Sử dụng vật lý trị liệu trong điều trị giãn phế quản
Nội dung bài viết
Giãn phế quản là một trong những bệnh lý của phổi, gây ra tình trạng ho dai dẳng và tăng tiết đờm nhớt. Bệnh diễn tiến mạn tính và tiến triển nặng dần theo thời gian. Giãn phế quản làm giảm sút chất lượng sống của người bệnh, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, người có tình trạng giãn phế quản cần được điều trị thích hợp và hiệu quả. Trong đó, vật lý trị liệu là một trong những phương pháp đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong điều trị giãn phế quản. Cùng Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hoa tìm hiểu về các bài tập vật lý trị liệu trong điều trị giãn phế quản.
Tìm hiểu về bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là bệnh gì?
Giãn phế quản là tình trạng các phế quản – thuộc đường dẫn khí của phổi bị tổn thương mạn tính, gây dày thành phế quản và đường kính bị giãn rộng. Tình trạng này tạo điều kiện cho các vi khuẩn và chất nhầy tích tụ và đọng lại trong phổi của chúng ta. Do đó, người có tình trạng giãn phế quản sẽ mắc phải nhiều đợt nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, kèm với tình trạng tắc nghẽn đường thở.1
Triệu chứng của bệnh giãn phế quản
Triệu chứng của giãn phế quản bắt đầu biểu hiện khi có tình trạng tích tụ đờm nhớt trong đường dẫn khí của phổi. Các triệu chứng thường thấy bao gồm:2
- Ho mạn tính, kéo dài liên tục nhiều tháng đến nhiều năm.
- Tăng lượng đờm nhớt được tiết ra mỗi ngày.
- Khó thở.
- Khò khè.
- Đau ngực.
- Ho ra máu.
- Ngón tay, ngón chân dùi trống.
- Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp.
Người có tình trạng giãn phế quản, khi bị nhiễm trùng phổi có thể dẫn đến đợt bùng phát với những triệu chứng trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng xấu đến chức năng phổi. Trong đợt bùng phát, người bệnh ho nhiều hơn, khó thở tăng lên, lượng đờm nhớt tiết ra nhiều hơn và kèm theo những triệu chứng toàn thân của tình trạng nhiễm trùng như sốt, mệt mỏi.
Biến chứng của bệnh giãn phế quản không điều trị
Khi tình trạng giãn phế quản không được điều trị thích hợp, người bệnh thường xuyên mắc phải tình trạng nhiễm trùng hô hấp và gây ra các đợt bùng phát của bệnh. Từ đó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:2
Suy hô hấp
Phổi có vai trò chính trong việc trao đổi khí, vận chuyển oxy từ môi trường bên ngoài vào máu và thải khí CO2 từ máu ra bên ngoài. Suy hô hấp xảy ra khi chức năng này không được đảm bảo, nghĩa là quá ít oxy được vận chuyển từ phổi vào máu, hoặc quá ít khí CO2 được thải ra ngoài, hay tồn tại đồng thời cả hai. Các triệu chứng của tình trạng suy hô hấp bao gồm:
- Khó thở.
- Thở nhanh.
- Buồn ngủ.
- Da, móng và môi xanh xao, nhợt nhạt.
Xẹp phổi
Phổi được chia thành các thùy và phân thùy phổi. Bình thường, phổi luôn căng phồng để dẫn và trao đổi khí. Tình trạng xẹp phổi xảy ra khi có ít nhất một thùy hoặc phân thùy phổi không thể phồng lên, gây mất chức năng dẫn khí và trao đổi khí tại vùng phổi đó.
Suy tim
Ở giai đoạn tiến triển nặng của bệnh giãn phế quản, chức năng phổi trở nên xấu đi, gây ra gánh nặng cho việc bơm máu của tim. Lâu dần, tim không còn đủ sức để bơm máu đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, lúc này, tình trạng suy tim xảy ra. Khi có tình trạng suy tim, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Tĩnh mạch cổ nổi.
- Phù chân.
- Và khi không được điều trị, có thể dẫn đến tử vong.
