Răng giả phục hồi vùng mất răng: Các loại, ưu và khuyết điểm
Nội dung bài viết
Sâu răng, bệnh nha chu và chấn thương là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất răng. Mất răng gây ảnh hưởng tại chỗ cho bộ răng như gây nghiêng những răng còn lại, trồi răng, thay đổi khớp cắn, tiêu xương… Ngoài ra, sức khoẻ và tâm lý của một người cũng bị ảnh hưởng. Do đó, thay thế răng đã mất bằng những phục hình thích hợp, hay còn gọi là trồng răng giả, là việc làm vô cùng cần thiết.
1. Cấy ghép răng (Implant nha khoa)
1.1. Imlant nha khoa là gì?
Cấy ghép implant là phương pháp hiện đại bậc nhất hiện nay trong thay thế răng mất, được lựa chọn để thay thế một hoặc nhiều răng ở các khu vực khác nhau trong miệng. Cấy ghép răng hiện đang dần trở thành tiêu chuẩn vàng trong phục hồi vùng mất răng, đem lại thẩm mỹ và chức năng tương tự như một chiếc răng tự nhiên khoẻ mạnh.
Về cơ bản, điều trị này bao gồm phẫu thuật gắn một trụ (implant) hoặc khung kim loại titan vào trong xương hàm. Chúng sẽ tích hợp với xương xung quanh, neo giữ chắc chắn vào trong hàm, đóng vai trò như những chiếc chân răng. Sau đó, mão răng hoặc hàm giả được gắn vào trên implant, cho phép thay thế răng đã mất.
1.2. Điều kiện cần để cấy implant?
Cấy ghép thường là lựa chọn ưu tiên để thay thế một chiếc răng duy nhất. Đặt một implant đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận để đảm bảo thành công cho cấy ghép, bao gồm: đánh giá số lượng, chất lượng xương cũng như mô mềm nơi cấy ghép, cấu trúc xung quanh vùng cấy ghép thông qua phim CT răng. Từ những đánh giá đó, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị và chọn lựa loại cũng như kích thước implant phù hợp.
Trong một số trường hợp xương hàm bị tiêu nhiều sau mất răng và không đủ để thực hiện cấy ghép, bác sĩ có thể chỉ định ghép xương tự nhiên hoặc nhân tạo nhằm tăng cường. Bạn sẽ cần đợi vài tháng để xương lành lại trước khi được cấy ghép. Tương tự, nếu mô nướu hay niêm mạc tại vùng cấy ghép không thuận lợi (thiếu, không khoẻ mạnh…), bạn có thể phải thực hiện ghép tăng cường hoặc điều chỉnh các mô mềm này.
>> Bạn biết gì về viêm nướu và viêm nha chu? Tìm hiểu thêm tại đây.
1.3. Ưu điểm của implant nha khoa
- Ưu điểm lớn nhất là răng thay thế giống như răng thật và có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ.
- Tỉ lệ thành công cao ở người khoẻ mạnh.
- Ổn định, thoải mái, vững chắc, thực hiện chức năng tốt.
- Độc lập, không đòi hỏi loại bỏ cấu trúc ở những răng liền kề (không mài răng kế cận).
- Dễ dàng vệ sinh, ít đòi hỏi “bảo trì” hơn các phục hồi khác.
- Thẩm mỹ cao.
1.4. Nhược điểm của implant nha khoa
- Đây là một thủ thuật ít nhiều có tính xâm lấn, được xếp loại tiểu phẫu thuật. Vì vậy, bạn cần phải có sức khỏe thể chất tốt để phẫu thuật và phục hồi.
- Thời gian điều trị kéo dài, gồm nhiều công đoạn, cần nhiều thời gian để lành vết thương và thực hiện phục hình (khoảng 3 – 6 tháng).
- Tỉ lệ thành công thấp hơn ở những bệnh nhân có một số vấn đề sức khoẻ như đái tháo đường, sử dụng bisphosphonate, hút thuốc lá… và vệ sinh răng miệng kém.
- Thường đắt tiền hơn các lựa chọn khác. Giá tiền của điều trị này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: loại, số lượng, kích thước implant, có cần ghép thêm xương hay nướu răng không… Trung bình ước tính thực hiện cấy ghép implant cho 1 răng đơn lẻ tốn khoảng 1.000 – 2.000$.
