Tăng cân trong thai kỳ như thế nào cho hợp lý?
Nội dung bài viết
Trong thai kỳ, em bé sẽ được nuôi lớn từ nguồn dinh dưỡng của mẹ hấp thu. Khi mẹ tăng cân không đủ để cung cấp, thai nhi sẽ không đủ năng lượng cho quá trình tăng trưởng. Hậu quả thường khiến em bé sinh nhẹ cân, thiếu máu. Tuy nhiên, mẹ tăng cân quá mức trong thai kỳ cũng gây nhiều ảnh hưởng không kém đến em bé và bệnh lí thai kì. Hãy cùng tìm hiểu tăng cân trong thai kỳ lý tưởng cho mẹ bầu qua bài viết của ThS.BS Sản phụ khoa Trần Minh Quang nhé.
Trong thai kỳ bạn cần tăng cân bao nhiêu là hợp lý
1. Thai kỳ thông thường
Không có một chuẩn chung phù hợp cho tất cả thai phụ để tăng cân trong thai kỳ. Tăng cân phù hợp với bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cân nặng trước khi mang thai và chỉ số khối cơ thể (BMI). Sức khỏe của bạn và sức khỏe của em bé cũng đóng một vai trò trong đó. Hãy trao đổi với Bác sĩ để xác định những gì phù hợp với bạn. Hãy xem xét các hướng dẫn chung này để tăng cân khi mang thai:1
- Nhẹ cân (BMI < 18.5): bạn nên tăng từ 13 – 18 kg trong thai kỳ.
- Cân nặng trung bình (BMI từ 18.5 đến 24.9): bạn nên tăng cân từ 11 – 16 kg.
- Thừa cân (BMI từ 25 – 29.9): bạn nên tăng cân từ 7 – 11 kg trong suốt thai kỳ.
- Béo phì (BMI từ 30 trở lên): bạn cần hạn chế tăng cân hơn nữa, tốt nhất nên giữ trong khoảng 5 – 9 kg trong suốt thai kỳ.
Xem thêm: Cách tính chỉ số BMI chính xác nhất.
2. Những thai kỳ đa thai
Nếu bạn đang mang song thai hoặc đa thai khác, bạn có thể sẽ cần tăng cân nhiều hơn. Một lần nữa, bạn cần được bác sĩ tư vấn để có chế độ phù hợp. Hãy xem xét các hướng dẫn chung này để tăng cân khi mang thai nếu bạn mang song thai:2
Cân nặng trước sinh | Số cân nặng được khuyến cáo tăng |
Cân nặng trung bình (BMI 18.5 đến 24.9) | Tăng từ 17 đến 25 kg |
Thừa cân (BMI 25 tới 29.9) | Tăng từ 14 đến 23 kg |
Béo phì (BMI từ 30 trở lên) | Tốt nhất nên giữ tăng cân trong khoảng 11 đến 19 kg |
3. Sự phân bổ tăng cân hợp lí trong thai kỳ
Nếu người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 – 24,9): mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 – 12 kg. Sự phân bố cụ thể như sau:
- Trong 3 tháng đầu (quý I): Tăng 1 kg.
- Khoảng 3 tháng giữa (quý II): Tăng 4 – 5 kg.
- 3 tháng cuối (quý III): Tăng 5 – 6 kg.
Người mẹ luôn nên duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai. Điều này sẽ giúp thai nhi phát triển ổn định. Bạn có thể ổn định cân nặng của chính mình thông qua một chế độ ăn uống hợp lí. Thông thường một người phụ nữ mang thai trung bình cần thêm 300 calo tốt cho sức khỏe mỗi ngày. Lượng calo này để mẹ có thể đạt được cân nặng lí tưởng khi mang thai.
Những vấn đề bạn có thể gặp phải trong thai kỳ nếu tăng cân không đúng chuẩn
1. Khi bạn thừa cân
Thừa cân trước khi mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ khác nhau, bao gồm tiểu đường thai kỳ, rối loạn huyết áp cao của thai kỳ. Đặc biệt là tiền sản giật làm tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
Hãy phối hợp với bác sĩ điều trị để quản lý cân nặng của bạn trong suốt thai kỳ.
2. Khi bạn thiếu cân
Nếu bạn thiếu cân trước khi mang thai, điều cần thiết là phải tăng cân hợp lý trong khi bạn mang thai. Nếu không có thêm trọng lượng, em bé của bạn có thể được sinh ra nhỏ hơn dự kiến.
