Sơn thù: Quả vị chua nhưng bổ dưỡng
Nội dung bài viết
Sơn thù là một thảo dược quý và được sử dụng phổ biến trong Đông y đã từ lâu. Vị thuốc dù có vị chua, hơi khó uống nhưng rất có lợi cho cơ thể, đặc biệt là bổ can thận. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.
1. Giới thiệu Sơn thù
- Tên gọi khác: Sơn thù du, Sơn du nhục.
- Tên khoa học: Fructus Corni officinalis.
- Họ: Sơn thù (Cornaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Ở Việt Nam hiện chưa trồng được cây thuốc này. Sơn thù mọc nhiều ở Trung Quốc (vùng Thiểm Tây, Tứ Xuyên…), Triều Tiên.
Mùa hoa tháng 5 – 6. Mùa hoa quả tháng 8 – 10.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây sống lâu năm, mọc thành bụi nhỏ, cao khoảng 3m. Vỏ cây nứt nẻ, màu nâu nhạt. Lá đơn, mọc đối, hình trứng hay hình bầu dục, đôi khi hình mũi mác, mép nguyên, dài khoảng 5 – 12cm. Đầu lá nhọn, mặt có một ít lông dài, mặt sau lông dài hơn, gân lá có lông màu vàng.
Hoa mọc ở nách cành. Cánh hoa hình mũi mác, phẳng. Quả hình bầu dục, khi chín màu đỏ tươi, bóng nhẵn, nhưng khi khô thì nhăn nheo hình mạng. Hạt hình tròn dài.
1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế
Bộ phận dùng làm thuốc là quả khô của cây Sơn thù.
- Phải sạch, thịt dày, màu hồng không bị cháy đen, vị chua là loại có chất lượng tốt.
- Loại cùi mỏng, màu nhạt hơn là loại vừa.
Người ta hái quả Sơn thù, sau đó phơi khô và tách bỏ hạt rồi tiếp tục phơi khô làm thuốc hoặc ngâm với rượu. Bỏ hột đi, lấy vỏ và thịt quả sấy nhỏ lửa cho khô để dùng.
Sau khi sơ chế, dược liệu có hình phiến hoặc hình nang, đa số đã bị vỡ, nhăn, dài 1 – 1,5cm, cùi dày, không đến 0,12cm. Mặt ngoài màu hồng tím hoặc màu đen tím, nhăn, có miệng rạch bỏ hột, một đầu có rốn nhỏ hình tròn. Màu đậm, mặt trong màu tương đối nhạt hơn, không trơn bóng. Mùi hơi nhẹ, vị chua, chát, hơi đắng.
1.4. Bảo quản
Dược liệu nên được bảo quản ở nơi khô ráo. Tránh ẩm ướt, đề phòng mối mọt.
2. Thành phần hóa học
Trong vị thuốc Sơn thù có 13% Saponozit, các axit hữu cơ, glucozit (cocnin), tanin. Ngoài ra, trong lá Sơn thù tươi có các vitamin C và E.
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Kháng khuẩn: Nước sắc Sơn thù, in vitro, có tác dụng ức chế Staphylococus aureus (Trung Dược Học).
- Ức chế ngưng tập máu: Chích dịch chiết Sơn thù với liều 1.0g/kg, 0.5g/kg cho thỏ nhà thấy có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu (Lý Sĩ Mậu, Trung Quốc Y Dược Học Báo 1988, 3 (3) : 31).
- Lợi tiểu và hạ áp: Nước sắc Sơn thù chích tĩnh mạch chó đã gây mê thấy có tác dụng lợi tiểu và hạ áp với liều nhỏ đối với serum Glucose (Trung Dược Học).
- Sơn thù cũng gây tác dụng phụ rất thấp và có tác dụng giống đối giao cảm (Trung Dược Học).
>> Tìm hiểu thêm về một dược liệu khác giúp lợi tiểu: Mã đề: Vị thuốc Nam có công dụng lợi tiểu
3.2. Y học cổ truyền
Vị chua chát, tính hơi ôn.
Quy kinh Can Thận.
Chủ trị:
- Trị lưng gối đau mỏi, liệt dương, ù tai, đàn ông di tinh, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.
- Bổ can thận, làm tinh khí bền; cầm không ra mồ hôi nhiều ở người bệnh lâu ngày, suy nhược.
- Điều trị bệnh tiểu gắt, tiểu tiện nhiều lần trong ngày, tiểu đêm nhiều lần.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Sơn thù theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là 6 – 12g/ngày.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Bài thuốc bổ can thận, điều trị chứng tiểu đêm, tiểu nhiều lần
Thục địa 300g, Sơn thù 150g, Hoài sơn 150g, Đan bì 10g, Bạch linh 10g, Trạch tả 10g. Đem nghiền bột hoàn tán, ngày uống 8 – 12g viên hoàn (Lục vị địa hoàng hoàn).
4.2. Điều trị chứng kinh nguyệt không đều
Sơn thù nhục, Thục địa đều 15g, Đương quy, Bạch thược đều 12g, sắc uống.
4.3. Trị thận hư, liệt dương, di tinh, choáng váng, tai ù, điếc, tiểu vặt, lưng đau, gối mỏi
Sơn thù du, Bổ cốt chỉ, Đương quy đều 12g, Xạ hương 0,12g. Tán bột, làm hoàn, uống với nước muối loãng (Thảo Hoàn Đơn – Phù Thọ Tinh phương).
4.4. Trị tâm hư, hồi hộp
Long nhãn nhục 40g, Toan táo nhân (sao) 20g, Sơn thù nhục (bỏ hột) 20g, Bá tử nhân (sao) 16g, Long cốt (sinh), Mẫu lệ (sinh) đều 16g, Nhũ hương, Một dược đều 4g. Sắc uống (Định Tâm Thang – Y Học Trung Trung Tham Tây Lục).
4.5. Trị mồ hôi ra nhiều có thể dẫn đến hư thoát, bệnh lâu ngày hư thoát
Sơn thù 40g, Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống), Bạch thược (sống) đều 12g, Đảng sâm 40g, Cam thảo 4g, sắc uống (Lai Phục Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
4.6. Trị cơ thể suy yếu, tiểu cầu giảm gây nên kinh nguyệt ra nhiều
Sơn thù, Thục địa đều 20g, Đương quy, Bạch thược 12g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
5. Kiêng kỵ
- Tiểu tiện không lợi, có thấp nhiệt.
- Sơn thù sợ Cát cánh, Phòng phong, Phòng kỷ (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
Dễ dàng nhận thấy rằng, Sơn thù là vị thuốc gần gũi và được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai
- Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y. Trường Đại học Y khoa Hà Nội