YouMed

Phẫu thuật thay khớp háng và những lưu ý bạn cần

BS Nguyễn Tấn Hưng
Tác giả: BS.CKI Nguyễn Tấn Hưng
Chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình

Phẫu thuật thay khớp háng là phẫu thuật dành cho người bị tổn thương nghiêm trọng khớp háng. Các nguyên nhân khác nhau có thể gây đau, sưng, giảm khả năng vận động khớp háng làm ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Khi các biện pháp điều trị khác không còn hiệu quả nữa thì thay khớp sẽ là biện pháp cứu cánh đầy hy vọng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật này nhé!

Thay khớp háng là gì?

Thay khớp háng là một phẫu thuật lấy bỏ khớp háng bị hư và thay thế bằng khớp háng nhân tạo.

Phẫu thuật thay khớp háng lần đầu tiên được thực hiện vào đầu những năm 1970. Đây một phẫu thuật mang tính cách mạng, thành công nhất của ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Phẫu thuật thay khớp háng thường là chỉ định điều trị cuối cùng được lựa chọn. Khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả hoặc không phù hợp đối với một số bệnh ở khớp háng.

Thay khớp háng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh bằng cách giảm đau khớp hiệu quả và giúp việc đi lại, di chuyển trở nên dễ dàng hơn.

Khớp háng cấu tạo như thế nào?

Khớp háng là một trong những khớp lớn nhất và linh hoạt nhất trong cơ thể. Nó bao gồm phần đầu trên của xương đùi (phần chỏm cầu đùi) gặp và tiếp khớp với ổ cối của xương chậu (xương hông) để tạo ra khớp.

Chỏm xương đùi được đặt khít vào ổ cối của xương chậu, được giữ vững bởi các dây chằng, gân và cơ xung quanh khớp. Các đầu xương được bao phủ bởi lớp sụn khớp trơn láng; đóng vai trò như bộ phận đệm. Đi kèm với đó là màng hoạt dịch bao quanh khớp tiết ra chất hoạt dịch giúp bôi trơn. Chất hoạt dịch này làm cho khớp hoạt động trơn tru và mượt mà.2 3

Cấu tạo của khớp háng
Cấu tạo của khớp háng

Khớp háng bị đau thường do nguyên nhân gì?

Đau khớp háng thường do những bệnh gây ra tình trạng viêm ở khớp háng như thoái hoá khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp sau chấn thương. Cụ thể như sau:1 2 3

Thoái hoá khớp háng

Thoái hóa khớp háng là tình trạng mà lớp sụn khớp lót cho các đầu xương ở khớp háng bị mỏng và mòn đi do quá trình lão hoá, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Mất đi lớp sụn sẽ làm khớp không còn hoạt động trơn tru nữa. Sinh ra các triệu chứng đau và cứng khớp khiến người bệnh vận động khó khăn.

Một số bệnh viêm khớp

Một số bệnh viêm khớp bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, Lupus ban đỏ hệ thống…

Một số bệnh tự miễn hay không tự miễn gây ra viêm khớp, màng hoạt dịch bị viêm và dày lên. Tình trạng viêm khớp mạn tính này có thể làm tổn thương sụn khớp, gây đau và cứng khớp.

Viêm khớp sau chấn thương

Đau khớp háng có thể xảy ra sau khi gãy xương, hoặc chấn thương khớp háng nặng. Lớp sụn khớp có thể bị hư tổn, gây đau và cứng khớp theo thời gian.

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi (Osteonecrosis)

Đây là tình trạng xương bị thiếu, mất nguồn máu nuôi, dẫn đến mô xương vùng chỏm xương đùi bị chết (hoại tử). Từ đó có thể làm cho bề mặt khớp bị lún xuống, và gây viêm khớp. Nguyên nhân được chia làm 2 nhóm:

Do chấn thương

Chỏm xương đùi bị hoại tử, xảy ra sau khi bị chấn thương như gãy xương ở vùng cổ xương đùi hay trật khớp háng. Khoảng 20% bệnh nhân bị trật khớp háng sẽ tiến triển đến bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.5

Không do chấn thương

Hoại tử vô mạch xảy ra khi cơ thể bệnh nhân bị thiếu máu đến nuôi chỏm xương đùi. Do đó tình trạng này ảnh hưởng đến cả 2 bên khớp háng.

Một số nguyên nhân có thể kể đến như bệnh lý hồng cầu hình liềm, đái tháo đường, Lupus, hoá xạ trị ung thư, sử dụng corticoid lâu ngày, nghiện rượu, thuốc lá… hoặc không rõ nguyên nhân.

