YouMed

Thoái hóa khớp gối: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang
Tác giả: Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang
Chuyên khoa: Lão khoa, Tim mạch

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Đây là bệnh lý gây biến đổi bề mặt khớp – sụn khớp, hình thành các gai xương, và cuối cùng gây biến dạng khớp. Nguyên nhân, biến chứng là gì, và điều trị, dự phòng thoái hóa khớp ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang tìm hiểu thông tin về thoái hóa khớp gối qua bài viết sau đây.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp và các tổ chức dưới sụn bị tổn thương. Dẫn đến các phản ứng viêm, và giảm dịch bôi trơn trong các khe khớp.1 2

Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở gối, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Ước tính có 9,6% nam giới và 18,0% phụ nữ > 60 tuổi bị thoái hóa khớp có triệu chứng (đau) trên toàn cầu. 80% bệnh nhân thoái hóa khớp bị hạn chế vận động, và 25% bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động chính hàng ngày của họ.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng báo cáo rằng thoái hóa khớp đã chuyển từ vị trí thứ 12 lên thứ 6 trong những nguyên nhân gây tàn tật và tử vong từ năm 2002 đến năm 2007. Gia tăng tuổi thọ và dân số già khiến thoái hóa khớp trở thành nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ tư vào năm 2020.3

Khớp gối là khớp lớn nhất và khỏe nhất trên cơ thể. Khớp được tạo thành từ đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày (xương ống chân) và xương bánh chè. Các đầu của ba xương tạo thành khớp gối được bao phủ bởi sụn khớp, chất nhầy bôi trơn để bảo vệ và làm đệm cho xương khi gập và duỗi thẳng đầu gối.1

Trong khớp gối, hai mảnh sụn hình nêm đóng vai trò như “bộ giảm xóc” giữa xương đùi và xương ống chân. Mảnh sụn này cứng và có thể đàn hồi để giúp đệm và giữ cho khớp ổn định. Bao quanh khớp gối là một lớp màng mỏng gọi là màng hoạt dịch. Lớp màng này tiết ra chất lỏng bôi trơn sụn và giảm ma sát.1

Khi bước vào giai đoạn lão hóa, khối lượng cơ giảm và khối lượng chất béo tăng lên làm thay đổi tải trọng khớp và có liên quan đến sự gia tăng sản xuất các chất kích thích viêm toàn thân mức độ thấp. Những thay đổi trong chất nền ngoài tế bào, tích tụ các chất glycate hóa, gây mất nước và tăng phân cắt collagen làm thay đổi tính chất cơ học của sụn và khiến sụn dễ bị thoái hóa hơn. Bên cạnh đó, lão hóa còn gây giảm mật độ tế bào ở sụn chêm, dây chằng, xương dưới sụn thúc đẩy quá trình thoái hóa và có thể có khả năng thay đổi mức độ cơ học khớp.2

Các tổn thương trong thoái hóa khớp gối
Các tổn thương trong thoái hóa khớp gối

Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối

Đau nhức khớp1 4 5

Triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp là đau nhức khớp. Đau có tính chất cơ học, nghĩa là đau tăng khi vận động, nhất là khi làm tăng tải trọng lên khớp như đau khớp gối.

Khởi đầu người bệnh lên cầu thang cảm giác gối yếu và đau nhẹ ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Tình trạng đau gối tăng dần sau nhiều năm. Có tiếng lạo xạo khi vận động khớp. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng.

Đau đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp, khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường là sẽ giảm sau một vài phút vận động. Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thường nhẹ và ngắn dưới 30 phút, trong khi dấu hiệu cứng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường kéo dài trên 30 phút.

Thoái hóa khớp càng nặng, cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng. Khớp gối bị sưng nề, và đôi khi tràn dịch khớp. Các cơ quanh khớp trở nên yếu đi gây hạn chế trong sinh hoạt. Tuy nhiên, thoái hóa khớp không có dấu hiệu viêm tại khớp rõ ràng, không thấy sưng (trừ khi có tràn dịch khớp), nóng, đỏ tại khớp. Số lượng bạch cầu trong máu không tăng, tốc độ máu lắng không tăng.

Hạn chế vận động khớp4

Các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau do đau, khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn.

Biến dạng khớp4

Khớp xương biến dạng do các gai xương hình thành và phát triển ở đầu xương.

