Sốt siêu vi ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
Nội dung bài viết
Sốt siêu vi ở trẻ là bệnh khá phổ biến, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Bệnh khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, chán ăn và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của khi sốt siêu vi lặp lại nhiều lần. Bạn đọc, nhất là bậc phụ huynh có thể tham khảo những thông tin bên dưới của Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm để nắm rõ hơn về sốt siêu vi ở trẻ nhé!
Sốt siêu vi ở trẻ là gì?
Sốt siêu vi (sốt virus) là sốt xảy ra do nguyên nhân virus – những vi trùng nhỏ bé lan từ người này sang người khác. Sốt siêu vi là bệnh thường gặp ở trẻ em khi thời tiết chuyển mùa hoặc sự ô nhiễm môi trường. Đây là một những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ em phải đến bệnh viện để khám bệnh, chiếm 15 – 25% số ca khám bệnh tại các khoa cấp cứu và khám sức ban đầu. Con số này có thể tăng lên đến 25% tại các khoa cấp cứu.1
Trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ bị các tác nhân nhiễm khuẩn xâm nhập. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ sinh non, bạch cầu tham gia vào hệ thống bảo vệ cơ thể chưa thực sự trưởng thành. Ở trẻ nhỏ thì sức đề kháng của cơ thể bắt đầu thích nghi và trưởng thành, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ nhiễm nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.2
Theo một thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, chỉ trong vòng tháng 8 năm 2022 đã có khoảng 900 bệnh nhi đến khám bệnh do sốt siêu vi. Con số này tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.3 Theo Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TPHCM) ghi nhận có hơn 300 học sinh của hai trường THCS phải nghỉ ốm do nhiễm siêu vi đường hô hấp.4
Nguyên nhân gây sốt siêu vi ở trẻ
Nguyên nhân gây ra sốt siêu vi ở trẻ em là do virus. Chúng xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và lây nhiễm trong các tế bào của cơ thể bạn. Sốt chính là cách cơ thể phản ứng lại khi có virus xâm nhập. Nhiều loại virus nhạy cảm với nhiệt độ, do đó, nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ góp phần giúp cơ thể chống đối lại virus.
Có nhiều loại virus gây nên những dạng sốt siêu vi khác nhau. Những phương thức khiến cơ thể bị virus xâm nhập bao gồm:5 6 7
- Hít phải qua đường mũi: nếu trẻ ở gần một người bị nhiễm virus và họ ho hay hắt hơi, thì trẻ có thể hít phải những giọt bắn chứa virus đó.
- Nuốt phải qua đường miệng: một số đồ ăn và nước uống có thể bị nhiễm virus. Khi trẻ ăn hay uống phải những thứ này, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể và phát triển thành nhiễm trùng.
- Lây nhiễm từ vết cắn: côn trùng và một số động vật có thể mang trong mình virus. Nếu trẻ bị chúng cắn, virus xâm nhập vào cơ thể trẻ và gây nhiễm trùng, dẫn đến sốt siêu vi. VD: virus gây bệnh sốt xuất huyết.
- Sự trao đổi “dịch”: nếu trẻ có sự trao đổi chất dịch lỏng với những người mang virus, điều này có thể dẫn đến sốt siêu vi.
Triệu chứng sốt virus ở trẻ em
Khi trẻ bị sốt siêu vi, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng từ trên 37°C đến 39°C tùy thuộc vào loại virus tiềm ẩn.
Mỗi loại sốt siêu vi có thể có một vài dấu hiệu khác nhau. Nhưng các triệu chứng phổ biến gồm:8 9
- Ớn lạnh.
- Ho.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Đau cơ, đau khắp cơ thể.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
- Nôn mửa, tiêu chảy (thường phổ biến ở đối tượng trẻ em).
- Mất vị giác hoặc khứu giác.
- Thở gấp hoặc khó thở.
Những triệu chứng này thường chỉ kéo dài vài ngày.
Đối với trẻ sơ sinh, khi chúng bị sốt siêu vi sẽ dẫn đến cáu kỉnh và mất ngủ, bú không ngon. Trẻ em lớn tuổi hơn bị mất hứng thú vui chơi. Bên cạnh đó, sốt càng cao thì trẻ càng cáu kỉnh và không quan tâm đến xung quanh. Tuy nhiên, một số trẻ bị sốt cao nhưng bề ngoài trông khỏe mạnh. Có những đứa trẻ khác bị co giật khi nhiệt độ tăng hoặc giảm đột ngột (co giật do sốt). Trường hợp hiếm hơn khi sốt cao quá mức làm trẻ bơ phờ, buồn ngủ và giảm sự linh hoạt.10
Sốt virus ở trẻ có nguy hiểm không?
Nếu sốt siêu vi khỏi sau vài ngày thì nó không gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu việc điều trị không nhanh chóng và dẫn đến nhiễm trùng thì trẻ có thể bị viêm đường hô hấp, viêm họng với những triệu chứng khó chịu hơn. Lúc này trẻ cần dùng đến kháng sinh để điều trị. Điều này dẫn đến nguy cơ đề kháng kháng sinh – một mối đe dọa cho sự điều trị y tế trong cuộc đời mỗi người.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Trẻ bị sốt virus cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo hoặc đối tượng sốt là trẻ dưới 3 tuổi.10
Trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi tuy không có dấu hiệu cảnh báo nhưng có nhiệt độ sốt từ 39°C trở lên nên đi khám bác sĩ. Đồng thời trẻ không có nhiễm trùng đường hô hấp trên rõ ràng (tức là trẻ hắt hơi và có các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi), hoặc chúng bị sốt kéo dài hơn 5 ngày.10
Trẻ em trên 3 tuổi không có dấu hiệu cảnh báo, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng của trẻ em. Trẻ em khi có dấu hiệu bệnh đường hô hấp trên nhưng những mặt khác có biểu hiện tốt thì không cần đánh giá y tế thêm. Mặt khác, trẻ em trên 3 tuổi nếu bị sốt kéo dài hơn 5 ngày nên đi khám bác sĩ.10
Cách điều trị sốt virus ở trẻ em
Những cách chung để điều trị sốt siêu vi giúp cải thiện triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu mà không cần dùng thuốc, bao gồm:10
- Cho trẻ uống nhiều nước.
