YouMed

Rò âm đạo và những điều cần biết

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HUẤN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn
Chuyên khoa: Thần kinh

Rò âm đạo là bệnh lý không quá phổ biến nhưng gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân. Vậy rò âm đạo là gì? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Rò âm đạo là gì?

Là một lỗ thông bất thường, tạo đường thông thương giữa âm đạo với các cơ quan khác trong ổ bụng hay chậu. Ví dụ, một lỗ rò có thể thông nối âm đạo của bạn với:

  • Bàng quang (lỗ rò âm đạo – bàng quang)
  • Niệu quản. Là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống dưới bàng quang (lỗ rò niệu quản – âm đạo)
  • Niệu đạo. Là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang để thải ra ngoài cơ thể (lỗ rò niệu đạo – âm đạo)
  • Trực tràng. Là phần dưới, đoạn cuối của ruột già (lỗ rò âm đạo – trực tràng)
  • Ruột già hay đại tràng (lỗ rò đại tràng – âm đạo)
  • Ruột non (lỗ rò đường ruột – âm đạo)

Nguyên nhân rò rỉ âm đạo

Thông thường, nguyên nhân là sự tổn thương âm đạo do những tác nhân sau gây ra, như:

  • Sinh con
  • Phẫu thuật bụng (cắt tử cung hoặc mổ lấy thai)
  • Ung thư vùng chậu, cổ tử cung hoặc đại tràng
  • Điều trị xạ trị
  • Bệnh đường ruột như Crohn hoặc viêm túi thừa
  • Nhiễm trùng (kể cả sau khi bị rạch tầng sinh môn hoặc bị rách khi sinh con)
  • Chấn thương, chẳng hạn như do tai nạn xe hơi

Triệu chứng 

Thường không gây đau nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề khác cần được chăm sóc y tế. Nếu bạn có lỗ rò âm đạo – bàng quang (lỗ thông giữa âm đạo và bàng quang), nước tiểu sẽ liên tục rò rỉ từ bàng quang vào âm đạo. Điều này có thể khiến bạn không thể kiểm soát được việc đi tiểu của mình.

Ngoài ra, vùng sinh dục của bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc nặng hơn là lở loét. Và bạn có thể bị đau khi giao hợp.

Các triệu chứng khác  bao gồm:

  • Sốt
  • Đau bụng
  • Bệnh tiêu chảy
  • Giảm cân
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Biến chứng 

Có thể gây khó chịu và xấu hổ khi chúng bị rò rỉ và có mùi hôi. Nhưng chúng cũng có thể gây ra các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng âm đạo hoặc đường tiết niệu tiếp tục tái phát
  • Vấn đề vệ sinh
  • Phân hoặc khí rò rỉ qua âm đạo
  • Da bị kích ứng hoặc bị viêm quanh âm đạo hoặc hậu môn của bạn
  • Một khối mô nhiễm trùng sưng lên kèm theo mủ (áp xe) có thể nguy hiểm nếu không được điều trị

>> Tìm hiểu thêm Viêm âm đạo : Tất cả những gì bạn cần biết

Những phụ nữ mắc bệnh Crohn kèm mắc rò âm đạo thì có nguy cơ cao bị biến chứng. Chẳng hạn như lỗ rò tái phát hoặc lỗ rò lâu lành.

Chẩn đoán 

Bác sĩ sẽ khám phụ khoa và hỏi về tiền sử bệnh của bạn để tìm hiểu xem liệu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào có thể gây ra rò âm đạo hay không. Ví dụ như một cuộc phẫu thuật gần đây, nhiễm trùng hoặc điều trị xạ trị vùng chậu hay không.

Rò âm đạo
Khám bụng và phụ khoa cung cấp nhiều thông tin giúp chẩn đoán bệnh

Cận lâm sàng

Họ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Thử thuốc nhuộm. Bác sĩ sẽ lấp đầy bàng quang của bạn bằng dung dịch thuốc nhuộm. Họ sẽ yêu cầu bạn ho hoặc co cơ bụng để tăng áp lực ổ bụng. Nếu bạn có một lỗ rò, thuốc nhuộm sẽ rò rỉ từ bàng quang vào âm đạo.
  • Soi bàng quang. Bác sĩ sử dụng ống soi bàng quang để quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo để tìm các dấu hiệu tổn thương.
  • Chụp X-quang:
    • Chụp X quang bàng quang – niệu đạo ngược dòng. Đây là một xét nghiệm đặc biệt, trong đó thuốc nhuộm được tiêm thông qua bàng quang vào niệu quản của bạn. Chụp X-quang có thể cho biết liệu có đường rò giữa niệu quản và âm đạo của bạn hay không.
    • Chụp cản quang đường dò. Đây là hình ảnh X-quang của lỗ rò của bạn. Nó có thể cho bác sĩ biết liệu bạn có một hay nhiều lỗ rò. Và xác định các cơ quan khác trong vùng chậu có lỗ rò hay không.
  • Nội soi đại tràng sigma. Bác sĩ xem xét hậu môn và trực tràng của bạn bằng ống soi đại tràng.
  • CT bụng chậu cản quang. Bạn sẽ được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Và sẽ được chụp CT để tạo ra hình ảnh về âm đạo và đường tiết niệu của bạn.
  • Chụp MRI vùng chậu. Từ trường và sóng vô tuyến ghi nhận hình ảnh chi tiết của trực tràng và âm đạo để giúp hiển thị chi tiết lỗ rò âm đạo.

Rò âm đạo
MRI ngày càng chứng minh được giá trị trong chẩn đoán và điều trị

Điều trị rò âm đạo

Một số lỗ rò có thể tự lành. Nếu đó là một lỗ rò bàng quang nhỏ, bác sĩ có thể thử đặt một ống nhỏ gọi là thông tiểu để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài. Và để cho lỗ rò có thời gian tự lành.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng một loại keo hoặc nút đặc biệt làm bằng protein tự nhiên để bịt kín hoặc lấp đầy lỗ rò. Họ cũng có thể cho bạn uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do lỗ rò gây ra.

Nhiều người có lỗ rò cần phẫu thuật để điều trị. Loại phẫu thuật bạn nhận được tùy thuộc vào loại lỗ rò và vị trí của nó. Phẫu thuật có thể được sử dụng là phương pháp nội soi, trong đó bác sĩ của bạn tạo những vết cắt nhỏ (vết mổ) và đưa máy ảnh và dụng cụ mổ vào ổ bụng. Hoặc có thể là phẫu thuật mở bụng, tạo một vết mổ dài trên da bụng sau này.

Đối với một lỗ rò nối với trực tràng của bạn, bác sĩ có thể:

  • Sử dụng một miếng vá nhân tạo để lấp lỗ rò
  • Lấy mô từ nơi khác trên cơ thể bạn để đóng lại
  • Gấp một vạt mô lành lên lỗ rò
  • Cố định các cơ ở hậu môn của bạn nếu chúng bị tổn thương

Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng cảnh báo tình trạng rò âm đạo. Bởi hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của những vấn đề trầm trọng như áp xe hoặc ung thư. Và cần được thăm khám để được chẩn đoán chính xác và có lựa chọn điều trị tốt nhất. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, bạn hãy để lại bình luận ở dưới hoặc liên hệ trực tiếp với các bác sĩ thuộc hệ thống phòng khám YouMed nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vaginal Fistulahttps://www.webmd.com/women/guide/what-is-a-vaginal-fistula

    Ngày tham khảo: 16/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người