Các dấu hiệu khác

Teo cơ: các cơ lân cận khớp bị thoái hóa, teo nhỏ do giảm vận động.6

Có tiếng lạo xạo khi cử động khớp.4

Tràn dịch khớp: làm vùng khớp bị tổn thương sưng to, thường hay gặp ở khớp gối.2

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp xảy ra là do mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo và phá hủy của sụn khớp và xương dưới sụn. Quá trình phá hủy chiếm ưu thế khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Nguyên nhân của thoái hóa khớp được chia thành hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.

Thoái hóa khớp nguyên phát7 8 9

Thoái hóa khớp khởi phát tương đối muộn, ở người từ 50 tuổi trở lên. Tần suất mắc bệnh càng tăng theo tuổi. Nguyên nhân của quá trình này có thể là do giảm lưu lượng máu đến các khớp bị giảm sút, ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng sụn.

Bên cạnh đó, sự phân bố lực lên sụn khớp cũng thay đổi trong quá trình thoái hóa. Ngoài ra, cơ chế bệnh sinh còn liên quan đến di truyền gia đình, bệnh lý nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường).

Thoái hóa khớp được đặc trưng bởi sự biến đổi của các cấu trúc liên quan đến khớp, ảnh hưởng đến tất cả các mô trong và xung quanh khớp. Đây là quá trình gây thoái hóa sụn khớp, dày lên của xương dưới sụn, tạo gai xương, thoái hóa dây chằng, phì đại bao khớp, và những thay đổi ở cơ quanh khớp, dây thần kinh, bao hoạt dịch và mỡ xung quanh. Trong số này, thoái hóa sụn được coi là đặc trưng chính.

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp và được cho là có liên quan đến việc giảm khả năng thích ứng của khớp để chống lại chấn thương cơ sinh học, giảm co giật và tăng chu chuyển xương.

Giới tính nữ có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn do sự khác biệt về giới tính trong các liên kết khớp, độ bền của dây chằng, do quá trình mang thai và mật độ xương. Đặc biệt, mãn kinh có liên quan đến tăng nguy cơ thoái hóa khớp, cho thấy vai trò của estrogen trong sự phát triển của bệnh.

Các yếu tố giải phẫu, bao gồm lệch khớp hoặc dị tật bẩm sinh, có thể dẫn đến tổn thương cơ sinh học, làm tăng tính nhạy cảm của bệnh viêm khớp. Các yếu tố môi trường có thể thay đổi được đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thoái hóa khớp.

Thoái hoá khớp thứ phát

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, lệch trục), các bất thường trục khớp gối bẩm sinh như khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm khớp nhiễm trùng, bệnh gút, chảy máu trong khớp trong bệnh Hemophilia). Một số yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối:7 10

  • Béo phì: người béo phì làm tăng áp lực lên khớp gối, khớp háng và cột sống thắt lưng, các mô mỡ lại giải phóng ra các cytokin viêm tác động lên mô sụn gây tổn thương sụn.
  • Tăng tải trọng lên khớp: yếu tố nghề nghiệp như những người thường xuyên phải mang vác nặng như công nhân khuân vác, thợ xây dựng… khiến các khớp trọng điểm như cột sống, khớp gối, khớp háng bị thoái hóa sớm.
  • Dị dạng bẩm sinh xương khớp: các dị dạng bẩm sinh hệ xương khớp làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống, vùng khớp bị tì nén nhiều hơn thì sụn khớp bị tổn thương sớm, làm khớp bị thoái hóa sớm hơn.
  • Tổn thương cơ học: khớp có tiền sử bị tổn thương do các chấn thương cơ học hoặc hoạt động quá mức như chơi thể thao, lao động hoặc mang vác nặng. Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan của lực cơ học tác động lên diện khớp, hình thái của khớp dẫn đến thoái hóa khớp sớm hơn các khớp khác.
  • Các vấn đề liên quan nội tiết: tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.
  • Bệnh chuyển hóa: bệnh gút, bệnh nhiễm sắc tố.8

Biến chứng thoái hóa khớp gối

Biến dạng khớp11

Thoái hóa khớp mức độ trung bình và nặng thường gây ra biến dạng khớp. Do sự xuất hiện của các gai xương ở rìa khớp, hay do lệch trục khớp, thoát vị màng hoạt dịch.

Biến dạng khớp thấy rõ nhất ở thoái hóa khớp gối, khớp gối thoái hóa bị vẹo ra ngoài hoặc vào trong. Điều này khiến cho người bệnh có cảm giác mình bước thấp bước cao, gây khó khăn trong di chuyển.

