Nên chọn phương pháp nào để điều trị thai ngoài tử cung?
Nội dung bài viết
Thai ngoài tử cung là gì? Đây là một tình trạng sản khoa vô cùng nguy hiểm, hậu quả mà hiện tượng này gây ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Bài viết sau đây của Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh sẽ giải đáp câu hỏi nên chọn phương pháp nào để điều trị thai ngoài tử cung.
Mức độ nguy hiểm của tình trạng thai ngoài tử cung
Vỡ vòi trứng gây chảy máu vào ổ bụng
Khi khối thai ngoài tử cung phát triển lớn, nó ăn mòn các mạch máu của vòi trứng, làm cho đoạn vòi trứng căng phồng ra. Đến khi khối thai lớn hơn sẽ làm vỡ vòi trứng và các mạch máu, gây chảy máu vào ổ bụng.
Thai ngoài tử cung tự ngưng phát triển
Khối thai nhỏ, các tế bào nuôi thai không phát triển, sự cung cấp máu đến khối thai giảm dần, khối thai sẽ tự ngưng phát triển. Trường hợp này, bệnh nhân có thể được theo dõi cho đến khi khối thai ngưng phát triển hoàn toàn mà không cần điều trị gì.
Sảy khối thai qua loa vòi vào trong ổ bụng
Vì khối thai làm tổ sai vị trí nên dễ bị bong ra gây sảy thai và chảy máu. Nếu chỉ chảy máu nhẹ gây đọng máu trong vòi trứng, khối thai sẽ tự tiêu đi. Nếu máu chảy nhiều hơn có thể tạo thành các khối máu tụ trong ổ bụng. Nguy hiểm nhất, khối thai sảy gây chảy máu ồ ạt khắp ổ bụng, đây là trường hợp khẩn cấp cần phẫu thuật.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung như thế nào?
Khi bạn có những triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ khám vùng chậu và làm các xét nghiệm. Khám vùng chậu để tìm vị trí cơn đau, mức độ đau và các khối ở vùng chậu. Khám cũng giúp bác sĩ tìm các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phẫu thuật cấp cứu. Để xác định chính xác, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm và siêu âm.
Xét nghiệm thai kì
Bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm hCG hoặc beta-hCG (chất do tế bào nuôi thai tiết ra) để chắc chắn là bạn có thai. Xét nghiệm sẽ được lặp lại mỗi vài ngày cùng với siêu âm xác định vị trí của thai. Nồng độ hCG cũng được dùng để theo dõi diễn biến của khối thai. Do đó khi theo dõi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị làm lại xét nghiệm này nhiều lần.
Chuẩn đoán thai ngoài tử cung bằng cách siêu âm
Hình ảnh siêu âm qua ngã âm đạo cho phép bác sĩ nhìn thấy vị trí của khối thai. Bác sĩ sẽ dùng một đầu dò siêu âm nhỏ đưa qua âm đạo để quan sát tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Nếu có thể, bác sĩ sẽ biết được vị trí, kích thước và sự phát triển của khối thai. Điều này giúp chẩn đoán và quyết định điều trị.
Nên chọn phương pháp nào để điều trị thai ngoài tử cung?
Tùy diễn tiến của thai ngoài tử cung, thường có ba cách điều trị thai ngoài tử cung:
- Điều trị bằng thuốc.
- Phẫu thuật.
- Theo dõi diễn tiến.
Nếu khối thai ngoài tử cung đã vỡ và/ hoặc gây các biến chứng như chảy máu trong ổ bụng thì phẫu thuật cấp cứu là bắt buộc để cứu tính mạng của người mẹ.
Nếu khối thai ngoài tử cung chưa vỡ, có các trường hợp sau:
- To và có khả năng vỡ: ưu tiên lựa chọn phương pháp phẫu thuật.
- Nhỏ, chưa vỡ nhưng vẫn đang tiếp tục to ra: có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Nhỏ và tự tiêu đi: có thể theo dõi đến khi khối thai tự tiêu đi hoàn toàn.
Vậy nếu khối thai chưa vỡ, nên chọn phương pháp phẫu thuật hay tiêm thuốc?
Điều trị bằng thuốc
Khối thai ngoài tử cung nhỏ và không gây chảy máu nghiêm trọng có thể được điều trị bằng thuốc Methotrexate. Thuốc này sẽ khiến những tế bào ngưng phát triển và tiêu đi. Trước khi tiêm thuốc, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm hCG, xét nghiệm công thức máu và chức năng gan, thận để đảm bảo đủ điều kiện dùng thuốc.
Hiện nay, bác sĩ của bạn và bạn có thể làm việc với nhau. Trong quá trình điều trị, để đạt dược hiệu quả cao nhất thì bạn cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc chữa trị sẽ cần tốn thời gian, cần có sự kiên nhẫn của người bệnh.
