YouMed

Rối loạn tic: Tật máy giật và những điều ít ai biết

bác sĩ nguyễn trung nghĩa
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa
Chuyên khoa: Tâm thần

Bình mắc chứng rối loạn tic – một rối loạn vận động. Cậu bé đang chuẩn bị cho kì thi cuối kì. Sự căng thẳng, lo lắng những ngày này khiến tic nặng nề hơn. Cậu càng cố gắng kiềm chế, tic càng nhiều hơn. Cuối cùng, không còn cách nào khác, cậu phải giải phóng nó.

Rối loạn tic có thể chỉ đơn giản là những cái nhún vai, giật mặt, nhưng cũng có thể phức tạp hơn. Nó ảnh hưởng đến nhiều người đặc biệt là với trẻ em. Vậy bản chất tic là gì? Có chữa khỏi được không? Bài viết sau của ThS.BS chuyên khoa Tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.

Rối loạn Tic là gì?

Tic là từ tiếng Pháp, dùng để chỉ sự co một hoặc nhiều nhóm cơ xảy ra đột ngột, lặp đi lặp lại, khó kiểm soát được. Trong tiếng việt, người ta còn dùng từ máy giật, máy cơ để chỉ rối loạn này.

Tật máy cơ thường khởi phát trong độ tuổi 4-6, và các triệu chứng xảy ra nghiêm trọng nhất tử 10-12 tuổi. Khi đến tuổi trưởng thành, đa phần các triệu chứng này giảm đi, một số ít có thể nặng lên.

rối loạn tic

Tùy theo mức độ, tic có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người khác nhau. Thâm chí có người còn không nhận ra mình có rối loạn này. Nếu có, đó có thể là sự cô lập xã hội, xung đột các nhân, không thể làm việc, chất lượng cuộc sống thấp.

Sự hiện diện những rối loạn khác đi kèm như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế mới thực sự ảnh hưởng nhiều đến chức năng thường ngày.

Xem thêm: Tăng động giảm chú ý ở trẻ: cách bố mẹ đặt câu hỏi cho bác sĩ

Biểu hiện của rối loạn Tic

Máy giật thường được chia làm hai nhóm chuyển động: vận động (motor tic) và tạo âm (vocal tic). Trong đó người ta chia nhỏ thêm là tic đơn giản (một nhóm cơ duy nhất) và tic phức tạp (nhiều nhóm cơ).

Máy cơ này có thể xảy ra ngẫu nhiên hoặc liên quan đến căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, phấn khích hoặc hạnh phúc. Và trở nên tồi tệ hơn nếu được nhắc đến hoặc tập trung vào nó.

Những người mắc rối loạn này thường bắt đầu với một cảm giác khó chịu tích tụ trong cơ thể. Chỉ khi thực hiện, họ mới thấy dễ chịu. Tuy nhiên cũng có trường hợp họ có thể bị ức chế một phần.

Tic vận động Tic tạo âm
Đơn giản Chớp mắt

Cắn môi

Nhăn mặt

Nhăn mũi

Giật đầu, cổ

Nhún vai…

Ho

Hắng giọng

Lẩm bẩm

Khịt mũi

Tiếng rít

Phức tạp Đá chân

Gõ ngón tay

Nhảy

Nhại động tác của người khác…

Lặp lại từ và cụm từ

Tạo âm thanh động vật

La hét

Tic có những loại nào?

Có 3 nhóm rối loạn tic:

Đặc điểm Rối loạn tic tạm thời Rối loạn tic mạn tính Hội chứng Tourette
Khởi phát

Trước 18 tuổi

Loại tic 1 hoặc nhiều: tic vận động và/hoặc tạo âm Một/nhiều tic vận động.

Hoặc một/nhiều tic tạo âm.

Nhiều tic vận động.

Và một/nhiều tic tạo âm.

