Rối loạn hormon giới tính và những vấn đề vấn đề khó nói
Nội dung bài viết
Hormon giới tính quyết định giới tính con người từ khi còn trong bụng mẹ. Lượng hormon nam hay nữ chiếm đa số trong cơ thể sẽ cho biểu hiện kiểu hình nam hay nữ tương ứng. Các bệnh lý rối loạn hormon giới tính có liên quan đến ảnh hưởng đến sự biểu hiện này. Vậy hormon giới tính có vai trò như thế nào, hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô giải đáp câu hỏi trên.
Hormon giới tính nam và nữ
Có hai loại hormon giới tính tương ứng với hai giới nam và nữ. Trong đó, hormon của nam là testosterol và nữ là estrogen quyết định hình thái từng giới. Hormon giới tính đóng vai trò quan trọng cho hệ thống sinh sản và các đặc điểm sinh dục khác. Hơn nữa, chúng còn có tác động đến nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể như:
- Hệ tim mạch.
- Chuyển hóa lipid máu.
- Chuyển hóa mỡ trong cơ thể.
- Hệ xương.
- Da.
- Hệ tiết niệu.
- Hệ tạo máu.
- Hệ cơ.
- Não bộ.
- Hệ miễn dịch.
- Tâm sinh lý.
Do đó, rối loạn hormon giới tính không chỉ biểu hiện sự bất thường trên hệ thống sinh dục mà còn liên quan tới nhiều hệ cơ quan khác tùy mức độ. Quan trọng hơn, bệnh lý ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh, sự lo ngại về vấn đề lập gia đình sau này.
Ảnh hưởng của rối loạn hormon giới tính lên cơ thể
Bệnh lý có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm các triệu chứng liên quan sinh dục hoặc không. Các triệu chứng có thể gặp là:
Ở nữ giới
- Mất hay ít kinh nguyệt.
- Ngực không phát triển hay phát triển chậm.
- Mất lông tóc, nhất là vùng nách, mu,…
- Mất hay ít có hứng thú tình dục.
- Vú tiết sữa bất thường.
- Vô sinh.
Ở nam giới
- Mất lông tóc, nhất là vùng nách, mu, ngực,…
- Mất khối lượng cơ.
- Ngực to bất thường.
- Cơ quan sinh dục kém phát triển.
- Mất hay ít có hứng thú tình dục.
- Rối loạn cương.
- Vô sinh.
Ngoài các đặc điểm trên, người bệnh có thể có các triệu chứng không đặc hiệu khác như:
- Cơ thể nóng bừng.
- Da khô, mỏng.
- Mệt mỏi bất thường.
- Khó tập trung, rối loạn giấc ngủ.
- Lo lắng, kích thích.
- Dậy thì trễ.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Đối với trẻ mới sinh có thể có cơ quan sinh dục dị dạng.
Rối loạn hormon giới tính lâu ngày không được điều trị sẽ trờ thành yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý trầm cảm, loãng xương, biến cố tim mạch. Và vô sinh là biến chứng sinh dục nặng nề nhất của bệnh.
Nguyên nhân gây rối loạn hormon giới tính
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý từ bẩm sinh cho tới mắc phải. Phần lớn chúng do bệnh tuyến nội tiết sinh dục hoặc bệnh lý tuyến yên kiểm soát hệ sinh dục. Tất cả các nguyên nhân đều gây ra tình trạng thiếu hormon sinh dục trong cơ thể. Từ đó, gây ra các vấn đề biểu hiện trên triệu chứng bệnh.
Các bệnh lý có thể gây ra rối loạn hormon giới tính là:
- Bệnh lý thiểu năng sinh dục bẩm sinh hay mắc phải do tuyến yên hay vùng hạ đồi.
- Bệnh lý suy giảm chức năng buồng trứng bẩm sinh hay mắc phải làm rối loạn hormon sinh dục nữ.
