YouMed

Suy giáp thai kỳ: nguy hiểm hay không?

bác sĩ trần thế minh
Tác giả: BS.CKI Trần Thế Minh
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm thường nằm ở phần thấp trước cổ. Tuy chỉ chiếm một trọng lượng và thể tích nhỏ nhưng chức năng của tuyến giáp thực sự rất quan trọng, chi phối hoạt động của những cơ quan mang tính sống còn của cơ thể. Vậy suy giáp là gì và đặc biệt là suy giáp thai kỳ có những tác động gì đến mẹ và bé hay không? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Tuyến giáp và thai kỳ

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hoocmon giáp cho cơ thể. Nguyên nhân có thể tại tuyến giáp hay ngoài tuyến giáp. Ban đầu thường không có triệu chứng rõ rệt nhưng lâu ngày không được điều trị sẽ gây ra những vấn đề sức khoẻ cản trở cuộc sống thường ngày.

Suy giáp thai kỳ là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hoocmon giáp cho cơ thể sử dụng khi đang mang thai. Tình trạng này thường ít gặp. Hơn nữa, những triệu chứng của nó có thể bị bỏ qua bởi vì đặc điểm những thay đổi nội tiết tố (suy giáp là sự thay đổi nội tiết trong cơ thể) có thể rất giống các triệu chứng của một thai kì bình thường, như mệt mỏi, tăng cân.

Tuyến giáp hình cánh bướm ở phần thấp trước cổ

Thai kỳ gây ra những thay đổi chủ yếu về lượng hoocmon được tạo bởi tuyến giáp trong. Vì lí do đó, những vấn đề bất thường tuyến giáp có thể bắt đầu xuất hiện hoặc sẽ trở nên tệ hơn trong quá trình mang thai hay sau khi sanh.

Trong 18-20 tuần đầu tiên của thai kỳ, các hoạt động của cơ thể thai nhi liên quan đến hoocmon tuyến giáp hoàn toàn phụ thuộc vào lượng hoocmon mà người mẹ sản xuất ra đi qua nhau thai và truyền cho thai. Vào giữa thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi bắt đầu tự sản xuất được hoocmon giáp. Tuy nhiên vẫn duy trì sự phụ thuộc vào người mẹ để hấp thu đủ lượng i-ốt – chất cần thiết và quan trọng cho việc sản xuất hoocmon giáp.

Những yếu tố nguy cơ của suy giáp thai kỳ

Phụ nữ có yếu tố nguy cơ mắc suy giáp thai kỳ hay sau sanh nếu trên 30 tuổi hoặc có một những yếu tố sau:

  • Vô sinh hoặc sinh non.
  • Tiền căn gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn.
  • Đái tháo đường tuýp 1 hoặc bệnh lý tự miễn khác.
  • Điều trị xạ trị phóng xạ vùng đầu hoặc cổ trước đó.
  • Phẫu thuật cắt tuyến giáp.
  • Kháng thể kháng tuyến giáp, chủ yếu kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp, thường xuất hiện trong bệnh Hashimoto.
  • Bướu giáp (tuyến giáp to).
  • Đang điều trị với levothyroxine, thuốc hoocmon giáp, trừ phi liều thuốc được điều chỉnh trước hoặc ngay khi có thai.

Mẹ bầu bị suy giáp mắc những nguy cơ gì? 

Nếu không được điều trị, suy giáp thai kỳ có thể thúc đẩy những yếu tố nguy cơ ở cả mẹ và bé. Những hoocmon giáp ở một phụ nữ mang thai có vai trò rất quan trọng không chỉ với bản thân người mẹ mà còn đối với sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai bị suy giáp không được điều trị hoặc kiểm soát tốt có thể bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, bất thường bánh nhau, thiếu máu (lượng hồng cầu trong máu thấp), băng huyết sau sanh, bệnh lý cơ (đau cơ, yếu cơ). Những biến chứng này gần như có thể xảy ra ở những phụ nữ bị suy giáp nặng.

Ngoài ra còn có thể dẫn đến những kết cục xấu cho thai kỳ như sảy thai, sanh non (sanh trước 37 tuần), hay thậm chí thai lưu. Trường hợp có kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp (TPO) lưu hành thì khả năng xảy ra những nguy cơ này chiếm tỉ lệ cao hơn. Bên cạnh đó, những phụ nữ bị suy giáp nhẹ có thể không có triệu chứng.

Những nguy cơ của suy giáp thai kỳ đối với thai nhi? 

Trong vài tháng đầu của thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hoocmon giáp của người mẹ. Chúng có vai trò cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với sự phát triển bình thường của não bộ và sự phát triển của thai nhi. Vì hoocmon có thể qua được nhau thai nên khi bà mẹ bị suy giáp không điều trị sẽ gây ra suy giáp bào thai.