(không cần thiết phải xuất hiện cùng lúc)

Thời gian (kể từ lúc khởi phát) Dưới 1 năm Hơn 1 năm Hơn 1 năm
Mức phổ biến Thường gặp nhất Ít hơn Ít nhất

Nguyên nhân gây Tic

Hiện tại chưa tìm được nguyên nhân gây ra rối loạn này. Người ta cho rằng đó có thể là do sự thay đổi các thành phần, cấu trúc trong não. Gây ra sự thay đổi trong quá trình điều khiển vận động. Rối loạn này cũng có thể là do di truyền. Rối loạn máy giật này thường đi kèm với các rối loạn khác. Ví dụ: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Khi nào cần đi khám?

Tật máy giật này thường không nghiêm trọng và chúng không phá hủy não của bạn. Không phải lúc nào bạn cũng cần gặp bác sĩ nếu bệnh nhẹ và không ra ảnh hưởng gì khác. Đôi khi máy giật có thể biến mất nhanh như khi chúng xuất hiện.

Tuy nhiên, việc đi khám là cần nếu bạn lo lắng về tật máy giật này. Bạn sẽ được tư vấn, cho lời khuyên và quan trọng hơn là tìm xem có những bất thường khác nặng nề hơn có hay không. Cụ thể, những tic này:

  • Xảy ra rất thường xuyên, hoặc trở nên thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn.
  • Gây ra các vấn đề về cảm xúc hoặc các vấn đề xã hội. Như bối rối, xấu hổ, bị bắt nạt hoặc cô lập.
  • Gây đau đớn hoặc khó chịu (một số máy giật có thể khiến người đó vô tình làm tổn thương chính họ).
  • Ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày, trường học hoặc công việc.
  • Đi kèm với sự tức giận, trầm cảm hoặc tự làm hại bản thân.

Chẩn đoán tic như thế nào?

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Bác sĩ sẽ có chẩn đoán sau khi hỏi đầy đủ về tiền sử gia đình và bản thân và xem xét các triệu chứng. Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán bệnh. Đôi khi có thể cần thực hiện xét nghiệm. Nhưng với mục đích là để loại trừ các bệnh lý nặng có triệu chứng giống như tic.

Điều trị tật máy giật ra sao?

Điều trị không phải lúc nào cũng cần thiết nếu máy giật nhẹ và không gây ra bất kỳ vấn đề nào khác. Các típ đơn giản, như tránh căng thẳng hoặc mệt mỏi, thường rất hữu ích cho phần lớn mọi người.

Nếu một tic nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Một số liệu pháp trong can thiệp hành vi toàn diện cho Tic (Comprehensive behavioural intervention for tics) được đề xuất nhằm mục đích giảm tần suất xảy ra tic.

  • Đào tạo đảo ngược thói quen (Habit reversal therapy): Với liệu pháp này, bạn hoặc bé con sẽ được hướng dẫn tìm một chuyển động phù hợp. Nhằm mục đích cạnh tranh có chủ ý với những chuyển động tic. Nhờ vậy tật máy giật không thể xảy ra cùng lúc.
  • Tiếp xúc và đáp ứng dự phòng (Exposure and response prevention): mục đích là để giúp người bệnh làm quen với cảm giác khó chịu trước khi tic xảy ra và có thể ngưng tic.

Ngoài ra, khi các liệu pháp tâm lý này không hiệu quả, có thể phổi hợp thêm thuốc. Một số thuốc hướng thần, được biết đến như là thuốc chống loạn thần, có thể cải thiện được máy giật.

Trong một số trường hợp bị hội chứng Tourett nặng, phẫu thuật có thể cần thiết. Tuy nhiên, tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Như vậy, tic là một rối loạn chuyển động xảy ra nhanh, đột ngột, có tính lặp lại. Thường gặp nhất ở trẻ em. Đa phần rối loạn tic là thoáng qua, không quá một năm. Những lúc này các biện pháp tâm lý là hiệu quả để giảm tần suất cũng như mức độ tic.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ticshttps://kidshealth.org/en/teens/tics.html

    Ngày tham khảo: 27/02/2020

  2. Overview ticshttps://www.nhs.uk/conditions/tics/

    Ngày tham khảo: 27/02/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người