YouMed

Tác hại của thuốc lá: Lời cảnh báo cho sức khỏe chúng ta!

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Hằng năm, có hàng triệu người chết vì thuốc lá. Có thể nói, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng: Số lượng người chết vì thuốc lá còn vượt xa cả những nguyên nhân do HIV, tai nạn giao thông, hỏa hoạn,… Không có bất cứ một chất nào trong thuốc lá là an toàn. Như chúng ta vẫn thường nghe thấy, tác hại của thuốc lá là gây nguy cơ ung thư và các bệnh về phổi. Cùng theo dõi bài viết của ThS.BS Vũ Thành Đô để tìm hiểu rõ hơn về các mối nguy hại của việc hút thuốc lá đối với sức khoẻ.

1. Thành phần các chất trong thuốc lá

Nicotine là chất gây nghiện có trong thuốc lá. Ngoài nicotine, người hút thuốc hít khoảng 7.000 hóa chất khác trong khói thuốc lá. Một số hợp chất này hoạt động hóa học và kích hoạt những thay đổi gây tổn hại cho cơ thể.

Khói thuốc lá được biết đến chứa hơn 70 hóa chất gây ung thư. Hút thuốc lá gây hại cho gần như mọi cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều bệnh và làm giảm sức khỏe.

Các thành phần gây hại cao của khói thuốc lá bao gồm:

  • Tar: là từ để chỉ các hạt rắn lơ lửng trong khói thuốc lá. Các hạt chứa hóa chất, bao gồm các chất gây ung thư. Các hạt này màu nâu, tạo vết dính trên bề mặt răng và dính vào móng tay, mô phổi.
  • Carbon monoxide (CO): là một loại khí độc. Nó không mùi và không màu. Với liều lượng lớn có thể nhanh chóng gây tử vong vì nó thay thế oxy trong máu. Ở những người hút thuốc, carbon monoxide trong máu khiến oxy khó đi đến các cơ quan trong cơ thể.
  • Các chất oxy hóa: là những hóa chất có khả năng phản ứng cao. Có thể làm hỏng cơ tim và mạch máu của những người hút thuốc. Chúng phản ứng với cholesterol, dẫn đến sự tích tụ chất béo trên thành động mạch. Từ đó dẫn đến nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và bệnh mạch máu.
  • Kim loại: khói thuốc lá có chứa một số kim loại gây ung thư. Bao gồm: asen, berili, cadmium, crom, coban, chì và niken
  • Hợp chất phóng xạ: khói thuốc lá chứa các hợp chất phóng xạ gây ung thư.

Xem thêm: Nghiện chất là gì? Có chữa được không?

2. Ảnh hưởng của thuốc lá đến cơ thể

Hút thuốc lá gây hại cho gần như mọi cơ quan của cơ thể, gây ra nhiều bệnh và làm giảm sức khỏe toàn thân. Việc bỏ hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan và giúp gia tăng tuổi thọ.

2.1 Hút thuốc lá và tử vong

Bạn có biết rằng: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Thuốc lá gây ra hơn 480.000 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ, gần 1/5 tổng số ca tử vong. Chúng ta sẽ không thể ngờ được, hút thuốc gây tử vong còn nhiều hơn so với các nguyên nhân như:

  • Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp.
  • Sử dụng rượu.
  • Tai nạn giao thông.
  • Sự cố liên quan đến vũ khí.

Bên cạnh đó, hút thuốc còn là tăng tỉ lệ tử vong hơn 10 lần so với tất cả các cuộc chiến tranh. Hút thuốc gây ra:

  • Khoảng 90% trong số tất cả các trường hợp tử vong do ung thư phổi. Tỉ lệ phụ nữ chết vì ung thư phổi mỗi năm nhiều hơn so với ung thư vú.
  • Khoảng 80% tất cả các trường hợp tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân ở nam và nữ.
  • Nguy cơ tử vong do hút thuốc lá đã tăng lên trong 50 năm qua trên thế giới.

2.2 Hút thuốc và các nguy cơ sức khỏe

Những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi hơn những người không hút thuốc.

Ước tính cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ:

  • Đối với bệnh tim mạch vành từ 2 đến 4 lần.
  • Đối với đột quỵ từ 2 đến 4 lần.
  • Đàn ông bị ung thư phổi tới 25 lần.
  • Phụ nữ bị ung thư phổi 25,7 lần.

Hút thuốc làm giảm sức khỏe toàn thân. Người hút thuốc thường sẽ trì trệ trong công việc và phải tiêu tốn một khoản chi phí nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe.