(Trái) Hình X-quang khớp háng khỏe mạnh. (Phải) Hình ảnh chỏm xương đùi đã tiến triển đến giai đoạn xẹp do chứng hoại tử chỏm xương
(Trái) Hình X-quang khớp háng khỏe mạnh. (Phải) Hình ảnh chỏm xương đùi đã tiến triển đến giai đoạn xẹp do chứng hoại tử chỏm xương

Bệnh khớp háng thời thơ ấu

Một số trẻ sơ sinh và trẻ em có thể gặp các bệnh ở khớp háng, do khớp háng phát triển bất thường. Ví dụ như bệnh trật khớp háng bẩm sinh, loạn sản khớp háng, trượt chỏm xương đùi… Mặc dù các vấn đề này đã được điều trị thành công trong thời thơ ấu, nhưng vẫn có thể gây ra đau và hư khớp về sau.

Chấn thương ở khớp háng

Gãy cổ xương đùi và vùng mấu chuyển xương đùi, không lành xương sau khi gãy ở các vùng này, trật khớp háng, rách sụn viền khớp háng, bong gân khớp háng…

Một số nguyên nhân khác

Đau thần kinh tọa, viêm bao hoạt dịch, nhiễm trùng khớp, u bướu ở vùng khớp háng…

Đau khớp háng do nhiều nguyên nhân
Đau khớp háng do nhiều nguyên nhân

Chỉ định thay khớp háng

Không có giới hạn tuyệt đối về độ tuổi hoặc cân nặng đối với việc thay khớp háng. Đa số bệnh nhân được thay khớp háng toàn phần ở độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi.3

Chỉ định thay khớp háng được đặt ra đối với từng bệnh nhân cụ thể. Sau khi được bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình xem xét kỹ lưỡng. Hầu hết bệnh nhân được cân nhắc phẫu thuật thay khớp háng dựa trên mức độ đau và cứng khớp háng với các tính chất sau:2 3 6 7

  • Cơn đau khớp háng làm hạn chế các hoạt động thường ngày, như đi bộ hoặc gập người.
  • Đau khớp háng xảy ra kể cả khi nghỉ, liên tục cả ngày lẫn đêm;
  • Cứng khớp háng làm hạn chế khả năng di chuyển hoặc nâng nhấc chân;
  • Cơn đau khớp không giảm sau khi dùng thuốc chống viêm, vật lý trị liệu hoặc dụng cụ hỗ trợ đi đứng như nạng hay khung tập đi.

Có những loại thay khớp háng nào?

Có hai loại thay khớp háng chính:2

Thay toàn bộ khớp háng hay thay khớp háng toàn phần

Đây là loại phổ biến nhất. Phẫu thuật thay cả phần chỏm xương đùi và phần ổ cối của xương chậu bằng các mảnh ghép khớp háng nhân tạo.

Thay một phần khớp háng hay thay khớp háng bán phần

Bác sĩ chỉnh hình sẽ thay thế một phần của khớp háng. Phẫu thuật cụ thể chỉ thay thế phần chỏm xương đùi. Phẫu thuật này thường được thực hiện cho những bệnh nhân lớn tuổi bị gãy ở cổ xương đùi.

Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật thay khớp háng?

Chuẩn bị về mặt y khoa cho cuộc phẫu thuật2 3 7

Để đảm bảo bệnh nhân có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật và quá trình hồi phục được tốt nhất. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cùng với các bác sĩ khác như bác sĩ gây mê, bác sĩ nội tiết, tim mạch… sẽ cùng nhau đánh giá, điều trị cho ổn định các tình trạng, bệnh lý mà bệnh nhân đang có.

Xét nghiệm

Các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Như xét nghiệm máu và nước tiểu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực…

Thuốc đang dùng

Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang dùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn loại thuốc có thể tiếp tục dùng, hoặc ngưng trước phẫu thuật.

Kiểm tra da

Vùng da trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng mổ, không được có bất kỳ viêm nhiễm hay kích ứng nào trước phẫu thuật. Bác sĩ sẽ kiểm soát các vấn đề về da trước phẫu thuật.

Đánh giá nha khoa

Mặc dù tỉ lệ nhiễm trùng sau khi thay khớp háng thấp. Nhưng nó vẫn có thể xảy ra nếu vi khuẩn xâm nhập vào đường máu.

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường máu trong khi thực hiện các thủ thuật nha khoa. Các thủ thuật nha khoa lớn (như nhổ răng và điều trị nha chu) phải được hoàn thành trước phẫu thuật thay khớp háng. Việc chăm sóc răng định kỳ phải được trì hoãn trong vài tuần sau phẫu thuật.

Đánh giá đường niệu

Những bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu gần đây, hoặc có tiền sử bị trước đó nên được điều trị dứt hẳn trước phẫu thuật thay khớp.

Bệnh nhân nam lớn tuổi thường đi kèm bệnh về tuyến tiền liệt. Bệnh nhân cần được điều trị kỹ càng trước khi lên bàn mổ.

