Những cách tầm soát ung thư đại tràng bạn có thể chưa biết
Nội dung bài viết
Ung thư đại tràng được xếp hàng thứ tư trong các ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Hiện nay, tỷ lệ bệnh có xu hướng ngày càng tăng. Ung thư đại tràng có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Ngày nay có nhiều phương pháp tầm soát ung thư đại tràng rất hiệu quả đang được áp dụng. Bao gồm từ các phương pháp xâm lấn đến không xâm lấn. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu tầm soát ung thư đại tràng như thế nào qua bài viết dưới đây.
Ung thư đại tràng là gì?
Trước khi tìm hiểu các phương pháp tầm soát ung thư đại tràng, chúng ta cần hiểu về ung thư đại tràng là gì?
Đại tràng hay dân gian còn gọi là ruột già. Đại tràng có chức năng chứa các chất cặn bã sau khi tiêu hóa. Đồng thời giúp giữ lại nước từ những chất cặn bã đó. Tuy nhiên, đại tràng cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn và vi sinh vật có hại. Do đó, đây là nơi phát sinh ra nhiều bệnh lý.
Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại tràng gọi là polyp. Chúng có thể tiến triển thành ung thư sau nhiều năm nhưng cũng tùy thuộc vào loại polyp. Có hai loại polyp chính là:
- Polyp tuyến: loại này đôi khi phát triển thành ung thư. Do đó, đây được gọi là tình trạng tiền ung thư.
- Polyp tăng sản và polyp viêm: loại này phổ biến hơn nhưng thường không phải là tình trạng tiền ung thư.
Thành đại tràng có cấu tạo gồm nhiều lớp. Ung thư đại tràng khởi phát từ lớp trong cùng là niêm mạc đại tràng. Chúng cũng có thể tăng trưởng đến các lớp khác. Khi tế bào ung thư đã xâm lấn lớp ngoài cùng, chúng có thể đi vào các mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Từ đó chúng di căn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn xa.
Tầm soát ung thư đại tràng quan trọng thế nào?
Bệnh ung thư đại tràng đang có xu hướng tăng dần theo chất lượng sống và thay đổi thói quen ăn uống. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 ung thư phổ biến nhất.
Chính vì vậy, việc tầm soát ung thư đại tràng từ sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Đồng thời nó cũng có vai trò sống còn trong việc cứu sống bệnh nhân. Ung thư đại tràng khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả rất tốt. Tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân lên đến 90%. Trong đó có rất nhiều người sống được trên 10 năm.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân giảm xuống chỉ còn 10%. Do đó, vấn đề tầm soát ung thư đại tràng và chẩn đoán sớm rất có ý nghĩa. Không chỉ đối với bệnh nhân và còn cả gia đình và xã hội.
Phương pháp tầm soát ung thư đại tràng
Xét nghiệm phân để tầm soát ung thư đại tràng
Xét nghiệm phân là phương pháp ban đầu để tầm soát ung thư đại tràng.
Trong ung thư đại tràng có sự tăng sinh mạch rất nhiều, các mạch máu dễ bị tổn thương khi có phân đi qua. Do đó có thể có máu lẫn ở trong phân. Nếu lượng máu nhiều có thể phát hiện bằng mắt thường. Nhưng trường hợp lượng máu ít thì rất khó để phát hiện. Vì vậy xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân sẽ có độ nhạy cao. Chúng có giá trị gợi ý để thăm dò các xét nghiệm khác chuyên sâu hơn.
Có 2 phương pháp xét nghiệm phổ biến tìm máu ẩn trong phân.
Xét nghiệm Guaiac (gFOBT)
Nguyên lý của phương pháp tầm soát ung thư đại tràng này là xác định sự có máu trong phân bằng một phản ứng hóa học. Xét nghiệm này có độ nhạy cao. Nhưng có một số nhược điểm là phải lấy ít nhất 3 mẫu phân từ các lần đi ngoài khác nhau. Có thể dương tính giả với các trường hợp:
- Máu chảy từ đường tiêu hóa trên (không phân biệt được máu từ đại tràng hay phần trên của đường tiêu hóa).
