Tăng huyết áp ở trẻ em: Phụ huynh nhất định phải biết!
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về tăng huyết áp ở trẻ em. Đây là bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề.
Tăng huyết áp ở trẻ em là gì?
- Trái tim bóp máu đi khắp cơ thể thông qua mạch máu. Dòng máu lưu thông sẽ tác động một áp lực lên mạch máu. Áp lực này được gọi là huyết áp (áp lực của máu). Huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tác động của máu tới các cơ quan. Tuy nhiên huyết áp cao cũng đặt gánh nặng lên các cơ quan làm chức năng chúng suy giảm. Tăng huyết áp là sự gia tăng áp lực của máu lên thành động mạch quá mức bình thường.
- Tăng huyết áp là sự gia tăng áp lực của máu lên thành động mạch quá mức bình thường. Ở người lớn, huyết áp bình thường được định mức thông qua các nghiên cứu là ≤ 140/ 90 mmHg. Mốc hạn định này bất kể giới tính, cân nặng và thể trạng. Ở trẻ em, do sự phát triển nhanh chóng của trẻ, cơ thể cũng thay đổi nhanh chóng. Do đó mốc định mức huyết áp bình thường cũng phải thay đổi theo từng độ tuổi của trẻ.
- Chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ nhỏ rất nghiêm ngặt. Một khi đã được chẩn đoán cần điều trị tích cực tránh biến chứng. Do đó để chẩn đoán cần nhiều công đoạn phức tạp. Các bước đo và tra cứu huyết áp ở trẻ đòi hỏi sự chính xác. Việc này nên được thực hiện bởi nhân viên y tế. Cha mẹ nên theo dõi, phát hiện triệu chứng để đưa con đi khám sớm, không nên đo tại nhà. Nếu sai sót sẽ bỏ sót bệnh, tạo nguy cơ biến chứng cho trẻ.
- Bác sĩ sẽ sử dụng các bảng tính chuyên dùng cho trẻ em để xác định bệnh. Bảng tính dựa trên giới tính, chiều cao, và trị số huyết áp của trẻ. Lúc đó trẻ mới được kết luận tăng huyết áp hay không.
Nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ em
Hầu hết mọi người nghĩ cao huyết áp là bệnh chỉ thường gặp ở người trường thành. Vậy tại sao trẻ em lại bị căn bệnh này?
Cũng như người lớn, tăng huyết áp trẻ em bao gồm hai nhóm nguyên nhân: nguyên phát và thứ phát. Tỉ lệ tăng huyết áp ở trẻ em thường thấp (< 1%). Tuy nhiên nếu có thường chỉ điểm nguyên nhân thứ phát. Mặt khác tăng huyết áp nặng hoặc gây biến chứng sớm thường cũng là tăng huyết áp thứ phát. Tuy nhiên, những năm gần đây tỉ lệ tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em có xu hướng tăng. Nguyên do xuất phát từ lối sống tĩnh tại và béo phì.
Tăng huyết áp nguyên phát
Nguyên phát định nghĩa là tự nó xảy ra không có nguyên nhân xác định. Ở trẻ nhỏ tỉ lệ tăng huyết áp nguyên phát hiếm gặp. Tuy nhiên cũng có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp
- Chế độ ăn nhiều muối và dầu mỡ
- Trẻ em bị tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ
- Tiếp xúc với khói thuốc lá sớm
- Lối sống ít vận động
- Ngoài ra bé trai cũng dễ bị tăng huyết áp hơn bé gái
Tăng huyết áp nguyên phát thường biểu hiện triệu chứng trễ. Do đó để tránh bỏ sót, cha mẹ cần theo sát con để phát hiện kịp thời.
Tăng huyết áp thứ phát
Nguyên nhất thứ phát thường gặp ở tăng huyết áp trẻ em hơn người lớn. Bệnh là hậu quả của nhiều bệnh từ nhiều hệ cơ quan. Các nguyên nhân liệt kê sau đây chỉ là những nguyên nhân thường gặp nhất:
Nguyên nhân thận- tiết niệu:
- Viêm cầu thận: thường gặp nhất
- Viêm thận- bể thận
- Thận đa nang
- Tắc nghẽn niệu quản
- U tuyến thượng thận
- U thận
- Và rất nhiều bệnh lý và dị tật thận bẩm sinh khác.
Nguyên nhân thần kinh:
- Hội chứng Guillain – Barre.