Chuẩn bị thể chất, giảm cân

Tập luyện trước khi phẫu thuật có thể giúp tăng tốc độ phục hồi của bạn. Nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm một vài cân trước khi đi mổ. Giảm cân giúp giảm áp lực cho khớp háng mới và có thể giảm các nguy cơ do phẫu thuật.

Hãy hỏi bác sĩ phẫu thuật của bạn về các bài tập bạn có thể thực hiện để tăng cường cơ bắp, phần trên cơ thể và cơ chân trước khi phẫu thuật.

Việc tập luyện không chỉ có thể giúp bạn giảm cân mà còn chuẩn bị cho phần trên cơ thể của bạn trở nên chắc khỏe sẽ giúp việc đi lại bằng nạng hoặc khung tập đi dễ dàng hơn.

Kiểm soát cân nặng để giảm các nguy cơ khi phẫu thuật
Kiểm soát cân nặng để giảm các nguy cơ khi phẫu thuật

Lập kế hoạch đời sống xã hội1 2 3 8

Xem xét việc phẫu thuật và phục hồi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công việc và cuộc sống. Tùy vào công việc của mình, bạn có thể cần một vài tuần – hoặc thậm chí vài tháng – xa nơi làm việc.

Mặc dù có thể đi lại ngay bằng gậy, nạng hoặc khung tập đi sau phẫu thuật. Nhưng bạn sẽ cần người khác giúp bạn trong vài tuần với những việc như nấu ăn, mua sắm, tắm rửa và giặt giũ…

Nếu sống một mình, nên nhờ người thân hoặc bạn bè ở cùng bạn trong một thời gian. Nếu không, bạn hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể ở lại bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng sau phẫu thuật trong khi hồi phục hay không.

Để hỗ trợ sinh hoạt thoải mái nhất, bạn nên sắp xếp, lắp đặt thêm những vật dụng như sau ở trong nhà:

  • Tay vịn chắc chắn dọc theo cầu thang trong nhà, tay vịn an toàn đặt trong nhà tắm.
  • Ghế ngồi có chiều cao phù hợp với bạn (cho phép đầu gối của bạn luôn đặt ở vị trí thấp hơn hông) và có đệm ngồi và lưng tựa cứng đi kèm 2 gác tay, bục để chân.
  • Bệ ngồi toilet cao, tránh bệ ngồi xổm.

    Sử dụng bệ ngồi toilet cao, tránh bệ ngồi xổm
    Sử dụng bệ ngồi toilet cao, tránh bệ ngồi xổm
  • Ghế tắm chắc chắn để ngồi tắm.
  • Nên sử dụng bông tắm có cán dài và vòi tắm để tránh cúi người quá mức khi tắm.
  • Gậy hỗ trợ có cán dài để xỏ và cởi giày và vớ mà không làm gập người quá mức.
  • Đệm cứng để kê ghế, ghế sofa và ghế xe hơi cho phép bạn ngồi với đầu gối luôn thấp hơn phần hông.

    Dùng đệm cứng để kê ghế sao cho đầu gối thấp hơn hông
    Dùng đệm cứng để kê ghế sao cho đầu gối thấp hơn hông
  • Loại bỏ tất cả thảm lót sàn và dây nhợ như dây cáp, dây điện lỏng lẻo khỏi các khu vực bạn đi lại trong nhà. Có thể dùng thảm chống trượt ở những nơi trơn trượt như nhà tắm.
  • Chuẩn bị nơi ở tạm thời trên cùng một tầng lầu. Việc đi bộ lên hoặc xuống cầu thang sẽ khó khăn trong thời gian đầu.
  • Để điều khiển từ xa của tivi, điện thoại, điện thoại di động, thuốc, khăn giấy và sọt rác ở gần giường của bạn. Có thể lắp thêm đèn để khu vực bạn ở thêm ánh sáng.
  • Đặt các vật dụng sử dụng hàng ngày ngang tầm tay để dễ dàng lấy mà không cần khom lưng.
  • Hạn chế ở chung với thú cưng như chó mèo vì chúng có thể làm bạn té ngã cho đến khi bạn bình phục hoàn toàn.
  • Lắp chuông báo nguy hiểm hoặc mang theo điện thoại để gọi cho người giúp đỡ khi bị té ngã.

Quy trình phẫu thuật thay khớp háng

Bạn sẽ được nhập viện vào ngày phẫu thuật hoặc trước đó. Kế hoạch nhập viện và về nhà nên được thảo luận với bác sĩ mổ cho bạn.

Phương pháp vô cảm (gây tê/gây mê trong lúc mổ)1 3

Sau khi nhập viện, bạn sẽ được bác sĩ gây mê đánh giá lại xem mình phù hợp với phương pháp vô cảm nào.

