YouMed

Rau rút: Loại rau dân dã vùng sông nước

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Hầu hết những người dân vùng sông nước đã quá quen thuộc với rau rút (rau nhút). Không chỉ là món ăn bổ dưỡng hấp dẫn mà loài thực vật này còn có công dụng điều trị bệnh hiệu quả với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần… Hãy cùng YouMed tìm hiểu nhiều hơn về đặc điểm, tác dụng và cách sử dụng của dược liệu này.

Rau rút là gì?

  • Tên gọi khác: Quyết thái, rau nhút, thủy hồ điệp
  • Tên khoa học: Neptunia oleracea Lour hay N.prostrata Baill
  • Họ khoa học: Thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae)
  • Bộ phận dùng: Toàn cây-Herba Neptuniae Oleraceae

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng

Theo tài liệu, chi Neptunia Lour có khoảng 12 loài, trong đó, chỉ có một loài duy nhất ở Việt Nam. Nguồn gốc của loài này chưa biết rõ, thế nhưng có thể bắt gặp loài xuất hiện trong tự nhiên ở những vùng nhiệt đới trên khắp trái đất như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia… chủ yếu được sử dụng như một loại rau để ăn. Tại Việt Nam, rau rút quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng, trung du và cả những khu vực núi thấp.

Đây là loài rau thủy sinh, ưa sáng và được trồng theo kiểu thả bè ở các ao hồ, đầm lầy… Ngoài ra, có thể trồng cây trên những loại đất sình, đất trũng…

Cây sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ trong thời tiết hè-thu. Đặc biệt, do cây không chịu được khí hậu lạnh nên việc trồng rau ở những mùa đông sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhờ có hệ thống rễ chùm đặc biệt mà cây có thể hút được các chất dinh dưỡng hữu cơ lẫn vô cơ trong nước.

Nên chọn giống là những gốc rau khoảng 3cm, khỏe mạnh, không bị sâu. Lúc đầu, nên giữ mực nước trong ruộng khoảng 20 cm, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho rau.

Sinh sản bằng hạt hoặc bằng chồi rất khỏe, phần rễ mới mọc ra từ mắt của các đoạn thân.  Sau khi ngắt ngọn chỉ khoảng 1 tuần, cây có thể cho thu hoạch lứa tiếp theo.

Cây gần như không cần phải phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng người trồn cần chú ý một số loại ốc bươu… có thể gây hại cho mùa vụ.

Thu hái

Thu hoạch cây rau này quanh năm. Sau khi trồng khoảng 45 ngày là đã có thể thu hái, cứ 7 ngày là đến lứa tiếp theo. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài khoảng 6 tháng, tùy theo địa lý, khí hậu, cách chăm sóc… ở mỗi nơi. Tuy nhiên, để đạt được năng suất tốt nhất, cứ 3 tháng người trồng cần tiến hành trồng mới diện tích, để giữ mật độ rau không dày đặc, tạo diện tích phù hợp để cây mới phát triển.

Mùa hoa quả khoảng từ tháng 9 đến tháng 12.

Rau rút là loại rau quen thuộc, dân dã vùng sống nước.
Rau rút là loại rau quen thuộc, dân dã vùng sống nước

Mô tả toàn cây rau rút

Thân cây dài tới 1.5m, mọc bò, ngầm, nổi lên ngang với mặt nước, có thể lan rộng ra 100cm. Đặc biệt, quanh thân được bao phủ bởi lớp xốp trắng mềm, gọi là phao, giúp cây nổi trên nước. Rễ bén ở các mấu trên thân.

Cây thuộc loại lá kép lông chim 2 lần, khi có tiếp xúc sẽ khép lại nhanh. Hiện tượng này được lý giải là do nước rút nhanh từ phiến lá chét vào cuống lá. Có nhiều lá chét, nhỏ, kích thước khoảng 0.5×0.4 cm, được sắp xếp theo từng đôi một, đều đặn.

Hoa sắc vàng lục, mọc dày đặc, tụ thành đầu, thường nở vào mùa hè. Mỗ bông rộng khoảng 1mm, dài 8-15 mm.

Quả nhẵn, bên trong có khoảng 6 hạt nâu, hình bầu dục kích thước 5×3 mm.

Bảo quản

Bảo quản những rau đã qua khâu sơ chế trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, không nên để tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu hơn.

Thân rau rút được bao phủ bỏi lớp mềm xốp trắng.
Thân rau rút được bao phủ bỏi lớp mềm xốp trắng, giúp chúng nổi lên mặt nước

Giá trị dinh dưỡng của rau rút

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, trong 100g rau rút có:

Năng lượng 28kcal, nước 90.4g, glucid 1.8g, protein 5.1g, chất xơ 1.9g, Phospho 59 mg, canxi 180 mg,

Không chỉ như vậy, rau rút có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú. Đặc biệt là các vitamin và acid amin như amin methionin, leucin, threonin, vitamin A, C, B12… Ngoài ra, có tài liệu ghi nhận rằng, lượng protein trong này còn cao hơn các loại thực vật khác như mồng tơi, rau muống…

Tác dụng của rau rút

Ngăn ngừa lão hóa, chống oxy hóa, nhanh lành vết thương

Theo các tài liệu, trong rau rút, hàm lượng các chất vitamin và khoáng chất, protein khá cao. Những thành phần này góp phần quan trọng trong việc tạo mô liên kết, làm tăng độ đàn hồi cho da. Bên cạnh đó, chúng còn tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài, làm tăng sức miễn dịch và chậm quá trình lão hóa. Không chỉ như vậy, nhờ lượng protein dồi dào mà các vết thương sẽ mau hồi phục hơn.

