi tiêu: tiêu chảy hay táo bón kéo dài hơn 1 tuần.
Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt nên gặp bác sĩ để được tầm soát polyp và các bệnh lý ác tính ở đại tràng:
- Trên 50 tuổi.
- Có yếu tố nguy cơ như trong gia đình từng có người bị ung thư đại tràng hay polyp. Những trường hợp này nên được tầm soát sớm hơn. Ví dụ: ông X có cha được chẩn đoán ung thư đại tràng lúc 50 tuổi, thì ông X nên bắt đầu tầm soát bệnh từ 45 tuổi.
Những polyp nào có khả năng hóa ung thư?
Polyp đại tràng thường được chia thành 2 loại: polyp tân sinh và polyp không tân sinh.
Polyp không tân sinh bao gồm polyp tăng sản và polyp dạng viêm. Những tuýp polyp điển hình này thường không phát triển thành ung thư.
Những khối polyp tân sinh bao gồm polyp tuyến và polyp răng cưa. Polyp dạng tuyến thường gặp nhất, chiếm khoảng 2/3 các khối polyp phát hiện qua nội soi đại tràng. Polyp dạng tuyến có thể phát triển thành ung thư sau nhiều năm nếu không được điều trị và theo dõi.
Những khối polyp răng cưa có thể trở thành ung thư, tùy vào kích thước và vị trí của chúng. Thông thường, khối polyp có kích thước càng lớn thì nguy cơ ung thư càng tăng, đặc biệt với các khối polyp tân sinh.
Polyp không tân sinh |
Polyp tăng sản |
Phát triển nhanh |
Nguy cơ thấp |
Polyp dạng viêm |
Thường gặp trong bệnh viêm loét |
Nguy cơ thấp |
|
Polyp tân sinh |
Polyp tuyến |
Thường gặp |
Có nguy cơ phát triển thành ung thư |
Polyp răng cưa |
|
Kích thước càng to càng có nguy cơ thành ung thư |
|
Polyp có tính gia đình |
Nhiều người trong gia đình mang polyp |
Thường có nhiều polyp trên khung đại tràng |
Nguy cơ phát triển thành ung thư cao, cần tầm soát sớm |
Kích thước và số lượng polyp cũng liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng:
- Polyp có kích thước nhỏ hơn 1cm: chỉ khoảng 1% tiến triển thành ung thư.
- Nếu bạn có 2 polyp hoặc có polyp lớn hơn 1cm: nguy cơ ung thư đại tràng cao.
- Nếu kích thước polyp lớn hơn 2cm: nguy cơ ung thư có thể lên đến 50%.
Cần hiểu rằng, nguy cơ tiến triển thành ung thư cao không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị ung thư trong tương lai. Tầm soát theo hướng dẫn của bác sĩ là cách phòng ngừa ung thư hiệu quả nhất.
Phòng ngừa polyp được không?
Ngoài việc tầm soát định kỳ, thay đổi lối sống cũng có thể giúp giảm nguy cơ polyp và ung thư đại tràng. Sau đây là những cách bạn có thể áp dụng:
- Chọn lựa thực đơn khỏe mạnh. Thêm nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám vào thực đơn và giảm các chất béo.
- Uống ít rượu bia và bỏ hút thuốc lá.
- Chăm chỉ vận động thể lực và kiểm soát cân nặng phù hợp.
- Bổ sung canxi và vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thêm canxi và vitamin D có thể làm giảm nguy cơ tái phát những khối u tuyến đại tràng. Vài nghiên cứu cũng cho rằng vitamin D có thể có hiệu quả chống lại ung thư đại tràng. Nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng liệu canxi có tác dụng bảo vệ bạn khỏi ung thư đại tràng hay không.
- Tầm soát nếu bạn có nguy cơ cao. Những gia đình có nhiều người mắc ung thư hay polyp đại tràng có thể cân nhắc các xét nghiệm tìm gen đột biến. Những bệnh nhân đã được chẩn đoán các bệnh lý polyp di truyền cần được kiểm tra định kỳ bằng nội soi đại tràng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Polyp đại tràng là bệnh lý thường gặp và chỉ có một tỉ lệ nhỏ polyp dẫn đến ung thư đại tràng. Duy trì thực đơn ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh polyp và các bệnh đại tràng khác. Quan trọng nhất vẫn là tầm soát để chẩn đoán và điều trị polyp ở giai đoạn sớm. Do đó, bạn hãy tầm soát từ 50 tuổi ngay cả khi không có triệu chứng hay yếu tố nguy cơ nào.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Colon Polypshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-polyps/diagnosis-treatment/drc-20352881
Ngày tham khảo: 31/10/2019
-
Colon polyps and cancer riskhttps://www.verywellhealth.com/colon-polyps-and-cancer-risk-797579
Ngày tham khảo: 31/10/2019