Các phương pháp phổ biến là gây mê toàn thân (ngủ hoàn toàn) hay gây tê tủy sống, ngoài màng cứng hoặc gây tê vùng thần kinh (bạn vẫn tỉnh nhưng cơ thể được gây tê từ thắt lưng trở xuống). Bác sĩ gây mê sẽ quyết định cách thức, loại gây mê nào phù hợp nhất cho bạn.

Cấu tạo khớp háng nhân tạo2 3 6

Ngày nay, khớp háng nhân tạo có nhiều thiết kế khác nhau. Những vật liệu phổ biến nhất được sử dụng để làm khớp háng nhân tạo như kim loại titan, coban-crom, thép không gỉ, gốm (ceramic) và nhựa y tế polyetylen.

Tất cả các khớp háng nhân tạo đều có các thành phần cơ bản như sau:

Hai thành phần chính được đóng chặt vào xương đùi và xương chậu đều làm bằng kim loại:

  • Ổ cối (Acetabular Component) có hình cốc hay chén.
  • Chuôi xương đùi (Femoral Stem).

Hai thành phần mặt khớp:

  • Lớp đệm ổ cối (Plastic Liner) trên hình làm bằng nhựa polyetylen, lớp này cũng có thể được làm bằng gốm đi kèm vỏ bọc bằng kim loại.
  • Chỏm xương đùi (Femoral Head) có hình dạng khối cầu, làm từ vật liệu gốm hoặc kim loại được đánh bóng kĩ.
Mảnh ghép chuôi xương đùi và ổ cối nhân tạo sẽ được đóng chặt vào xương và khi xương mới sẽ mọc bám chặt vào 2 thành phần này
Mảnh ghép chuôi xương đùi và ổ cối nhân tạo sẽ được đóng chặt vào xương và khi xương mới sẽ mọc bám chặt vào 2 thành phần này

Mảnh ghép chuôi xương đùi và ổ cối nhân tạo sẽ được đóng chặt vào xương. Khi xương mới sẽ mọc bám chặt vào 2 thành phần này.

Tuỳ thuộc vào chất lượng xương mà bác sĩ sẽ có thể dùng thêm xi măng sinh học (metylmethacrylate) như một chất kết dính để cố định tăng cường giữa xương và mảnh ghép kim loại, nếu chất lượng xương ban đầu kém.

Sự kết hợp giữa chuôi có xi măng và ổ chảo không xi măng cũng có thể được áp dụng.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ lựa chọn loại khớp háng nhân tạo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng bệnh nhân riêng biệt.

Hình trái: Phần chuôi được đóng vào xương đùi loại không xi măng chuẩn. Hình giữa: Chuôi được gia công tạo bề mặt xốp để xương có thể phát triển, bám chắc vào chuôi. Hình phải: Thành phần xương đùi và thành phần ổ cối hoạt động cùng nhau.
Hình trái: Phần chuôi được đóng vào xương đùi loại không xi măng chuẩn. Hình giữa: Chuôi được gia công tạo bề mặt xốp để xương có thể phát triển, bám chắc vào chuôi. Hình phải: Thành phần xương đùi và thành phần ổ cối hoạt động cùng nhau.
Hình trái: Thành phần ổ cối cho thấy lớp lót bằng nhựa (polyetylen) bên trong vỏ kim loại. Hình phải: Ổ cối nhân tạo có bề mặt nhám và xốp được đóng vào xương chậu, cho phép xương mọc vào trong để giữ chặt nó; các lỗ tròn trên ổ cối để bắt vít vào xương chậu nhằm cố định chắc hơn nếu cần.
Hình trái: Thành phần ổ cối cho thấy lớp lót bằng nhựa (polyetylen) bên trong vỏ kim loại. Hình phải: Ổ cối nhân tạo có bề mặt nhám và xốp được đóng vào xương chậu, cho phép xương mọc vào trong để giữ chặt nó; các lỗ tròn trên ổ cối để bắt vít vào xương chậu nhằm cố định chắc hơn nếu cần.
Phim X-Quang trước mổ (trái) và phim sau mổ (phải), loại khớp háng không dùng thêm xi măng
Phim X-Quang trước mổ (trái) và phim sau mổ (phải), loại khớp háng không dùng thêm xi măng

Quá trình phẫu thuật

Thời gian phẫu thuật có thể diễn ra trong vòng một hoặc hai giờ. Bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau trong phẫu thuật thay khớp háng toàn phần:1 3 9

  1. Tạo một vết rạch da trên hông của bệnh nhân, xuyên qua các lớp mô.
  2. Loại bỏ phần chỏm xương đùi và bề mặt sụn ổ cối bị hư hỏng, để lại xương khỏe mạnh nguyên vẹn.
  3. Đóng, cố định thành phần ổ cối nhân tạo vào xương chậu. Có thể dùng xi măng hoặc đinh vít để cố định hoặc không.
  4. Đóng chuôi kim loại ép chặt vào đầu xương đùi, có thể dùng thêm xi măng hoặc không; sau đó chọn chỏm xương đùi phù hợp để đặt vào chuôi.
  5. Có thể đặt một ống dẫn lưu để giúp thoát dịch vết mổ. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra kĩ, nắn lại các cơ và khâu vết mổ theo từng lớp mô.