2. Răng giả cố định hay cầu răng
2.1. Cầu răng là gì?
Đây là loại răng giả (được gọi là pontic) được giữ cố định bởi các răng trụ ở hai bên của khoảng trống. Trong trường hợp này, các răng bên cạnh vùng mất răng được mài để mang mão làm trụ cho răng giả thay thế. Các trụ này có tác dụng “gánh” phần pontic ở giữa.
Nếu bạn không muốn cấy ghép implant, đây có thể được coi là ứng cử viên “sáng giá” để phục hình mất răng. Cầu răng được sử dụng khi mất một hoặc nhiều răng trong cùng một khu vực.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Chảy máu chân răng: Cơ thể bạn đang muốn báo động điều gì?
2.2. Các loại cầu răng
Theo cấu trúc, cầu răng có một số loại điển hình:
- Kiểu truyền thống: Răng mất được gánh ở 2 đầu cầu răng bởi 2 răng kế cận.
- Cầu răng vói: Chỉ có 1 răng trụ để gánh pontic, răng giả được vói choàng lên vùng mất răng.
- Cầu răng dán: Thường dùng cho vùng răng trước vì thẩm mỹ, răng trụ 2 bên chỉ bị mài ở mặt ngoài để hạn chế mất mô răng. Răng giả được dán vào các răng trụ kế cận bằng xi măng nha khoa.
Theo vật liệu, cầu răng có các loại như:
- Kim loại: Chế tạo hoàn toàn từ kim loại. Một số kim loại thường được sử dụng như: crom, cobalt, sắt, nikel… Cầu răng cũng có thể được chế tác từ hợp kim quý như: vàng, bạc… nhưng hiếm hơn.
- Sứ: Cầu răng được chế tạo hoàn toàn bằng sứ nha khoa.
- Sứ – kim loại: Kim loại được đúc thành khung sườn bên trong và bao bọc sứ bên ngoài hoặc bọc sứ ở những răng trụ dễ bị nhìn thấy. Sử dụng kết hợp sứ và kim loại giúp tăng thẩm mỹ và độ cứng chắc của cầu răng.
Ngoài ra, theo số lượng răng mất có thể có cầu răng đơn lẻ hoặc nhiều đơn vị. Tuỳ theo vị trí có cầu răng trước, cầu răng sau. Trong một số trường hợp đặc biệt khi mất nhiều răng rải rác ở những vị trí khác nhau trong miệng thì có thể làm các cầu răng dài. Chúng bắt từ sau ra trước hay từ phải sang trái cung hàm, còn gọi là cầu răng “liên lục địa”.
2.3. Ưu điểm của cầu răng
- Cố định, không xê dịch, ăn nhai dễ dàng.
- Chi phí thấp hơn và tốn ít thời gian hơn cấy ghép implant.
- Ít phụ thuộc vào tiền sử bệnh của bệnh nhân và có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi.
- Thẩm mỹ.
- Yêu cầu về xương, mô mềm cũng như các cấu trúc xung quanh ít nghiêm ngặt hơn cấy ghép. Do đó, bệnh nhân ít phải thực hiện các điều trị đi kèm hơn (ghép xương, ghép nướu…).
2.4. Nhược điểm của cầu răng
- Phải có răng liền kề vùng mất răng.
- Răng làm trụ bị mài mất mô răng.
- Khó vệ sinh, dễ bị đọng thức ăn ở bên dưới nên có nguy cơ viêm nướu, sâu răng cao nếu không vệ sinh sạch sẽ. Viêm nhiễm xung quanh cầu răng có thể dẫn đến mất răng trụ. Do đó, bạn phải vệ sinh vùng mang cầu răng thật kỹ càng.
- Tỉ lệ thành công không cao bằng cấy ghép implant.
- Thời hạn sử dụng không cao bằng implant do các vấn đề phát sinh trong lúc mang cầu răng như vệ sinh kém gây sâu răng, mất răng, gãy vỡ vật liệu… Trung bình, cầu răng có tuổi thọ 5 – 15 năm.
