Sự phát triển của trẻ tại thời điểm 9 tháng tuổi
Nội dung bài viết
Khi đề cập đến sự phát triển của trẻ, ta cần hiểu về hai khái niệm: sự tăng trưởng thể chất và sự phát triển tâm thần vận động của bé. Dựa vào quá trình phát triển sinh lý của bé, mà ta sẽ có hướng nuôi dạy trẻ phù hợp với từng thời kì. Trong phạm vi bài viết này, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ khái quát những sự phát triển của bé trong giai đoạn 9 tháng tuổi.
Sự phát triển về thể chất
Sự tăng trưởng của bé là một quá trình. Thời điểm 9 tháng, ta chú ý đến các chỉ số sau: cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng cánh tay, chỉ số khối cơ thể BMI.
Trong bài viết, xin đề cập đến những chỉ số đơn giản để ba mẹ có thể đánh giá tại nhà. Những chỉ số khác khá phức tạp, dành cho các bác sĩ chuyên khoa nhi. Chúng nhằm đánh giá khi có sự thay đổi hoặc phát triển bất lợi xuất hiện ở trẻ.
Cân nặng
1. Phương pháp xác định cân nặng của bé
Cân cho bé là phương pháp đơn giản nhất. Việc mua một cái cân dành cho trẻ sơ sinh có thể phung phí tiền bạc gia đình. Giải pháp, bạn có thể dùng cân người lớn để xác định cân nặng cho con.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bồng bé và bước lên cân. Chỉ số đọc được trên cân gọi là A.
- Bước 2: Người bế bé lúc nãy cân riêng một mình. Ta lấy chỉ số đó là B.
- Chỉ số cân nặng bé = A – B.
Ở 9 tháng tuổi, cân nặng của bé sẽ khoảng từ gấp đôi đến gấp 3 lần so với cân nặng lúc sinh. Trong giai đoạn này, cân nặng của bé tăng nhanh, trunng bình tăng khoảng 6.15 g/ngày.
2. Ý nghĩa cân nặng của bé
Cho biết tình trạng dinh dưỡng hiện tại. Nếu bé không bệnh gì, bé sẽ tăng cân liên tục. Nếu bé có vấn đề về sức khỏe, chỉ số cân nặng liên quan mật thiết đến sức khỏe bé. Cụ thể là đánh giá sự mất nước và thiếu dinh dưỡng hiện tại từ nhẹ đến nặng.
Đây là chỉ số rất nhạy, nói lên tình trạng của bé. Khi đánh giá sự thay đổi cân nặng của bé, ta phải theo dõi trên một biểu đồ được theo dõi trong nhiều tháng trước đó. Nhờ đó đánh giá đúng tốc độ tăng trưởng của bé.
Chiều cao
1. Ý nghĩa chỉ số chiều cao của trẻ
Nếu chỉ số cân nặng đánh giá sự tiếp thu dinh dưỡng của bé hiện tại, thì chỉ số chiều cao phản ánh chế độ dinh dưỡng trong quá khứ của bé. Tương tự, chỉ số này cũng cần được so sánh với các chỉ số trước đó của bé. Thường thì trẻ thiếu dinh dưỡng 2 – 3 tháng mới ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
So với chỉ số cân nặng thì chỉ số chiều cao ít thay đổi và ổn định hơn.
2. Cách xác định chiều cao của bé
Thường thì lúc bé 9 tháng tuổi, bé không tự đứng được mà thường phải vịn. Do đó sẽ khó đo cho bé.
Bạn có thể cho bé nằm. Chân đặt trên một mặt phẳng vuông góc với mặt đất và đánh dấu vị trí đầu trẻ. Sau đó đo lại từ điểm đánh dấu ở chân đến đầu.
Ở giai đoạn này, chiều cao bé sẽ dao động từ 65 – 75 cm, trung bình vào khoảng 70 cm.
