Tác dụng của quả ổi và những điều chưa biết về ổi
Nội dung bài viết
Ổi không chỉ là loại trái cây ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những công dụng nổi bật mà ổi mang lại cho sức khỏe nhé!
1. Ổi và những điều có thể bạn chưa biết
1.1. Nguồn gốc quả ổi
Tên khoa học của ổi là Psidium guajava, thuộc họ Myrtaceae (Myrtle Family). Người ta tin rằng cây ổi có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ hoặc Miền Nam Mexico. Đây là những vùng đất có khí hậu nhiệt đới phù hợp với ổi, đo đó ta thường thấy ổi được trồng nhiều hơn ở tất cả các vùng nhiệt đới như Mỹ và Tây Ấn.
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều tại Việt Nam với cũng rất phù hợp để trồng ổi, loại cây này được trồng trên khắp cả nước.
1.2. Các loại ổi
Một số loại ổi hiện có tại Việt Nam:
1.2.1. Giống ổi găng
Ổi găng phát triển rất mạnh mẽ ở những nơi có thời tiết khí hậu ẩm, ấm áp. Cây ổi găng cho quả nhỏ nhưng ăn rất thơm ngon và giòn. Quả có vị ngọt thanh.
1.2.2. Giống ổi Đài Loan
Đây là một giống hiện nay được trồng khá nhiều, mặc dù là cây nhập ngoại nhưng lại rất dễ trồng, năng suất cao. Ổi Đài Loan được trồng rất phổ biến ở miền Bắc nước ta, trồng chỉ 1 năm là cây đã cho quả, quả to, có những quả nặng đến gần 1kg.
1.2.3. Giống ổi 4 mùa
Đây là giống ổi nổi tiếng nhất ở vùng đất Đông Dư, Hà Nội nên còn có tên gọi khác là ổi Đông Dư. Giống ổi này cho quả khá to, thuôn dài, trọng lượng quả cũng lớn, cho quả quanh năm, mỗi quả có thể đạt đến nửa cân.
1.2.4. Giống ổi Xá lị không hạt
Đây là giống ổi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ, hiện được trồng ở nhiều nơi của nước ta. Cây cho quả to, không có hạt nên được nhiều người yêu thích.
1.2.5. Ổi nữ hoàng
Đây là giống ổi được trồng khá phổ biến dù tên khá lạ lẫm. Khí hậu nhiệt đới ẩm ở nước ta rất thích hợp để chúng phát triển. Cây cho quả thơm ngon với phần cùi trắng, ngọt và giòn.
1.3. Thành phần dinh dưỡng trong ổi
Mỗi 100g ổi có giá trị dinh dưỡng như sau:
Các chất dinh dưỡng cơ bản
- Năng lượng 68 kCal.
- Chất béo 0,9 g.
- Chất bột đường 14,3 g.
- Protein 2,5 g.
Vitamin trong ổi
- Vitamin A 624 IU.
- Vitamin C 228 mg.
- Vitamin E 0,7 mg.
- Vitamin K 2,6 mg.
- Thiamin B1 0,1 mg.
- Niacin B3 1,1 mg.
- Vitamin B6 0,1 mg.
- Folate 49 mcg.
- Vitamin B5 0,5 mg.
- Choline 7,6 mg.
- Canxi 18 mg.
- Sắt 0,3 mg.
- Magie 22 mg.
- Phốt pho 40 mg.
- Kali 417 mg.
- Kẽm 0,2 mg.
- Đồng 0,2 mg.
- Mangan 0,2 mg.
- Selen 0,6 mcg.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì và câu trả lời từ bác sĩ
2. Ổi có tác dụng gì?
2.1. Tăng cường hệ miễn dịch
Vitamin C trong ổi cao hơn gấp 4 lần lượng vitamin C có trong cam. Chúng giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng cường khả năng hệ miễn dịch, giúp tránh được các mầm mống gây bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, cảm cúm, ho và ngăn ngừa các trường hợp bị nhiễm siêu vi.
2.2. Giúp trái tim của bạn khỏe mạnh
Ổi chứa một lượng chất chống oxy hóa và vitamin giúp bảo vệ trái tim bạn khỏi các tổn thương do các gốc tự do gây ra. Sức khỏe tim mạch của bạn cũng góp phần được cải thiện nhờ lượng kali và chất xơ hòa tan trong ổi.
Ăn ổi cũng có lợi ích đến việc giảm huyết áp, tăng lượng cholesterol tốt HDL và giảm lượng cholesterol xấu LDL. Bệnh tim mạch và đột quỵ liên quan đến việc tăng huyết áp và tăng lượng cholesterol LDL, nên thêm một lượng vừa phải ổi vào chế độ ăn của bạn có thể sẽ đem lại những lợi ích rất tuyệt vời.
2.3. Chống ung thư
Chiết xuất ổi được chứng minh là có tác dụng chống ung thư. Chiết xuất ổi có thể dự phòng và thậm chí là ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư dựa vào một số nghiên cứu trên động vật. Nguyên nhân có thể là do các gốc tự do gây tổn thương các tế bào được ngăn chặn bởi các chất chống oxy hóa mạnh có trong ổi.
2.4. Giảm cân
Có ít chất béo trong ổi nên chúng nên rất thích hợp cho người giảm cân. Đặc biệt có chất lycopen trong trái ổi ruột đỏ (ổi đào), không chỉ có tác dụng chống những bệnh liên quan tới béo phì mà còn những bệnh khác như giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường cấp 1.
3. Cách sử dụng ổi
Ổi là loại trái cây dễ ăn, được nhiều người yêu thích. Bạn có thể chế biến thành nước ép ổi hoặc ăn trực tiếp đều được.
Ngoài ra, trong Đông Y, các bộ phận khác của cây ổi còn được sử dụng như là một vị thuốc điều trị một số bệnh sau:
Trị tiêu chảy: Lá ổi vừa già, vừa non, khoảng 50g đem sắc với hai bát nước. Đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15-30 phút, sắc như sắc thuốc. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy mỗi lần một chén nhỏ, uống làm nhiều lần. Có thể thêm đường.
Bệnh zona: Rửa sạch lá búp ổi non 100g, thêm phèn chua 10g, muối 1g, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng nước thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5-6g bột sunfamit càng tốt.
Viêm dạ dày ruột cấp: Thái nhỏ 30g lá ổi và rang với một nhúm gạo, thêm nước đun sôi uống, ngày hai lần.
4. Lưu ý khi sử dụng ổi
Cần lưu ý, mặc dù ổi tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý:
- Người bị bệnh dạ dày hoặc táo bón không nên ăn ổi còn non hoặc còn xanh vì vị chát trong ổi sẽ có hại.
- Ăn hạt ổi có sao không? Không nên ăn cả hạt ổi, hoặc nhai nát khi ăn, vì hạt sẽ gây khó tiêu và dẫn đến đau dạ dày.
- Nước ép ổi có tác dụng gì? Những người bị suy nhược cơ thể nên sử dụng ổi dưới dạng ép thành nước hoặc xay nhuyễn thì sẽ hấp thụ được tốt hơn.
- Vitamin C có nhiều trong vỏ ổi rất tốt cho làm đẹp da, nhưng đối với người tiểu đường khi ăn nên gọt bỏ vỏ.
Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng quả ổi. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!