Thiếu vitamin A ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần phải biết
Nội dung bài viết
Thiếu vitamin A ở trẻ em là một bệnh thiếu dinh dưỡng thường gặp. Đây là nguyên nhân chính gây ra một số bệnh như: mù lòa, chậm phát triển tinh thần và vận động, tiêu chảy, nguy cơ gây thấp còi, hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thậm chí có thể dẫn tới tử vong ở trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn tìm hiểu dấu hiệu và cách phòng ngừa tình trạng này, bạn nhé!
Vai trò của vitamin A với trẻ em
Đa số mọi người đều biết vitamin A giúp tăng cường thị lực, bảo vệ và phòng tránh các bệnh về mắt. Tuy nhiên, vitamin A còn nhiều công dụng mà có thể nhiều bố mẹ chưa biết như:
- Giúp trẻ tăng trưởng, bởi vitamin A có vai trò trong sự tăng trưởng của hệ cơ xương. Những trẻ bị thiếu Vitamin A thường chậm lớn và còi cọc.
- Duy trì các mô của bề mặt da và niêm mạc. Cải thiện khả năng lành vết thương và tái tạo làn da. Thiếu vitamin A khiến da khô và dễ bị tổn thương; tóc giòn, dễ gãy rụng.
- Tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ.
- Dạng tiền Vitamin A trong rau củ, trái cây còn có khả năng kìm hãm gốc tự do, giúp chống lão hóa và phòng một số bệnh ung thư.
Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy cùng tìm hiểu về thiếu vitamin A ở trẻ em để phòng ngừa kịp thời.
Triệu chứng khi trẻ thiếu vitamin A
Khô mắt
Thiếu vitamin A ở trẻ em thường gây khô mắt hoặc giảm tiết nước mắt.
Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa hoặc tổn thương kết mạc được đặc trưng bởi các vết gọi là vết Bitot (đó là những vệt màu trắng ngà sùi lên trên bề mặt kết mạc, thường ở hai góc trong và ngoài).
Trẻ nhỏ ở Ấn Độ, Châu Phi và Đông Nam Á có chế độ ăn thiếu vitamin A nên có nguy cơ bị khô mắt nhất.
Trẻ sơ sinh và trẻ em sử dụng vitamin A liều cao trong 16 tháng có thể giảm tỷ lệ khô mắt đến 63%.
2. Quáng gà
Quáng gà là biểu hiện sớm của thiếu vitamin A ở trẻ em. Đây là hiện tượng thị lực bị giảm do thiếu ánh sáng. Nếu các mẹ thấy trẻ chỉ ngồi yên một chỗ không dám di chuyển vào lúc chập choạng tối hoặc hay vấp phải đồ vật trên lối đi, khả năng cao là bé đã bị quáng gà.
Vì vitamin A là thành phần chính của sắc tố Rhodopsin giúp tăng nhìn màu trong ánh sáng yếu.
Quáng gà khi được điều trị bằng vitamin A liều cao sẽ khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
3. Khô da
Vitamin A đóng vai trò quan trọng cho việc hình thành và sửa chữa các tế bào da cũng như hỗ trợ chống viêm. Không hấp thụ đủ vitamin A có thể là nguyên nhân cho sự phát triển của bệnh khô da, chàm da và các vấn đề về da khác ở trẻ nhỏ.
4. Chậm phát triển
Trẻ em không được cung cấp đủ vitamin A có thể mệt mỏi, kém ăn và chậm lớn. Điều này là do vitamin A cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người.
Ngoài ra, người mẹ nếu thiếu vitamin A khi mang thai có thể gây ra dị tật bào thai.
Bổ sung vitamin A riêng lẻ hoặc kết hợp với các chất khác có thể cải thiện sự tăng trưởng.
Trên thực tế, một nghiên cứu ở hơn 1.000 trẻ em ở Indonesia cho thấy, những trẻ bị thiếu vitamin A dùng thực phẩm bổ sung liều cao trong 4 tháng cao hơn 0,15 inch (0,39 cm) so với trẻ dùng giả dược (viên không chưa hoạt chất).
5. Lâu lành vết thương
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động và dễ gặp phải các vết thương nhỏ. Tuy nhiên, khi bé chậm hồi phục hơn bình thường thì có thể là bé đang thiếu vitamin A.
Điều này là do vitamin A thúc đẩy việc tạo thành collagen, một thành phần giúp làn da khỏe mạnh.
6. Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Trẻ em thiếu vitamin A thường có sức đề kháng giảm, dễ nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp,… dẫn tới tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều nghiên cứu ở trẻ em ở Ecuador cho thấy những trẻ uống 10.000 IU vitamin A mỗi tuần ít bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hơn những trẻ được dùng giả dược.
7. Mụn trứng cá
Vì vitamin A thúc đẩy sự hình thành các mô tế bào da và chống lại chứng viêm. Do đó, nó có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị mụn trứng cá.
Đồng thời, vitamin A còn giúp ức chế sự hình thành hormone Androgen trong cơ thể – một trong các nguyên nhân chính dẫn đến mụn trứng cá.
Nguyên nhân thiếu vitamin A ở trẻ em
Thiếu vitamin A ở trẻ em có thể do chế độ ăn của trẻ cung cấp quá ít vitamin A hoặc không đủ chất béo để hấp thu vitamin A trong thời gian dài. Nguyên nhân của vấn đề này có thể là do phương pháp ăn dặm sai hoặc người mẹ không cung cấp đủ vitamin A cho bản thân trong quá trình cho bé bú.
Do khả năng hấp thu vitamin A kém của trẻ khi bị tiêu chảy, mắc viêm gan, tắc mật, các bệnh về nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sởi…
Điều trị thiếu vitamin A
Ngoài việc bổ sung vitamin A từ nguồn thực phẩm như gan, trứng, sữa, cà rốt và rau xanh. Bạn có thể cho trẻ uống vitamin A từ các chế phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới WHO, lượng vitamin A cần thiết để điều trị thiếu vitamin A ở trẻ em:
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: 50.000 IU (IU là đơn vị đo lường quốc tế).
- Trẻ sơ sinh từ 6-11 tháng tuổi: 100.000 IU một lần.
- Trẻ em từ 12 – 59 tháng tuổi: 200.000 IU trong 4-6 tháng/lần.
Ở trẻ em bị bệnh về mắt, sử dụng các liều như trên, được tiêm vào ngày thứ nhất, ngày thứ hai và hai tuần sau đó.
Liều lượng tương tự được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ em mắc bệnh sởi. Điều trị bằng vitamin A có thể rút ngắn thời gian điều trị, giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong.
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ dương tính với HIV phải được tiêm 50.000 IU trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Tránh dùng hàng ngày với liều lượng lớn, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, vì gây độc.
Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Việt Nam, trẻ em cần được bổ sung thực phẩm giàu vitamin A đầy đủ theo nhu cầu của từng độ tuổi để phòng ngừa thiếu vitamin A:
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: 375 mcg RAE/ngày (RAE đơn vị tương đương hoạt động Retinol – dạng hoạt động của vitamin A).
- Trẻ em từ 6 tháng – 3 tuổi: 400 mcg RAE/ngày.
- Trẻ từ 4 -6 tuổi: 450 mcg RAE/ngày.
- Trẻ 7 – 9 tuổi : 500 mcg RAE/ngày.
- Trẻ 10 tuổi trở lên: 600 mcg RAE/ngày.
Bổ sung đầy đủ và đa dạng các loại trái cây, rau củ để cung cấp đủ vitamin A và các loại vitamin khác. Sữa, ngũ cốc, gan động vật, lòng đỏ trứng và dầu cá cũng rất hữu ích.
Sử dụng vitamin A cùng các chất béo sẽ giúp tăng hấp thu.
Đối với trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A, trẻ cần được uống bổ sung viên nang vitamin A mỗi 6 tháng 1 lần (trẻ giai đoạn 6-36 tháng tuổi):
- Với trẻ dưới 12 tháng tuổi cho uống viên nang 100.000 IU/lần.
- Trẻ trên 12 tháng uống viên nang 200.000 IU/lần.
Bố mẹ chú ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây cản trở quá trình hấp thu vitamin A.
Trong quá trình mang thai và cho con bú, các bà mẹ nên ăn nhiều thức ăn chứa vitamin A.
Vitamin A là vitamin rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, các ông bố và bà mẹ hãy luôn chú ý đến tình trạng của con mình để có biện pháp phòng ngừa thiếu vitamin A phù hợp nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
8 Signs and Symptoms of Vitamin A Deficiency https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-a-deficiency-symptoms
Ngày tham khảo: 26/01/2021
- Vitamin A supplementation in infants and children 6–59 months of agehttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/44664/9789241501767_eng.pdf
- Why Do Children Become Vitamin A Deficient?https://academic.oup.com/jn/article/132/9/2867S/4687677
- TT-43/2014/TT-BYT về "Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng"https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2014/12/43-byt.signed.pdf