- Đắp khăn ướt, mát tại các vị trí có nhiệt độ cao (trán, bẹn, bắp tay, cổ chân, háng) để hạ nhiệt độ.
- Đặt trẻ vào bồn tắm chứa nước ấm (chỉ hơi mát hơn nhiệt độ của trẻ một chút).
Sốt siêu vi ở trẻ không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt có thể làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt không có công dụng điều trị nguyên nhân hay loại bỏ virus. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ bị rối loạn mãn tính hoặc có tiền sử co giật do sốt, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hạ sốt để cải thiện tình hình.10
Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:10
- Acetaminophen (Paracetamol): dạng viên uống hay thuốc đạn đặt hậu môn.
- Ibuprofen: dạng uống.
Phụ huynh cần lưu ý vì thuốc aspirin không còn được sử dụng để hạ sốt cho trẻ em vù nó có thể gây tương tác với một số bệnh nhiễm virus và gây ra hội chứng Reye.10
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt siêu vi
Cha mẹ có thể áp dụng những cách sau để giảm đau và hạ sốt:
- Cung cấp nhiều nước để không dẫn đến sự mất nước cho trẻ.
- Thoa bọt biển ấm để tắm giúp hạ nhiệt độ cho con bạn. Đừng cho con tắm nước lạnh, tuyệt đối không dùng cồn để hạ nhiệt cho bé. Đặc biệt là rượu thoa xát vào cơ thể trẻ, hít hoặc hấp thu qua da, chúng có thể gây độc.
- Cởi bỏ quần áo không cần thiết để trẻ cảm thấy thoải mái. Bố mẹ hãy cho con mặc quần áo nhẹ, thoáng khí.
- Che thêm mền nếu trẻ có vẻ ớn lạnh.
- Thuốc: cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt chuyên dùng cho trẻ sơ sinh.
Phòng ngừa sốt virus ở trẻ
Dưới đây là những cách giúp phòng ngừa siêu vi xâm nhập vào cơ thể:
- Rửa tay đúng cách: rửa tay thật kỹ với xà phòng trước khi ăn, đi vệ sinh hay từ bên ngoài trở về.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: cả cha mẹ và trẻ cần duy trì khoảng cách với người bệnh để ngăn ngừa sốt siêu vi.
- Ngăn ngừa muỗi đốt: một số người bị lây nhiễm virus qua muỗi đốt. Cha mẹ có thể dùng màn chống muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc đóng cửa ra vào và cửa sổ ngay khi mặt trời lặn.
- Che mũi miệng: điều này giúp bạn và gia đình tránh hít phải virus trong không khí.
- Ăn đồ ăn ấm và có lợi cho sức khỏe: tập thói quen ăn đồ nóng, nấu kỹ để ngăn ngừa sốt do siêu vi.
- Tiêm phòng đúng cách: che mẹ cần tiêm phòng cho trẻ theo đúng lịch và theo quy định của Bộ y tế.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin về sốt siêu vi ở trẻ. Cha mẹ hãy luôn chủ động phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến nhiễm siêu vi ở trẻ để đảm bảo trẻ luôn có sức khỏe tốt nhất nhé!
Câu hỏi thường gặp
Sốt siêu vi ở trẻ em có lây không?
Sốt siêu vi có thể lây thông qua giọt bắn khi trẻ hắt hơi, ho khi mang virus.
Trẻ sốt siêu vi mấy ngày hết sốt?
Trẻ sốt siêu vi có thể hết sốt sau 3 – 5 ngày.
Trẻ sốt siêu vi có tắm được không?
Nếu trẻ sốt quá cao, cha mẹ chỉ cần lau người cho trẻ. Việc tắm và tiếp xúc lâu với nước có thể làm trẻ lạnh và nhiễm nước. Điều này ảnh hưởng điều trị.
Trẻ bị sốt siêu vi có nằm máy lạnh được không?
Tốt nhất là cha mẹ không nên để trẻ nằm máy lạnh vì sẽ làm ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể, khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Fever in Children: Pearls and Pitfallshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5615271/
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Evolution of the immune system in humans from infancy to old agehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4707740/
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
SỐT VIRUS ( SIÊU VI) Ở TRẺ EM GIA TĂNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CẦN THƠhttp://nhidongcantho.org.vn/Default.aspx?tabid=113&ndid=1027
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Cẩn trọng sốt siêu vi ở trẻ
https://www.sggp.org.vn/can-trong-sot-sieu-vi-o-tre-post680818.html
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Influenza (Seasonal)https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Coronavirus disease (COVID-19): How is it transmitted?https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/question-and-answers-hub/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-how-is-it-transmitted
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Dengue and severe denguehttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Flu Symptoms & Diagnosishttps://www.cdc.gov/flu/symptoms/index.html
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Symptoms of COVID-19https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/symptoms.html
Ngày tham khảo: 30/03/2023
-
Fever in Infants and Childrenhttps://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/symptoms-in-infants-and-children/fever-in-infants-and-children
Ngày tham khảo: 30/03/2023