2.3 Tác hại của thuốc lá đối với hệ tuần hoàn

Khói thuốc lá có thể tác động đến hệ tuần hoàn gây:

  • Tăng huyết áp và nhịp tim.
  • Co thắt các mạch máu trên da, dẫn đến giảm nhiệt độ da.
  • Giảm oxi vận chuyển trong máu trong khi vận động.
  • Dễ bị đông máu.
  • Tổn thương niêm mạc động mạch, được coi là yếu tố góp phần gây xơ vữa động mạch (sự tích tụ của các chất béo tích tụ trên thành động mạch).
  • Giảm lưu lượng máu đến tứ chi (ngón tay và ngón chân).
  • Tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim do tắc nghẽn nguồn cung cấp máu.

tác hại của thuốc lá

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến tim và mạch máu. Hút thuốc gây đột quỵ và bệnh mạch vành, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Ngay cả những người hút ít hơn năm điếu thuốc mỗi ngày cũng có thể có dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. Hút thuốc làm hỏng các mạch máu, có thể làm mạch máu dày lên và hẹp hơn. Điều này gây tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng lên. Các cục máu đông cũng có thể hình thành.

Đột quỵ sẽ xảy ra khi:

  • Cục máu đông chặn dòng máu đến một phần não của bạn.
  • Mạch máu trong hoặc xung quanh não bạn vỡ.

2.4 Tác hại của thuốc lá đối với hệ hô hấp

Hút thuốc có thể gây ra bệnh phổi do phá hủy đường thở  và các phế nang trong phổi. Tác hại của khói thuốc lá đối với hệ hô hấp bao gồm:

  • Kích thích khí quản và thanh quản.
  • Giảm chức năng phổi và gây khó thở do sưng hẹp đường thở và chất nhầy dư thừa trong đường hô hấp.
  • Suy giảm hệ thống thanh thải phổi, dẫn đến sự tích tụ các chất độc hại, gây kích thích và tổn thương phổi.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi và các triệu chứng như ho, thở khò khè.
  • Gây tổn thương vĩnh viễn cho các phế nang của phổi.

Các bệnh về phổi do hút thuốc bao gồm: COPD, khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. Hút thuốc lá gây ra hầu hết các trường hợp ung thư phổi. Nếu bạn bị hen suyễn, khói thuốc lá có thể kích hoạt cơn hen làm cho tình trạng bệnh kém hơn. Những người hút thuốc có nguy cơ tử vong vì COPD cao gấp 12 đến 13 lần so với những người không hút thuốc.

2.5 Tác hại của thuốc lá đối với hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng trở nên suy yếu ở những người hút thuốc. Bạn sẽ dễ dàng gặp các vấn đề về miễn dịch như:

  • Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn như viêm phổi và cúm.
  • Bệnh nặng hơn và kéo dài hơn.
  • Mức độ bảo vệ chống oxy hóa trong máu thấp hơn.

tac hai cua thuoc la doi voi he mien dich

2.6 Tác hại của thuốc lá đối với hệ cơ xương khớp

Tác hại của khói thuốc lá đối với hệ thống cơ xương bao gồm:

  • Gây co thắt các cơ.
  • Giảm mật độ xương.

2.7 Tác hại của thuốc lá đối với đối với cơ quan sinh dục

Tác hại của khói thuốc lá đối với cơ thể nam giới bao gồm các nguy cơ:

  • Giảm số lượng tinh trùng.
  • Tăng tỉ lệ tinh trùng biến dạng.
  • Gây tổn thương di truyền cho tinh trùng
  • Gây bất lực. Có thể là do ảnh hưởng của việc hút thuốc đối với lưu lượng máu và tổn thương các mạch máu của dương vật.
  • Có thể làm giảm khả năng sinh sản và cũng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và sảy thai.

Tác hại của khói thuốc lá đối với cơ thể phụ nữ bao gồm:

Hút thuốc có thể khiến phụ nữ khó mang thai hơn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của “cô bé” trước và sau khi sinh.

Hút thuốc làm tăng các rủi ro sau:

  • Giảm khả năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt.
  • Mãn kinh sớm.
  • Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
  • Tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và đau tim nếu người hút thuốc ở độ tuổi trên 35 và uống thuốc tránh thai.
  • Mang thai ngoài tử cung.

2.8 Những tác hại khác

Những ảnh hưởng khác của khói thuốc lá đối với cơ thể bao gồm:

  • Gây kích ứng và viêm dạ dày, ruột.
  • Tăng nguy cơ loét đau dọc theo đường tiêu hóa.
  • Giảm khả năng ngửi và nếm.
  • Gây các nếp nhăn sớm ở da.
  • Nguy cơ mù lòa cao hơn.
  • Gây các bệnh nướu răng (viêm nha chu).