Phẫu thuật
Nếu khối thai ngoài tử cung đã vỡ và/hoặc gây các biến chứng như chảy máu trong ổ bụng thì phẫu thuật cấp cứu là bắt buộc để cứu tính mạng của người mẹ.
Chọn lựa phương pháp điều trị nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về diễn tiến bệnh và ưu khuyết điểm của từng phương pháp. Sẽ tốt hơn nếu bạn trao đổi với bác sĩ về dự định sinh con tương lai và những mong muốn cá nhân để được hướng dẫn.
Lưu ý khi điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc Methotrexate
Để điều trị thai ngoài tử cung bằng Methotrexate hiệu quả và an toàn, có những điều cần chú ý sau:
Tác dụng phụ của thuốc Methotrexate
Tiêm thuốc Methotrexate có thể có vài tác dụng phụ. Hầu hết bệnh nhân có cảm giác đau bụng nhẹ. Chảy máu âm đạo cũng có thể xảy ra. Những tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm:
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Loét miệng.
- Buồn nôn và nôn.
- Tiêu chảy.
- Rụng tóc.
- Chóng mặt, đau đầu.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Tăng men gan.
- Ảnh hưởng đến các dòng tế bào máu.
Những triệu chứng này thường nhẹ và thoáng qua, sẽ tự cải thiện sau vài ngày điều trị. Nếu triệu chứng nghiêm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ để được theo dõi và giải quyết.
Dấu hiệu nguy hiểm cần được khám ngay
Trong quá trình điều trị, nếu những triệu chứng đột trở nên nặng nề, hãy báo ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Những triệu chứng nguy hiểm thường gặp như:
- Đột ngột đau bụng dữ dội.
- Đau vai.
- Mệt mỏi nhiều, xanh xao nhợt nhạt, vã mồ hôi.
- Ra máu âm đạo lượng nhiều.
Sau khi tiêm thuốc Methotrexate cần tránh những gì
Để hiệu quả điều trị tốt hơn và tránh các biến chứng, trong quá trình điều trị cần chú ý:
- Tránh tập thể dục mạnh.
- Tránh giao hợp vì có thể tác động làm vỡ khối thai.
- Không uống rượu.
- Tránh những thuốc và thức ăn chứa acid folic vì có thể làm giảm tác dụng của Methotrexate. Ví dụ: các loại hạt và ngũ cốc; các loại rau lá màu xanh đậm như cải bó xôi, xà lách. Trái cây họ cam, quýt và bơ; lòng đỏ trứng gà cũng chứa acid folic.
- Không sử dụng các thuốc giảm đau hay kháng viêm như Ibuprofen. Nếu muốn dùng bất kì loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
- Tránh ánh nắng mặt trời trong 3 – 4 ngày sau điều trị để tránh viêm da.
- Tránh thai ít nhất 3 tháng và theo dõi điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi nào được mang thai trở lại?
Nếu phẫu thuật, bệnh nhân được khuyên đợi ít nhất 2 chu kì kinh nguyệt để cơ thể hồi phục. Điều trị bằng Methotrexate, khuyến cáo đợi 3 đến 6 tháng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, bệnh nhân được khuyên tránh thai ít nhất 3 tháng trong quá trình theo dõi và điều trị bằng Methotrexate.
Tuy nguy cơ mắc lại một thai ngoài cao hơn một chút, hầu hết phụ nữ đều có thể mang thai lại bình thường ngay cả khi đã phẫu thuật cắt vòi trứng một bên. Trong trường hợp cắt vòi trứng 2 bên, thụ tinh trong ống nghiệm có thể được chọn lựa. Hãy chủ động trao đổi với bác sĩ về mong muốn sanh con của cá nhân. Ngoài ra, ở thai kì tiếp theo, thông báo với bác sĩ về tiền sử thai ngoài tử cung, bên trái hay phải, thời gian khi nào và phương pháp điều trị.
Thai ngoài tử cung nếu được phát hiện sớm có thể tránh biến chứng của bệnh đồng thời có nhiều cơ hội hơn trong điều trị. Chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào diễn tiến của bệnh, kế hoạch sinh con và mong muốn cá nhân. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đủ thông tin cần thiết về các phương pháp điều trị. Đừng ngại trao đổi với bác sĩ để tìm được cách điều trị phù hợp nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Nguyễn Chí Quang (2018), “Thai ngoài tử cung”, Bài giảng Tín chỉ Sản Khoa, Đại học Y dược TP.HCM
-
Ectopic Pregnancyhttps://www.acog.org/Patients/FAQs/Ectopic-Pregnancy
Ngày tham khảo: 05/06/2020
-
Ectopic pregnancyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopic-pregnancy/symptoms-causes/syc-20372088
Ngày tham khảo: 05/06/2020