- Tăng áp lực nội sọ
- Rối loạn thần kinh thực vật
- U não…
Nguyên nhân tim mạch:
- Hẹp eo động mạch chủ
- Hẹp động mạch thận
- Shunt động tĩnh mạch
- Bệnh Takayasu
Nhiều bệnh lý mạch máu và dị tật bẩm sinh khác
Tăng huyết áp do thuốc
- Thuốc có thành phần Cocain
- Thuốc hóa trị, sau xạ trị
- Các Hormon
- Rất nhiều loại thuốc khác
Nguyên nhân khác:
- Tăng calci máu
- Sau lọc máu
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: thường gặp ở trẻ béo phì.
- Cường giáp
Tăng huyết áp thứ phát thường nặng và diễn tiến nhanh. Do đó khi được phát hiện dễ có tồn tại biến chứng. Việc cần làm là tầm soát các biến chứng để can thiệp kịp thời.
Những trẻ nào dễ bị tăng huyết áp?
Dựa vào các nhóm nguyên nhân trên, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh của trẻ :
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp
- Chế độ ăn nhiều muối và dầu mỡ
- Trẻ em bị tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ
- Tiếp xúc với khói thuốc lá sớm
- Lối sống ít vận động
- Ngoài ra bé trai cũng dễ bị tăng huyết áp hơn bé gái
- Trẻ được phát hiện dị tật tim mạch, tiết niệu thần kinh hay bất cứ dị tật bẩm sinh khác.
- Trẻ em có bệnh ung thư, được hóa trị hoặc xạ trị.
- Dùng các loại thuốc sớm như: chống trầm cảm, tránh thai, thuốc kích thích, ma túy…
Tăng huyết áp ở trẻ em gây ra những biến chứng nào?
Như đã nói, huyết áp đóng vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng các cơ quan. Tuy nhiên cũng đặt lên chúng áp lực. Huyết áp cao sẽ tổn thương các cơ quan tạo biến chứng:
Biến chứng tim mạch:
- Bệnh động mạch vành: huyết áp cao bào mòn lớp nội mạc mạch máu. Điều này làm các phân tử mỡ máu dễ bám vào gây xơ vữa động mạch. Động mạch bị xơ vữa sẽ dễ bị cục máu đông bám vào gây hội chứng mạch vành cấp.
- Tăng huyết áp làm cơ tim phì đại: do phải bóp máu đi với lực mạnh hơn. Cơ tim phải đáp ứng bằng cách to lên, hoạt động nhiều hơn. Từ đây dễ dẫn tới suy tim.
- Suy tim: Bệnh động mạch vành và cơ tim phì đại, hoạt động cường độ cao lâu ngày sẽ dẫn tói suy tim.
Biến chứng thần kinh:
- Xuất huyết não: các mạch máu não không chịu nổi áp lực cao sẽ vỡ gây xuất huyết não. Biến chứng có thể dẫn tới tử vong hoặc liệt tùy mức độ và vùng tổn thương. Để lại di chứng nặng nề cho cuộc sống sau này của trẻ.
- Nhồi máu não: mạch máu cũng bị tắc bởi cục máu đông. Cơ chế tương tự như tắc động mạch vành đa nói trên.
- Thiếu máu não: xơ vữa động mạch làm hẹp động mạch cảnh( động mạch đưa máu lên não) . Thiếu máu lên não làm trẻ dễ chóng mặt, hoa mắt, khó tập trung.
Biến chứng thận:
- Tăng huyết áp làm hư màng lọc của thận gây tiểu đạm. Lâu ngày chức năng lọc của thận suy giảm gây suy thận.
- Tăng huyết áp còn tăng mức độ hẹp động mạch thận ( động mạch nuôi thận). Máu tới nuôi thận giảm lâu ngày gây suy thận.
- Tỷ lệ suy thận mạn phải lọc máu ở trẻ em ngày càng tăng. Nguyên do là phát hiện trễ, biến chứng suy thận đã tới giai đoạn cuối.
Biến chứng mắt:
- Xuất huyết võng mạc do vỡ mạch máu võng mạc có thể gây mù lòa.
- Nếu không vỡ, tăng huyết áp sẽ làm hẹp động mạch, lâu ngày cũng ảnh hưởng thị giác.
Biến chứng mạch máu:
- Tắc mạch máu tay, chân có thể bị hoại tử phải đoạn chi. Nhẹ hơn gây đau ảnh hưởng tới di chuyển.
- Động mạch chủ có thể bị phình to, bóc tách, vỡ thành động mạch gây tử vong.
