Sơ lược những điều cần biết về nang tụy
Nội dung bài viết
Nang tụy là một cấu trúc dạng túi, có chứa dịch, nằm bên trong hoặc trên bề mặt tuyến tuỵ. Tuyến tuỵ là một tuyến thuộc hệ tiêu hoá. Tuỵ nằm phía sau dạ dày và tiết ra các enzyme giúp tiêu hoá thức ăn. Vậy nang tụy có phải là ung thư tuỵ? Nang tụy có biểu hiện ra sao và điều trị thế nào? Hãy cùng bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu về tình trạng này nhé.
1. Tổng quan
Bình thường tụy không có nang, mà là một cấu trúc đặc. Về cơ bản, nang tụy được chia làm hai loại, nang dạng u và nang không u. Mỗi nhóm lớn này lại chia ra nhiều nhóm nhỏ khác nhau, như dạng giả nang, u nang thanh dịch, u nang nhầy. Hầu hết các dạng nang này đều không hoá ung thư. Tuy nhiên, có một số ít loại nang có thể ung thư hoá.
Khi có nang tụy, bạn có thể được làm xét nghiệm từ việc rút dịch trong nang. Khi đó, bác sĩ có thể đánh giá được liệu nang tụy có xuất hiện tế bào ung thư không. Ngoài ra, bạn có thể cần phải theo dõi một thời gian để xem xét sự thay đổi của nang.
>> Bạn đã biết chức năng của tuyến tụy? Tìm đáp án trong bài viết: Tuyến tụy: Cấu trúc và chức năng.
2. Nang tụy gây ra những triệu chứng gì?
Thông thường, nó không biểu hiện triệu chứng gì khiến bạn có thể nhận ra được. Bệnh nhân thường tình cờ phát hiện ra nang tụy qua các xét nghiệm hình ảnh học khi xét nghiệm do một tình trạng bệnh khác hay khi đi khám tổng quát.
Nếu nang tụy có gây ra triệu chứng, chúng có thể là:
- Đau bụng kéo dài, có thể lan ra sau lưng.
- Cảm giác buồn nôn, nôn.
- Sụt cân.
- Cảm giác nhanh no, đầy bụng.
Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ?
Ở một số trường hợp hiếm gặp, nang tụy có thể bị nhiễm trùng. Hãy đi khám bác sĩ khi bạn có sốt hay đau bụng liên tục kéo dài.
Khi nang tụy bị vỡ sẽ gây ra tình trạng rất nghiêm trọng. Lúc này, bạn cần được cấp cứu ngay. Tuy nhiên, rất may mắn là tình trạng này rất hiếm khi xảy ra. Khi nang tụy vỡ cũng có thể bị nhiễm trùng và gây ra viêm phúc mạc.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân hình thành của hầu hết các nang tụy đều chưa được biết rõ. Một số loại nang có liên quan đến các bệnh hiếm gặp, như bệnh thận đa nang hay bệnh von Hippel-Lindau, một bệnh di truyền ảnh hưởng đến tụy và các cơ quan khác.
Nang giả tụy thường xuất hiện theo sau một đợt viêm tụy cấp. Viêm tụy cấp là một tình trạng gây đau bụng cấp tính do các enzyme trong tuỵ gây tổn thương lên tụy. Nang giả tụy cũng có thể xuất hiện sau một chấn thương bụng, như tai nạn xe chẳng hạn.
Các yếu tố nguy cơ của nang tụy là gì?
Hai yếu tố nguy cơ chính của viêm tụy là nghiện rượu và sỏi mật. Và viêm tụy chính là yếu tố nguy cơ của nang giả tụy. Ngoài ra, chấn thương bụng cũng làm tăng khả năng xuất hiện nang giả tụy.
4. Làm sao để phòng ngừa?
Cách tốt nhất để tránh bị nang tụy là không bị viêm tụy. Nếu có nguy cơ viêm tụy do sỏi túi mật, có thể bạn cần phải cắt túi mật. Ngoài ra, uống rượu cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tụy. Do đó, bác sĩ khuyên bạn chỉ nên uống một lượng rượu vừa phải.
5. Phương pháp chẩn đoán nang tụy
Hiện nay, y học hiện đại giúp chẩn đoán nang tụy tốt hơn trước kia nhờ vào các xét nghiệm hình ảnh học. Các kỹ thuật mới giúp tìm ra nang tụy dễ dàng và nhanh chóng hơn. Các nang tụy thường được phát hiện qua phim chụp ổ bụng.
Sau khi hỏi bệnh và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh học để chẩn đoán nang tụy. Ngoài ra, các xét nghiệm này còn giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm như:
- Chụp CT scan. Phim CT giúp đánh giá tốt các chi tiết về cấu trúc, kích thước của nang tụy.
