Thiếu vitamin B6: Nguy hiểm đừng xem thường!
Nội dung bài viết
Vitamin B6 là một trong những vitamin quan trọng đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của cơ thể. Thiếu vitamin B6 là một vấn đề khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của mỗi người. Hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng và cách khắc phục bệnh thiếu vitamin B6 nhé.
1. Vitamin B6 là gì?
Vitamin B6, hay còn gọi là pyridoxine, là 1 trong 8 loại vitamin thuộc nhóm B. Chất dinh dưỡng từ chúng rất cần thiết cho các chức năng quan trọng của cơ thể.
Các vai trò của vitamin B6 bao gồm:
- Biến thức ăn thành năng lượng;
- Tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin và dopamine;
- Tạo ra các tế bào máu.
Từ đó giúp giảm căng thẳng, duy trì sức khỏe.
Vitamin B6 là loại vitamin tan trong nước, cơ thể không thể dự trữ được và do đó đào thải chúng qua nước tiểu. Mọi người cần bổ sung đầy đủ vitamin B6 qua thực phẩm hằng ngày.
Thiếu vitamin B6 thường gặp ở những người bị bệnh gan, thận, tiêu hóa hoặc bệnh tự miễn, cũng như những người hút thuốc, béo phì, nghiện rượu và phụ nữ có thai. Vì vậy, cần phải biết được dấu hiệu cũng như cách bổ sung vitamin B6, để có thể kịp thời chữa trị và phòng ngừa.
2. Dấu hiệu thiếu vitamin B6
Hầu hết mọi người đều có đủ lượng vitamin B6 thông qua chế độ ăn uống hằng ngày của mình. Tuy nhiên nếu bạn có một chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, bạn cũng có nhiều khả năng bị thiếu vitamin B6.
Dưới đây là 6 dấu hiệu thiếu vitamin B6:
2.1. Phát ban
Thiếu vitamin B6 là một trong những nguyên nhân gây ra phát ban đỏ, ngứa. Đây còn được gọi là viêm da tiết bã, thường xuất hiện trên da đầu, mặt, cổ và phần trên của ngực. Đó là các vết bong tróc, có thể bị sưng tấy đỏ.
Nguyên nhân là do vitamin B6 giúp tổng hợp collagen, một loại protein cho làn da khỏe mạnh. Trong trường hợp này, bổ sung vitamin B6 có thể giúp hết phát ban nhanh chóng. Đây cũng là lý do vitamin B6 có trong các loại kem, giúp cải thiện các vấn đề viêm da tiết bã.
2.2. Môi nứt nẻ, lưỡi sưng đau
Môi sưng tấy và nứt nẻ, có thể là dấu hiệu của việc thiếu vitamin B6. Các vết nứt này có thể bị chảy máu và thậm chí là nhiễm trùng. Bên cạnh đó, nếu thiếu vitamin B6, lưỡi của bạn cũng có thể sưng đau, viêm hoặc đỏ. Những điều này làm cho việc ăn uống, nói chuyện trở nên khó khăn hơn.
Những tình trạng này cũng gặp phải khi cơ thể thiếu folate, sắt, hay thời tiết hanh khô hoặc do các yếu tố bên ngoài.
Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có cách xử lý phù hợp. Nếu đúng là do thiếu vitamin B6, đơn giản bạn chỉ cần bổ sung đủ vitamin B6 thông qua các thực phẩm giàu vitamin B6, hoặc thực phẩm bổ sung.
2.3. Thay đổi tâm trạng, hay cáu gắt
Thiếu vitamin B6 có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, đôi khi góp phần gây ra trầm cảm, lo lắng, và tăng cảm giác đau. Đó là bởi vì B6 tham gia tạo ra một số chất dẫn truyền thần kinh, giúp kiểm soát lo lắng, trầm cảm và cảm giác đau đớn.
Việc bổ sung vitamin B6 có thể giải quyết vấn đề này hay không vẫn còn là một câu hỏi. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy vitamin B6 giúp giảm các vấn đề hành vi ở người tự kỷ. Đồng thời, chúng còn giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (như ủ rũ, khó chịu, trầm cảm…)
2.4. Mệt mỏi và thiếu năng lượng
Thiếu vitamin B6 có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải bất thường. Lý do dẫn đến thiếu năng lượng là do thiếu vitamin B6, dẫn đến các tình trạng:
- Giảm tạo hemoglobin, là một loại protein trong hồng cầu giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Thiếu hemoglobin (hay còn gọi là thiếu máu) sẽ làm giảm oxy, làm cơ thể cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt.