  • Nếu nặng có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn cho não em bé. Bên cạnh đó, trẻ còn có nguy cơ mắc suy giáp bẩm sinh, là tình trạng tuyến giáp bất hoạt lúc sinh, hay những bất thường bẩm sinh nghiêm trọng về phát triển tâm thần, thần kinh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Trường hợp được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn được quá trình tiến triển lan rộng những thương tổn cho não bộ trẻ.  
Suy giáp bẩm sinh trước và sau điều trị phù hợp kịp thời

Nguyên nhân gây suy giáp ở thai phụ là gì?

Nguyên nhân chính của suy giáp thai kỳ là bệnh Hashimoto, hay còn gọi là viêm giáp Hashimoto. Đây là bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể (protein tự miễn) tấn công tuyến giáp. Hệ quả là tuyến giáp sản xuất quá ít hoocmon giáp gây suy giáp. Những bệnh nhân mắc phải bệnh lý này có thể có những triệu chứng của suy giáp (được đề cập ở phần sau), hoặc không có biểu hiện gì.  

Viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân chính gây suy giáp thai kỳ

Những nguyên nhân khác gây suy giáp bao gồm thiếu hụt iod, điều trị cường giáp (bệnh lý mà tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoocmon giáp) và phẫu thuật cắt tuyến giáp trước đó.

Tuyến giáp cũng có thể bị suy giảm hoạt động sau sinh. Khoảng 7 % phụ nữ mắc bệnh viêm giáp trong năm đầu tiên sau sinh. Có thể diễn tiến theo hai hướng hoặc cường giáp hoặc suy giáp nhưng đa số các trường hợp đều tự khỏi mà không cần điều trị gì.

Biểu hiện của suy giáp

Những triệu chứng có thể có như sau:

  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Không thể chịu lạnh.
  • Khàn tiếng.
  • Sưng mặt.
  • Tăng cân.
  • Táo bón.
  • Thay đổi da và tóc, gồm có khô da, rụng chân mày.
  • Móng giòn, dễ gãy.
  • Nhịp tim chậm.
  • Hụt hơi khi vân động.
  • Hội chứng ống cổ tay.
  • Chuột rút, yếu cơ, đau khớp.
  • Khó tập trung.
  • Chu kì kinh nguyệt không đều.
Những biểu hiện phổ biến của bệnh suy giáp

Những triệu chứng này không đặc hiệu. Những người suy giáp nhẹ hoặc mới mắc có thể không có triệu chứng. Ngoài ra, một vài triệu chứng vừa kể trên thường hay xuất hiện ở phụ nữ mang thai. 

Làm sao để chẩn đoán suy giáp?

Để chẩn đoán xác định bệnh lý suy giáp, bác sĩ cần khám và thực hiện một vài xét nghiệm đo lường nồng độ hoocmon tuyến giáp trong máu.

Hoocmon kích thích tuyến giáp, gọi là TSH, là hoocmon kích thích tuyến giáp tiết ra T3 và T4 (còn gọi là thyroxine). Nồng độ TSH cao và nồng độ T4 giảm là biểu hiện của tình trạng suy giáp. Hiện tượng này xảy ra bởi vì khi nồng độ T4 trong máu quá thấp làm cho lượng TSH được tiết ra quá mức để kích thích tuyến giáp cố gắng tiết T4, tăng nồng độ T4 theo sự điều chỉnh tự nhiên của cơ thể. Nhưng lúc này tuyến giáp bị suy không thể sản xuất ra T4. Còn khi nồng độ TSH tăng cao nhưng nồng độ T4 bình thường thì đó là dấu hiệu của tình trạng suy giáp dưới lâm sàng (suy giáp nhẹ hay giai đoạn sớm). 

Khi được chẩn đoán suy giáp, bạn có thể cần phải làm một xét nghiệm kháng thể để kiểm tra kháng thể TPO (kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp). Khi có sự hiện diện của kháng thể này trong máu có nghĩa là bạn đã mắc bệnh Hashimoto hay còn gọi là viêm giáp Hashimoto – nguyên nhân gây suy giáp.

Phụ nữ mang thai có nên tầm soát suy giáp?

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề về tuyến giáp nên làm xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp ngay cả khi không có triệu chứng. Thời điểm lý tưởng nhất để làm xét nghiệm tầm soát này là vào tuần thứ 9 của thai kỳ hay lần đi khám thai đầu tiên.

Một số chuyên gia khuyên rằng nên tầm soát chức năng tuyến giáp ở tất cả phụ nữ mới mang thai. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trong quá trình mang thai để được tư vấn và làm xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp nếu cần.

Điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai như thế nào?