- Chụp MRI (cộng hưởng từ). Giúp nhìn thấy các chi tiết ẩn dấu khó phát hiện. Nó còn giúp gợi ý nang tụy có khả năng ung thư hay không.
- Siêu âm qua nội soi. Tương tự như MRI, xét nghiệm này cho hình ảnh chi tiết về nang tụy. Ngoài ra, phương pháp này còn cho phép lấy dịch nang để làm xét nghiệm. Điều này rất có giá trị để chẩn đoán nang có tế bào ung thư không.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP). MRCP là xét nghiệm được lựa chọn để theo dõi nang tụy. Xét nghiệm này giúp quan sát rất rõ cấu trúc nang ở trong ống tụy.
Chẩn đoán dạng nang tụy
Dựa vào các đặc điểm và vị trí của nang tụy, cùng với độ tuổi và giới tính, có thể giúp gợi ý dạng nang tụy của bệnh nhân. Dưới đây là một số dạng nang:
- Nang giả tụy. Đây là dạng nang không ung thư và thường do viêm tụy. Nang giả tụy cũng có thể xuất hiện sau chấn thương bụng.
- U nang thanh dịch. Loại u này có thể phát triển khá lớn, gây chèn ép các cơ quan khác. Từ đó, nó gây các biểu hiện như đau bụng và cảm giác đầy bụng. U này thường xuất hiện ở phụ nữ trên 60 tuổi và hiếm khi hoá ung thư.
- U nang nhầy. Thường nằm ở thân hay đuôi tụy và hầu như chỉ gặp ở phụ nữ. Lứa tuổi thường gặp là trung niên. U nang nhầy là u tiền ung thư, có nghĩa là sẽ tiến triển thành ung thư nếu không điều trị. Những u lớn khi phát hiện đôi khi đã ung thư hoá.
- U nhú nhầy trong ống tụy (IPMN) xuất hiện trong ống tụy hay các nhánh ống tụy. IPMN có thể là tiền ung thư hay đã ung thư hoá. U này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, thường trên 50 tuổi. Tuỳ thuộc vị trí, có thể cần tới điều trị phẫu thuật.
- U đặc giả nhú tụy. Loại u này thường nằm ở thân hoặc đuôi tụy. Gặp ở phụ nữ trẻ hơn 35 tuổi. U này hiếm gặp và đôi khi có thể ung thư hoá.
- U thần kinh nội tiết thường là u đặc nhưng cũng có thể ở dạng giống nang. Có thể là tiền ung thư hoặc đã ung thư hoá.
>> Đọc thêm: U tụy nội tiết: Ung thư nguy hiểm và những điều cần biết.
6. Điều trị nang tụy như thế nào?
Việc lựa chọn điều trị hay theo dõi là phụ thuộc vào loại nang, kích thước và đặc điểm của nó. Yếu tố triệu chứng cũng được cân nhắc trong việc lựa chọn điều trị.
Theo dõi sát
Nếu là nang giả tụy lành tính, mặc dù có kích thước lớn, vẫn có thể để yên không phẫu thuật, miễn là nang không gây ra triệu chứng khó chịu. U nang thanh dịch hiếm khi ung thư hoá, do đó cũng không cần mổ nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, cần theo dõi xem u có lớn lên thêm hay không.
Điều trị dẫn lưu nang tụy
Nếu nang giả tụy gây nên nhiều triệu chứng khó chịu, hoặc khi nang ngày càng lớn lên, có thể cần phải can thiệp. Bác sĩ sẽ thực hiện dẫn lưu nang tụy. Bạn sẽ được nội soi qua đường miệng và thực hiện hút dịch nang tụy qua nội soi. Đôi khi, việc dẫn lưu qua da cũng được thực hiện.
Điều trị phẫu thuật
Một số dạng nang tụy cần phải điều trị phẫu thuật. Các nang cần phải mổ thường là ung thư hoặc có khả năng ung thư. Đối với một số nang giả tụy lớn hay u nang thanh dịch lớn gây nhiều triệu chứng khó chịu, phẫu thuật cắt bỏ cũng được cân nhắc.
Bạn cũng nên lưu ý, nang giả tụy có thể xuất hiện lại nếu bạn có viêm tụy. Do đó, hãy để ý đến tình trạng này nhé.
Tạm kết
Nang tụy là một dạng bất thường cấu trúc xuất hiện ở tuyến tụy. Có rất nhiều loại nang tụy với khả năng ung thư hoá cũng như các điều trị khác biệt nhau. Khi tình cờ phát hiện nang tụy, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra điều trị thích hợp nhất. Hãy cùng chia sẻ thông tin này cho những người xung quanh biết nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pancreatic-cysts/symptoms-causes/syc-20375993