Chỉ số khối của cơ thể (BMI)
Chỉ số BMI thể hiện tình trạng suy dinh dưỡng hay béo phì thông qua bảng bách phân vị.
Việc theo dõi hàng ngày chỉ số cân nặng và chiều cao cho bé là không cần thiết. Ở 9 tháng tuối, mỗi 3-4 ngày theo dõi một lần là đủ.
Sự phát triển não bộ của trẻ
Ở giai đoạn này, não bộ phát triển nhanh. Nhìn chung, trong giai đoạn từ lúc sinh đến lúc 1 tuổi, não bé tăng khối lượng từ 350 g (lúc mới sinh) lên khoảng 900 g lúc 1 tuổi.
Hộp sọ của bé cũng dần liền lại. 9 tháng tuổi, thóp trước của bé dần đóng. Thóp trước sẽ đóng vào khảng 12 – 18 tháng. Thóp sau đã đóng và liền mạch từ lúc 3 tháng tuổi.
Thời điểm này có một trong hai trường hợp: kích thước hộp sọ sẽ to hoặc nhỏ. Hai bệnh lý liên quan là não úng thủy hoặc dị tật đầu nhỏ.
Sự phát triển răng
Vào thời điểm này, bé hầu như đã mọc đủ bộ răng cửa ở hai hàm. Các nhú răng sữa tiền hàm cũng có thể xuất hiện các mầm nhú.
Cùng với sự phát triển của răng, chế độ ăn của bé cũng thay đổi. Chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm. Phân của bé cũng thay đổi: gần như phân người lớn. Phân có màu vàng, đóng khuôn rõ. Ba mẹ cần tập cho bé uống thêm nước để bổ sung cho bé.
Sự phát triển vận động
Bé đã có thể ngồi được vững, không cần tựa. Bé bò và trườn giỏi
Một trong những ưu điểm của thời kì này là việc bé đã có sự phối hợp các động tác. Bé có thể cầm nắm được các vật nhỏ ở hai tay.
Bé bị kích thích bởi các đồ chơi nhiều màu sắc và có âm thanh, cũng biết cách rung lắc đồ vật để tạo ra âm thanh.
Lời nói
Giai đoạn này, ba mẹ sẽ rất vui mừng khi bé tập tễnh nói. Các từ nói thường là từ đơn. Rất hiếm khi bé nói được hai tiếng đơn. Cả nhà cũng sẽ rất cực khi bé đã biết phân biệt các âm thanh, màu sắc lẫn mùi vị. Việc chiều theo sở thích chơi đùa cùng bé cũng không hề đơn giản đâu nhé. Cả gia đình cần dành nhiều thời gian cho bé lúc này đấy.
Phương pháp chăm sóc trẻ
Dinh dưỡng
Bé đã bắt đầu ăn dặm từ lúc mọc răng. Một số chuyên gia khuyên cho bé tập ăn dặm lúc 6 tháng tuổi. Một số ý kiến cho rằng nên bắt đầu vào 4 tháng tuổi.
Vậy dù gì thì giai đoạn 9 tháng tuổi này, bé đã có thể ăn được. Thức ăn của bé cần đa dạng các nhóm chất: đạm (thịt) – chất béo (lipid- dầu, mỡ, sáp, bơ,…) và đường. Ngoài 3 nhóm chất chính, cần cung cấp thêm các chất xơ và vitamin khác.
Tìm hiểu về: Top 12 nguồn đạm thực vật thay thế đạm động vật
Điều quan trọng giai đoạn này là bé đã phân biệt được các món mình thích và các món mình không thích. Người Việt nam thường có thói quen trộn các món ăn và xay nhuyễn chúng cho bé ăn. Giai đoạn 9 tháng tuổi này đã phát triển các răng cửa, cho phép bé cắn. Nếu ăn các thức ăn nhuyễn sẽ có thể xảy ra hai vấn đề: bé chán ăn do ngán thức ăn, và sự phát triển không ổn định của bộ răng. Các răng cần làm đúng nhiệm vụ của nó. Sẽ thú vị hơn khi bạn cắt nhỏ rau củ hoặc trái cây để bé có thể tập cắn chúng.
