Tang bạch bì: Vị thuốc từ vỏ rễ cây Dâu tằm
Nội dung bài viết
Vị thuốc Tang bạch bì là vỏ rễ của cây Dâu tằm (Morus alba L.) đã được phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt ở phế, bình suyễn, lợi tiểu và giảm phù. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc trong bài viết sau.
1. Đặc điểm Tang bạch bì
1.1. Danh pháp
Tên gọi khác: Vỏ rễ cây Dâu.
Tên khoa học: Cortex Mori radicis.
Thuộc họ: Dâu tằm (Moraceae).
1.2. Mô tả cây
Cây gỗ nhỏ, cao trung bình 2 – 3 m, có thể cao tới 15 m. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục, nguyên hoặc chia thành 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hoặc hơi tù, phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Từ cuống lá tỏa ra 3 gân rõ rệt.
Hoa đơn tính, khác gốc, hoa đực mọc thành bông, có lá đài, 4 nhị (có khi 3). Hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả bế bao bọc trong các lá đài, màu đỏ, sau đen sẫm, ăn được, còn dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu.
1.3. Phân bố
Cây Dâu tằm có nguồn gốc Trung Quốc, đã được di thực vào Việt Nam từ lâu. Hiện nay, Dâu tằm được trồng ở khắp nơi. Cây được trồng để làm thuốc, lấy quả và lấy lá nuôi tằm.
1.4. Đặc điểm sinh trưởng
Cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mùa hoa tháng 4 – 5, mùa quả tháng 5 – 6.
1.5. Bộ phận dùng
Toàn bộ cây đều được sử dụng để làm thuốc. Tang bạch bì là vỏ rễ phơi sấy của cây.
>> Ngoài rễ thì quả của cây Dâu tằm cũng được dùng để làm thuốc. Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tang thầm: Tác dụng bất ngờ của quả Dâu tằm.
1.6. Bào chế
Vào mùa xuân, thu đào lấy rễ. Các vùng phía Nam, mùa đông vẫn có thể đào lấy rễ được, rửa sạch đất cát, bỏ các rễ nhỏ. Nhân lúc còn tươi, cạo bỏ lớp vỏ thô màu vàng nâu ở ngoài, dùng dao tách lấy phần vỏ, bỏ phần lõi gỗ, đem phơi khô.
Tang bạch bì được bào chế bằng cách để nguyên rễ, cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài, rửa sạch, để ráo, thái mỏng 2 – 3 mm, sấy khô. Loại này có tác dụng tốt trong tả phế hành thủy, thường dùng trong phù thũng tiểu ít.
Sao Tang bạch bì được bào chế bằng cách lấy lớp vỏ trắng, bỏ vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng hoặc hơi cháy, lấy ra để nguội.
Mật chích Tang bạch bì được bào chế bằng cách cho mật và nước sôi vào cùng sợi Tang bạch bì, trộn đều, cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ mỗi 10 kg Tang bạch bì dùng 3 kg mật. Loại này mạnh về giảm ho, giảm suyễn.
1.7. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.
2. Hoạt chất trong cây
2.1. Thành phần hóa học
Moracin O, oxyresveratrol, moracin R, moracin P, mulberroside C, wittifuran E, isomulberrofuran G, mulberrofuran G, norartocarpetin, morin, morusin, sanggenon C, sanggenon D, cathayanin B…
2.2. Tác dụng dược lý
Cho thỏ uống nước sắc Tang bạch bì 2g/kg, thấy có sự gia tăng đáng kể lượng nước tiểu trong vòng 6 giờ. Từ 7 đến 24 giờ lượng nước tiểu trở lại bình thường.
Chiết xuất từ Tang bạch bì có tác dụng trị suyễn thông qua tăng cường CD4(+)CD25(+)Foxp3(+) điều tiết tế bào T và ức chế cytokine Th2 trên chuột.
Chiết xuất từ Tang bạch bì có khả năng hạ huyết áp, giảm tổn thương cơ tim, giảm phì đại và xơ hóa cơ tim do bệnh đái tháo đường.
