Quả lê và những tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe
Nội dung bài viết
Quả lê là một loại trái cây giàu chất xơ và vitamin C. Hãy cùng dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy tìm hiểu những công dụng nổi bật mà quả lê mang lại cho sức khỏe nhé!
Tìm hiểu về quả lê
Nguồn gốc
Quả lê tiếng anh là Pear. Quả lê xuất hiện từ thời tiền sử, có chứng cứ cho thấy quả lê được sử dụng làm thức ăn kể từ thời kỳ đó.
Phân loại
Quả lê xanh
Loại lê này có vỏ ngoài đặc trưng màu xanh pha lẫn màu vàng kem, xen lẫn màu đỏ, chạm vào vỏ có thể thấy vỏ ngoài mịn và bóng. Lê mỹ có hình dáng giống với lê Corella Úc: thuôn dài, phía trên nhỏ còn phía dưới to bầu. Trung bình mỗi quả Lê nặng từ 230 gr -300 gr.
Quả lê nâu
Quả tròn dẹt nâu có chấm, trọng lượng quả trung bình 200 – 300 g thịt quả khô ngon, thơm khi chưa chín có vị chát, ra hoa vào tháng 3, 4.
Quả lê đường
Quả hình trứng, vỏ quả màu xanh, trọng lượng quả 20- 250 g, thịt quả giòn, ngọt thơm, ra hoa vào tháng 3, thu hoạch tháng 8 – 9.
Thành phần dinh dưỡng có trong quả lê
Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g lê là:
Các chất dinh dưỡng cơ bản
- Năng lượng 58 kcal.
- Chất béo 0,14 g.
- Chất bột đường 15,2 g.
- Protein 0,36 g.
Vitamin và khoáng chất
- Vitamin A 25 IU.
- Vitamin C 4,3 mg.
- Vitamin E 0,12 mg.
- Vitamin K 4,4 µg.
- Folate 7 µg.
- Choline 5,1 mg.
- Betaine 0,2 mg.
- Canxi 9 mg.
- Sắt 0,18 mg.
- Magie 7 mg.
- Phốt pho 12 mg.
- Kali 116 mg.
- Kẽm 0,1 mg.
- Đồng 0,082 mg.
- Selen 0,1 µg.1
Tác dụng của quả lê
Nguồn chất xơ dồi dào
Quả lê có hàm lượng chất xơ rất phong phú, loại quả này sẽ cung cấp 25-30 gram chất xơ mỗi ngày, giúp duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh và giúp bạn thư thái. Chất xơ còn giúp giải độc, điều hòa cholesterol, cải thiện ruột và hệ tiêu hóa.
Quả lê có hàm lượng pectin cao hơn táo. Pectin là một loại polysacarit có chức năng hấp thụ nước, loại bỏ chất thải và độc tố, giúp giảm cholesterol. Ăn một quả lê mỗi ngày có thể tăng thời gian vận chuyển ruột và cung cấp ít nhất 25% nhu cầu chất xơ hàng ngày của người trưởng thành.
Các polyphenol trong quả lê bảo vệ và ngăn ngừa bệnh tiểu đường týp 2. Chúng có tác dụng hạ đường huyết.
Ngoài ra, ăn lê 5 lần/tuần cải thiện sự nhạy cảm với insulin. Nhờ đó, lê có hiệu quả bảo vệ nhất định trước những tác dụng phụ thoái hóa của bệnh tiểu đường týp 2, như các vấn đề về tuần hoàn, mắt, da và thận.
Bảo vệ xương khớp
Sự góp mặt của nguồn vitamin K và nhiều khoáng chất boron tuyệt vời. Đây là khoáng chất vi lượng đóng vai trò điều hòa sự hấp thu và phân phối các khoáng chất đa lượng. Nếu bạn bị thiếu vitamin K, bạn có thể dễ bị rối loạn liên quan đến xương. Đó là vì vitamin K làm việc với các khoáng chất khác như phốt pho, magiê và canxi để ngăn ngừa sự cố xương và ngăn ngừa loãng xương.
Ngăn ngừa ung thư
Quả lê có hàm lượng chất xơ cao giúp kết dính khá nhiều các axít mật thứ cấp. Sự hiện diện quá mức của những hợp chất này trong ruột có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột già và những bệnh đường ruột khác.
Lê cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Cách sử dụng quả lê
Bạn có thể sử dụng trực tiếp quả lê như những loại trái cây khác hoặc chế biến thành các loại nước ép hay mứt đều được.
Ngoài ra, trong Đông Y, quả lê còn được sử dụng như một vị thuốc để diều trị một số bệnh như:
Ho khan do phế nhiệt:
Tác dụng của phương này là thanh nhiệt, giảm ho
Vài quả lê, bỏ hạt, giã nhỏ, cho đường phèn vào. Sau đó đem hấp cách thủy đến khi đường phèn tan hết thì mang ra ăn.
Chữa chứng viêm phế quản:
Cần 2 quả lê, bột xuyên bối 10g, 30g đường phèn. Lê bỏ hạt, cho bột xuyên bối và đường phèn vào trong quả lê, đem hấp chia ra ăn ngày 2 lần vào lúc sáng và tối.
Chữa đau mắt sưng đỏ:
Hoàng liên, lê. Lấy quả lê ép lấy nước rồi cho hoàng liên ngâm vào nước lê ép, sau đó lấy dung dịch này nhỏ vào mắt, ngày vài lần.
Tiêu đờm, thông đại tiện:
Nước ép quả lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước hạt mạch, nước ngó sen đã ép, cho chung vào khuấy đều rồi uống nguội hoặc đun nóng mà uống. Ngày uống 1 – 2 lần.
Trẻ phong nhiệt, chán ăn:
Lê 3 quả rửa sạch thái miếng, cho vào nồi đổ 3 lít nước đun nhỏ lửa đến cạn còn 1 lít, bỏ bã, đổ gạo đã vo sạch vào nước này nấu nhừ thành cháo rồi cho trẻ ăn hết trong ngày. Mỗi ngày ăn một lần, cần ăn 3 – 5 ngày liền.
Lưu ý khi sử dụng
Mặc dù lê tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi sử dụng lê:
- Quả lê kỵ rau dền: Bạn sẽ bị nôn và rối loạn tiêu hóa nếu ăn quả lê sau khi ăn một bữa rau dền.
- Quả lê kỵ thịt ngỗng: Thịt ngỗng chứa nhiều chất béo và protein, ăn quá nhiều sẽ khiến thận làm việc quá sức; lê thuộc trái cây tính hàn. Ăn chung quả lê và thịt ngỗng kích thích thận làm việc quá tải ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.Vì quả lê có tính hàn, thịt ngỗng chứa nhiều chất béo và protein, ăn nhiều có thể khiến thận làm việc quá sức.
- Quả lê kỵ củ cải trắng: Bởi ceton đồng trong lê có thể phản ứng cùng axit cianogen lưu huỳnh trong củ cải, khiến người ăn bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.
- Quả lê kỵ nước nóng: Quả lê không nên dùng chung với nước nóng. Vì tính lê sinh lạnh, nếu ăn lê uống nước nóng, sẽ kích thích đường tiêu hóa gây tả.
Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng quả lê. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pears, rawhttps://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/169118/nutrients
Ngày tham khảo: 24/01/2021