Rối loạn giấc ngủ trong thai kỳ
Nội dung bài viết
Đối với hầu hết phụ nữ, thời điểm mang thai là một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng bên cạnh những niềm vui đó, đối với nhiều người thời điểm này cũng gặp rất nhiều rắc rối đối với sức khỏe. Trong đó rối loạn giấc ngủ là một vấn đề gặp khá phổ biến ngay cả đối với những phụ nữ chưa bao giờ gặp vấn đề với giấc ngủ trước đó. Trên thực tế, theo một nghiên cứu, 78% phụ nữ cho biết giấc ngủ bị xáo trộn nhiều hơn trong thời kỳ mang thai so với những thời điểm khác.
1. Những vấn đề về giấc ngủ trong thai kỳ
1.1 Mất ngủ
Mất ngủ được định nghĩa là khó khăn vào giấc ngủ, tức là bạn đã buồn ngủ rồi nhưng trằn trọc hơn 30 phút mới vào được giấc ngủ. Hoặc là bạn đã vào được giấc ngủ rồi nhưng luôn bị chập chờn, giấc ngủ không sau. Hoặc là bạn bị thức dậy sớm hơn so với bình thường 2 tiếng và không vào lại được giấc ngủ. Tình trạng này thường liên quan đến những rối loạn trầm cảm hay lo âu trong thai kì. Có thể xem: “Buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần sau sinh, bạn đã thực sự hiểu rõ? ” để hiểu hơn về tình trạng này. Ngoài ra nôn ói, đau lưng trong thai kì cũng làm nặng thêm vấn đề mất ngủ.
1.2 Ngủ quá nhiều vào ban ngày
Một trong những lý do gây mệt mỏi và khó ngủ khi mang thai là thay đổi nồng độ hormone. Đặc biệt trong 3 tháng đầu, nồng độ progesterone tăng cao có thể gây nên ngủ nhiều vào ban ngày. Từ đó, do ban ngày ngủ quá nhiều nên ban đêm không thể ngủ được.
1.3 Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ thực chất là các cơn tắc nghẽn đường hô hấp lặp đi lặp lại. Trong khi ngủ, phần cơ họng được nghỉ ngơi, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra và gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Khi ngưng thở, không khí qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm nồng độ oxi trong máu. Trong lúc ngủ, người bị tình trạng này có thể thường xuyên tỉnh dậy với cảm giác nghẹt thở và thở hổn hển. Cổ họng đau và khô, cảm giác mệt mỏi mất năng lượng.
Tình trạng này xảy ra trong thai kỳ có lẽ là do thay đổi lượng hormone. Nó gây ức chế cơ, trong đó có cơ hô hấp. Do đó gây nên ngủ ngáy khi mang thai mặc dù trước đó họ không bị tình trạng này. Thêm vào đó, sự tăng cân quá mức trong thai kì sẽ là nặng lên tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ cũng có thể liên quan đến các biến chứng khi mang thai như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật hoặc con sinh ra nhẹ cân.
1.4 Hội chứng chân không yên (RLS)
Trong một nghiên cứu trên 600 phụ nữ mang thai. Có 26% phụ nữ nói rằng họ có các triệu chứng của hội chứng chân không yên (RLS). Hội chứng chân không yên là một tình trạng đặc trưng bởi cảm giác khó chịu ở chân. Nó thôi thúc bản phải di chuyển và chân không thể để yên được. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm và giảm khi người bị phải di chuyển liên tục. Chính vì phải di chuyển liên tục để không khó chịu khiến bản không thể ngủ được. Nguyên nhân của hội chứng chân không yên hiện vẫn chưa được làm rõ. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy thiếu sắt và acid folic có ảnh hưởng đến hội chứng này. Ngoài ra, nồng độ Estrogen tăng cao trong thai kỳ cũng góp phần vào tình trạng này.
1.5 Trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng của tình trạng này đó là cảm giác ở nóng, ợ chua trong lúc ngủ. Gây cảm giác khó chịu làm bạn tỉnh giấc giữa đêm. Tình trạng này được giải thích là do tăng lượng hormon trong thai kỳ. Điều này làm giảm nhu động dạ dày và thực quản, khiến thức ăn bị trào lên trong khi ngủ. Thêm vào đó, khi thai càng ngày càng lớn, sẽ đẩy dạ dày lên cao hơn. Từ đó làm tăng nặng hơn tình trạng rối loạn mất ngủ trong thời gian thai kỳ.
>>> Xem thêm bài viết: “Trào ngược dạ dày thực quản: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh hiệu quả “để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.
2. Nên làm gì khi gặp rối loạn giấc ngủ trong thai kỳ
- Ngủ nghiêng bên trái để cải thiện lưu lượng máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi, cho tử cung và thận của bạn. Cố gắng tránh nằm ngửa trong thời gian dài.
- Uống nhiều nước trong ngày nhưng hãy giảm lượng nước trong vài giờ trước khi đi ngủ để tránh đi tiểu đêm nhiều. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ.
- Để tránh ợ nóng, giảm thực phẩm cay, có tính axit hoặc chiên. Ngoài ra, ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày. Hoặc có thể tới gặp bác sĩ để được kê toa thuốc dạ dày.
- Ngáy rất phổ biến khi mang thai, nhưng nếu bạn bị ngừng thở liên quan đến ngáy, bạn nên được kiểm tra ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, hãy kiểm tra huyết áp và protein nước tiểu của bạn, đặc biệt nếu bạn bị sưng mắt cá chân hoặc đau đầu.
- Khi bạn mắc phải hội chứng chân không yên, bạn nên được đánh giá thiếu sắt hoặc folate. Nếu tình trạng nặng nề, có thể phải sử dụng thuốc. Xem thêm bài viết sau: Dinh dưỡng khi mang thai để mẹ và bé khỏe mạnh.
- Nếu bạn vẫn không thể ngủ dù đã thử các biện pháp thư giãn. Lúc này đừng nằm trên giường buộc mình phải ngủ nữa. Hãy đứng dậy và đọc một cuốn sách, đan hoặc móc một cái gì đó mà bạn cảm thấy thoải mái. Hãy để cơn buồn ngủ đến thật tự nhiên.
- Nếu bạn mất ngủ kèm theo các tình trạng lo lắng hay trầm cảm. Hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ, xem có cần phải sử dụng thuốc hay không.
Rối loạn giấc ngủ đa phần chỉ thoáng qua trong một giai đoạn của thai kỳ. Nhưng nếu tình trạng quá kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người mẹ. Bạn cần phải tới gặp bác sĩ để có chỉ định sư dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc tuy là cần hạn chế trong thai kỳ. Nhưng đối với những trường hợp caanff thiết vẫn phải sử dụng. Bác sĩ sẽ theo dõi và kê toa các loại thuốc qua nhau thai ít nhất để tránh ảnh hưởng đến em bé nhất có thể.
Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.