Hỗ trợ tiêu hóa, ngừa táo bón

Theo các nghiên cứu, rau rút chứa hàm lượng chất xơ và nước khá dồi dào và có đặc tính kháng khuẩn. Chính vì vậy, chúng giúp loại bỏ các vi sinh vật có hại cho đường ruột cũng như cường tiêu hóa, giảm viêm, tiêu chảy. Không chỉ như vậy, thực phẩm này còn giàu chất xơ không hòa tan sẽ giúp nhanh no và no lâu hơn, ngừa táo bón, giảm cảm giác thèm ăn.

Hỗ trợ giấc ngủ, an thần

Nhiều tài liệu đã ghi nhận tác dụng an thần của thực phẩm này. Những người hay bị mất ngủ, căng thẳng rất thích hợp với loại rau này, giúp thư giãn não bộ, nâng cao chất lượng giấc ngủ ngon hơn.

Rau rút giúp hỗ trợ giấc ngủ, an thần, giảm stress...
Rau rút giúp hỗ trợ giấc ngủ, an thần, giảm stress…

Thân thiện với người bệnh đái tháo đường

Rau rút thuộc loại rau giàu chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu các chất đường và chất béo trong cơ thể, tăng tiết insulin. Chính vì vậy, quá trình này sẽ giữ cho đường huyết ổn định hơn, phù hợp với người có các tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, béo phì… Bên cạnh đó, nhờ việc chứa ít calo mà nguyên liệu khá thân thiện cho người ăn kiêng, giảm cân.

Rau rút trong Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính hàn, không độc

Quy kinh: Kinh Tâm, Đại trường

Tác dụng: Bổ tạng hư yếu, hỗ trợ trị bướu cổ, mạnh gân xương, an thần, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, lợi tiểu tiện, tiêu viêm…

Cách sử dụng rau rút

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng thực phẩm với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Rau rút có thể dùng dưới dạng nấu canh, lẩu, xào, gỏi, hoặc sắc uống, dùng ngoài…Loài rau này rất được ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng, ăn giòn, bổ dưỡng.

Liều dùng:

  • Mỗi ngày nên dùng khoảng 20-40g rau, ăn hoặc sắc uống.
  • Dùng ngoài không kể liều lượng cụ thể.

Một số lưu ý khi sử dụng

  • Do có tính lạnh nên thực phẩm không nên dùng cho người dễ tiêu chảy, trẻ nhỏ, hay yếu bụng.
  • Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thực phẩm.
  • Phụ nữ có thai không ăn rau rút còn sống hoặc tái. Nguyên nhân là do cây mọc dưới ao ruộng nên dễ nhiễm phải các nguy cơ ký sinh trùng như sán lá gan, giun, hoặc kim loại nặng (chì, kẽm…). Nếu ăn phải các ấu trùng sán, chúng sẽ xâm nhập vào các cơ quan nội tạng của cơ thể, gây nên các triệu chứng như buồn nôn, sụt cân, thiếu máu, đau bụng, rối loạn hệ thần kinh…
  • Không nên chọn những khu vực có nguồn nước ô nhiễm để trồng rau, bởi thực vật dễ bị tích tụ kim loại nặng dẫn đến nhũn thân, đen rễ, vàng lá, thậm chí chết cây. Tuy nhiên, một số nơi tận dụng khả năng này của cây để xử lý các chất thải trong các trại chăn nuôi.

Một số bài thuốc từ rau rút

Hỗ trợ điều trị bướu cổ

Rau rút 30g, mạch môn 15g, sinh địa 15g, cải trời 20g, sài hồ 8g, kinh giới 8g, xạ can 8g, đem tất cả sắc uống 2 lần trong ngày.

Hỗ trợ giải cảm, cảm cúm

Rau rút khô 20g, kinh giới 12g, lá sen 10g, mỗi ngày sắc uống 2 lần, nên uống liên tục trong 3 ngày.

An thần, hỗ trợ giấc ngủ

Rau rút khô 30g, lá sen 10g, khoai sọ 25g, sắc uống ngày 2 lần.

Dùng ngoài da

Trong dân gian, có nơi dùng nước ép thân cây để thoa lên vùng da bị lở loét, giang mai,… Tuy nhiên, công dụng này vẫn cần được nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng điều trị.

Thực phẩm có thể nấu lẩu, canh, xào... rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Thực phẩm có thể nấu lẩu, canh, xào…rất thơm ngon và bổ dưỡng

Từ lâu, rau rút không chỉ là món ăn quen thuộc của vùng sông nước mà với sự đa dạng và phong phú về thành phần mà loại rau này còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Để có thể phát huy toàn bộ giá trị của vị thuốc, chúng ta nên tham khảo ý kiến các y bác sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn và kiểm soát rủi ro.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế (2007). Sách Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Nhà xuất bản Y Học

  2. Viện Dược Liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

  3. Neptunia oleracea (water mimosa) as phytoremediation plant and the risk to human health: A reviewhttps://www.researchgate.net/publication/270454162_Neptunia_oleracea_water_mimosa_as_phytoremediation_plant_and_the_risk_to_human_health_A_review

    Ngày tham khảo: 18/05/2021

  4. Assessment of Water Mimosa (Neptunia oleracea Lour.) Morphological, Physiological, and Removal Efficiency for Phytoremediation of Arsenic-Polluted Waterhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7694506/

    Ngày tham khảo: 18/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người