- Bệnh nhân có ăn một số thức ăn: thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, vitamin C , nước chanh. Vì các chất này phản ứng với hóa chất làm test. Do đó làm giảm khả năng phát hiện máu trong phân.
- Có sử dụng thuốc giảm đau như: aspirin, ibuprofen trong vòng 7 ngày.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm:
- Âm tính: Không có máu trong phân. Nguy cơ bị ung thư đại trực tràng rất thấp. Không cần phải làm các thăm dò khác. Nhưng nên xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm.
- Dương tính: Có máu trong phân và có vấn đề ở ruột. Đặc biệt là ở đại tràng như: ung thư, polyp, viêm loét ruột, trĩ… Nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn. Do đó cần làm các thăm dò khác như nội soi đại tràng để chẩn đoán.
Xét nghiệm iFOBT
Nguyên lý của phương pháp này là xác định protein hemoglobin người có trong tế bào hồng cầu.
Ưu điểm:
- Độ nhạy, độ đặc hiệu cao.
- Ít có phản ứng với máu chảy từ đường tiêu hóa trên như dạ dày, tá tràng.
- Không phải kiêng thức ăn, vitamin khi làm test.
- Chỉ cần lấy 1 mẫu.
Nhược điểm: Chi phí cao hơn gFOBT
Xét nghiệm máu CEA
CEA là viết tắt của Carcinoembryonic Antigen. Thông thường, nồng độ CEA trong cơ thể là rất thấp. Chúng tăng cao khi có dấu hiệu xuất hiện một số loại ung thư nhất định. Trong đó có với ung thư đại tràng. Vì vậy xét nghiệm máu để tìm CEA là một trong những xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng được sử dụng tại các bệnh viện.
Nội soi tầm soát ung thư đại tràng
Đây cũng là phương pháp tầm soát ung thư đại tràng phổ biến hiện nay. Mục đích là quan sát toàn bộ khung đại tràng và trực tràng thông qua ống nội soi có camera. Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết lấy bệnh phẩm nếu có nghi ngờ.
Chuẩn bị trước khi nội soi
Trước khi nội soi đại tràng thì yêu cầu đại tràng phải sạch, không có phân. Do đó trước nội soi 1 ngày, bạn được yêu cầu ăn nhẹ và làm sạch đại tràng. Bằng các biện pháp khác nhau như dùng thuốc, thụt qua đường hậu môn, thụt nước.
Ưu điểm
- Quan sát toàn bộ mặt trong của hậu môn, trực tràng, đại tràng.
- Có thể sinh thiết lấy bệnh phẩm hoặc điều trị đốt, cắt bỏ polyp.
- Thời gian tiến hành khá nhanh.
- Ít gây biến chứng.
- Có thể thực hiện nhiều lần.
Nhược điểm
- Bệnh nhân có thể có khó chịu như chướng hơi, đầy bụng.
- Có thể gây tổn thương đường tiêu hóa của bệnh nhân.
- Đòi hỏi trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp.
CT Scan
CT Scan hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính. Đây là phương pháp tầm soát ung thư đại tràng với những người không thể nội soi hoặc sợ nội soi. Phương pháp này cho phép quan sát các tổ chức bất thường, khối u, ung thư ở đại tràng. Từ đó đánh giá tình trạng xâm lấn, tình trạng hạch ổ bụng nếu nghi ngờ di căn.
Chuẩn bị trước khi CT
- Cần chắc chắn bệnh nhân không có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang.
- Không có các chống chỉ định tia xạ như có thai…
- Đảm bảo đại tràng và trực tràng trống.
Ưu điểm
- Không xâm lấn.
- Không cần gây mê.
- Áp dụng cho những người không thể nội soi, sợ nội soi.
Nhược điểm
- Không thể đánh giá chi tiết trong lòng đại tràng như nội soi.
- Không sinh thiết hay thực hiện các thủ thuật điều trị.
- Có nguy cơ nhiễm xạ, dị ứng thuốc cản quang.
- Có thể cảm thấy đầy hơi, khó chịu khi bơm khí vào đại trực tràng.
Bệnh ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Do đó việc tầm soát ung thư đại tràng hết sức quan trọng. Khi có yếu tố nguy cơ hoặc các biểu hiện nghi ngờ bạn nên sàng ngay để phát hiện sớm bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.