Đối với thay khớp háng bán phần thì phẫu thuật sẽ không tác động lên ổ cối (thuộc phần xương chậu). Các bác sĩ chỉnh hình sẽ cố gắng thực hiện thay khớp háng với đường rạch da nhỏ nhất, để có thể hạn chế tổn thương mô mềm và xương của bệnh nhân. Đường mổ nhỏ được cho là giảm mất máu, giảm đau sau phẫu thuật, rút ​​ngắn thời gian nằm viện, giảm sẹo và nhanh lành vết thương hơn.3

Có nhiều phương pháp mổ thay khớp háng với khác biệt về vị trí cũng như độ dài của đường rạch da. Các phương pháp mổ đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Các bác sĩ khác nhau có thể sẽ chọn phương pháp mổ khác nhau. Điều quan trọng là bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiệm, sở trường sử dụng phương pháp nào.

Nghiên cứu đã chỉ ra kết quả của phương pháp xâm lấn tối thiểu với đường mổ ngắn hơn nếu được thực hiện bởi bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm với kỹ thuật này, có thể không tốt bằng khi so với phẫu thuật thay khớp háng tiêu chuẩn.9

Chăm sóc sau mổ thay khớp háng

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức và nằm tại đây trong vài giờ để theo dõi tình trạng hồi phục sau gây mê. Khi đã ổn định hơn, bạn sẽ được chuyển đến bệnh phòng của mình.

Đau sau mổ3

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy hơi đau. Tuy nhiên đây là diễn biến tự nhiên của quá trình lành vết thương sau mổ. Bác sĩ sẽ điều trị giảm đau cho bạn, bớt đau sau mổ sẽ giúp bạn hồi phục tốt hơn.

Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc để giảm đau sau mổ, một số loại thuốc có thể kể đến như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), paracetamol và gây tê giảm đau cục bộ.

Vật lý trị liệu2 6 7

Vật lý trị liệu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Nó giúp bạn trở lại các hoạt động thường ngày nhanh nhất.

Bác sĩ sẽ giới thiệu chuyên viên vật lý trị liệu để bắt đầu tập phục hồi chức năng. Bạn sẽ được hướng dẫn cách bảo vệ khớp háng trong lúc di chuyển, đi bộ với nạng hoặc khung tập đi, các bài tập để lấy lại khả năng vận động của chân.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi10 11

Bệnh nhân thường thở ngắn, nông trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Nguyên nhân có thể do tác dụng của thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thời gian nằm trên giường kéo dài.

Việc thở nông này có thể gây ra xẹp một phần phổi, làm cho bệnh nhân dễ bị viêm phổi. Hít thở sâu thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa xẹp phổi. Điều dưỡng có thể cho bạn một thiết bị tập thở đơn giản gọi là phế dung kế để khuyến khích bạn hít thở sâu.

Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo?

Khớp háng nhân tạo được cấu tạo từ những mảnh ghép được làm bằng kim loại, gốm sứ, nhựa y tế. Những cải tiến trong kỹ thuật mổ và vật liệu khớp nhân tạo sẽ làm cho các mảnh ghép nhân tạo này tồn tại lâu hơn. Mặc dù những vật liệu này rất bền nhưng nó không tồn tại vĩnh viễn.

Những bệnh nhân trẻ tuổi và năng động đã có thay khớp háng, có thể sẽ cần thay lại khớp háng nhân tạo khác.

Tuổi thọ của khớp nhân tạo: 95% kéo dài ít nhất 10 năm, khoảng 75% kéo dài từ 15 đến 20 năm và khoảng hơn 50% kéo dài từ 25 năm trở lên.6

Để giữ gìn khớp háng nhân tạo được lâu hơn, người bệnh cần giữ cân nặng hợp lý, hoạt động thể chất thích hợp, và tránh các môn thể thao cường độ mạnh.

Các yếu tố rủi ro, biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng

Rủi ro liên quan đến phẫu thuật thay khớp háng có thể bao gồm:

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Các biến chứng như đột quỵ và nhồi máu cơ tim thường ít xảy ra. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có các bệnh nội khoa mạn tính như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… có thể khả năng gặp biến chứng sẽ cao hơn bình thường.3 12 

Mặc dù hiếm gặp, nhưng các biến chứng kể trên mang tính nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân cần được kiểm soát tốt các bệnh nền có sẵn để cuộc mổ diễn ra an toàn nhất. Bạn đừng ngần ngại kể những lo lắng về bệnh tình của mình cho bác sĩ biết nhé!3

Nhiễm trùng khớp háng3 7

Nhiễm trùng khớp háng sau thay khớp là một trong những biến chứng nghiêm trọng, nhưng ít gặp, xảy ra ở ít hơn 2% bệnh nhân.