Hạn chế vận động, khuyết tật7 8 11

Thoái hóa xương khớp thường xảy ra đồng thời ở nhiều khớp. Các khớp thoái hóa ở các giai đoạn khác nhau, người bệnh luôn cảm thấy đau mỏi bất cứ khi nào vận động, dẫn đến tâm lý lười vận động, và chỉ muốn nằm nghỉ. Tình trạng như vậy lâu ngày, các khớp cứng dần, cơ co lại, giảm khả năng linh hoạt, giảm vận động.

Cùng với hạn chế vận động là teo cơ, các cơ tham gia vận động khớp thoái hóa teo dần và sức cơ giảm dần. Vì vậy tỷ lệ người thoái hóa khớp bị khuyết tật vận động rất cao.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) năm 1991:11

  • Có  gai xương ở rìa khớp (trên  phim Xquang).
  • Dịch khớp là dịch thoái hoá.
  • Tuổi trên 38.
  • Cứng khớp dưới 30 phút.
  • Có dấu hiệu lục khục khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1, 2, 3, 4 hoặc 1, 2, 5 hoặc 1, 4, 5.

Một số cận lâm sàng hỗ trợ trong thoái hóa khớp gối bao gồm:7 11

Chụp X-quang khớp gối

X-quang là phương pháp chủ yếu trong chẩn đoán và theo dõi tiến triển thoái hóa khớp. Đây là phương pháp đơn giản, chi phí thấp, không xâm nhập, thời gian thực hiện nhanh, có thể thực hiện ở mọi cơ sở y tế.

Có 3 dấu hiệu cơ bản:

+ Hẹp khe khớp: khe khớp hẹp không đồng đều, không hoàn toàn.

+ Đặc xương dưới sụn: xương dưới sụn viền đậm không đều.

+ Gai xương: gai xương ở phần rìa đầu xương, nơi tiếp giáp giữa xương và sụn.

Hình trái: khớp gối bình thường. Hình giữa: Khớp gối thoái hóa. Hình phải: phim chụp MRI cùng khớp hình giữa.
Hình trái: khớp gối bình thường. Hình giữa: Khớp gối thoái hóa. Hình phải: phim chụp MRI cùng khớp hình giữa.

Siêu âm khớp

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn, nhanh chóng, giúp khảo sát khớp trên nhiều mặt phẳng.

Trong thoái hóa khớp gối, siêu âm có thể phát hiện sớm các tổn thương sụn khớp, gai xương, viêm màng hoạt dịch tốt hơn khám lâm sàng và X-quang. Các tổn thương phát hiện trên siêu âm có liên quan đến triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra siêu âm còn có giá trị trong hướng dẫn chọc hút dịch, kén khoeo và theo dõi kết quả điều trị.

Chụp cắt lớp vi tính khớp (CT scanner)

Vai trò của CT cũng tương tự như X-quang trong đánh giá bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên CT là phương pháp hình ảnh 3 chiều và có thể sử dụng chất cản quang để đánh giá sụn khớp cũng như xương dưới sụn một cách chính xác hơn. Hiện nay, CT ít được chỉ định để chẩn đoán thoái hóa khớp nguyên phát, tuy nhiên có thể sử dụng CT để đánh giá những thay đổi của xương hoặc để lên kế hoạch phẫu thuật.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Cộng hưởng từ có thể đánh giá những thay đổi cấu trúc của toàn bộ khớp gối bệnh nhân ở ngay từ giai đoạn sớm khi chưa có tổn thương X-quang. Do đó, cộng hưởng từ được ứng dụng trong chẩn đoán sớm thoái hóa khớp gối, và để đánh giá tiến triển của bệnh và theo dõi kết quả điều trị.

Nội soi khớp

Nội soi vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá bệnh lý của sụn khớp và màng hoạt dịch. Nội soi có thể đánh giá trực tiếp những thay đổi cấu trúc của sụn khớp từ giai đoạn rất sớm đến giai đoạn muộn. Có thể kết hợp nội soi để sinh thiết màng hoạt dịch làm xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khớp khác. Ngoài ra nội soi rửa khớp đơn thuần hoặc kết hợp với nạo bỏ mô tổn thương trên bề mặt khớp có thể làm giảm triệu chứng đau một cách rõ rệt. Tuy nhiên, đây là phương pháp thăm dò xâm nhập và đòi hỏi trang bị kỹ thuật, do đó không phải dễ dàng thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế.