- Đặc biệt tăng huyết áp còn làm nghiêm trọng tình trạng đái tháo đường nếu cùng mắc. Một khi kết hợp cùng đái tháo đường, nguy cơ xảy ra các biến chứng tăng lên rất cao.
Biểu hiện của tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào?
Trẻ bị tăng huyết áp thường có các biểu hiện:
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Đỏ bừng mặt
- Khó tập trung
- Hồi hộp
- Nôn ói
- Vã mồ hôi
- Đánh trống ngực
- Giảm thị lực
- Mệt, giảm hoạt động
- Khó thở
- Phù
- Co giật
- Tiểu ít
Các biểu hiện trên đều từ tổn thương các cơ quan. Triệu chứng thường mơ hồ, không rõ ràng, do đó khó phát hiện. Cần phát hiện mọi bất thường của trẻ và đưa đi khám kịp thời.
Chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào?
Điều tiên quyết là phải chẩn đoán sớm và tầm soát tất cả biến chứng ở trẻ. Cần được chẩn đoán chính xác và quyết đoán để tránh bỏ sót và điều trị quá tay. Như đã nói trẻ cần được đo huyết áp bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi. Trong những trường hợp khó xác định, trẻ có thể được đeo thiết bị đo huyết áp trong 24 giờ. Kết quả sẽ được đối chiếu và khẳng định trẻ có bị tăng huyết áp hay không.
Việc tầm soát biến chứng phải kết hợp hỏi bệnh, khám, và xét nghiệm. Xét nghiêm được đưa ra theo từng nhóm cơ quan:
- Siêu âm tim, ECG, X Quang phổi, siêu âm mạch máu …
- Xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng, CT Scan bụng, MRI bụng
- CT Scan não, MRI não
- Một số xét nghiệm chuyên biệt như: chức năng tuyến giáp, xét nhiệm miễn dịch…
Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào?
Việc đầu tiên là phát hiện và điều trị biến chứng. Tùy từng biến chứng mà sẽ có các can thiệp khác nhau. Nếu được phát hiện càng sớm thì sẽ càng dễ khắc phục biến chứng, thậm chí có thể chữa khỏi.
- Nếu có nguyên nhân thứ phát, khắc phục được nguyên nhân sẽ làm hạ huyết áp. Việc điều trị nguyên nhân và biến chứng song song với dùng thuốc huyết áp.
- Nếu tăng huyết áp là nguyên phát, dùng thuốc đòi hỏi liên tục, đều đặn và suốt đời. Thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay có rất nhiều loại. Phối hợp thuốc như thế nào phụ thuộc đánh giá của bác sĩ và sự hợp tác của bệnh nhân. Không được bỏ thuốc vì có thể gây tăng huyết áp đột ngột dễ gây các biến chứng.
Phát hiện kịp thời, chính xác và tuân thủ điều trị là chìa khóa của điều trị tăng huyết áp ở trẻ em.
Theo dõi tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào?
- Tuân thủ điều trị là nguyên tắc hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp.
- Đối với tăng huyết áp nguyên phát, cần uống thuốc đều đặn và tái khám thường xuyên. Trẻ lớn nhanh, cở thể thay đổi dẫn tới đáp ứng với thuốc cũng thay đổi. Cần tái khám thường xuyên để được điều chỉnh thuốc nếu cần. Và nhớ kí tăng huyết áp nguyên phát phải uống thuốc suốt đời.
- Theo dõi tăng huyết áp thứ phát phải kèm theo nguyên nhân và biến chứng. Phát hiện các biến chứng để ngăn chặn kịp thời.
- Cha mẹ cần theo dõi sát để phát hiện bất cứ bất thường nào của trẻ.
Xây dựng lối sống lành mạnh ở trẻ em có tăng huyết áp
- Ăn nhạt, giảm ăn muối, tránh ăn nhiều dầu mỡ
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao
- Giảm lo lắng, ngủ sớm
- Tuân thủ y lệnh bác sĩ
- Không uống nhiều nước tăng lực, kích thích
- Theo dõi sát triệu chứng và mang trẻ tới khám ngay khi nghi ngờ.
Tăng huyết áp ở trẻ em là sát thủ âm thầm. Bệnh biểu hiện không rõ ràng, khó phát hiện và biến chứng nguy hiểm, bất ngờ. Cần phát hiện sớm để trẻ được điều trị kịp thời. Tuân thủ điều trị là tiên quyết nếu muốn kiểm soát tăng huyết áp. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con để phát hiện kịp thời các bất thường của trẻ. Nếu được điều trị sớm, sẽ hạn chế được biến chứng và cải thiện được tiên lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.