Đi liền với thức ăn, ba mẹ phải vệ sinh răng miệng cho con. Nếu ba mẹ sợ đau, có thể cho bé uống nước sau khi ăn. Dùng khăn vải lau nhẹ răng để giữ vệ sinh răng miệng cho bé.
Tâm thần
Đừng tưởng bé nhỏ mà bé không biết gì. Bé cảm nhận được hết đấy. Nhất là bé đã biết thương ai, không thích ai. Bé biết được và cảm nhận được cả người nào thích bé luôn đấy.
Một điều mà bạn không ngờ là bé có thể cảm nhận được không khí cảm xúc xung quanh đấy. Như một cái chuông cảnh báo sinh học, bé có thể cảm nhận được không khí bất hòa trong gia đình. Thông qua biểu lộ tránh xa, không cho người lạ, người mình không thích ôm hay lại gần, bạn quan sát sẽ biết ý bé thích ai ngay. Do đó, bạn và những người trong gia đình cũng cần thể hiện môi trường yêu thương xung quanh bé.
Đi liền với đó là bữa cơm gia đình. Khi ăn hãy để bé ăn các món mình thích. Đừng ép bé quá. Ở độ tuổi này khi đói bé sẽ đòi ăn ngay. Có vài cặp bố mẹ trẻ, kể cả ông bà hay có thói quen dụ ngọt trẻ ăn. Bằng cách xem chương trình truyền hình, hay ngày nay là điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Mặc dù bé ăn đấy nhưng đó là cái ăn thụ động. Bé có thể ăn nhưng sẽ ngậm rất lâu trước khi nuốt.
Phản xạ ăn uống vì vậy sẽ bị ảnh hưởng. Bởi thế, khi đã vào giờ ăn hoặc khi bé muốn ăn, phải tập bé thói quen tập trung khi ăn. Tránh xa truyền hình và các phim, hình ảnh cám dỗ khác trên điện thoại hay máy tính bảng.
Chăm sóc phát triển vận động
Như đã đề cập, bé đã bò trườn tốt nên nhà bạn cần vệ sinh sạch sẽ khu vực bé chơi đùa và ăn uống. Các động tác với tay, chụp đồ vật bỏ vào miệng có thể gây ra các sự cố đáng tiếc. Chính vì vậy cần lưu ý cẩn thận tất cả các vật có khả năng bị bé nuốt vô thức, gây hại cho bé.
Cũng cần chú ý cầu thang, lang cang và hành lang như đã đề cập ở trên.
Một nghiên cứu gần đây về thiết bị trợ giúp đứng và tập đi cho bé. Các nghiên cứu cho rằng các xe đẩy tập đi sẽ có ích hơn so với các xe tập đi tròng chân truyền thống. Cả về cách bé biết đi nhanh hơn và tránh biến dạng hay cử động sai lệch của hoạt động chân khi bé lớn sau này.
Tiêm chủng
Theo Quy định về tiêm chủng cho trẻ em tại Việt Nam, vào giai đoạn 9 tháng tuổi có kì tiêm chủng định kì. Các mũi trong quy trình tiêm chủng vào 9 tháng tuổi là:
- Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2).
- Vắc xin sởi đơn MVVac phòng bệnh sởi.
Ba mẹ và người chăm sóc bé cần theo dõi lịch tiêm chủng để kịp thời và đúng quy định cho các bé nhé.
Ở giai đoạn 9 tháng tuổi, bé có những thay đổi về thể chất và sinh lý riêng biệt. Mong rằng bài viết giúp các bậc cha mẹ theo dõi được phần nào quá trình phát triển của bé. Từ đó có các phương pháp chăm sóc cho phù hợp với trẻ. Chúc gia đình luôn khỏe mạnh và hơn hết là mầm non 9 tháng tuổi thật khỏe mạnh nhé.