Các xét nghiệm khác

Xét nghiệm máu và sinh hoá: hầu như không có gì thay đổi. Số lượng bạch cầu và máu lắng có thể tăng nhẹ khi thoái hóa khớp có phản ứng viêm.

Dịch khớp: bình thường có màu vàng, độ nhớt bình thường hoặc giảm nhẹ, có 100 – 200 tế bào/1 mm3 (< 1000 tế bào/1 mm3), 50% là bạch cầu đa nhân trung tính, không có tế bào hình nho, lượng protein, mucin và bổ thể bình thường. Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp, tinh thể u rát âm tính.

Tóm lại các xét nghiệm cơ bản phải bình thường. Nếu có kết quả bất thường phải tìm nguyên nhân khác. Chẩn đoán thoái hoá khớp dựa vào dịch khớp là chẩn đoán loại trừ.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Nguyên tắc điều trị

  • Giảm đau trong các đợt tiến triển.
  • Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.
  • Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc. Lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Điều trị không dùng thuốc

Sự kết hợp của các phương thức điều trị bao gồm can thiệp không dùng thuốc và dùng thuốc vẫn là chìa khóa quan trọng trong điều trị thoái hóa khớp gối, bao gồm:8 12

  • Giảm cân nếu thừa cân.
  • Có một chương trình tập thể dục phù hợp (aerobic, các bài tập tăng cường sức đề kháng).
  • Tránh cho khớp và cột sống bị quá tải bởi vận động và trọng lượng. Có thể dùng nạng một hoặc hai bên khi cần.
  • Các biện pháp y học cổ truyền như châm, cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp giảm đau, phục hồi chức năng khớp.

Có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc đơn độc với các trường hợp thoái hóa khớp nhẹ. Nhưng phối hợp cả dùng thuốc và không dùng thuốc thường mang lại kết quả tốt hơn.

Điều trị dùng thuốc8 12

Paracetamol

Paracetamol được chỉ định là thuốc giảm đau đầu tay để điều trị thoái hóa khớp mức độ nhẹ – trung bình.

Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSADOA)

Nhóm SYSADOA bao gồm các thuốc glucosamine, chondroitin, diacerein và các chất không xà phòng hóa từ đậu nành/bơ (ASU).

Đây là thuốc đặc trưng bằng hiệu quả giảm đau tương đối trễ (1 – 2 tháng sau khi sử dụng) nhưng duy trì kéo dài ngay cả khi ngưng điều trị (sau vài tuần đến vài tháng).

Hiệp hội châu Âu về phương diện lâm sàng và kinh tế của loãng xương, thoái hóa khớp và bệnh cơ xương khớp (European Society for Clinical and Economic Aspects of Osteoporosis and Osteoarthritis – ESCEO) đã khuyến cáo bước đầu tiên trong điều trị thoái hóa khớp là nhóm SYSADOA, kèm hoặc không kèm với paracetamol.13 

  • Glucosamine

Glucosamine là chất nền chủ yếu trong cấu trúc sụn. Glucosamine ngoại sinh được sử dụng dưới dạng muối. Mặc dù tất cả các chế phẩm glucosamine có thể tuyên bố cung cấp glucosamine ở mức điều trị, nhưng không phải tất cả đều được chứng minh bởi các bằng chứng lâm sàng.

Chỉ có muối crystalline glucosamine sulfate kê toa (pCGS) được chứng minh là có hiệu quả trong các nghiên cứu. pCGS cũng có ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chức năng, và có bằng chứng về tác dụng giảm nhu cầu sử dụng thuốc khác và trì hoãn quá trình thay toàn bộ khớp bằng phẫu thuật.

  • Chondroitin

Chondroitin sulfat dạng dược phẩm là dạng chế phẩm được chứng minh bằng các nghiên cứu có tính hiệu quả tương đương thuốc giảm đau NSAIDs, lại có tác động có lợi trên cấu trúc khớp, được đánh giá bằng những thay đổi qua hình ảnh cộng hưởng từ. Chondroitin sulfate có tác dụng gia tăng sản xuất chất nền sụn và giảm nồng độ các enzyme tiêu hủy sụn khớp.