2.9 Tác hại của thuốc lá đối với trẻ sơ sinh

Những ảnh hưởng của việc hút thuốc ở mẹ đối với thai nhi bao gồm

  • Tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non.
  • Phổi yếu hơn.
  • Cân nặng khi sinh thấp, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Nhẹ cân có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và bệnh tiểu đường ở tuổi trưởng thành.
  • Tăng nguy cơ sứt môi và hở hàm ếch.
  • Tăng nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (được gọi là SIDS).

tác hại của thuốc lá

Hút thuốc thụ động (người mẹ không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc) cũng có thể gây hại cho thai nhi. Nếu cha mẹ tiếp tục hút thuốc trong năm đầu đời, đứa trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi và viêm phế quản, đột tử ở trẻ sơ sinh và bệnh viêm màng não.

2.10 Bệnh do hút thuốc lâu dài

Một người hút thuốc trong suốt cuộc đời của họ có nguy cơ cao phát triển một loạt các bệnh có thể gây tử vong, bao gồm:

  • Ung thư phổi, miệng, mũi, thanh quản, lưỡi, xoang mũi, thực quản, họng, tụy, tủy xương (bệnh bạch cầu tủy), thận, cổ tử cung, buồng trứng, niệu quản, gan, bàng quang, ruột và dạ dày.
  • Các bệnh về phổi như viêm phế quản mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bao gồm viêm phế quản tắc nghẽn và khí phế thũng
  • Bệnh tim và đột quỵ.
  • Loét hệ tiêu hóa.
  • Loãng xương và gãy xương : Phụ nữ trong những năm sinh nở hút thuốc có xương yếu hơn phụ nữ không bao giờ hút thuốc. Họ cũng có nguy cơ cao bị gãy xương.
  • Lưu thông máu kém ở bàn chân và bàn tay, có thể dẫn đến đau. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây hoại thư và cắt cụt chi.
  • Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Nó cũng có thể gây thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD). AMD bị tổn thương ở một điểm nhỏ gần trung tâm võng mạc, phần mắt cần thiết cho thị lực trung tâm.
  • Bệnh tiểu đường loại 2: Hút thuốc là nguyên nhân gây đái tháo đường túyp 2 và có thể khiến bạn khó kiểm soát hơn. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 30% 40% đối với người hút thuốc lá tích cực so với người không hút thuốc
  • Viêm khớp dạng thấp.

2.11 Hút thuốc và ung thư

Hút thuốc có thể gây ung thư ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể bạn

  • Bàng quang.
  • Máu (bệnh bạch cầu tủy cấp tính).
  • Cổ tử cung.
  • Đại tràng và trực tràng (đại trực tràng).
  • Thực quản.
  • Thận và niệu quản.
  • Thanh quản.
  • Gan.
  • Hầu họng (bao gồm các bộ phận của cổ họng, lưỡi, vòm miệng mềm và amidan).
  • Tuyến tụy.
  • Khí quản, phế quản và phổi.

Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư và các bệnh khác ở bệnh nhân ung thư. Nếu không ai hút thuốc, cứ một trong ba trường hợp tử vong do ung thư sẽ không xảy ra.

3. Các lợi ích khi bỏ hút thuốc lá

Bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ tim mạch. Trong vòng 2 đến 5 năm sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ đột quỵ của bạn có thể giảm xuống ngang một người không hút thuốc.

Nếu bạn bỏ hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, cổ họng, thực quản và bàng quang giảm một nửa trong vòng 5 năm. Mười năm sau khi bạn bỏ hút thuốc, nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm đi một nửa. Sau 15 năm, nguy cơ mắc bệnh tim tương tự như người không bao giờ hút thuốc.

tác hại của thuốc lá

Bỏ hút thuốc có thể là một thách thức. Tuy nhiên, CDC đã báo cáo rằng: ngày nay, có nhiều người đã từng hút thuốc hơn những người hiện đang hút thuốc. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể thực hiện được.

Làn da, sức khỏe răng miệng được cải thiện. Hormone ổn định hơn, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư.

Nicotine là một loại chất gây nghiện và có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện khi một người ngừng sử dụng nó. Những triệu chứng này bao gồm thèm ăn, tăng sự thèm ăn và khó chịu. Thèm thuốc và các hiệu ứng khác thường giảm dần theo thời gian. Bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra các phương pháp giúp bạn thực hiện các bước tích cực trong việc bỏ hút thuốc.

Tác hại của thuốc lá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng và cả những người xung quanh. Nó không chỉ hủy hoại cơ thể người hút, còn gây hại cho cả những người xung quanh. Bỏ hút thuốc lá là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và mọi người. Hãy thực hiện ngừng hút thuốc lá ngay bây giờ, không bao giờ là quá trễ để cải thiện sức khỏe của chúng ta!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Danielle Dresden , “How does smoking affect the body?”, đăng nhập ngày 07-03-2019 tại website https://www.medicalnewstoday.com

2/ CDC, “Health Effects of Cigarette Smoking”, đăng nhập ngày 28-04-2020 tại website https://www.cdc.gov

 

 

 

 

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người