Polyp mũi: Có những cách điều trị nào? Khi nào cần phẫu thuật?
Nội dung bài viết
Polyp mũi là một bệnh ai cũng có thể mắc phải. Polyp mũi nhỏ thường không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu polyp phát triển lớn và nhiều sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vậy làm sao để chẩn đoán được bệnh và có những cách nào để điều trị polyp mũi? Khi nào mới cần phẫu thuật cắt polyp? Những biến chứng nào có thể xảy ra sau phẫu thuật? Tại sao polyp mũi lại hay tái phát sau điều trị, và cách phòng ngừa tái phát như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh.
Tổng quan về polyp mũi
Polyp mũi là những khối mềm, không đau, không phải ung thư. Polyp mũi được hình thành do quá trình viêm lâu dài của niêm mạc mũi xoang. Bên cạnh đó, polyp mũi thường có liên quan với các bệnh lý như: hen suyễn, viêm mũi xoang, dị ứng, bệnh xơ nang,…
Polyp mũi nhỏ thường ít gây triệu chứng. Polyp mũi lớn hay nhiều polyp có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Polyp mũi có thể xảy ra ở tất cả mọi người, người lớn thì thường gặp hơn. Uống thuốc đôi khi có thể làm các polyp nhỏ đi hay biến mất. Nhưng, thông thường cần phải phẫu thuật để có thể cắt bỏ chúng. Tuy nhiên, Ngay cả khi điều trị thành công, polyp mũi vẫn thường hay tái phát.
Bác sĩ làm gì để chẩn đoán polyp mũi?
Nếu polyp mũi lớn, chúng có thể dễ dàng nhìn thấy bằng đèn soi hay banh mũi. Trong trường hợp polyp nằm sâu trong các xoang, bạn sẽ cần được nội soi mũi xoang. Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi đưa vào trong hốc mũi để đánh giá trực tiếp bề mặt, màu sắc của khối polyp.
Để biết được chính xác kích thước và vị trí của polyp thì cần phải thực hiện CT scan hoặc MRI. CT scan còn cho thấy polyp đã ảnh hưởng gì tới các cấu trúc xung quanh hay chưa? Nó cũng có thể giúp loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác như u hay ung thư.
Trong một số trường hợp nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể lấy một mẩu nhỏ polyp và kiểm tra dưới kính hiển vi xem bản chất là gì (hay còn gọi là sinh thiết).
Bạn cũng có thể được làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân dẫn đến polyp. Ví dụ như nếu nghi ngờ bạn bị dị ứng, bác sĩ có thể cho thực hiện xét nghiệm để xác định bạn dị ứng với cái gì. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách châm các chất dị ứng dạng lỏng vào da để xem hệ thống miễn dịch của bạn có phản ứng với chất dị ứng nào không? Có nghĩa là bạn có bị dị ứng với chất đó không.
Nếu trẻ bị polyp từ nhỏ, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm tầm soát các bệnh di truyền. Ví dụ như bệnh xơ nang (là bệnh di truyền dẫn đến làm dày và dính các dịch trong cơ thể, làm dày lớp nhầy niêm mạc mũi xoang).
Có những cách nào để chữa trị polyp mũi?
Để chữa trị polyp mũi, tùy theo từng tình trạng bệnh cụ thể mà bạn sẽ cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai. Mục tiêu điều trị polyp mũi là để giảm tình trạng viêm – chính là nguyên nhân dẫn đến polyp. Khi giảm được viêm thì polyp sẽ teo nhỏ lại và có thể biến mất.
Nếu polyp không nhỏ đi thì có thể sẽ cần phẫu thuật. Sử dụng thuốc là lựa chọn chữa trị đầu tiên, và khi thất bại với thuốc, phẫu thuật cắt bỏ polyp sẽ được thực hiện.
1. Điều trị polyp bằng thuốc
- Corticoid xịt mũi: Thuốc thường được kê đơn để giảm tình trạng viêm. Qua đó làm giảm kích thước hay loại bỏ được polyp.
- Corticoid uống: Nếu corticoid xịt mũi không hiệu quả, corticoid uống có thể được sử dụng. Vì corticoid uống có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể, nên loại thuốc này chỉ nên uống trong một khoảng thời gian ngắn. Thời gian tùy thuộc tình trạng của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Kháng sinh: Kháng sinh có thể được kê toa trong trường hợp có viêm xoang mạn hay viêm xoang tái phát nhiều lần.
- Kháng Histamine: Nếu như bạn bị dị ứng, kháng Histamine có thể được dùng để giảm tình trạng viêm, phù nề do dị ứng gây ra ở mũi xoang.
Nói chung, những loại thuốc như kháng Histamin hay thuốc thông mũi không tốt để kiểm soát polyp mũi. Nhưng bạn có thể cần kháng Histamin để kiểm soát dị ứng và kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng trước khi bắt đầu sử dụng coticoid.
