Tại sao trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã?
Nội dung bài viết
Viêm da tiết bã là một bệnh lý làm cho da khô và bong ra từng mảng nhỏ. Bệnh lý này khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Đối với người lớn, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng quát mà gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Còn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi mắc viêm da tiết bã sẽ khiến cho phụ huynh lúng túng trong cách chăm sóc hàng ngày. Trong bài viết này, YouMed sẽ trình bày những thông tin cơ bản về viêm da tiết bã để mẹ có thể chăm sóc bé một cách an toàn.
1. Viêm da tiết bã là bệnh gì?
Viêm da tiết bã là một bệnh lý mạn tính của da. Khi đó, da bị viêm đỏ và bong những vảy nhỏ. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da đầu, mặt, sau tai, lưng, ngực, nách, hay bẹn. Vì tình trạng này xảy ra ở những vị trí có nhiều tuyến bã hoạt động nên có tên gọi là viêm da tiết bã.
Tình trạng này xảy ra khá phổ biến. Nó có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ và ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh và cần được chăm sóc với chế độ đặc biệt.
Đối với trẻ sơ sinh, bệnh thường khởi phát sớm. Khoảng 10% trẻ mắc bệnh trong tháng đầu tiên của cuộc đời. Đến 70% trẻ khởi phát bệnh trong vòng 3 tháng đầu đời của mình. Còn sau 1 tuổi thì tỷ lệ xuất hiện bệnh ở trẻ thấp hơn, chỉ 7%.
>> Xem thêm: Viêm da dị ứng: Điều trị, phòng ngừa tái phát
2. Tại sao trẻ sơ sinh lại bị viêm da tiết bã?
Không phải mọi đứa trẻ sinh ra đều bị viêm da tiết bã. Vì vậy nguyên nhân thật sự gây ra bệnh vẫn chưa biết rõ. Một trong những giả thiết được đưa ra là do hormone từ mẹ truyền sang thai nhi. Lượng lớn hormone này truyền cho con sẽ kích thích tuyến bã tăng sản xuất bã nhờn. Từ đó sẽ biểu hiện triệu chứng bệnh lý ở những vị trí có nhiều tuyến bã.
Một yếu tố khác góp phần gây ra bệnh là do một loại nấm có tên Malassezia. Loại nấm này sống và phát triển trong tuyến bã cùng với vi khuẩn và gây nên bệnh.
Trong một vài trường hợp, trạng thái viêm da này xảy ra ở những trẻ có hệ miễn dịch bị suy yếu. Lúc này ngoài những biểu hiện ở da, sẽ có những biểu hiện khác đi kèm.
>> Xem thêm: Hướng dẫn khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh
3. Triệu chứng của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là gì?
Các biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã là:
- Da đầu nổi những mảng đỏ được gọi là hồng ban
- Trên những mảng hồng ban này có lớp vảy dày mà dân gian thường gọi là “cứt trâu”
- Vảy thường có màu trắng hoặc hơi vàng
- Lớp vảy dễ bong khỏi da đầu và để lộ da ửng đỏ
Ngoài ra triệu chứng bệnh còn có thể xuất hiện ở những vị trí khác trên cơ thể. Khi đó ở tai, lông mày, mũi hay vùng bẹn có thể thấy xuất hiện mảng đỏ có vảy ở bề mặt.
Một trong những bệnh lý cũng có biểu hiện mảng đỏ kèm tróc vảy ở bề mặt là chàm. Bệnh chàm nếu xảy ra ở trẻ sơ sinh thì sẽ được gọi là chàm sữa. Đôi khi nhiều phụ huynh sẽ bị nhầm lẫn giữa hai bệnh lý này. Nếu bạn cảm thấy không phân biệt được giữa hai tình trạng này thì nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ chuyên khoa. Bác sỹ sẽ dễ dàng phân biệt chúng với đặc điểm chàm rất ngứa và có nhiều vết cào gãi hay mụn nước.
>> Xem thêm: Chăm sóc trẻ nhỏ bị cứt trâu sao cho đúng
4. Khi nào nên đến khám bác sỹ?
Bệnh lý viêm da tiết bã không lây nhiễm và không gây nguy hiểm. Tình trạng bệnh sẽ được cải thiện theo thời gian với chế độ chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy các biểu hiện sau:
- Mảng đỏ tróc vảy lan khắp cơ thể của trẻ
- Da của trẻ bị khô chảy dịch hay chảy máu
- Vùng viêm da trở nên sưng đỏ và có dấu hiệu nhiễm trùng
- Trẻ biểu hiện các triệu chứng khó chịu hay quấy khóc
- Tự điều trị tại nhà nhưng không kiểm soát được bệnh
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên có thể bệnh lý của trẻ trở nên nặng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng. Lúc này chúng ta cần đưa trẻ đến khám bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp.
>> Xem thêm: Làm sao để mỗi đêm chăm sóc trẻ sơ sinh không là nỗi ám ảnh?
5. Có thể điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh được không?
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không quá nguy hiểm. Nó có thể cải thiện và biến mất theo thời gian. Thông thường thì đa số các trẻ sẽ khỏi bệnh sau 1 tuổi. Một số ít trường hợp bệnh sẽ kéo dài hơn đến khoảng 4-5 tuổi. Nhưng nhìn chung viêm da tiết bã không yêu cầu phải điều trị bằng thuốc.
Mảng vảy bám dính “cứt trâu” thường nhẹ và tự khỏi trong vòng vài tháng. Trong thời gian chờ bệnh khỏi, có thể dùng bàn chải mềm để lấy đi vảy khô trong lúc gội đầu cho bé. Trường hợp nặng hơn, nếu việc gội đầu thường xuyên không hiệu quả hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Lúc này bác sĩ có thể kê toa thuốc và sản phẩm giúp loại bỏ vảy dễ dàng.
6. Kết luận
Viêm da tiết bã xảy ra khá phổ biến trong dân số và có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh. Bệnh lý này không gây nguy hiểm cho sức khỏe tổng quát ngoại trừ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của đứa trẻ. Phụ huynh có thể an tâm rằng bệnh lý sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn trong một khoảng thời gian. Trong thời gian chờ bệnh khỏi hẳn, chúng ta cần có những biện pháp chăm sóc phù hợp cho trẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Cradle cap, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cradle-cap/symptoms-causes/syc-20350396, accessed on 2020 Feb 10