Phương pháp điều trị suy giáp là thay thế hoocmon giáp bằng levothyroxine – một dạng của hoocmon T4. Thuốc này giống như T4 mà cơ thể sản xuất và an toàn cho phụ nữ mang thai.

Việc kiểm tra nồng độ hoocmon trong máu có bình thường hay không cả trước và trong khi mang thai là rất quan trọng.

Levothyroxine – thuốc hoocmon giáp thay thế

Trước mang thai

Nếu suy giáp đang điều trị với levothyroxine thì nên được kiểm tra nồng độ hoocmon tuyến giáp trước khi mang thai. Nếu nồng độ TSH quá cao cần tăng liều thuốc levothyroxine. Và nên hoãn việc có thai cho đến khi bệnh đã được kiểm soát tốt.

Trong thai kỳ

Khi một phụ nữ suy giáp có thai, liều lovothyroxine thường phải được điều chỉnh tăng lên. Có khả năng phải tăng 30% liều đang điều trị; hoặc hơn trong vòng 4 đến 6 tuần đầu tiên của thai kỳ. Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi biết mình có thai để được làm xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp và có kế hoạch điều trị phù hợp, kịp thời.

Còn nếu mới mắc suy giáp khi mang thai, cần điều trị để đưa lượng hoocmon T4 về mức bình thường nhanh nhất có thể bằng cách tăng liều levothyroxine trong khoảng 30-40 ngày. Sau đó, cần làm xét nghiệm kiểm tra lại hoocmon tuyến giáp. 

Và trong quá trình mang thai cần định lượng nồng độ hoocmon tuyến giáp trong máu thường xuyên, khoảng mỗi 4 đến 6 tuần cho đến khi sanh. Hoặc có thể mỗi 4 tuần trong nửa đầu thai kỳ, nếu kiểm soát tốt có thể kéo dãn thời gian theo dõi mỗi 6 tuần ở nửa sau thai kỳ.  

Chuyên gia khuyến cáo rằng những phụ nữ có ý định mang thai bị suy giáp dưới lâm sàng cần được điều trị với levothyroxine. Vài nghiên cứu cho thấy việc điều trị bằng thay thế hoocmon giáp giúp cải thiện kết cục thai kỳ.

Sau khi sanh

Đa số phụ nữ suy giáp cần giảm liều levothyroxine so với khi đang mang thai.

Bạn có thể làm gì để thai nhi được khoẻ mạnh?

Bạn có thể đảm bảo được sức khoẻ của bản thân mẹ bầu và của em bé. Hãy đến gặp bác sĩ và các chuyên gia nội tiết để có kế hoạch chăm sóc sức khoẻ hợp lý trong thai kỳ và sau khi sanh. Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và liên hệ ngay khi có bất kì tác dụng phụ nào.

Đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đủ lượng i-ốt, bổ sung vitamin mỗi ngày trong đó phải có 150 – 250 micrograms muối kali i-ốt khi đang mang thai. Còn những bà mẹ đang cho con bú nên bổ sung 250 micrograms muối i-ốt mỗi ngày để bảo đảm cung cấp đủ lượng i-ốt trong sữa cho bé.

Bổ sung thực phẩm giàu i-ốt mà muối i-ốt

Không uống thuốc hoocmon tuyến giáp cùng lúc với vitamin hay vi khoáng có chứa canxi và sắt. Vì chúng có thể cản trợ sự hấp thu hoocmon giáp của cơ thể. Nên sử dụng chúng các xa ít nhất 2 đến 3 giờ trước hoặc sau khi ăn.

Tóm lại những điều cần ghi nhớ:

  • Suy giáp thai kỳ không hay gặp. Suy giáp nhẹ thường không có triệu chứng. Triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng thường gặp khi mang thai.
  • Suy giáp thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến cả bà mẹ và thai nhi. Cần điều trị kịp thời để tránh kết cục xấu cho thai kỳ, bà mẹ và thai nhi.
  • Ngay khi biết mình có thai nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn; thăm khám; và làm xét nghiệm (nếu cần) bất kể bà mẹ có suy giáp hay không; có đang điều trị với hoocmon giáp thay thế hay không.
  • Nên tầm soát bằng xét nghiệm đo lường nồng độ hoocmon tuyến giáp ở thai kỳ.
  • Nếu có ý định mang thai nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn; thăm khám và làm xét nghiệm nếu cần để chuẩn bị thật tốt cho thai kỳ sắp tới.

Trên đây là những thông tin về suy giáp thai kỳ. Khi có những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần báo ngay với bác sĩ của mình để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypothyroidism in Pregnancyhttps://www.thyroid.org/hypothyroidism-in-pregnancy/

    Ngày tham khảo: 21/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người