Nhiễm trùng có thể xảy ra quanh vết thương, hay ở sâu bên trong xung quanh khớp háng nhân tạo. Biến chứng này có thể được phát hiện trong khoảng vài ngày, hay vài tuần, hoặc thậm chí một số trường hợp nhiều năm sau mổ.

Nhiễm trùng nông quanh vết mổ có thể được điều trị với kháng sinh. Trong khi đó, nhiễm trùng sâu bên trong, quanh khớp háng nhân tạo thì có thể cần thêm các cuộc phẫu thuật để lấy khớp nhân tạo ra và để cắt lọc mô viêm.

Nhằm hạn chế tình trạng này, các bệnh nhiễm trùng của bệnh nhân cần được kiểm soát và điều trị kỹ lưỡng trước mổ. Chẳng hạn như nhiễm trùng răng miệng; mụn mủ, viêm da hay xây xát da vùng đầu gối, viêm họng hay nhiễm trùng tiểu… cũng phải được chú ý đến và điều trị khỏi hẳn trước khi thực hiện phẫu thuật. Vì bất kì nhiễm trùng nào trong cơ thể của bạn đều có thể lây lan sang khớp háng mới thay của bạn.

Huyết khối (cục máu đông)3

Biến chứng về huyết khối hay cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân là một trong những biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thay khớp háng.

Cục máu đông có thể đe dọa tính mạng nếu chúng vỡ ra và di chuyển đến phổi, tim hoặc não. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập vận động sớm hai chân để tăng tuần hoàn máu, chỉ định mang vớ hỗ trợ, vớ bơm hơi áp lực và cho thuốc kháng đông để làm loãng máu của bạn nhằm phòng ngừa biến chứng này.

Cục máu đông có thể hình thành ở một trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể. Các cục máu đông này có thể được tạo ra ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào, chúng thường được hình thành nhất ở các tĩnh mạch của xương chậu, bắp chân hoặc đùi.

Cục máu đông có thể hình thành ở một trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể. Các cục máu đông này có thể được tạo ra ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào, chúng thường được hình thành nhất ở các tĩnh mạch của xương chậu, bắp chân hoặc đùi.
Cục máu đông có thể hình thành ở một trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể. Các cục máu đông này có thể được tạo ra ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào, chúng thường được hình thành nhất ở các tĩnh mạch của xương chậu, bắp chân hoặc đùi.

Gãy xương2 7

Trong khi phẫu thuật, các phần xương khỏe mạnh của khớp háng có thể bị gãy. Đôi khi những chỗ gãy xương nhỏ đủ để tự lành. Nhưng những chỗ gãy xương lớn hơn có thể cần được cố định bằng chỉ thép, đinh vít, hoặc nẹp vít bằng kim loại, có hay không có ghép thêm xương.

Trật khớp7 13

Một số tư thế có thể khiến chỏm xương đùi trật ra khỏi ổ chảo, nhất là trong vài tháng đầu sau mổ. Nếu bị trật khớp, các bác sĩ sẽ nắn lại khớp trật mà không cần phải phẫu thuật lại. Trong trường hợp nắn kín không được có thể phải mổ để nắn lại khớp.

Khớp háng nhân tạo bị trật
Khớp háng nhân tạo bị trật

Thay đổi chiều dài chân bên mổ3 7

Các bác sĩ phẫu thuật luôn kiểm tra kĩ để tránh vấn đề này. Nhưng đôi khi sau mổ, khớp háng nhân tạo mới khiến một chân dài hơn hoặc ngắn hơn chân kia. Vấn đề này có thể là do các cơ xung quanh háng bị co rút.

Trong những trường hợp này, các bài tập kéo giãn các cơ đó có thể hữu ích. Sự khác biệt nhỏ về chiều dài chân thường không đáng chú ý sau vài tháng.

Khớp nhân tạo bị lỏng và mòn3 7

Theo thời gian, khớp háng nhân tạo có thể bị lỏng hoặc bị mòn. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng khi họ còn khá trẻ và năng động.

Nguyên nhân có thể do hoạt động thường ngày, hoặc cũng có thể do xương bị loãng đi (tiêu xương). Bác sĩ có thể phẫu thuật lần thứ hai để chỉnh lại nếu tình trạng lỏng khớp gây đau cho bệnh nhân.

Các biến chứng khác4

Tổn thương thần kinh và mạch máu, chảy máu và cứng khớp có thể xảy ra. Ở một số ít bệnh nhân, tình trạng đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện mới sau phẫu thuật.

