Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Thiếu máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch phổ biến. Bệnh là một trong nguyên nhân gây suy giảm chất lượng cuộc sống đặc biệt là ở người lớn tuổi. Mặt khác nếu không kiểm soát bệnh hiệu quả sẽ có thể dẫn đến các tai biến nguy hiểm khác. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Đinh Gia Khánh nhé.
Thiếu máu cơ tim là gì?
Thiếu máu cơ tim hay còn gọi đầy đủ là bệnh tim thiếu máu cục bộ. Tình trạng này xảy ra khi lượng máu tới nuôi tim không đủ so với nhu cầu của cơ tim. Điều này làm xuất hiện các triệu chứng và làm suy giảm khả năng hoạt động của bệnh nhân.
Thiếu máu cơ tim nguy hiểm như thế nào?
Thiếu máu cơ tim trước tiên gây hạn chế vận động hàng ngày của bệnh nhân. Bệnh nhân dễ mệt, dễ đau ngực hơn. Nhưng bên cạnh đó, khi bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu cơ tim thì nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cũng là hai vấn đề cần liên tục chú ý. Mảng xơ vữa có thể gây tắc hoàn toàn động mạch vành gây nên nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não gây ra đột quỵ (cụ thể là nhồi máu não).
Ngoài ra, thiếu máu cơ tim cũng là yếu tố thuận lợi dẫn tới suy tim.
Tại sao bị thiếu máu cơ tim?
Động mạch nuôi các tế bào cơ tim, giúp tim duy trì chức năng co bóp bình thường là động mạch vành. Nguyên nhân thường gặp nhất của thiếu máu cơ tim là do hẹp lòng động mạch vành. Các nguyên nhân có thể làm hẹp động mạch vành:
- Xơ vữa động mạch: thường gặp nhất.
- Co thắt động mạch vành.
- Huyết khối làm bán tắc/tắc động mạch vành.
Thiếu máu cơ tim biểu hiện như thế nào?
Có tình trạng tăng nhu cầu oxy cơ tim
- Vận động cường độ mạnh, thời gian kéo dài.
- Tăng nhịp tim do hồi hộp, căng thẳng, stress.
- Cơ thắt động mạch vành do thuốc, do thay đổi thời tiết.
Biểu hiện điển hình: cơn đau thắt ngực
- Vị trí đau lói ở giữa ngực, phía sau xương ức.
- Cảm giác đau có thể nặng ngực như có gì đè lên ngực, hoặc như siết chặt.
- Mức độ đau có thể rất thay đổi từ âm ỉ nặng ngực cho đến đau nhiều hoặc dữ dội.
- Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, cánh tay trái.
- Bệnh nhân có thể kèm theo buồn nôn, khó thở, vã mồ hôi.
- Đau giảm khi nghỉ ngơi.
Lưu ý là đây là triệu chứng đau ngực điển hình, nhất là do xơ vữa động mạch. Không phải tất cả các cơn đau ngực đều giống hệt như vậy. Trong các trường hợp bán tắc động mạch vành do huyết khối, triệu chứng đau có thể xảy ra đột ngột và thời gian cơn đau kéo dài thay đổi hơn. Nếu huyết khối gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành sẽ làm hoại tử cơ tim, và gây là bệnh cảnh nhồi máu cơ tim.
Ai là người dễ mắc bệnh?
Những người có yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Các nguy cơ bao gồm:
1. Yếu tố không thay đổi được
Tuổi: Càng cao sẽ làm tăng nguy cơ bệnh.
Giới tính: Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ, nhưng nữ đã mãn kinh cũng có khả năng mắc bệnh tăng đáng kể.
Di truyền:
- Người có thành viên trong gia đình bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ sớm (Nam < 55 tuổi, Nữ < 65 tuổi) là tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
- Chủng tộc cũng là một trong những đặc điểm có liên quan đến nguy cơ tim mạch.
2. Yếu tố có thể thay đổi được
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là điều kiện thuận lợi thúc đẩy bệnh lý tim mạch khác. Trong đó có bệnh mạch vành, bệnh van tim và suy tim.
- Rối loạn mỡ máu: Rối loạn lipid máu, hay được gọi thông dụng là “Mỡ máu”. Là rối loạn về cholesterol máu, điều này làm xơ vữa động mạch xảy ra dễ hơn.
- Đái tháo đường: Đái tháo đường gây nhiều rối loạn khác nhau. Không chỉ là trên tim mạch mà còn nhiều cơ quan quan trọng khác.
- Rượu bia quá mức.
- Hút thuốc lá.
- Thừa cân, kéo phì.
- Lối sống lười vận động.
Điều trị thiếu máu cơ tim như thế nào?
Tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của bệnh, bệnh kèm theo, chức năng gan, thận mà bác sĩ sẽ cho chỉ định phù hợp. Điều đầu tiên có ích là thay đổi lối sống để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Các thuốc dùng trong điều trị thiếu máu cơ tim thường là phối hợp kiểm soát huyết áp, lipid máu, kháng đông, đau ngực,…
Một số trường hợp, chỉ định can thiệp mạch vành có thể được cân nhắc. Phương pháp can thiệp là:
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
- Can thiệp động mạch vành qua da.
Phòng ngừa thiếu máu cơ tim như thế nào?
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch là điều quan trọng cần làm:
- Duy trì cân nặng hợp lí, tập thể dục vừa phải đều đặn.
- Hạn chế thức ăn nhiều muối, thức ăn đóng hộp.
- Không lạm dụng rượu bia.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu cần uống thuốc đều đặn và duy trì liên tục, không tự ý bỏ thuốc.
Thiếu máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch rất thường gặp trong dân số. Biểu hiện nổi bật của bệnh là cơn đau thắt ngực. Bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, có thể thúc đẩy tới suy tim và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Do đó, bệnh cần được kiểm soát tích cực. Thay đổi lối sống lành mạnh và điều trị các bệnh nền khác theo đúng chỉ định là cách đơn giản nhất để có thể chung sống hoà bình với thiếu máu cơ tim.
Nếu đã phát hiện ra những dấu hiệu mà bạn nghi ngờ là mắc chứng thiếu máu cơ tim thì bạn nên tham khảo bài viết “Bỏ túi các bí kíp trước khi khám bệnh Thiếu máu cơ tim” để chuẩn bị tốt cho buổi thăm khám nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Angina Pectoris (Stable Angina)https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/angina-chest-pain/angina-pectoris-stable-angina
Ngày tham khảo: 13/11/2019
-
Silent Ischemia and Ischemic Heart Diseasehttps://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/about-heart-attacks/silent-ischemia-and-ischemic-heart-disease
Ngày tham khảo: 13/11/2019