Suy giáp sau phẫu thuật: hậu quả khó lường
Nội dung bài viết
Nhiều bệnh nhân có bướu giáp cảm thấy yên tâm sau khi mổ cắt bỏ bướu. Thế nhưng không ít người bệnh đã phải quay lại bệnh viện với căn bệnh mới. Đó chính là suy giáp sau phẫu thuật. Vậy tình trạng này do nguyên nhân nào gây nên? Suy giáp sau phẫu thuật có thể phòng ngừa không? Hãy cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô giải đáp qua bài viết dưới đây.
Suy giáp là bệnh gì?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormon, giảm chuyển hóa toàn cơ thể. Suy giáp có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào. Bệnh đặc biệt diễn ra ở phụ nữ trung niên hoặc trên 60 tuổi.
Việc giảm hormon giáp sẽ ảnh hưởng đến chức năng của hệ tim mạch, hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, hiện tượng này gây rối loạn chu kì kinh nguyệt ở nữ giới. Ở bà bầu, bệnh có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Về lâu dài, cơ thể bị phù niêm, hay thậm chí hôn mê suy giáp đe dọa tử vong.
Chính vì lẽ đó, việc nhận biết những triệu chứng bệnh là vô cùng cần thiết
Dấu hiệu nhận biết bệnh suy giáp sau phẫu thuật
Tùy vào lượng hormon đang bị thiếu hụt, biểu hiện suy giáp sẽ khác nhau:.
- Da và tóc: da khô, lạnh, da phù cứng như sáp, tóc khô, rụng cứng
- Tim: giảm nhịp tim (<60 lần/phút), rối loạn nhịp tim gây chóng mặt, khó thở.
- Tiêu hóa: nhu động ruột giảm, táo bón, tăng cân (khuôn mặt sưng húp).
- Thần kinh: ít tập trung, giảm trí nhớ, lo âu.
- Tay chân: cứng cơ, cứng khớp, đau nhức, vọp bẻ.
- Tai mũi họng: khàn tiếng do liền dây thanh, điếc, lưỡi to, ngủ ngáy.
Nguyên nhân gây bệnh suy giáp
Bệnh suy giáp có 3 nhóm nguyên nhân chính:
Suy giáp nguyên phát có bướu giáp: viêm giáp sau sanh, viêm giáp do thuốc.
Suy giáp nguyên phát không có bướu giáp: sau điều trị bệnh cường giáp.
Suy giáp thứ phát: u tuyến yên, bệnh thâm nhiễm,…
Vì sao có hiện tượng suy giáp sau phẫu thuật
Tuyến giáp khi sản xuất quá nhiều hormone sẽ dần tích tụ thành u nang hay nốt. Nó thay đổi cấu trúc bình thường của tuyến giáp. Vậy nên phẫu thuật mổ cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp sẽ loại bỏ các nốt này.
Tuy nhiên phẫu thuật cắt tuyến giáp cũng như những phẫu thuật khác, sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định. Trong đó, suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp là nguy cơ tiềm ẩn mà bệnh nhân cần biết đến nhất.
Nguyên nhân
Khi bệnh nhân cắt bỏ một phần tuyến giáp, phần còn lại vẫn có thể sản xuất đủ hormon. Nhưng lượng hormon này cũng có thể thấp hơn mức cần thiết. Vì vậy định lượng hormon tuyến giáp trong máu sẽ phát hiện tình trạng suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp sớm cho người bệnh, từ đó phối hợp với thuốc để đạt mức thích hợp của tuyến giáp.
Mặt khác, ở những bệnh nhân cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn, khả năng mắc suy giáp sau phẫu thuật cao hơn rất nhiều. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp lâu dài hoặc suốt đời để duy trì lượng hormon giáp bình thường.
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố làm tăng nguy cơ suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp:
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam giới
- Tuổi tác: Những người trên 60 tuổi sẽ dễ mắc suy giáp sau phẫu thuật
- Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị suy giáp
- Bệnh lý nền: Mắc một số bệnh tự miễn, hội chứng Sjögren và bệnh tiểu đường loại 1.
Mức độ nghiêm trọng của suy giáp sau phẫu thuật
Nghiên cứu tỷ lệ suy giáp sau phẫu thuật trên thế giới
Một cuộc theo dõi được thực hiện trong suốt 4 năm ở 335 bệnh nhân được cắt bướu giáp. Số liệu chỉ ra có 80% là bệnh nhân nữ, ở độ tuổi trung bình là 48. Nghiên cứu ghi nhận 64% bệnh nhân mắc suy giáp sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, với ⅔ bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm và ⅓ ở giai đoạn trễ. Cả nghiên cứu cho thấy thời gian trung bình chẩn đoán suy giáp là 4 tháng.
Kết quả này thể hiện có một tỷ lệ lớn người bệnh mắc phải hiện tượng này. Bệnh suy giáp tiến triển trong thời gian dài. Việc nhận thức được nguy cơ này sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện các biến chứng sau phẫu thuật. Một lợi ích khác là hạn chế nguy cơ phải dùng thuốc hormon giáp lâu dài. Bệnh nhân có thể theo dõi mức độ hoạt động của tuyến giáp thường xuyên thông qua siêu âm vùng cổ và định lượng nồng độ hormon.
Suy giáp sau phẫu thuật có điều trị được không?
Câu trả lời là có. Bệnh nhân tuân thủ theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ sẽ cải thiện tình trạng suy giáp và đưa nồng độ hormon tuyến giáp về giới hạn bình thường.
Cách phòng ngừa suy giáp cho bệnh nhân sau mổ cắt bướu giáp
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là theo dõi độ phục hồi chức năng tuyến giáp sau phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân cắt bỏ một phần tuyến giáp
Nếu chỉ một phần tuyến giáp bị cắt bỏ, bạn có thể không cần liệu pháp hormone tuyến giáp. Nhưng bạn nên theo dõi từ 3 đến 6 tháng. Các xét nghiệm cần thực hiện: định lượng (TSH, fT3, fT4) và hình ảnh học của siêu âm. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý chế độ ăn uống như kiêng những loại bắp cải, đồ béo, thức ăn nhiều đường,…
Đối với bệnh nhân cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp
Nếu toàn bộ tuyến giáp của bạn bị cắt bỏ, cơ thể bạn không thể tạo ra hormone tuyến giáp. Do đó, bạn sẽ cần uống một viên thuốc mỗi ngày có chứa hormone tuyến giáp tổng hợp levothyroxine (Synthroid, Unithroid, những loại khác). Đồng thời bạn nên theo dõi từ 6 đến 12 tháng.
Suy giáp sau phẫu thuật là một nguy cơ tiềm ẩn nhưng rất phổ biến ở những bệnh nhân được cắt bỏ bướu. Việc theo dõi sau phẫu thuật ở người bệnh là rất cần thiết để phát hiện sớm những biến chứng sau cuộc phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nhận biết những dấu hiệu của suy giáp để có thể nhận được lời khuyên sớm nhất từ chuyên gia y tế.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284#:~:text=Hypothyroidism%20(underactive%20thyroid)%20is%20a,symptoms%20in%20the%20early%20stages
- https://www.thyroid.org/patient-thyroid-information/ct-for-patients/july-2017/vol-10-issue-7-p-7-8/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27455828/#:~:text=Six%20weeks%20after%20surgery%2C%2027,0.7%20micro%20IU%2Fml