  • Piascledine

Piascledine là một hỗn hợp phức hợp của nhiều chất chiết xuất thực vật tự nhiên được lấy từ bơ và dầu đậu nành không xà phòng hóa. Cơ chế tác dụng thông qua ức chế các chất tiền viêm, và kích thích sản xuất yếu tố tăng trưởng giúp bảo vệ sụn khớp. Trong các nghiên cứu lâm sàng kéo dài từ 3 đến 6 tháng, một số cải thiện về đau, cứng khớp và chức năng hoạt động đã được chứng minh với piascledine, giúp giảm nhu cầu dùng thêm thuốc giảm đau.

  • Diacerein

Diacerein là một dẫn xuất anthraquinon có hoạt tính chống viêm. Thuốc có tác dụng bảo vệ sụn do làm giảm sản sinh các cytokin, NO, MMP là các chất gây hủy hoại tế bào sụn, đồng thời kích thích tế bào sụn tăng sinh, tăng tổng hợp proteoglycan, acid hyaluronic. Tuy nhiên, tính an toàn của diacerein đã được đặt ra sau các báo cáo về tiêu chảy nặng và các trường hợp hiếm gặp có khả năng gây độc gan nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân nên bắt đầu điều trị bằng một nửa liều bình thường và nên ngừng dùng diacerein nếu bị tiêu chảy.

Thuốc giảm đau không steroid (NSAID)

NSAID được chỉ định ở những bệnh nhân có biểu hiện đau vừa – nặng, khi không đáp ứng với paracetamol và SYSADOA. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, tăng huyết áp, suy tim,… có thể gặp phải ở những bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt khi đã có những bệnh lý nền về tim mạch, thận hoặc tiêu hóa.

Do nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ có thể xảy ra với tất cả các NSAID, ESCEO đã khuyến cáo vào năm 2014 rằng tất cả NSAID được sử dụng ở liều hiệu quả thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để kiểm soát cơn đau.13

Để cân nhắc về tính an toàn, NSAID tại chỗ có thể được sử dụng thay vì NSAID đường uống, đặc biệt ở bệnh nhân viêm khớp từ 75 tuổi và những người có bệnh đồng mắc hoặc có nguy cơ tăng tác dụng phụ lên tim mạch, tiêu hóa hoặc thận.

Tiêm nội khớp: axit hyaluronic và corticosteroid

Trong trường hợp chống chỉ định với NSAID, hoặc nếu bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mặc dù đã sử dụng NSAID, điều trị nội khớp có thể được xem xét.

Axit hyaluronic (HA) là chất bôi trơn bề mặt sụn khớp, có thể là một thay thế tốt cho NSAID đối với thoái hóa khớp gối, với tính an toàn cao hơn, đặc biệt là đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ cao bị tác dụng phụ do NSAID gây ra.

Bổ sung chất bôi trơn bằng axit hyaluronic là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh thoái hóa khớp gối với các tác dụng hữu ích giảm cơn đau, cải thiện chức năng vận động, có thể kéo dài đến 26 tuần. HA khởi phát tác dụng chậm, với hiệu quả giảm đau được chứng minh vào tuần thứ 4, đạt đỉnh điểm ở tuần thứ 8 và duy trì đến 6 tháng.

Corticosteroid tiêm khớp có hiệu quả hơn giả dược và axit hyaluronic trong thời gian ngắn hạn (2 – 4 tuần) và hiệu quả có thể cao hơn ở những bệnh nhân bị đau nặng, có dấu hiệu viêm tại chỗ. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể gặp như tăng đau sau tiêm, nhiễm khuẩn khớp gối, viêm màng hoạt dịch.

Opioid

Các lựa chọn thuốc bước cuối cho bệnh nhân có triệu chứng nặng bằng opioid yếu tác dụng ngắn, chẳng hạn như tramadol, có bằng chứng tốt về lợi ích giảm đau trong viêm khớp gối.

Opioid làm giảm đáng kể cường độ đau và có lợi ích nhỏ về chức năng. Tuy nhiên, opioid tăng nguy cơ tác dụng phụ đường tiêu hóa (khô miệng, loét miệng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, táo bón), hệ thần kinh trung ương (nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ) và các bệnh da liễu (phát ban hoặc ngứa).

Điều trị ngoại khoa8 12

Các biện pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn tác dụng, người bệnh bị hạn chế vận động nặng, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng gây ra khuyết tật trung bình và nặng thì điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc. Tùy vào tình trạng của người bệnh để chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như: nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.