Giá thành của phẫu thuật thay khớp háng?

Chi phí cho cuộc mổ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Giá của khớp háng nhân tạo: là loại toàn phần hay bán phần, cấu tạo thiết kế khác nhau, dùng xi măng sinh học hay không, nguồn gốc xuất xứ từ hãng sản xuất khớp nào. Không phải loại khớp đắt tiền nhất là tốt nhất, loại tốt nhất là loại phù hợp nhất cho từng bệnh nhân riêng biệt.
  • Bệnh viện, đội ngũ chuyên gia thực hiện.
  • Các bệnh lý nền của bệnh nhân.
  • Các chi phí khác, bảo hiểm y tế…

Do đó, bạn cần trao đổi trực tiếp với cơ sở y tế thực hiện để ước chừng chi phí cho trường hợp của mình.

Quá trình phục hồi tại nhà

Sự thành công của cuộc mổ sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc bạn tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại nhà như thế nào trong vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật.

Chăm sóc vết thương11

Tránh ngâm vết thương trong nước cho đến khi vết thương đã kín và khô. Giữ cho băng vết mổ của bạn luôn sạch sẽ và khô ráo. Bạn có thể tiếp tục băng vết thương để tránh tiếp xúc với quần áo hoặc vớ phòng huyết khối.

Chỉ thay băng nếu bác sĩ phẫu thuật yêu cầu thay. Bạn nên được thay băng bởi điều dưỡng; hoặc có thể tự thay hay người nhà bạn thay giúp, nhưng phải được hướng dẫn kỹ lưỡng các nguyên tắc thay băng.

Nếu bác sĩ khâu vết thương bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Nếu không thì cắt chỉ hoặc tháo ghim bấm da sau khoảng 10 đến 14 ngày.3

Bạn có thể tắm sau 5 đến 6 ngày sau khi phẫu thuật nếu vết thương khô và kín, nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ mổ cho bạn. Khi bạn được bác sĩ cho phép có thể tắm, bạn có thể để nước chảy qua vết mổ, nhưng không chà mạnh vào vết mổ hoặc để nước dội xuống ngay vết mổ. Không ngâm mình trong bồn tắm, bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi.

Có thể sẽ xuất hiện những vết bầm tím, hơi đỏ da quanh vết thương. Điều này là bình thường, và nó sẽ tự biến mất.

Ngoài ra, bệnh nhân không nên hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc. Vì thuốc lá ảnh hưởng không tốt đến sự lành vết thương.

Chế độ ăn uống

Bạn có thể chán ăn vài tuần sau khi phẫu thuật. Nhưng cần lưu ý rằng việc ăn uống cân bằng, đầy đủ chất và chú ý bổ sung chất sắt, rất quan trọng để giúp vết thương của bạn mau lành và phục hồi sức mạnh cơ bắp.3

Hoạt động3

Tập thể dục là một phần quan trọng của chăm sóc tại nhà, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ có thể quay trở lại gần như hầu hết các hoạt động bình thường của cuộc sống hàng ngày trong vòng 3 đến 6 tuần sau mổ.

Các hoạt động bao gồm:

  • Tập đi bộ từ từ, lúc đầu ở trong nhà và sau đó ra ngoài trời.
  • Tiếp tục các hoạt động trong nhà bình thường khác, chẳng hạn như ngồi, đứng và leo cầu thang.

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vận động vài lần một ngày, giúp phục hồi vận động và sức mạnh cho khớp háng mới.

Người bệnh có thể tự tập các bài tập này một mình, hoặc có thể nhờ chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ tại nhà, hoặc tại trung tâm trị liệu trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật.

Các vấn đề cần lưu ý sau phẫu thuật

Nhận biết các dấu hiệu của cục máu đông3

Bạn hãy làm theo các hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong vài tuần đầu sau mổ.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng tiếp tục thuốc làm loãng máu mà bạn đã bắt đầu dùng lúc ở bệnh viện.

Lưu ý, cần thông báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây:

  • Đau ngày càng tăng ở bắp chân hoặc đùi.
  • Ấn đau hoặc thấy đỏ da ở bắp chân.
  • Sưng nề mới xuất hiện hoặc ngày càng tăng ở đùi, bắp chân, cổ chân và bàn chân.

Dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc phổi (cục máu đông đã di chuyển đến phổi) bao gồm:

  • Khó thở đột ngột.
  • Đau ngực đột ngột.
  • Đau khu trú tại một vùng ngực kèm theo ho.

Ngăn ngừa nhiễm trùng3

Nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp háng là từ vi khuẩn xâm nhập vào máu trong quá trình làm thủ thuật nha khoa, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng da. Những vi khuẩn này có thể cư trú xung quanh các mảnh ghép khớp háng nhân tạo vừa mới thay và gây ra nhiễm trùng.