3. Hàm giả tháo lắp cho vùng mất răng
Nếu mất nhiều răng và điều kiện tài chính tương đối hạn chế, hàm giả tháo lắp là một lựa chọn hợp lý. Nếu chỉ mất răng đơn lẻ, bạn cũng có thể lựa chọn hàm tháo lắp, tuy nhiên implant và cầu răng là lựa chọn lý tưởng hơn và nên cân nhắc trước.
3.1. Hàm giả tháo lắp là gì?
Đây là hàm giả mà người mang có thể chủ động lắp vào và tháo ra bất cứ khi nào. Nó gồm răng giả và phần nền hàm bằng nhựa có màu hồng tương tự nướu răng tự nhiên. Răng giả thường bằng nhựa, cũng có thể có răng composite hay sứ.
Hàm toàn phần dùng trong trường hợp mất toàn bộ răng trên cung hàm. Hàm bán phần dùng khi mất nhiều răng nhưng không phải toàn bộ.
Hàm bán phần có một số móc và tựa đặt lên các răng kế cận khoảng mất răng để neo giữ hàm trong miệng. Để tăng tính vững chắc của hàm, người ta có thể thêm vào phần nền hàm một khung kim loại.
Thời gian sử dụng của hàm giả tháo lắp trung bình là khoảng 3 – 8 năm.
3.2. Ưu điểm của hàm giả tháo lắp
- Ít tốn kém nhất.
- Ít phải mài hay điều chỉnh các răng kế cận hơn cầu răng.
- Dễ dàng sửa chữa và thay thế hơn so với các lựa chọn phục hình mất răng khác.
- Có phần nướu giả để bù đắp mô nướu và xương đã tiêu nên khá thẩm mỹ.
- Dễ dàng tháo rời để vệ sinh sạch sẽ hàm cũng như các răng còn lại.
3.3. Nhược điểm của hàm giả tháo lắp
- Có thể bạn sẽ không thoải mái khi mang vì có cảm giác đó là vật lạ, cảm thấy cồng kềnh, khó chịu trong miệng.
- Hàm sẽ có tính xê dịch ít nhiều khi ăn nhai, tạo cảm giác bất ổn.
- Hàm phải được tháo và vệ sinh sau mỗi lần ăn. Nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, nguy cơ sâu răng và viêm nhiễm các răng còn lại là rất cao.
- Do có khả năng tháo rời nên có thể phát sinh nhiều hư hỏng trong lúc mang hơn.
- Thẩm mỹ không cao vì có thể bị lộ các thành phần của hàm khi ăn uống, cười nói…
4. Lựa chọn loại răng giả nào là tốt nhất để thay thế răng đã mất của bạn?
Không có chỉ định tuyệt đối cho loại phục hình thay thế răng đã mất. Trên thực tế, mỗi trường hợp mất răng có thể có nhiều lựa chọn khác nhau. Đặc biệt, khi mất răng nhiều, bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn kế hoạch điều trị mà trong đó thường là kết hợp nhiều loại phục hình với nhau. Đó có thể là:
- Implant kết hợp cầu răng.
- Cầu răng và hàm giả tháo lắp bán phần.
- Implant và hàm giả bán phần.
- Hàm giả toàn phần tựa trên implant.
Lựa chọn loại phục hình nào không chỉ dựa trên tình trạng răng miệng hiện tại của bạn mà còn phụ thuộc vào nhu cầu và điều kiện tài chính. Nếu bạn muốn cấy implant hoặc phải trải qua một số phẫu thuật nhỏ trong quá trình phục hồi vùng mất răng, đừng quên báo cho bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của mình: bạn có mắc bệnh gì không, có đang sử dụng thuốc gì không…
Như vậy, mỗi loại răng giả đều có ưu và nhược điểm nhất định. Đừng lo lắng vì bạn không cần phải suy nghĩ và đắn đo về loại phục hình mà mình muốn. Hãy đặt ngay lịch hẹn và để các bác sĩ giúp bạn điều đó. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, đừng ngại ngần mà hãy hỏi bác sĩ của bạn để được giải đáp. Phục hồi vùng mất răng ngay hôm nay để luôn tự tin và cười thật tươi trong mỗi bức hình nhé!
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.