Vật lý trị liệu trong điều trị giãn phế quản
Vật lý trị liệu có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh giãn phế quản. Tình trạng tăng tiết đờm nhớt cùng với khả năng tống xuất đờm nhớt của niêm mạc giảm, điều này đã gây ra tích tụ đờm nhớt và chất tiết trong lòng các phế quản. Từ đó khởi phát các triệu chứng của bệnh như khó thở, ho nhiều. Điều trị bằng vật lý trị liệu nhằm hỗ trợ việc tống xuất đờm nhớt trong đường thở, kiểm soát được tình trạng mệt mỏi do việc ho không hiệu quả. Các điều trị vật lý trị liệu bao gồm:1
Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực
Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực có thể thực hiện bằng tay của kỹ thuật viên hay bác sĩ, hoặc có thể sử dụng máy hỗ trợ. Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc sử dụng lực cơ học làm bong tróc các dịch tiết, đờm nhớt trong đường dẫn khí, các dịch tiết sau bong tróc được dẫn ra các đường dẫn khí lớn hơn và thoát ra ngoài nhờ phản xạ ho và khạc.
Trước khi thực hiện kỹ thuật này, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ cần kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở và kiểu thở của người bệnh, đồng thời thăm khám để xác định vùng tập trung nhiều ứ đọng và dịch tiết. Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực bằng tay được thực hiện với các bước như sau:
Kỹ thuật vỗ lồng ngực
- Tư thế bệnh nhân: có thể nằm hoặc ngồi.
- Người thực hiện sử dụng lòng bàn tay, chụm khép các ngón tay, tiến hành vỗ nhịp nhàng, đều đặn và di chuyển đều trên thành ngực của người bệnh.
- Thời gian vỗ trung bình từ 3 – 5 phút.
Kỹ thuật rung lồng ngực
- Tư thế bệnh nhận: thường kết hợp với kỹ thuật dẫn lưu tư thế. Người bệnh được yêu cầu hít vào sâu, thở ra mạnh và dài.
- Người thực hiện kỹ thuật này có thể sử dụng cả hai tay đặt trên thành ngực người bệnh, hoặc chồng hai tay với nhau.
- Tạo cử động rung trong thì thở ra của người bệnh.
- Thời gian rung lồng ngực kéo dài 10 -15 phút mỗi lần.
Sau khi thực hiện kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; cần đánh giá lại tình trạng người bệnh: mạch, huyết áp, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và đặc biệt theo dõi ho, khạc đờm, và dịch tiết ra từ đường thở.
Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
Kỹ thuật dẫn lưu tư thế dẫn lưu dịch tiết, đờm nhớt ra ngoài dựa trên nguyên tắc trọng lực. Tùy vị trí ứ đọng mà ta sẽ đặt tư thế bệnh nhân khác nhau. Cũng giống như kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; trước khi thực hiện dẫn lưu tư thế, kỹ thuật viên hay bác sĩ cần đánh giá tình trạng người bệnh cũng như xác định vùng đọng nhiều dịch tiết, đờm nhớt. Các bước thực hiện:
Đặt bệnh nhân vào các tư thế dẫn lưu, mỗi tư thế đặt từ 5 – 10 phút. Tổng thời gian các tư thế là 40 phút. Mỗi ngày thực hiện 2 lần.
Các tư thế dẫn lưu:
- Tư thế nửa nằm, nửa ngồi: dẫn lưu hai thùy đỉnh, hai thùy trên.
- Tư thế nằm ngửa: dẫn lưu phân thùy trước, phân thùy trên.
- Tư thế nằm sấp: dẫn lưu phân thùy trên, phân thùy sau.
- Tư thế nằm nghiêng, đầu thấp: dẫn lưu phân thùy dưới phải.
- Tư thế nằm ngửa, đầu thấp: dẫn lưu phân thùy sau, hai thùy dưới.
Kỹ thuật dẫn lưu tư thế thường được kết hợp với các kỹ thuật vật lý trị liệu khác như kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực, kỹ thuật ho,… để đạt hiệu quả tốt hơn trong việc dẫn lưu dịch tiết, đàm nhớt ứ đọng.