- Bệnh lý suy giảm chức năng tinh hoàn bẩm sinh hay mắc phải làm rối loạn hormon sinh dục nam.
Bệnh lý xảy ra do bất thường hệ gene trong cơ thể hay do các nguyên nhân khác bên ngoài xâm nhập như:
- Một số thuốc như thuốc giảm đau, hormon ngoại sinh,…
- Viêm nhiễm: tự miễn, nhiễm trùng, virus,…
- Tình trạng lão hóa.
- Chấn thương cơ quan.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ mắc bệnh, ngoại trừ bệnh lý bẩm sinh gặp ở trẻ nhỏ. Một số cơ địa đặc biệt dễ mắc bệnh hơn như:
- Người lớn tuổi.
- Suy dinh dưỡng.
- Béo phì.
- Người mắc HIV/AIDS.
- Người có tiền căn hóa trị hay xạ trị.
Dù vậy, bệnh vẫn có thể gặp ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào.
Chẩn đoán rối loạn hormon giới tính như thế nào?
Chẩn đoán bệnh sẽ dựa vào triệu chứng nghi ngờ mà bệnh nhân đang mắc và đo lượng hormon trong máu. Tuy nhiên, thời điểm xét nghiệm, các bệnh lý đồng mắc phải được xem xét trước khi thực hiện. Việc xét nghiệm nên được làm ít nhất hai lần vào buổi sáng để cho kết quả chính xác nhất. Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán được bác sĩ chỉ định có thể có:
- Hormon FSH và LH.
- Hormon hCG trong chẩn đoán có thai ở nữ.
- Hormon TSH để loại trừ bệnh lý tuyến giáp.
- Prolactin máu.
- Sắt huyết thanh.
- Hormon testosterol và estrogen.
- Siêu âm đánh giá cơ quan sinh dục.
- Hình ảnh học sọ não trong chẩn đoán bệnh lý tuyến yên và vùng hạ đồi.
- Xét nghiệm gene cho các bệnh lý di truyền.
Lựa chọn loại xét nghiệm nào sẽ phụ thuộc vào giới, mức độ triệu chứng mà bác sĩ nghi ngờ người bệnh đang mắc.
Điều trị rối loạn hormon giới tính
Điều trị nhằm mục tiêu bổ sung lượng hormon bị thiếu cho người bệnh và giảm triệu chứng. Điều này giúp đảm bảo khả năng sinh sản và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bên cạnh việc chỉ định thuốc hormon ngoại sinh cho người bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm một số thuốc giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Hơn nữa, nên tái khám theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng để xem xét đáp ứng điều trị và điều chỉnh liều thuốc nếu có thể.
Rối loạn hormon giới tính là bệnh không nguy hiểm; song bệnh làm cho người bệnh lo lắng bất an. Người bệnh thường ngại nói chuyện về bệnh lý của mình và càng để lâu bệnh càng khó chữa. Để tránh tình huống này, người bệnh hãy đến khám tại các bệnh viện chuyên nam khoa hay phụ khoa để được phát hiện và điều trị sớm. Mọi thông tin của bệnh nhân sẽ được bảo mật an toàn tuyệt đối, hãy đến gặp bác sĩ để được chăm sóc tối ưu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Male hypogonadismhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/male-hypogonadism/symptoms-causes/syc-20354881
Ngày tham khảo: 14/07/2021
-
Hypogonadismhttps://www.healthline.com/health/hypogonadism
Ngày tham khảo: 14/07/2021
-
Hypogonadism in femaleshttps://dermnetnz.org/topics/hypogonadism-in-females/
Ngày tham khảo: 14/07/2021
-
Role of Sex Hormones in Human Bodyhttps://www.intechopen.com/books/reproductive-hormones/role-of-sex-hormones-in-human-body
Ngày tham khảo: 14/07/2021
-
Male and Female Hypogonadismhttps://sci-hub.se/https://doi.org/10.1016/j.cnur.2018.04.006
Ngày tham khảo: 14/07/2021