- Thiếu hormon kích thích giấc ngủ melatonin, khiến bạn thiếu ngủ, mệt mỏi, uể oải.
Các báo cáo cho thấy, việc bổ sung vitamin B6 ở dạng hoạt động (pyridoxal 5′-phosphate – PLP), đã giải quyết được tình trạng thiếu máu liên quan đến vitamin B6.
2.4. Thiếu hụt vitamin B6 làm suy giảm miễn dịch
Thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm cả vitamin B6, có thể làm phá vỡ hệ thống miễn dịch. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm và các bệnh lý khác nhau. Cơ chế của nó là do:
- Cơ thể không sản sinh đủ kháng thể;
- Giảm sản xuất tế bào bạch cầu;
- Tăng phá hủy vitamin B6 ở người mắc bệnh tự miễn.
2.5. Ngứa tay, chân (tổn thương thần kinh)
Việc thiếu vitamin này có thể gây ra tổn thương thần kinh, gọi là bệnh thần kinh ngoại vi. Các triệu chứng gồm: đau, bỏng rát và ngứa ran ở cánh tay, chân, bàn tay và bàn chân. Một số người mô tả nó như cảm giác “kim châm”.
Tổn thương dây thần kinh cũng có thể dẫn đến các vấn đề về thăng bằng và đi lại khó khăn.
Các vấn đề về thần kinh do thiếu vitamin B6 có thể khắc phục được với lượng vitamin B6 đầy đủ.
2.6. Thiếu vitamin B6 gây động kinh
Động kinh xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả sự thiếu hụt vitamin B6. Các triệu chứng gồm: co thắt cơ, đảo mắt, tay/chân co giật. Đôi khi bị rung không kiểm soát (co giật) hoặc mất ý thức.
Cơ chế là do khi thiếu vitamin B6, bạn sẽ không tạo ra đủ lượng GABA (chất ức chế dẫn truyền thần kinh), vì vậy não của bạn có thể bị kích thích quá mức.
Bổ sung vitamin B6 đã được chứng minh là rất thành công trong việc điều trị các cơn co giật liên quan.
3. Thực phẩm ngăn ngừa thiếu vitamin B6
Cơ thể bạn không thể dự trữ nhiều B6. Để tránh thiếu hụt, bạn cần tiêu thụ nó một cách thường xuyên. Vitamin B6 được tìm thấy nhiều trong cả thực phẩm từ thực vật và động vật. Vậy cụ thể, vitamin B6 có ở đâu?
- Gan bò;
- Cá ngừ, cá hồi;
- Các loại gia cầm;
- Ngũ cốc;
- Đậu xanh;
- Một số loại rau và trái cây, đặc biệt là rau lá xanh đậm, chuối, đu đủ, cam và dưa hấu…
Đặc biệt, cơ thể sẽ hấp thu các dạng vitamin B6 trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm chức năng tốt hơn trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
4. Bổ sung thừa vitamin B6 có tốt không?
Nếu bạn chỉ bổ sung vitamin B6 từ các nguồn thực phẩm, cơ thể sẽ rất khó bị dư thừa dẫn đến ngộ độc vitamin B6. Bởi vì vitamin B6 là một loại vitamin hòa tan trong nước, do đó lượng vitamin không được sử dụng sẽ thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.
Tuy nhiên, việc ngộ độc có thể xảy ra nếu bạn bổ sung liều rất cao (trên 1 g/ngày) trong thời gian dài. Các tác hại của việc thừa vitamin B6 bao gồm:
- Bệnh thần kinh ở bàn chân và bàn tay;
- Mất điều hòa (mất kiểm soát các chuyển động của cơ thể);
- Buồn nôn.
Các triệu chứng thường giảm dần sau khi ngừng dùng liều cao. Liều tối đa vitamin B6 hàng ngày không gây tác dụng phụ cho người từ 19 tuổi trở lên là 100 mg/ngày, và thấp hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Vitamin B6 rất cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin B6 dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, hãy chú ý xây dựng 1 chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng cho bản thân và gia đình nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.