Vật lý trị liệu trong điều trị giãn phế quản – Kỹ thuật tập thở chu kỳ chủ động
Mục đích của kỹ thuật thở chu kỳ chủ động nhằm làm lỏng và bong tróc các dịch tiết dư thừa đọng ở phổi, cải thiện hiệu quả ho và cải thiện chức năng thông khí của phổi. Kỹ thuật này là một trong những kỹ thuật phổ biến để hướng dẫn cho người bệnh, thường được kết hợp với các kỹ thuật dẫn lưu tư thế và vỗ, rung lồng ngực. Kỹ thuật được thực hiện với ba giai đoạn: thở có kiểm soát, căng giãn lồng ngực, và thở ra gắng sức.
Giai đoạn thở có kiểm soát
- Hướng dẫn người bệnh hít vào và thở ra nhẹ nhàng bằng mũi.
- Người bệnh thả lỏng toàn bộ cơ thể trong mỗi nhịp thở, và luôn giữ vùng vai được thư giãn.
- Giữ nhịp thở chậm và đều
- Người bệnh có thể nhắm mắt để tập trung trong việc hít thở và thư giãn.
- Giai đoạn thở có kiểm soát được thực hiện đến khi người bệnh cảm thấy sẵn sàng để thực hiện giai đoạn tiếp theo trong kỹ thuật tập thở chu kỳ chủ động.
Giai đoạn căng giãn lồng ngực
- Người bệnh thả lỏng cơ thể và đặc biệt là vùng vai
- Hít vào bằng mũi hơi chậm, dài và sâu
- Sau khi hoàn thành hít vào, người bệnh không vội thở ra ngay, mà giữ hơi lại trong vòng 2 – 3 giây
- Thở ra nhẹ nhàng và thư giãn, không gắng sức để thở ra
- Lặp lại 3 – 5 lần. Nếu người bệnh thấy không thoải mái, có thể quay lại thực hiện giai đoạn thở có kiểm soát.
Giai đoạn thở ra gắng sức
- Hít vào thật sâu
- Mở miệng tròn, lớn và đẩy thật mạnh dòng khí ra ngoài
- Thực hiện lặp lại 1 – 2 lần, không nên lặp lại quá nhiều vì sẽ khiến người bệnh cảm thấy tức ngực.
- Lặp lại toàn bộ chu kỳ 3 giai đoạn này trong khoảng 10 phút hoặc cho đến khi thấy giảm ứ đọng dịch tiết.
Lưu ý khi sử dụng vật lý trong điều trị giãn phế quản
Vật lý trị liệu đã được chứng minh trong hỗ trợ điều trị giãn phế quản. Tuy nhiên, giãn phế quản là bệnh cần được điều trị và quản lý toàn diện. Vì vậy, để góp phần đạt được hiệu quả của điều trị giãn phế quản bằng vật lý trị liệu, người bệnh cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh cùng với chế độ ăn hợp lý.3
Thay đổi lối sống
- Tập thể dục, vận động thường xuyên.
- Không hút thuốc lá.
- Chích vaccine cúm hằng năm.
- Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ.
Dinh dưỡng
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Chế độ ăn lành mạnh: sử dụng nhiều rau củ quả tốt và hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Cân đối các nhóm chất trong bữa ăn.
- Bổ sung đủ vitamin và chất khoáng.
Trong quá trình tập vật lí trị liệu trong điều trị giãn phế quản, nếu người bệnh xuất hiện những biến chứng nặng như khó thở nhiều, ho ra máu nặng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để nhận được cấp cứu ngay lập tức.
Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, điều trị nội khoa đã tối ưu nhưng không kiểm soát được các triệu chứng của bệnh, lúc này có thể cân nhắc đến phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi.
Tóm lại, giãn phế quản là một trong những bệnh lý mạn tính của phổi, gây nhiều triệu chứng khó chịu và làm giảm sút chất lượng sống của người bệnh. Giãn phế quản cần được tiếp cận và điều trị toàn diện, trong đó vai trò của vật lý trị liệu là quan trọng và không thể thiếu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bronchiectasishttps://www.physio-pedia.com/Bronchiectasis
Ngày tham khảo: 04/09/2022
-
What to know about bronchiectasishttps://www.medicalnewstoday.com/articles/best-medication-for-dry-cough
Ngày tham khảo: 04/09/2022
-
Bronchiectasis: What Is It?https://www.healthline.com/health/bronchiectasis
Ngày tham khảo: 04/09/2022