  • Điều trị dưới nội soi khớp: rửa khớp, lấy bỏ các dị vật như mẩu sụn khớp bị bong, cắt bỏ sụn chêm bị tổn thương, gọt giũa bề mặt không đều của sụn.
  • Phẫu thuật đục xương, chỉnh trục, chêm lại khớp, gọt giũa xương, làm cứng khớp.
  • Phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo, thường chỉ định cho khớp háng, khớp gối và khớp vai.

Dự phòng thoái hóa khớp gối

Kiểm soát cân nặng

Duy trì BMI ở mức bình thường (18,5 – 23 kg/m2), tránh béo phì là điều quan trọng để phòng ngừa thoái hóa khớp. Thừa cân làm căng các khớp, đặc biệt là những khớp chịu trọng lượng của cơ thể như đầu gối, hông và khớp bàn chân, khiến sụn bị mài mòn.5 12 14

Thói quen sinh hoạt

Tránh mang vác vật nặng quá sức hoặc vận động mạnh đột ngột tạo áp lực cơ học quá mức lên khớp. Biết liệu sức khỏe và bệnh của mình để tránh làm bệnh nặng thêm.5

Hạn chế chấn thương

Bị chấn thương khớp khi còn trẻ có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp khi tuổi càng cao. Những người bị thương ở đầu gối khi trưởng thành có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao gấp 5 lần. Để tránh chấn thương khớp khi tập thể dục hoặc chơi thể thao, Viện Quốc gia về Bệnh khớp và Cơ xương và Da Hoa Kỳ khuyến cáo (the National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases – NIAMS):14

  • Tránh uốn cong đầu gối quá 90 độ khi thực hiện động tác gập nửa đầu gối.
  • Giữ bàn chân bằng phẳng nhất có thể trong khi kéo căng để tránh trẹo đầu gối.
  • Khi nhảy, tiếp đất với đầu gối cong.
  • Khởi động trước khi chơi thể thao, ngay cả những bài tập ít vận động hơn như chơi gôn.
  • Mang giày vừa vặn, giảm xóc tốt.
  • Tập thể dục trên bề mặt mềm nhất hiện có, tránh chạy trên đường nhựa và bê tông.

Nếu bị chấn thương khớp, phải được điều trị y tế kịp thời và thực hiện các bước để tránh tổn thương thêm. Chẳng hạn như điều chỉnh các chuyển động có tác động mạnh hoặc sử dụng nẹp để ổn định khớp.

Luyện tập thể dục

Chuyên gia khuyến nghị rằng người lớn nên tham gia các hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 150 phút/tuần. Mỗi phút hoạt động đều có giá trị và tham gia bất kỳ hoạt động nào vẫn tốt hơn là không có hoạt động nào.

Các hoạt động vừa phải, ít tác động mạnh được khuyến nghị bao gồm đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính khác như bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường.5 12 14

Thường xuyên luyện tập để phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Thường xuyên luyện tập để phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý gây tàn tật hàng đầu ở người cao tuổi. Một lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa thoái hóa khớp lâu dài. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường ở đầu gối, người bệnh cần đi khám ngay trước khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Arthritis of the Kneehttps://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/arthritis-of-the-knee/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  2. Osteoarthritis and Ageinghttps://www.emjreviews.com/rheumatology/article/osteoarthritis-and-ageing/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  3. Burden of major musculoskeletal conditionshttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/269026/PMC2572542.pdf

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  4. Osteoarthritis Symptomshttps://www.healthline.com/health/osteoarthritis-symptoms

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  5. Osteoarthritis (OA)https://www.cdc.gov/arthritis/basics/osteoarthritis.htm

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  6. Osteoarthritishttps://www.niams.nih.gov/health-topics/osteoarthritis

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  7. Everything You Need to Know About Osteoarthritis (OA)https://www.healthline.com/health/osteoarthritis

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  8. Osteoarthritishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoarthritis/

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  9. Primary Osteoarthritishttps://www.statpearls.com/ArticleLibrary/viewarticle/26374

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  10. Pathogenesis of Osteoarthritis: Risk Factors, Regulatory Pathways in Chondrocytes, and Experimental Modelshttps://www.mdpi.com/2079-7737/9/8/194/htm

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  11. BỘ Y TẾ - HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-cac-benh-co-xuong-khop.pdf

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  12. An updated algorithm recommendation for the management of knee osteoarthritis from the European Society for Clinical and Economic Aspects of Osteoporosis, Osteoarthritis and Musculoskeletal Diseases (ESCEO)https://www.esceo.org/sites/esceo/files/pdf/Bruyere_SemA%26R_KOA_2019.pdf

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người