Sau khi thay khớp háng, những bệnh nhân có một số yếu tố nguy cơ có thể phải dùng thuốc kháng sinh trước khi làm răng, bao gồm ngay cả lấy vôi răng hoặc trước bất kì thủ thuật, phẫu thuật nào có thể để vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Lưu ý, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước, về việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Thông báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây gợi ý nhiễm trùng khớp háng nhân tạo:

  • Sốt dai dẳng (cao hơn 38.3°C).
  • Ớn lạnh.
  • Vết mổ ở hông càng đỏ, sưng và sờ vào đau.
  • Tiết dịch từ vết mổ.
  • Đau tăng ở háng cả khi hoạt động và nghỉ ngơi.

Đề phòng té ngã3

Trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không may té ngã, việc này có thể làm hỏng khớp háng mới thay và có thể cần phải mổ lại. Người bệnh nên dùng gậy, nạng, khung tập đi, thanh vịn hoặc nhờ người khác giúp cho đến khi giữ thăng bằng tốt hơn.

Không nên lên xuống cầu thang cho đến khi khớp háng mới khoẻ hẳn. Bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ chỉ định khi nào nên bỏ các dụng cụ hỗ trợ đi đứng một cách an toàn nhất cho bệnh nhân.

Một số lưu ý khác3

Bác sĩ sẽ dặn dò bệnh nhân phòng ngừa trật khớp bằng việc giữ tư thế đúng đặc biệt khi ngồi, cúi hoặc ngủ – thường là trong 6 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Đôi khi mỗi bệnh nhân sẽ được dặn dò khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp mổ mà bác sĩ phẫu thuật đã dùng để thay khớp cho bệnh nhân.

Khớp háng nhân tạo có thể kích hoạt máy dò kim loại đặt ở khu kiểm tra an ninh ở sân bay. Bạn hãy cho nhân viên an ninh biết về việc bạn có khớp nhân tạo bằng kim loại trong cơ thể nếu máy cảnh báo kim loại được kích hoạt.

Bảo vệ háng nhân tạo mới thay

Sau khi phẫu thuật, bạn hãy lưu ý những vấn đề sau:3

  • Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để duy trì sức mạnh và khả năng vận động của khớp háng.
  • Phòng ngừa, tránh té ngã và chấn thương.
  • Hãy nói với bác sĩ nha khoa việc bạn đã phẫu thuật khớp háng khi đi chăm sóc răng miệng. Hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của bạn về việc bạn có cần dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa hay không.
  • Tái khám bác sĩ mổ cho bạn định kỳ để kiểm tra. Bác sĩ phẫu thuật cho bạn sẽ lên lịch hẹn thời gian của những lần thăm khám này.

Phẫu thuật thay khớp háng là bước tiến vượt bậc của ngành y. Đây được xem là một phương pháp hiện đại giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp họ mau chóng phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho mọi người nhiều thông tin hữu ích nhằm đạt được kết quả điều trị một cách tốt nhất!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hip Replacement Surgeryhttps://www.niams.nih.gov/health-topics/hip-replacement-surgery

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  2. Hip Replacement (Hip Arthroplasty)https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17102-hip-replacement

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  3. Total Hip Replacementhttps://orthoinfo.aaos.org/en/treatment/total-hip-replacement/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  4. Osteonecrosis of the Hiphttps://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/osteonecrosis-of-the-hip/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  5. Avascular Necrosis (Osteonecrosis)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14205-avascular-necrosis-osteonecrosis#:~:text=Hip%20fractures%20and%20dislocations%3A%20About%2020%25%20of%20people%20who%20dislocate%20their%20hips%20(the%20hip%20is%20no%20longer%20aligned%20in%20the%20joint%20as%20it%20normally%20would%20be)%20develop%20avascular%20necrosis.

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  6. Guide to Hip Replacementhttps://www.webmd.com/osteoarthritis/ss/slideshow-hip-replacement-overview

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  7. Hip replacementhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/hip-replacement/about/pac-20385042

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  8. How to Prepare for Hip Replacement Surgeryhttps://www.webmd.com/osteoarthritis/prepare-hip-replacement

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  9. Arthritis and Hip Replacement Surgeryhttps://www.webmd.com/arthritis/hip-replacement-surgery

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  10. Complications after hip fracture surgery: are they preventable?https://link.springer.com/article/10.1007/s00068-017-0826-2

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  11. Slideshow: Hip Surgery Recovery Timelinehttps://www.webmd.com/osteoarthritis/ss/slideshow-hip-surgery-recovery-timeline

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  12. Total hip arthroplasty and cardiovascular complications: a reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5907782/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  13. THA Dislocationhttps://www.orthobullets.com/recon/5012/tha-dislocation

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người