3. Khi bạn tăng cân quá nhiều
Tăng cân quá nhiều khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe của em bé. Vấn đề chẳng hạn như sinh ra lớn hơn đáng kể so với mức trung bình (macrosomia fetal). Bạn cũng có thể có nguy cơ tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, chuyển dạ kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ phải sinh mổ hay sinh sớm của bạn. Tăng cân quá mức khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ duy trì cân nặng sau sinh và tăng nguy cơ đông máu trong thời kỳ hậu sản.
Khi bạn tăng cân khi mang thai, cân nặng sẽ đi đâu?
Em bé của bạn có thể nặng khoảng 3 đến 3,6 kg.
Điều đó chiếm một phần cân nặng tăng khi mang thai của bạn. Phần còn lại thì sao?
Đây là một ví dụ sự phân bố cân nặng tăng trong thai kỳ:
- Ngực lớn hơn khoảng 0,5 đến 1,4 kg.
- Tử cung lớn hơn khoảng 0,9 kg.
- Nhau thai chiếm khoảng 0,7 kg.
- Nước ối tăng khoảng 0,9 kg.
- Lượng máu tăng khoảng 1,4 đến 1,8 kg.
- Thể tích dịch tăng khoảng 0,9 đến 1,4 kg.
- Mỡ dự trữ chiếm khoảng 2,7 đến 3,6 kg.
Xem thêm: Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh và câu trả lời từ bác sĩ
Mối quan hệ giữa sự tăng cân trong thai kỳ và sự tử vong của thai nhi
Theo một nghiên cứu của Thụy Điển và Mỹ, Đối với tất cả phụ nữ, việc tăng hai đơn vị BMI (khoảng 6 kg đối với người phụ nữ cao 1,67 m) trở lên giữa các lần mang thai có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ thai chết lưu trong lần mang thai thứ hai.
Đối với những phụ nữ tăng từ hai đến bốn đơn vị BMI, nguy cơ tăng 38%, và nó tăng 55% đối với những phụ nữ đạt được bốn đơn vị BMI trở lên.
Nhìn vào hiệu quả của việc giảm cân, nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bị thừa cân trong lần mang thai đầu tiên và giảm cân khi mang thai lần thứ hai có nguy cơ tử vong sơ sinh thấp hơn (trong vòng 28 ngày đầu tiên của cuộc sống) lần thứ hai. Phụ nữ có cân nặng bình thường và giảm hai đơn vị BMI có nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn, có thể vì giảm cân ở phụ nữ không thừa cân có thể là kết quả của bệnh tật.
Những hoạt động thể lực có lợi trong thai kỳ
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng cần bỏ tập luyện khi bạn dự định có thai. Bạn chắc chắn không nên quá lạm dụng việc tập luyện như cuộc đua nước rút vì tập luyện đến kiệt sức có thể làm giảm khả năng sinh sản. Tuy nhiên, tập thể dục vừa phải được khuyến khích.
Nếu bạn đã có tập luyện thể dục trước đó, hãy duy trì thói quen tập thể dục. Nếu bạn thừa cân hoặc ít vận động, hãy tăng cường khả năng chịu đựng của bạn từ từ. Một mức độ vận động thể lực tốt cũng giúp chuyển dạ dễ dàng hơn.
Các mẹo tập thể dục khi bạn mang thai:
- Hãy luôn luôn làm nóng trước khi tập thể dục và làm mát sau đó, cố gắng duy trì hoạt động hàng ngày – 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể là đủ. Nếu bạn không thể làm điều đó, bất kỳ vận động nào cũng tốt hơn không có gì.
- Tránh bất kỳ bài tập gắng sức nào trong thời tiết nóng, uống thật nhiều nước lọc và các nước ép khác.
- Nếu bạn đến lớp tập thể dục, hãy chắc chắn rằng giáo viên của bạn có trình độ phù hợp và biết được thông tin về thai kỳ của bạn.
- Bạn có thể thử bơi vì nước sẽ hỗ trợ nâng đỡ bạn. Một số bể bơi cung cấp các lớp học dưới nước với các giảng viên có trình độ. Hãy tìm hồ bơi thích hơp cho bạn
- Các bài tập có nguy cơ té ngã, như đạp xe, chỉ nên thận trọng. Té ngã có nguy cơ gây hại cho em bé của bạn.
Bạn nên ăn uống thế nào để tăng cân hợp lí trong thai kỳ
Lượng năng lượng thu nhận hợp lý trong thai kỳ
Đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống đầy đủ thực sự quan trọng trong suốt thai kỳ. Ăn các bữa ăn lành mạnh sẽ cho phép bạn tăng cân bạn cần để cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho con bạn. Tăng cân không cần thiết là điều dễ xảy ra nếu bạn đang ăn đồ ăn vặt có lượng đường và chất béo cao hơn nhiều. Bạn cần xem xét những gì bạn ăn và tác dụng phụ được biết đến với mọi thứ bạn đưa vào cơ thể là bắt buộc trong thai kỳ. Vì tất cả mọi thứ bạn tiêu thụ được truyền lại cho con của bạn.