2. Phẫu thuật cắt polyp
Khi polyp mũi quá lớn và corticoid mũi không có tác dụng, phẫu thuật cắt polyp sẽ được thực hiện.
Phẫu thuật tiêu chuẩn để cắt bỏ polyp mũi là phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS). Phẫu thuật viên sẽ đưa ống soi có camera nhỏ vào lỗ mũi của bạn và đưa vào trong xoang. Sau đó cắt bỏ polyp.
Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên cũng loại bỏ các mô bệnh ở những vùng khác trong xoang. Mục đích là để phục hồi lưu thông không khí và dịch từ các xoang. Phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú. Nghĩa là bệnh nhân không cần phải nằm viện trước đó.
Phẫu thuật hiệu quả trong đa số trường hợp. Sẽ ít hiệu quả hơn trong trường hợp bạn bị polyp mũi kèm hen suyễn hay nhạy cảm với aspirin. Trong trường hợp đó thì thuốc có thể hiệu quả hơn.
2.1. Các nguy cơ có thể xảy ra của phẫu thuật cắt polyp?
Ngày nay với những tiến bộ về kỹ thuật y khoa, phẫu thuật cắt polyp (phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng) tương đối an toàn. Song các nguy cơ vẫn có thể xảy ra như trong bất kỳ các phẫu thuật nào khác. Bạn vẫn nên tham vấn với bác sĩ về những nguy cơ trước khi đi đến quyết định phẫu thuật. Những nguy cơ có thể của phẫu thuật cắt Polyp bao gồm:
- Chảy máu.
- Xơ dính sau mổ.
- Nhiễm trùng mũi xoang sau mổ.
- Tắc ống mũi trán (đường thoát dịch từ xoang trán xuống mũi).
- Rò dịch não tủy.
- Các biến chứng về mắt: mù, nhìn đôi,…
- Mucocele hay u nhầy (là loại u lành tính nhưng cứ phát triển dần làm mòn, tiêu xương của thành xoang gây các biến dạng ở mặt).
Tuy nhiên, các tai biến nặng thường rất hiếm xảy ra, tỷ lệ dưới một phần ngàn (1‰). Đa số các biến chứng là nhẹ và tạm thời, bệnh nhân có thể phục hồi được. Các biến chứng nặng nếu phát hiện sớm có thể xử trí và hồi phục tốt.
Polyp mũi có tái phát sau điều trị không?
Bạn nên nhớ rằng, ngay cả khi đã thực hiện phẫu thuật cắt polyp thì tình trạng viêm trước đó vẫn có thể tồn tại. Và polyp mũi thì có xu hướng tái phát nếu tình trạng viêm, dị ứng hay nhiễm trùng tiếp diễn. Nên bạn cần phải tiếp tục sử dụng corticoid xịt mũi và thỉnh thoảng nội soi mũi lại để kiểm tra.
Bạn có thể làm gì để phòng ngừa polyp mũi?
Bạn có thể tự giúp bản thân giảm khả năng mắc polyp mũi hay ngăn polyp mũi tái phát bằng những cách sau:
- Kiểm soát dị ứng và hen suyễn. Thực hiện theo các lời khuyên điều trị của bác sĩ. Nếu các triệu chứng của bạn không được kiểm soát tốt, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị.
- Tránh các chất gây kích thích mũi. Tránh hít phải các chất trong không khí có khả năng gây viêm hoặc kích thích mũi xoang. Chẳng hạn như các chất dị ứng, khói thuốc lá, khói hóa chất và bụi.
- Giữ vệ sinh tốt. Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng. Đây là một trong những cách tốt để bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn và virus có thể gây viêm mũi
- Dùng nước rửa mũi. Sử dụng nước muối sinh lý (Natri clorua 0.9%) hoặc các loại nước rửa mũi khác để làm sạch mũi. Điều này có thể làm sạch các chất nhầy và loại bỏ các chất gây dị ứng và kích thích.
Bạn có thể mua chai xịt nước muối hoặc bộ dụng cụ rửa mũi. Có thể sử dụng nước được chưng cất, vô trùng, hay nước đun sôi để nguội làm dung dịch rửa mũi.
Polyp mũi không phải là bệnh hiếm và bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Điều trị đầu tay được lựa chọn cho polyp mũi là corticoid xịt mũi, có thể dùng thêm các thuốc hỗ trợ khác.
Nếu dùng thuốc không làm nhỏ polyp và người bệnh vẫn khó chịu nhiều thì phẫu thuật có thể được lựa chọn. Điều trị thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể. Bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị của mình để có lựa chọn phù hợp nhất trong việc điều trị polyp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nasal polypshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasal-polyps/symptoms-causes/syc-20351888
Ngày tham khảo: 21/10/2019
-
Nasal Polypshttps://www.webmd.com/allergies/nasal-polyps-symptoms-and-treatments
Ngày tham khảo: 21/10/2019
-
Nasal polypshttps://www.healthline.com/health/nasal-polyps
Ngày tham khảo: 21/10/2019