Tay chân miệng có lây không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus gây ra với hội chứng lâm sàng nhẹ. Bệnh có thể sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Điều này làm các bậc phụ huynh rất băn khoăn về việc bệnh tay chân miệng có lây không? Nếu có thì bệnh lây qua đường nào? Hay bệnh tay chân miệng có lây cho người lớn không? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu khả năng cũng như con đường lây truyền của bệnh và biết cách phòng ngừa hiệu quả qua bài viết sau nhé!
Tay chân miệng có lây không?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Tay chân miệng thường không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan. Bệnh lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với virus. Do đó, nó thường lây lan nhanh chóng tại các trường học, nhà trẻ hay các cơ sở chăm sóc trẻ em.1 2
Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng, virus có thể được tìm thấy trong:2
- Dịch tiết mũi và cổ họng, chẳng hạn như nước bọt hoặc chất nhầy mũi.
- Chất dịch lỏng từ mụn nước.
- Phân.
Tay chân miệng dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh.1 Một điểm đáng chú ý là virus có thể được phát hiện trong hầu họng và phân của những người bị nhiễm bệnh từ những ngày trước khi phát bệnh hay có triệu chứng.3 Do đó, bệnh vẫn có thể lan truyền ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng nào.
Tay chân miệng lây qua đường nào?
Sự lây lan của virus thường qua trung gian là do ăn hay nuốt phải virus thải ra từ đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp trên của người bị nhiễm bệnh. Cũng có thể nhiễm virus qua dịch mụn nước hoặc dịch tiết ở miệng.1
Virus gây bệnh tay chân miệng thường lây lan qua tiếp xúc giữa người với người theo nhiều cách khác nhau:2 3
1. Đường hô hấp
- Tiếp xúc với những giọt bắn có chứa virus khi nói, ho hoặc hắt hơi. Những giọt này có thể rơi xuống hoặc dụi vào mắt, mũi hoặc miệng.
- Tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp (chất nhầy mũi hoặc nước bọt) của người mang virus gây bệnh.
- Chạm vào người bệnh hoặc tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, ôm hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống.
- Chạm vào các đồ vật và bề mặt có virus trên đó, chẳng hạn như tay nắm cửa hoặc đồ chơi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn.
2. Đường phân – miệng
- Tiếp xúc với phân của bệnh nhân tay chân miệng. Điều này thường liên quan đến việc trẻ bị bệnh tự làm bẩn tay của mình và sau đó chạm vào đồ vật mà trẻ khác chạm vào. Đứa trẻ chạm vào bề mặt bị ô nhiễm sau đó đưa ngón tay vào miệng của chính mình.
- Mặc dù hiếm gặp, nhưng cũng có thể nhiễm virus khi nuốt phải nước bể bơi. Điều này có thể xảy ra nếu nước không được xử lý bằng clo đúng cách và bị nhiễm phân của người mắc bệnh tay chân miệng.
3. Tay chân miệng có lây cho người lớn không?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus phổ biến thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em. Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tay chân miệng. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 7 tuổi.1 Những trẻ lớn hơn và người lớn thường được cho là đã có miễn dịch với bệnh tay chân miệng. Do đã tạo ra các kháng thể sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh.2 Mặc dù trẻ em có xu hướng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao hơn nhưng đôi khi người lớn vẫn có thể mắc bệnh tay chân miệng.
Giai đoạn nào thì bệnh hết lây?
Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng thường là 2–10 ngày, trung bình là 3–5 ngày. Tiến triển của bệnh chia làm 5 giai đoạn (phát ban, rối loạn chức năng thần kinh, giai đoạn đầu suy tim phổi, suy tim phổi, hồi phục). Đa số các trường hợp thường chỉ trải qua giai đoạn đầu và hồi phục trong vòng một tuần. Trên lâm sàng, hầu hết các trường hợp đều có sốt kèm theo phát ban ở tay, chân, miệng và mông.4 Đây là các giai đoạn có xu hướng dễ lây nhiễm nhất của bệnh.
Hầu hết mọi người không còn lây nhiễm sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có thể lây lan virus cho người khác trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất hoặc ngay cả khi họ không có triệu chứng nào.5 Lý do là người bị bệnh tay chân miệng có thể thải virus từ đường hô hấp trong 1-3 tuần và trong phân từ vài tuần đến vài tháng sau khi bắt đầu nhiễm.3
Cách phòng ngừa lây lan tay chân miệng
1. Đối với người bệnh3 5 6
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Với trẻ, giúp trẻ rửa tay và dạy trẻ cách rửa tay và đảm bảo rằng trẻ rửa tay thường xuyên.
- Thực hiện và hướng dẫn trẻ thực hiện che miệng và mũi và sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
- Giữ vết phồng rộp sạch sẽ và tránh chạm vào chúng.
- Không dùng chung khăn hoặc đồ gia dụng như cốc hoặc dụng cụ ăn uống.
- Giặt ga trải giường và quần áo bẩn bằng nước nóng.
- Cho trẻ nghỉ học hoặc nghỉ đi nhà trẻ khi bé cảm thấy không khỏe. Nhưng ngay khi cảm thấy khỏe hơn, trẻ có thể quay lại trường học hoặc nhà trẻ. Không cần đợi đến khi tất cả các vết phồng rộp đã lành.
2. Đối với người khỏe mạnh3 5 6
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Hoặc có thể vệ sinh tay bằng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Luôn rửa sạch tay sau khi thay tã, vệ sinh cho bé; sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi. Đặc biệt là trước và sau khi chăm sóc người bệnh.
- Không chạm tay vào mắt, mũi và miệng nếu chưa rửa sạch.
- Thường xuyên khử trùng, làm sạch các bề mặt thường chạm vào và các vật dụng dùng chung. Ví dụ như đồ chơi và tay nắm cửa.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin cần thiết về vấn đề tay chân miệng có lây không. Bệnh rất dễ lây lan và qua nhiều con đường khác nhau. Dù là bệnh nhẹ và có thể tự khỏi nhưng hãy thực hiện các biện pháp ngăn chặn thật tốt để tránh gặp các cảm giác khó chịu khi mắc bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hand, Foot, and Mouth Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431082/
Ngày tham khảo: 11/06/2023
-
How Hand, Foot, and Mouth Disease Spreadshttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/transmission.html
Ngày tham khảo: 11/06/2023
-
Hand, Foot & Mouth Disease: Parent FAQshttps://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Hand-Foot-and-Mouth-Disease.aspx
Ngày tham khảo: 11/06/2023
-
Current status of hand-foot-and-mouth diseasehttps://jbiomedsci.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12929-023-00908-4
Ngày tham khảo: 11/06/2023
-
HAND-FOOT-AND-MOUTH DISEASE: TIPS FOR PREVENTINGhttps://www.aad.org/public/diseases/a-z/hand-foot-mouth-self-care
Ngày tham khảo: 11/06/2023
-
Hand-foot-and-mouth diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/symptoms-causes/syc-20353035
Ngày tham khảo: 11/06/2023