Dịch chiết có tác dụng an thần, giảm đau, hạ nhiệt và chống co giật nhẹ. Tang bạch bì cũng có tiềm năng trong điều trị bệnh thoái hóa thần kinh do có tác dụng phát triển sợi trục thần kinh tế bào PC12 thông qua ức chế dòng Ca++.
Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng u, kháng khuẩn, hạ đường huyết.
3. Công dụng điều trị
3.1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn, không độc.
3.2. Quy kinh
Quy kinh Phế.
3.3. Công hiệu
Thanh nhiệt ở phế và dịu hen, lợi tiểu giảm phù.
3.4. Chủ trị
Phế nhiệt ho đàm, ho lâu ngày, hen, ngực bụng đầy trướng, phù thũng, tiểu ít.
3.5. Liều dùng
Dùng 10 – 15 g, sắc uống.
Muốn lợi tiểu, tả phế, thanh nhiệt nên dùng loại tươi. Phế hư suy ho nhiều nên dùng loại chích mật.
3.6. Lưu ý
Không dùng Tang bạch bì cho người bị hen suyễn và ho do phế hàn (phổi nhiễm lạnh).
Bệnh nhân tiểu nhiều thận trọng khi sử dụng.
4. Một số bài thuốc
4.1. Chữa ho ra máu
Tang bạch bì 600 g. Ngâm nước vo gạo 3 đêm. Tước nhỏ. Cho thêm 250 g gạo nếp. Sao vàng, tán nhỏ. Trộn đều. Ngày uống 2 lần. Mỗi lần 8 g chiêu bằng nước cơm.
4.2. Ho lâu năm
Tang bạch bì, vỏ rễ cây Chanh, mỗi loại 10 g, sắc uống trong ngày.
4.3. Trẻ em ho có đờm
Tang bạch bì 4 g sắc với nước cho uống.
4.4. Trong phế có nhiệt, ho nhiều, da khô nóng, lưỡi đỏ rêu vàng
Tang bạch bì 15 g, Địa cốt bì 15 g, Ngạnh mễ 15g, Cam thảo 3 g. Sắc nước uống trước bữa ăn.
4.5. Phế hư, hơi thở ngắn, ra mồ hôi, ho
Nhân sâm 9 g, Hoàng kỳ (chích mật) 24 g, Ngũ vị tử 6 g, Tang bạch bì (chích mật) 12 g, Thục địa 24 g, Tử uyển 9 g. Sắc uống.
4.6. Phù toàn thân, ngực bụng đầy trướng, tiểu ít
Tang bạch bì 9 g, Trần bì 9 g, Sinh khương bì 6 g, Đại phúc bì 9 g, Phục linh bì 24 g. Sắc uống.
4.7. Rụng tóc
Lấy Tang bạch bì giã dập, ngâm nước. Đun sôi nửa giờ. Lọc, lấy nước đó gội đầu.
Tang bạch bì có nhiều tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, giống như các vị thuốc khác, quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 720 – 723
- Al B. Bayazid, at al (2020). Antioxidant, Anti-inflammatory, and Antiproliferative Activity of Mori Cortex Radicis Extracts. Sage journals, 15(1)
- Ya-Nan Wang, at al (2017). Bioactive Benzofuran Derivatives from Cortex Mori Radicis, and Their Neuroprotective and Analgesic Activities Mediated by mGluR1. Molecules, 22(2):236
- Hyun-Ji Kim, at al (2011). Cortex Mori Radicis Extract Exerts Antiasthmatic Effects via Enhancement of CD4(+)CD25(+)Foxp3(+) Regulatory T Cells and Inhibition of Th2 Cytokines in a Mouse Asthma Model. J Ethnopharmaco, 138(1):40-6
- Nina Yin, at al (2015). Cortex Mori Radicis Extract induces neurite outgrowth in PC12 cells activating ERK signaling pathway via inhibiting Ca2+ influx. Int J Clin Exp Med, 8(4): 5022–5032
- Jiang fang Lian, at al (2017). Cortex Mori Radicis extract attenuates myocardial damages in diabetic rats by regulating ERS. Biomedicine & Pharmacotherapy, 90: 777-785