Nếu bạn đang ăn thực phẩm không lành mạnh khi bạn mang thai, em bé của bạn cũng đang ăn thực phẩm đó. Một phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường, người tập thể dục ít hơn 30 phút mỗi tuần nên cố gắng để có được lượng calo:
- 1.800 trong ba tháng đầu.
- 2.200 trong tam cá nguyệt thứ hai.
- 2.400 trong tam cá nguyệt thứ ba.
Những calo này nên có được bằng cách ăn chế độ ăn ngũ cốc, sữa, protein, trái cây / rau quả, và chất béo và dầu lành mạnh. Hạn chế thực phẩm chế biến, đường và chất béo có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho mẹ bầu
Một kế hoạch bữa ăn hợp lý, giàu vitamin và khoáng chất là điều cần thiết cho một thai nhi đang phát triển. Bạn có thể hỏi các bác sĩ tư vấn một chế độ dinh dưỡng cho bạn. Một chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể giúp bạn. Phụ nữ thiếu cân khi mang thai có xu hướng ăn thực phẩm ít calo và không đủ protein. Sau đây là một ví dụ để có được nhiều calo hơn:
- Ăn sáng mỗi ngày. Ví dụ như bữa sáng với bơ đậu phộng hoặc một lát phô mai trên bánh mì nướng có thể giúp bạn tăng thêm protein.
- Ăn nhẹ giữa các bữa ăn. Bữa phụ với sữa chua và trái cây khô có thể cung cấp protein, canxi và khoáng chất.
- Cố gắng ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo tốt như các loại hạt, cá béo, bơ và dầu ô liu.
- Uống nước ép làm từ trái cây thật có nhiều vitamin C hoặc beta caroten. Các loại nước ép như nước ép bưởi, nước cam, mật hoa đu đủ, mật hoa mơ và nước ép cà rốt.
- Tránh đồ ăn vặt nhiều chất béo không tốt và đường.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống vitamin trước khi sinh và bất kỳ viên uống bổ sung nào.
Nhắn nhủ cho mẹ bầu
Khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý về việc tăng cân quá nhiều. Điều này gây ra các vấn đề nguy hiểm về sức khoẻ của mẹ và bé. Duy trì một cân nặng hợp lý và giảm cân hợp lý là bí quyết để bạn có một thai kỳ hoàn toàn khoẻ mạnh.
Các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ về cân nặng của bạn. Một chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể giúp đỡ. Vì vậy bạn hãy ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt, đừng quên các cuộc hẹn với bác sĩ trong thai kỳ của bạn. Để như vậy bạn có thể giữ cân nặng lý tưởng trong thai kỳ, khi được tư vấn các đề xuất để tăng lượng calo hoặc giảm khi cần.
Tăng cân ổn định trong thai kỳ giúp cho em bé của bạn khỏe mạnh và còn tốt cả cho bạn. Việc tăng cân quá mức hay thiếu kí trong thai kỳ đều không tốt cho thai nhi và mẹ. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của Bác sĩ để biết được lộ trình tăng cân lý tưởng của bạn là như thế nào. Và ngoài ra, những lời khuyên hợp lí nhất về chế độ ăn cũng như chế độ tập luyện trong thai kỳ là điều cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
New Recommendations for Total and Rate of Weight Gain During Pregnancy, by Prepregnancy BMIhttps://nap.nationalacademies.org/read/12584/chapter/2#2
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Women with Multiple Fetuseshttps://nap.nationalacademies.org/read/12584/chapter/2#4
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Gestational weight gainhttps://www.uptodate.com/contents/gestational-weight-gain
Ngày tham khảo: 03/06/2020
- Gabbe SG, et al. Nutrition during pregnancy. In: Obstetrics: Normal and Problem Pregnancies. 7th ed. Elsevier; 2017.
- American College of Obstetricians and Gynecologists. Practice Bulletin No. 156: Obesity in pregnancy. Obstetrics & Gynecology. 2015; doi:10.1097/AOG.0000000000001211.
- American College of Obstetricians and Gynecologists. Practice Bulletin No. 548: Weight gain during pregnancy. Obstetrics & Gynecology. 2013; doi:10.1097/01.AOG.0000425668.87506.4c. Reaffirmed 2018.
-
Exercise in pregnancyhttps://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/exercise/
Ngày tham khảo: 03/06/2020